Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Khi làm cho người đọc ý thức về sự thật, có khả năng nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt, thì văn chương đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu nhìn nhận và hoàn thiện nhiều mặt của nhân cách con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đó.
Phát hiện thứ nhất của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh là một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh, nơi anh đã dự tính bố cục, đã “phục kích” mấy buổi sáng để “chộp” được một cảnh thật ưng ý. Giây phút ấy đã tới, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: “trước mặt tôi là bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới… toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp… Tôi tưởng thấy chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Dường như trong hình ảnh về chiếc thuyền ngoài xa giữa trời biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mỹ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng mạn của cuộc đời.
Phát hiện thứ hai của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh lại đầy nghịch lý, nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Phùng đã từng có “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, anh đã từng chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, vậy mà hoá ra đằng sau cái đẹp “toàn bích… toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển xa lại chẳng phải là “đạo đức”, là “chân lý của sự toàn thiện”. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn và độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức, khổ đau. Phùng đã từng là người lính cầm súng chiến đấu để có vẻ đẹp thanh bình của thuyền biển mênh mông, anh không thể chịu được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lý và thô bạo. Nhưng anh chưa kịp xông ra thì thằng Phác, con lão đàn ông đã kịp tới để che chở cho người mẹ đáng thương. Chỉ đến lần thứ hai, khi lại phải chứng kiến cảnh ấy, Phùng mới thể hiện được bản chất người lính không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của toà án huyện, ở đó có chánh án Đẩu, bạn chiến đấu cũ của anh. Phùng cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, xấu xa, những bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu mà anh dày công chụp được bỗng hiện hình thật khủng khiếp, ghê sợ.
Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời, nó giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lý. Bề ngoài đó là một người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu, bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, vậy mà vẫn nhất quyết gắn bó với lão đàn ông vũ phu ấy. Chỉ qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hy sinh của bà là tình thương vô bờ với những đứa con: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có những người đàn ông ở thuyền để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa… phải sống cho con chứ không thể sống cho mình…”. Nếu hiểu sự việc một cách đơn giản, chỉ cần yêu cầu người đàn bà bỏ chồng là xong. Nhưng nếu nhìn vấn đề một cách thấu suốt sẽ thấy suy nghĩ và xử sự của bà là không thể khác được. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no… trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”; “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn…”. Qua câu chuyện của người đàn bà càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.
Tư tưởng nghệ thuật đó của Nguyễn Minh Châu thấm sâu trong hầu hết các nhân vật của truyện ngắn: người đàn bà vùng biển, lão đàn ông độc ác, chị em thằng Phác, người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách phiếm định. Tuy không có tên tuổi cụ thể, chỉ là một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. Trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Bà thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”, bà coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên. “Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài” – một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hy sinh.
Có lẽ cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh bao nhiêu lo toan, cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào thấy khổ quá là lão đánh vợ, đánh như để giải toả uất ức, để trút cho sạch nỗi tức tối, buồn phiền: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Trong đời vẫn có những kẻ như thế, nói như Nam Cao trước kia, chỉ để thoả mãn lòng ích kỷ, chúng tự cho mình cái quyền được hành hạ mọi người. Lão đàn ông “chân chữ bát”, “mái tóc tổ quạ”, “hai con mắt đầy vẻ độc dữ”, vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho chính những người thân của mình.
Trong một gia đình mà bố mẹ có chuyện lục đục, đáng thương nhất là những đứa trẻ. Chúng bị đẩy vào tình thế thật khó xử: biết đứng về phía ai, biết làm thế nào để trọn đạo làm con? Chị thằng Phác, một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, không cho nó làm một việc trái với luân thường đạo lý. Chắc trong lòng cô bé tan nát vì đau đớn: bố điên cuồng hành hạ mẹ; chỉ vì thương mẹ mà thằng em định cầm dao ngăn bố… Cô bé lúc ấy là điểm tựa vững chắc của người mẹ đáng thương, cô đã hành động đúng khi cản được việc làm dại dột của đứa em, lại biết chăm sóc, lo toan khi mẹ phải đến toà án huyện. Còn thằng Phác lại thương mẹ theo kiểu một đứa con còn nhỏ, theo cái cách một đứa con trai vùng biển: nó “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”, nó “tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Mặc dù thật khó chấp nhận kiểu bảo vệ mẹ của nó, nhưng hình ảnh thằng Phác vẫn khiến người ta cảm động bởi tình thương mẹ dạt dào.
Vốn là người lính chiến từng vào sinh ra tử, Phùng căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra ngay sau cảnh đẹp chiếc thuyền ngoài xa là sự bạo hành của cái xấu, cái ác. Mới đầu, chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ và người vợ nhẫn nhục chịu đựng, Phùng hết sức “kinh ngạc”, anh “há mồm ra mà nhìn”, rồi sau như một phản xạ tự nhiên, anh “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Hành động ấy nói được nhiều điều. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.
Ở tác phẩm này, nét độc đáo trong xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu là cách tạo tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Nếu coi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, trong cuộc đời con người, thì với Phùng, việc chứng kiến lão đàn ông đánh vợ là một sự kiện như thế. Trước đó, Phùng nhìn đời bằng con mắt của một nghệ sĩ, anh rung động, say mê trước vẻ đẹp “trời cho” của thuyền biển sớm mai. Chính trong giây phút tâm hồn thăng hoa những cảm xúc lãng mạn nhất, anh bất ngờ chứng kiến đôi vợ chồng từ con thuyền “thơ mộng” bước xuống, rồi lão đàn ông đánh vợ một cách dã man và vô lý. Tình huống đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ, hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha với mẹ. Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có cách nhìn đời khác hẳn. Anh thấy rõ những cái ngang trái trong gia đình thuyền chài ấy, hiểu sâu thêm tính cách người đàn bà, chị em thằng Phác, hiểu sâu thêm bản chất người đồng đội của mình (Đẩu) và hiểu thêm chính mình. Tình huống truyện đã được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn nữa để phát hiện tính cách con người, phát hiện sự thật cuộc đời.
Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này cũng rất đáng chú ý. Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ các nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người: giọng điệu lão đàn ông thật thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tằn, hung bạo; những lời của người đàn bà thật dịu dàng và xót xa khi nói với con, thật đớn đau và thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận của mình; những lời của Đẩu ở toà án huyện rõ là giọng điệu của một người tốt bụng, nhiệt thành… Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề- tư tưởng của truyện ngắn.
Có thể thấy cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 là cảm hứng anh hùng cách mạng, còn sau năm 1975 là cảm hứng về nhân cách con người, là hành trình “khám phá con người bên trong con người” (Bakhtin). Theo mạch cảm hứng ấy, năm 1982 Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn Bức tranh; trong ý nghĩ tự phán xét, nhân vật hoạ sĩ đã vẽ một bức chân dung tự hoạ nhằm thể hiện “khuôn mặt bên trong của chính mình”. Đáng lưu ý là, nếu trong truyện Bức tranh, Nguyễn Minh Châu hướng cái nhìn nghệ thuật vào thế giới nội tâm thì trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu lại hướng cái nhìn nghệ thuật ra thế giới bên ngoài, ra cuộc sống đời thường. Nếu truyện Bức tranh là sự tự nhận thức, tự phê phán của con người dưới ánh sáng của lương tâm, đạo đức, thì truyện Chiếc thuyền ngoài xa là sự nhận thức và phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống thường ngày. Cả hai tác phẩm đều được viết dưới sự chỉ đạo của quan điểm nghệ thuật: chỉ ra mặt xấu, mặt tối để góp phần hoàn thiện nhân cách con người, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, truyện Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng, thật đúng như Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”
Đoàn Đức Phương
Phát hiện thứ nhất của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh là một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh, nơi anh đã dự tính bố cục, đã “phục kích” mấy buổi sáng để “chộp” được một cảnh thật ưng ý. Giây phút ấy đã tới, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: “trước mặt tôi là bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới… toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp… Tôi tưởng thấy chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Dường như trong hình ảnh về chiếc thuyền ngoài xa giữa trời biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mỹ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng mạn của cuộc đời.
Phát hiện thứ hai của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh lại đầy nghịch lý, nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Phùng đã từng có “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, anh đã từng chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, vậy mà hoá ra đằng sau cái đẹp “toàn bích… toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển xa lại chẳng phải là “đạo đức”, là “chân lý của sự toàn thiện”. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn và độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức, khổ đau. Phùng đã từng là người lính cầm súng chiến đấu để có vẻ đẹp thanh bình của thuyền biển mênh mông, anh không thể chịu được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lý và thô bạo. Nhưng anh chưa kịp xông ra thì thằng Phác, con lão đàn ông đã kịp tới để che chở cho người mẹ đáng thương. Chỉ đến lần thứ hai, khi lại phải chứng kiến cảnh ấy, Phùng mới thể hiện được bản chất người lính không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của toà án huyện, ở đó có chánh án Đẩu, bạn chiến đấu cũ của anh. Phùng cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, xấu xa, những bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu mà anh dày công chụp được bỗng hiện hình thật khủng khiếp, ghê sợ.
Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời, nó giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lý. Bề ngoài đó là một người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu, bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, vậy mà vẫn nhất quyết gắn bó với lão đàn ông vũ phu ấy. Chỉ qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hy sinh của bà là tình thương vô bờ với những đứa con: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có những người đàn ông ở thuyền để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa… phải sống cho con chứ không thể sống cho mình…”. Nếu hiểu sự việc một cách đơn giản, chỉ cần yêu cầu người đàn bà bỏ chồng là xong. Nhưng nếu nhìn vấn đề một cách thấu suốt sẽ thấy suy nghĩ và xử sự của bà là không thể khác được. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no… trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”; “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn…”. Qua câu chuyện của người đàn bà càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.
Tư tưởng nghệ thuật đó của Nguyễn Minh Châu thấm sâu trong hầu hết các nhân vật của truyện ngắn: người đàn bà vùng biển, lão đàn ông độc ác, chị em thằng Phác, người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách phiếm định. Tuy không có tên tuổi cụ thể, chỉ là một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. Trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Bà thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”, bà coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên. “Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài” – một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hy sinh.
Có lẽ cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh bao nhiêu lo toan, cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào thấy khổ quá là lão đánh vợ, đánh như để giải toả uất ức, để trút cho sạch nỗi tức tối, buồn phiền: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Trong đời vẫn có những kẻ như thế, nói như Nam Cao trước kia, chỉ để thoả mãn lòng ích kỷ, chúng tự cho mình cái quyền được hành hạ mọi người. Lão đàn ông “chân chữ bát”, “mái tóc tổ quạ”, “hai con mắt đầy vẻ độc dữ”, vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho chính những người thân của mình.
Trong một gia đình mà bố mẹ có chuyện lục đục, đáng thương nhất là những đứa trẻ. Chúng bị đẩy vào tình thế thật khó xử: biết đứng về phía ai, biết làm thế nào để trọn đạo làm con? Chị thằng Phác, một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, không cho nó làm một việc trái với luân thường đạo lý. Chắc trong lòng cô bé tan nát vì đau đớn: bố điên cuồng hành hạ mẹ; chỉ vì thương mẹ mà thằng em định cầm dao ngăn bố… Cô bé lúc ấy là điểm tựa vững chắc của người mẹ đáng thương, cô đã hành động đúng khi cản được việc làm dại dột của đứa em, lại biết chăm sóc, lo toan khi mẹ phải đến toà án huyện. Còn thằng Phác lại thương mẹ theo kiểu một đứa con còn nhỏ, theo cái cách một đứa con trai vùng biển: nó “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”, nó “tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Mặc dù thật khó chấp nhận kiểu bảo vệ mẹ của nó, nhưng hình ảnh thằng Phác vẫn khiến người ta cảm động bởi tình thương mẹ dạt dào.
Vốn là người lính chiến từng vào sinh ra tử, Phùng căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra ngay sau cảnh đẹp chiếc thuyền ngoài xa là sự bạo hành của cái xấu, cái ác. Mới đầu, chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ và người vợ nhẫn nhục chịu đựng, Phùng hết sức “kinh ngạc”, anh “há mồm ra mà nhìn”, rồi sau như một phản xạ tự nhiên, anh “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Hành động ấy nói được nhiều điều. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.
Ở tác phẩm này, nét độc đáo trong xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu là cách tạo tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Nếu coi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, trong cuộc đời con người, thì với Phùng, việc chứng kiến lão đàn ông đánh vợ là một sự kiện như thế. Trước đó, Phùng nhìn đời bằng con mắt của một nghệ sĩ, anh rung động, say mê trước vẻ đẹp “trời cho” của thuyền biển sớm mai. Chính trong giây phút tâm hồn thăng hoa những cảm xúc lãng mạn nhất, anh bất ngờ chứng kiến đôi vợ chồng từ con thuyền “thơ mộng” bước xuống, rồi lão đàn ông đánh vợ một cách dã man và vô lý. Tình huống đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ, hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha với mẹ. Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có cách nhìn đời khác hẳn. Anh thấy rõ những cái ngang trái trong gia đình thuyền chài ấy, hiểu sâu thêm tính cách người đàn bà, chị em thằng Phác, hiểu sâu thêm bản chất người đồng đội của mình (Đẩu) và hiểu thêm chính mình. Tình huống truyện đã được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn nữa để phát hiện tính cách con người, phát hiện sự thật cuộc đời.
Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này cũng rất đáng chú ý. Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ các nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người: giọng điệu lão đàn ông thật thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tằn, hung bạo; những lời của người đàn bà thật dịu dàng và xót xa khi nói với con, thật đớn đau và thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận của mình; những lời của Đẩu ở toà án huyện rõ là giọng điệu của một người tốt bụng, nhiệt thành… Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề- tư tưởng của truyện ngắn.
Có thể thấy cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 là cảm hứng anh hùng cách mạng, còn sau năm 1975 là cảm hứng về nhân cách con người, là hành trình “khám phá con người bên trong con người” (Bakhtin). Theo mạch cảm hứng ấy, năm 1982 Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn Bức tranh; trong ý nghĩ tự phán xét, nhân vật hoạ sĩ đã vẽ một bức chân dung tự hoạ nhằm thể hiện “khuôn mặt bên trong của chính mình”. Đáng lưu ý là, nếu trong truyện Bức tranh, Nguyễn Minh Châu hướng cái nhìn nghệ thuật vào thế giới nội tâm thì trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu lại hướng cái nhìn nghệ thuật ra thế giới bên ngoài, ra cuộc sống đời thường. Nếu truyện Bức tranh là sự tự nhận thức, tự phê phán của con người dưới ánh sáng của lương tâm, đạo đức, thì truyện Chiếc thuyền ngoài xa là sự nhận thức và phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống thường ngày. Cả hai tác phẩm đều được viết dưới sự chỉ đạo của quan điểm nghệ thuật: chỉ ra mặt xấu, mặt tối để góp phần hoàn thiện nhân cách con người, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, truyện Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng, thật đúng như Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”
Đoàn Đức Phương