Những đòi hỏi khắt khe về người nhạc trưởng khiến cho ngành Chỉ huy (gồm Chỉ huy hợp xướng và Chỉ huy dàn nhạc) thực sự hiếm thí sinh thi vào.
Nhân tài như... lá thu
Ông Đặng Huy Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Nhạc viện TP.HCM cho biết nhạc viện không hề đề ra chỉ tiêu bởi ngành này số người thi và đỗ vào chỉ “nhỉnh” hơn con số 5 và vì tuyển người cốt tuyển được người thực sự giỏi.
Đòi hỏi về người nhạc trưởng khắt khe vì họ đóng vai trò rất quan trọng để mang lại thành công cho buổi biểu diễn. Nguồn: TuanVietNam.net “Thông thường, mỗi khóa tuyển sinh đông nhất là khoảng 8 thí sinh đăng ký dự thi, ít hơn thì là 4 - 5 thí sinh nhưng số đạt yêu cầu đầu vào thường rất ít. Có khóa bậc Trung cấp chỉ trúng tuyển 1 em, đại học 2 em…” - NSƯT Hoàng Điệp, Chủ nhiệm bộ môn Chỉ huy tâm sự.
NSƯT Hoàng Điệp giải thích: So với các bộ môn Sáng tác và Lý luận, bộ môn Chỉ huy có đặc thù riêng là chuyên về biểu diễn, dàn dựng chương trình và tiết mục, hay nói một cách khác là mang tính thực hành nhiều hơn. Có lẽ, do đặc điểm yêu cầu về khả năng “diễn tấu” nhiều hơn Sáng tác và Lý luận nên số thí sinh thi vào 2 chuyên ngành này thường ít hơn.
Tương tự, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, ở hệ ĐH, hàng năm chỉ tuyển được 1 - 2 người vào chuyên ngành Chỉ huy (thuộc ngành Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy). Học viện Âm nhạc Huế cũng chỉ tuyển được cao lắm là 5 người/năm.
Có năm, cả hai học viện đều không tuyển được người nào. Bởi những yêu cầu căn bản về nghề như khả năng nghe, tư duy tổng hợp... đến thí sinh đã học sơ cấp, trung cấp nhạc viện hoặc các nhạc công chuyên nghiệp đều không thể có.
Tự hào được học làm “tướng”
Những người đã đậu và học ở học viện hay nhạc viện đều rất tự hào, tự hào không chỉ họ là “người hiếm” mà còn vì họ đã trải qua được những đòi hỏi khắt khe của ngành này.
Vương Đạt Thiên Chương, SV năm thứ 4 chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng, Nhạc viện TP.HCM cho biết để học tới bây giờ, tổng cộng anh trải qua 11 năm học ở Nhạc viện. Vì yêu thích ngành Chỉ huy hợp xướng, Chương bỏ 3 năm để học trung cấp ngành này để có thể học lên ĐH. Mặc dù, trước đó, Chương đã mất 4 năm học thanh nhạc.
Sự kì diệu của "chiếc đũa thần" trong tay Nhạc trưởng nổi tiếng Tetsuji Honna.
nguồn: Nhacvietplus.com.vn
nguồn: Nhacvietplus.com.vn
“Ban đầu đứng trước đám đông mình hơi khớp một chút. Tuy nhiên, cảm giác được thực hành với người thật thấy sống động và rất thích” - Chương chia sẻ.
Còn với Trần Thị Việt Nhân, SV năm thứ 3, chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng tại Nhạc viện TP.HCM tự hào khẳng định “không sợ thất nghiệp” khi học ngành này.
Mặc dù là nữ nhưng cô gái quê tận Phú Yên vẫn không ngần ngại khi chọn ngành này. Bởi theo Nhân, ngành này gần gũi và học được nhiều kiến thức. Lúc ra trường không được làm nhạc trưởng cũng có thể làm giảng viên.
Theo cô, nữ nhạc trưởng vẫn có cái “uy” đặc biệt của họ, đó là khả năng thu hút đám đông tự thân họ có. Nhân tâm sự: “Đứng trước đám đông mình rất nhát. Nhưng với âm nhạc thì khác, trước đám đông để chỉ huy hợp xướng mình mạnh dạn hơn. Âm nhạc đã ăn trong máu rồi”.
Nói về tương lai, Nhân mong rằng cô sẽ có dịp được chỉ huy hợp xướng khi ra trường. Cô cho rằng, những buổi biểu diễn như thế ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhiều để cô có thể thực hiện mong ước đó.
Sinh viên theo học 2 chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng và Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện TP.HCM, ngoài những môn kiến thức chung bắt buộc phải học còn phải nắm vững các môn kiến thức chuyên ngành như: đọc tổng phổ Hợp xướng, đọc tổng phổ Dàn nhạc, Tính năng nhạc cụ và Phối khí, Tính năng giọng và Phối âm cho Hợp xướng, Phương pháp sư phạm âm nhạc… Đặc biệt, chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc chỉ có ở bậc đại học và cao học; còn Chỉ huy hợp xướng thì có cả bậc trung học, đại học và cao học.
Trong quá trình theo học 2 chuyên ngành này, đối với SV theo học Chỉ huy hợp xướng sẽ phải thực tập làm việc với hợp xướng thiếu nhi hệ 7 và 9 năm, hợp xướng thanh nhạc hệ 4 năm; đối với SV theo học Chỉ huy dàn nhạc thì phải thực tập với các dàn nhạc hòa tấu khác nhau như: Hòa tấu Organ điện tử, Hòa tấu dàn nhạc thính phòng của sinh viên Nhạc Viện, Hòa tấu Kèn – Gõ, Hòa tấu Dàn nhạc Dân tộc…
Theo NSƯT Hoàng Điệp, đối với Việt Nam kiến thức của trường lớp chỉ là nền tảng, chính sự đam mê, tính năng động và sáng tạo mới là yếu tố quyết định sự thành công và trụ được với nghề nhạc trưởng.
Nhu cầu cao
Nhìn vào số lượng người thi và học quá ít, người ta dễ nghĩ đến chất lượng đào tạo không tốt, nhu cầu việc làm không cao, khả năng thất nghiệp lớn... của ngành này.
Ngược lại, nói đến giảng viên, sinh viên ngành này được “chăm” khá kỹ bởi hầu hết những nghệ sĩ có tên tuổi như: GS.TS - NSND Quang Hải, NSƯT Bình Trang, NSND Trọng Bằng, NSƯT Nguyễn Hoà Bình, PGS - NSƯT Minh Cầm, Th.s - NSƯT Hoàng Điệp…
Ông Nguyễn Thế Tuân, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Âm nhạc Quốc gia cho rằng sinh viên học ngành này khi ra trường sẽ có việc làm rất tốt. Vì ngoài làm nhạc trưởng, sinh viên còn có thể làm nhiều việc khác.
Những công việc SV có thể đảm nhận khi ra trường như: Giảng viên dạy Chỉ huy hợp xướng bậc trung học 4 năm, giảng viên dạy nhạc tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các trường phổ thông, biên tập viên cho các báo, đài truyền hình và phát thanh, phóng viên chuyên mục văn hóa – nghệ thuật, người chuyên dàn dựng các chương trình và tiết mục cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên…
Theo ông Mai Anh, Phó phòng Đào tạo Học viện Âm nhạc Huế, sinh viên ngành này còn có thể công tác tại các sở, phòng văn hóa... Đặc biệt, tại các trường CĐ sư phạm hiện nay đang rất thiếu giảng viên có chuyên ngành chỉ huy. Ông nói thêm rằng ngành này trên cả nước chỉ có 3 nơi đào tạo, người học rất ít nên nhiều nơi rất cần người chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng.
Nhạc trưởng, NSƯT Hoàng Điệp: Nữ nhạc trưởng thành danh hiếm hoi của Việt Nam
Ngay từ thời sinh viên(1980) theo học ở Trường Sư phạm âm nhạc Gnhesyn (Moscow), tôi đã định hướng tương lai cho mình, đó là: Khi còn trẻ, sức khỏe tốt thì phải phát huy mặt biểu diễn, phải năng động trong việc dàn dựng nhiều chương trình với nhiều phong cách khác nhau; mặt khác phải chuẩn bị cho mình khi tuổi đã lớn không thể xuất hiện nhiều trước công chúng nữa thì nên là người giảng viên âm nhạc giàu kinh nghiệm, có thể truyền cho thế hệ mai sau những bài học từ “người thật, việc thật” sẽ hiệu quả hơn…
Trước hết, phải hiểu “Nhạc trưởng là 1 nghề” gắn liền với sự tồn tại và phát triển của tác phẩm Âm nhạc. Nhạc trưởng là 1 yếu tố quan trọng góp phần cho sự thành công của 1 tác phẩm, 1 chương trình hay 1 công trình nghệ thuật âm nhạc. Người Nhạc trưởng cần có những “tố chất” và những điều kiện sau đây:Có trình độ chuyên môn (được đào tạo chính quy, có kiến thức nghề nghiệp và kiến thức âm nhạc tổng hợp, biết đàn ít nhất một nhạc cụ và bắt buộc phải biết chơi piano và biết hát đúng giọng), tính độc lập, sáng tạo, uy tín, bản lĩnh, đam mê, có sức khỏe, có cái tâm và cái tầm với nghề.
Một yếu tố quan trọng khác đó là có phương pháp sư phạm và kỹ năng truyền đạt: Cách ứng xử giao tiếp, giọng nói rõ ràng, mạch lạc, tai nghe nhạy và chính xác, Mắt nhìn cởi mở và tự tin, Tư duy nhạy bén,...
Hiện nay, số Nhạc trưởng trẻ của Việt Nam được đào tạo chính qui trong và ngoài nước còn rất ít. Lực lượng này chưa thật đủ để có thể dàn dựng những chương trình mang qui mô lớn và thật sự chuyên nghiệp. Phải chăng cũng do “đặc thù” của nghề nghiệp và điều kiện phát triển nhạc Hàn lâm ở Việt Nam còn nhiều chuyện đáng bàn khiến cho những Nhạc trưởng trẻ ở nước ngoài như Lê Phi Phi, Bội Cơ thì chưa thể về nước sống và làm việc?! Còn những Nhạc trưởng khác trong nước như Châu Anh, Đỗ Kiên Cường, Trần Nhật Minh, Nguyễn Anh Sơn thì chưa thật đủ lực để có điều kiện “dụng võ” (?!) theo đúng nghĩa.
Thế mới thấy, đầu tư chất xám về âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam là một việc không dễ chút nào!
- Minh Quyên