• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chỉ cần một chữ thôi

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Chỉ cần một chữ thôi

Đó là chữ "trí" trong đúc kết mang tính quy luật về sự hưng thịnh của một quốc gia từ lời khuyến cáo của cụ Lê Quý Đôn "phi nông bất ổn", "phi công bất phú", "phi thương bất hoạt", "phi trí bất hưng".

Điều cần lưu ý là ở đây là, nhà bác học Việt Nam khi tổng kết ý kiến của nhiều bậc thức giả phương Đông bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia, đã xếp chữ "trí" vào cuối, khác với trật tự xếp hạng tứ dân đặt lên hàng đầu trong thang bậc giá trị: "sĩ, nông, công, thương".

Sự diễn đạt cực kỳ hàm súc mà hết sức chuẩn khi bàn về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp với chữ "ổn", chữ "phú" và chữ "hoạt" đã giữ vai trò như thế nào trong sự phát triển của một quốc gia, xét thật kỹ, là rất khoa học và khá "hiện đại". Càng kiệm lời, kiệm chữ càng nổi rõ lên vai trò không thể thay thế được của các ngành sản xuất và những con người, chủ thể của những hoạt động ấy. Cách sắp xếp như vậy thể hiện rõ cái logic trong tư duy về kinh tế và xã hội.

Dân gian nói một cách dung dị "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ" để rồi các nhà thông thái đưa ra luận điểm "có thực mới vực được đạo". Nói chữ nghĩa ra như Mạnh Tử thì "có hằng sản mới có hằng tâm" và giải thích kỹ thế nào là "hằng sản", thế nào là "hằng tâm" để rồi cuối cùng thì khẳng định: "không có hằng tâm thì phóng túng, gian dối, bậy bạ, chẳng cái gì là chẳng làm, đến khi phạm pháp thì thì người cầm quyền vin vào đó mà chém giết họ, như vậy không khác gì đặt lưới mà bẫy họ" [Mạnh Tử. Đằng Văn Công. Thượng]. Thế là với Mạnh Tử, thì "hằng sản" để "hằng tâm", có "hằng tâm" thì "hằng sản" mới đem lại sự hưng thịnh cho một quốc gia.

Nói theo ngôn từ hiện đại phải chăng là: văn hóa, đời sống tinh thần vừa là mục tiêu, vừa là động lực của kinh tế? Càng ngày, người ta càng thấy rõ sức mạnh văn hóa mới là yếu tố quyết định của sự phát triển bền vững đất nước. Hồ Chí Minh thì nói đơn giản hơn nhưng là một khái quát mang tính nguyên lý: "Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ". Mặt khác, "ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Hạnh phúc và tự do thuộc phạm trù văn hóa!

Xem thế thì cụ Lê Quý Đôn đặt chữ "trí" vào cuối để khẳng định rằng "phí trí bất hưng" quả là chí lý: ổn định, giàu có và năng động của đời sống kinh tế, xã hội là tiền đề của sự hưng thịnh của một quốc gia. Ở đây nổi bật lên vai trò của trí thức. Chuyện này có lẽ ai cũng thấy. Thông điệp cực kỳ thiết tha của ông cha ta khắc trên văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng tại Văn Miếu cũng là "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".


LAD-tri_1325583005.jpg


Ảnh minh họa: LAD


Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, triều đại nào biết quý trọng trí thức, quy tụ và phát huy được sức mạnh trí tuệ trong tầng lớp tinh hoa của dân tộc, triều đại ấy hưng thịnh. Ngược lại là suy vong. Vì thế, đã là "đế vương, thánh minh" thì phải hết lòng quy tụ và phát huy vai trò của kẻ sĩ. Ngạo ngược như Lưu Bang nhà Hán, dám đái vào mũ nhà Nho để biểu thị sự coi thường kẻ sĩ, lại dám phách lối: "Bố mày ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ, đâu phải cần gì đến nhà Nho". Thế nhưng rồi, để xác lập vẻ uy nghiêm của ngôi thiên tử và trật tự ổn định của thể chế, Hán Cao Tổ cuối cùng rồi cũng phải tôn Nho, chiêu mộ kẻ sĩ.

Đấy là chuyện phương Đông, còn chuyện phương Tây có thể kể ra cuộc gặp gỡ giữa Diogenes, nhà hiền triết Hy Lạp và Alexandros Đại đế. Chuyện kể rằng, trong khi Diogenes đang nằm thư giãn dưới ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, Alexandros hồi hộp đến gặp triết gia nổi tiếng. Và ngài hỏi: "Có việc gì mà người cai trị toàn thế giới này có thể làm cho ông không"? Diogenes trả lời : "Vâng, xin ông đứng tránh qua một bên, để ánh mặt trời không bị che khuất". Thế rồi Alexandros nói với tả hữu rằng: "Các Ngươi cứ cười nếu muốn, nhưng nếu Ta không phải là Alexandros thì Ta muốn được làm Diogenes ".

Hiểu được giá trị của mình, giữ mình trung chính, tự tôn tự trọng, đó là đặc điểm nổi bật của người trí thức. Sau Diogenes gần một trăm năm, Mạnh Tử cũng có ứng xử tương tự bằng một quan điểm rất rành mạch: "Họ cậy tước của họ, ta cậy đức của ta. Ta có gì thua kém họ?". Đông- tây kim-cổ, người có thực tài và là người trí thức chân chính đều cùng gặp nhau trong cách ứng xử với cuộc đời, với xã hội, với tầng lớp cầm quyền. Và chỉ người cầm quyền có trí tuệ và có bản lĩnh mới có thể chấp nhận được điều đó. Mà thông thường, chỉ thời thịnh trị mới chứng kiến được chuyện đó, còn vào mạt kỳ của mỗi triều đại thì khó thấy.

Cầu hiền


Xin dẫn ra đây chiếu chỉ cầu hiền của Lê Thái Tổ: "Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước...Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người tài không chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được?...Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài". Phải tầm cỡ văn tài và đức độ của Nguyễn Trãi mới soạn nổi tờ chiếu đó. Dự phòng tránh chuyện "đem ngọc bán rao" là để chạm được đến chỗ sâu kín trong tâm lý tự trọng của "kẻ sĩ", đòi hỏi sự uyên bác của nhà văn hóa lớn đi liền với sự trải nghiệm sâu sắc của nhà chính trị lớn mới thấu được điều đó.

Bởi vì, xưa nay kẻ sĩ có thực tài và biết tự trọng thường chọn cách ứng xử "dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng" (được dùng thì ra làm việc, không được dùng thì lui về). Mà quyết định chuyện "xuất" và "xử" thì gắn liền với thời cuộc. "Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn", có đạo thì ra, vô đạo thì ẩn. Vì rằng, "gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng thẹn, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn". "Thiên hạ hữu đạo" là thời thịnh trị, "thiên hạ vô đạo" là thời suy vong, tan rã của một triều đại. Lật lại lịch sử nước nhà, điều ấy hiện rõ trên từng trang.

Ở vào thời thịnh, đâu chỉ một chiếu cầu hiền của Lê Thái Tổ!

Trước đó non năm trăm năm, Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Lý chép: Bính Thìn (Thái Ninh) năm thứ 5 [1076]. Lý Nhân Tông [1072 - 1127], xuống chiếu cầu hiền. Sử gia Lê Tung viết trong "Việt Giám thông khảo tổng luận": "Nhân Tông tính trời nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi tiến sỹ, có quan hầu kinh diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khoá, ít phu dịch cho nên thân được hưởng thái bình, dân trở nên giàu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi nối đời thái bình vậy.....".

Nghĩ kỹ ra, "mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khoá, ít phu dịch" có cái logic nội tại của chúng: có cái này mới có cái kia. Không "mở đường nói" mà chỉ tìm cách đóng miệng người nói trái ý mình, bịt miệng dân thì làm sao mà "cầu hiền" đặng! Không "nghe lời can" thì làm sao mà thực thi được chuyện "nhẹ thuế khóa, ít phu dịch" cho dân được. Vì sao? Vì xu hướng mở rộng đến tối đa quyền lực đã có trong tay, đi đến chỗ chuyên quyền, lạm quyền là thói quen khó bỏ của người cầm quyền. Vì thế, "nghe lời can", thường là lời nói thẳng, thật không dễ! Bởi vậy mới có câu "trung ngôn nghịch nhĩ"!

Sau đó gần năm trăm năm, vị vua thứ hai thời kỳ hưng thịnh của Nhà Nguyễn, Minh Mạng [1791 - 1841], cũng tuyên ngôn "Đạo trị nước phải gây dựng nhân tài". Nhà vua cảnh báo: "Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm, Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử-nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau phải dần dần đổi lại". [Việt Sử Toàn Thư, tr. 420]

Sự cảnh báo "Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi" cũng đã nói lên cái logic nội tại của giáo dục và nhân tài. Nhìn thấu được cái logic nội tại đó phải là người có trí tuệ và bản lĩnh. Bản thân vua Minh Mạng là một học giả, đã từng làm thơ, soạn sách văn học, khuyến khích biên soạn các loại sách sử, nhất là các sách sử, địa. Các bộ sách quý như: Gia Định thành thông chí, Lịch Triều Hiến Chương loại chí,... đều ra đời dưới thời Minh Mạng. Chẳng những thế trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và cải cách của vua Minh Mạng năm 1831 - 1832 là hai cải cách hành chính có qui mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất [theo Phan Huy Lê].Thì ra, muốn "cầu hiền" không chỉ phải tâm thành mà còn phải có bản lĩnh và tầm nhìn!

Ở đây, ý tưởng của nhà vua bắt gặp được ý tưởng của những bậc danh nho từng nêu ra. Ngô Thì Sĩ (1726-1780) đã từng lo lắng tâu lên nhà vua về cách dạy và cách học "nếu không một phen chấn chỉnh, thay đổi hẳn nếp cũ, thần e rằng trong vài chục năm nữa sẽ rơi vào con đường ti tiện". Ông đòi hỏi "kẻ đi học phải bỏ lối tầm chương trích cú, mà theo đuổi học rộng biết nhiều". Một trong "năm người tài giỏi" (An Nam ngũ tuyệt) thời bấy giờ, Nguyễn Hành (1771-1824), thì yêu cầu cách học phải thiết thực, gắn với đời sống đất nước: "Tôi thường đọc sách của người xưa, tìm hiểu việc làm của người xưa, nói không hết lòng ngưỡng mộ. Nhưng mơ tưởng về người xưa, sao bằng mắt thấy tai nghe về đời này, cầu ở nước ngoài sao bằng tìm ở nước nhà...". ...Liệu đây có phải là một minh chứng cho câu "minh quân lương tướng tao phùng dị"?.

Có thể dẫn thêm câu chuyện về vua Thành Thái với Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm. Trong buổi triều kiến các hiền tài vừa thi đỗ đại khoa, ông vua có bản lĩnh và không chịu khuất phục bôn thực dân cướp nước ấy đã yêu cầu họ hiến kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc16 chữ thâm thúy :


Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy

Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy.

(Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp
Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.)


Rõ ràng đây không là một khuyến cáo tường minh về sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước.

Kẻ sĩ với sự hưng thịnh của đất nước

Tôn trọng tài năng hay ưa thích xiểm nịnh thì đời nào chẳng có! Vì thế, "đường lối tìm người tài không chỉ có một phương". Về điều này người ta hay nhắc đến chuyện Lưu Bị cầu Khổng Minh. Trong cuộc tranh bá đồ vương, người tài đi tìm được minh chủ quả thật là khó. Các bậc danh sĩ trong thiên hạ thường tìm cách ẩn mình để nghe ngóng, chờ thời, chờ người. Muốn cầu người hiền, Lưu Bị phải ba lần gội tuyết, đội gió đến lều cỏ của Khổng Minh là vì thế. Mà đâu chỉ một Khổng Minh. Chỉ riêng trên đất Dĩnh, nơi Khổng Minh ở ẩn, cũng đã có đến bốn người tài, trong đó có Từ Thứ, đấy là chưa nói đến Tư Mã Huy, người đã giảng giải cho Lưu Bị nhiều điều về cái lẽ hiền tài nơi đất Dĩnh ấy, và khi ra khỏi cửa đã ngẩng mặt lên trời mà than rằng: "Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!". Thật có lý khi người đời cho rằng Tư Mã Huy mới đích thực là một cao danh ẩn tích, đã quá thấu hiểu chữ "thời" nên không chịu dấn thân. Điều này gắn liền với chuyện "xuất" và "xử" của kẻ sĩ: "thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn", có đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn. Vì sao? Vì "gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng thẹn, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn". Gợi lại chuyện xưa cũng chỉ để nói một ý: hiểu cho được nội hàm của chữ "trí" trong mối tương tác "hưng" và "bất hưng" của đất nước quả thật không dễ.

Đơn giản chỉ là vì, theo Các Mác, "trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào"*. Chẳng những thế, những người phê bình không nhân nhượng về những gì đanh hiệu hữu này lại hay vơ việc vào mình như cách J.P Sartre, triết gia người Pháp định nghĩa về trí thức: "trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, (s'occupe de ce qui ne le regarde pas). Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức *.

Đâu chỉ ông triết gia phương Tây nọ, cụ Nguyễn Công Trứ của ta cũng định nghĩa về kẻ sĩ là người xem việc trong trời đất là phận sự của mình, "vũ trụ chi gian giai phận sự" đó thôi! Trong "Luận về kẻ sĩ" ông khẳng định "Có giang san thời sĩ đã có tên". Với tám mươi tuổi đời, tuyên ngôn của ông "trong vũ trụ đã đành phận sự, phải có danh mà đối với núi sông" đã được sự nghiệp của ông chứng minh. Chính con người "kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hưng trung" [cách sắp xếp việc nước đã định sẵn trong lòng, đồ binh giáp để đánh giặc (tức là tri thức quân sự) đã định sẵn trong bụng] ấy là bậc kinh bang tế thế.

Hoàng Phủ Ngọc Tường trong "Người ham chơi" đã có những dòng thật đẹp khi viết về bậc kinh bang tế thế ấy : "...thọ tám mươi tuổi, làm quan ba chục năm, mà sao Cụ làm được nhiều việc đến thế, tưởng chừng đời cụ dài gấp hai, ba kiếp người. Dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt phiên tặc ở thành trấn tây, trừ hải tặc ngoài Đông Hải, lấn biển mở đất ở Kim Sơn, Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương, khời song Mê ko6ng ở Long Xuyên, rồi cón xóa nạn mù chữ ở vùng kinh tế mới, chống tham nhũng trong triều đình...Cầm quân đến tài danh tướng, làm thơ đến bậc anh hào..." .

Và rồi vị danh tướng ấy đã năm lần bị cách chức, giáng chức, trong đó có lần bị án "trảm giam hậu", có lần bị cách tuột làm lính trơn đày đi biên viễn. Con người "Cầm quân đến tài danh tướng, làm thơ đến bậc anh hào" ấy "về hưu năm bảy mươi với hai bàn tay sạch đến không chỗ nương thân, Cụ phải sống nhờ ỏ chùa trong núi Hồng Lĩnh, sau đó về làng dựng ba gian nhà tre nghèo xác ngồi viết "Hàn nho phong vị phú". Trước khi chết, cụ để lại di chúc từ chối mọi nghi lễ chính sách của triều đình dành cho công thần, dặn chôn ngay tại huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre, và trồng bên mộ một cây thông...". Phải chăng đó là cây thông trong nỗi bi phẫn: "kiếp sau xin chớ làm người; làm cây thông đứng giữa trời mà reo"?

Xem ra, thân phận của một đại trí thức sống vào giai đoạn cuối của thời đại phong kiến khó có thể khác được khi ngay từ lúc trẻ, con người tài hoa ấy, đã chấp nhận một cách sống :


Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi!


Liệu có thể lấy lời tự sự của Nguyễn Khải trong bút ký "Trôi theo tự nhiên" đăng trên Tạp Chí của Hội Nhà văn để giải thích cho thân phận ấy không: "Trong mọi cảnh ngộ trớ trêu, tính cách và nghị lực con người chỉ làm chủ một nửa, còn một nửa là những rủi ro không thể tính trước"? Quả đúng là: "năm tháng đã qua đi nhưng vẫn còn lưu lại mùi hương đã nhạt của một thời, và cả những vệt nước mắt vừa khô của một thời".

Cái "thời" mà Nguyễn Khải nói đây không là thời của Nguyễn Công Trứ, cũng chẳng phải của Cao Bá Quát, hay ngược về trước, thời của Nguyễn Trãi, Chu Văn An , nhưng nói cho cùng thì "thời" nào cũng vậy thôi. "Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích" [cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại] là biện chứng của cuộc sống.

Muốn được là mình, dám là mình, không chấp nhận cúi đầu khuất phục trước cường quyền và bạo lực thì phải chấp nhận sự chống trả tất yếu của kẻ nắm quyền. Câu chuyện Alexandro Đại đế trong truyền thuyết Hy Lạp dẫn ra ở trên mang màu sắc ẩn dụ nhiều hơn là hiện thực. Thì cứ xem cuộc đời của cụ Nguyễn Hữu Đang, cũng là một bậc công thần sống ở thế kỷ XX bước vào thế kỷ XXI này thì đủ rõ. Trong "Giữa cô đơn, một vòng hoa trắng" nhà văn Trần Thị Trường thuật lại lời của một người dân đến dự lễ tang của con người "cô đơn" ấy: "Ông này á, từng làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945 đấy, hàm bộ trưởng Chính phủ Lâm thời nhé, Thứ trưởng Bộ Thanh niên nhé, cán bộ chủ chốt truyền bá Quốc ngữ nhé... Nếu... không hâm thì bây giờ... to lắm". Lời không giống như giọng, giọng ông đẫm nước mắt. Chao ôi "hâm"! Nếu ai cũng "hâm" được như ông thì cuộc đời này sạch sẽ và sáng sủa biết bao.

Nơi ở nhờ của ông tại xã Vũ Công, Kiến Xương, Thái Bình nằm cạnh "... một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng..., dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người ... Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai ... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay" , theo Phùng Quán thuật lại trong bài "Tìm gặp lại người dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập" chắc cũng không hơn gì gian nhà tre của cụ Thượng Trứ ngồi viết "Hàn nho phong vị phú" xưa kia!

Ấy vậy mà người được trao trách nhiệm đọc điếu văn tại lễ tang đã buộc phải ghi nhận "Cụ Nguyễn Hữu Đang mất đi là một mất mát không gì bù đắp được của gia đình, dòng tộc, là sự tổn thất cho giới văn hóa Việt Nam. Nhưng những gì cụ đã cống hiến cho dân cho nước sẽ còn lại trong lòng những người đang sống". Điều này thì đúng. Nhân cách và trí tuệ cao vời vợi của người từng phải gánh chịu mối oan khiên do chính nhân cách và trí tuệ ấy gây nên vẫn ung dung, tự tại sống bần hàn và thanh thản cho đến lúc ra đi ở tuổi 94 sẽ mãi mãi "còn lại trong lòng những người đang sống".

Không một lời oán trách, chẳng những thế, con người cao cả ấy đã mượn thơ của Phùng Cung để ngỏ lời thương hại, không phải cho mình bị tù đày, vùi dập mà là cho những người

Nửa thế kỷ
Bị lưu đày
Trong cõi tung hô!

Hãy đọc lại những lời Nguyễn Hữu Đang viết trong "Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xem Đêm" vào tháng 6 năm 1996, tức là lúc ông đã 83 tuổi, để hiểu thêm phẩm tính trí thức cao cả trong con người từng chịu đựng một thân phận oan khiên cùng cực như ta đã biết: "Chúng ta mừng cho sự nghiệp văn chương của ông sau cái rủi có cái may, như kiếp tài hoa của Thúy Kiều gian nan hết mức suốt mười lăm năm, cuối cùng đến sông Tiền Đường xuýt chết đuối còn được Đạm Tiên đem trả lại thơ. Trả lại thơ với ý nghĩa "sổ đoạn trường rút tên ra" là bước đầu sửa sai của định mệnh vô tri, mù tối ...".

Liệu có thể hiểu những lời ông viết về Phùng Cung cũng là sự tha thứ của ông về những gì ông phải chịu đựng trên cõi đời này không? Những oan khiên mà "bậc công thần của chế độ" ấy phải chịu đựng lại được chính ông coi chỉ là định mệnh vô tri, mù tối! Và sự bao dung của người trí thức lớn ấy lại thể hiện ra khi nhìn nhận về "phận bạc của ông trong hiện thực có sẽ kết thúc như phận bạc của Thúy Kiều trên trang sách hay không là việc của xã hội" như những lời ông viết về Phùng Cung! Ông chấp nhận thân phận, song không hề khuất phục mà vẫn can trường đối diện với nó. Đúng, vẫn can trường đối diện như Văn Cao, bất chấp áp lực đè nặng lên thân phận vẫn dấn thân.

Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không

Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.

Xem ra, luận về trí thức rút cục lại phải bàn về "những người không phải của chúng ta" và "những con người thật của chúng ta", tức là phải hiểu thật rõ ai là người trí thức đích thực trong lời cảnh báo thâm thúy của nhà bác học thế kỷ XVIII. Hiểu để mà tin như Nguyễn Khải đã ngẫm nghĩ : "trong từng cá nhân vẫn còn bao nhiêu năng lực chưa được khai mở, còn bao nhiêu của cải chưa được khai thác, còn bao nhiêu yếu tố của cái phi thường chưa được nuôi dưỡng đúng như nó phải có. Tất cả tùy thuộc vào lòng can đảm ta có dám cởi trói cho chính ta không, ta có dám đối mặt với những thơ ngây, lầm lẫn của chính ta không".

Để hiểu thêm suy tư này xin gợi lại lời của Nguyễn Hữu Đang [nguyên văn tiếng Pháp] trong buổi gặp mặt tại nhà Phùng Quán đầu những năm 90: "Con người ta sinh ra đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác. Người tốt là người biết sửa chữa sai lầm của mình".

Người trí thức đích thực chính là bộ phận tinh hoa của đất nước. Và đất nước hưng thịnh hay suy vong tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được bộ phận tinh hoa, những người biết hấp thu vào mình trí tuệ của thời đại, đồng thời cũng góp phần của dân tộc mình vào trí tuệ của thời đại, hay không. Quả đúng là cái chữ "trí" trong mệnh đề "phi trí bất hưng" mà cụ Lê Quý Đôn nhắc nhở giữ một vị trí không thể thay thế trong sự phát triển đất nước! Hoặc nói như Phạm Văn Đồng: "có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá"**!
_______________


* Dẫn lại theo Cao Huy Thuần
** Phạm Văn Đồng "Văn hóa và Đổi mới. Tác phẩm và Bình luận. Bộ Văn hóa Thông tin. 1997. Câu nói trên nằm trong cách giải thích của tác giả về câu nói của Nguyễn Trãi "nước ta là một nước văn hiến", điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá".

Tác giả: GS Tương Lai

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top