CHÁU MUỐN ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG
"Mình muốn ngoan ngoãn, cho ông vui vẻ. Mình muốn tìm chó con. Mình muốn bố mẹ sống lại. Mình muốn ông ăn nhiều và mình muốn hoa hồng nở. Mình muốn khỏi bệnh để được đi học...".
Những nét chữ run rẩy, hồn nhiên đó nằm trong quyển sổ nhật ký nhỏ xíu, chưa chiếm hết một lòng bàn tay con trẻ của cô bé Nguyễn Thị Thu Phương (xã Mai Động, Kim Động, Hưng Yên). Em bị nhiễm HIV từ người mẹ. Bố mẹ em đều đã chết vì căn bệnh thế kỷ này. Sự kỳ thị của những người lớn khiến cánh cổng nhà trường đang dần khép lại với cô bé con đáng thương...
Ngày đầu tiên đi học
Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Chắc hẳn trong tâm hồn nhiều người, đôi lúc vẫn ngân lên áng văn như thơ ấy trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Vậy nhưng, đối với cô bé Phương, ngày đầu tiên “tôi đi học” là một ngày đáng quên.
Ông Nguyễn Minh Tuyển - ông nội của Phương, năm nay 65 tuổi - nghẹn ngào kể lại: “Vào sáng 1.9.2009, ngày đầu tiên của năm học, cháu hớn hở, cười nói tung tăng đi theo tôi tới Trường Tiểu học Mai Động. Cháu mới ngồi trong lớp học được vài giờ đồng hồ, thì đến 10 giờ 10 phút, một biên bản về việc “cho học sinh nhiễm HIV vào học với các trẻ trong lớp 1B” đã được ra đời. Những người có tên trong văn bản là các cô hiệu trưởng, hiệu phó, phụ huynh trưởng của lớp 1B với nội dung: Tập thể phụ huynh học sinh kiến nghị với Ban giám hiệu chuyển cháu Phương được đi học ở nơi khác, “để tránh mọi hậu quả xảy ra không may”. Sau này, cô Bùi Thị Ngà - Hiệu trưởng của nhà trường - kể lại rằng, vừa khai giảng thì phụ huynh đã kéo lên trường phản đối việc cho cháu Phương học cùng con em của họ.
“Để xin được cháu vào học đã khó, vậy mà ngay buổi đầu đi học, cháu gái tội nghiệp của tôi đã bị giáng xuống đầu biên bản đó rồi”- ông Tuyển nói mà nước mắt cứ chực rỉ ra. Ông kể cho tôi, rằng sau khi bố mẹ cháu mất vì HIV, năm 2006, ông đã đón cháu về nuôi. Phương lúc đó được 5 tuổi, bụ bẫm, dễ thương. Ông xin cho cháu vào trường mầm non của xã, thì chỉ 1 tuần sau, trường trả về, nói rằng bởi các phụ huynh phản đối, không cho đứa trẻ là con của vợ chồng AIDS vào lớp mình. Đau đớn, nhưng ông biết kêu ai đây? Đến tuổi đi học lớp 1 rồi mà Phương vẫn chỉ biết quanh quẩn trong ngôi nhà cô quạnh.
Vào khoảng tháng 7.2009, khi đưa Phương ra Hà Nội khám bệnh, ông Tuyển được biết đến Trung tâm Tư vấn pháp lý và chính sách y tế HIV của Hội Luật gia VN. Theo ông Tuyển, thấy Phương chưa được đi học, cơ quan này đã cử cán bộ về Trường Tiểu học Mai Động làm việc. Sau buổi làm việc, nhà trường đã đồng ý cho cháu Phương nhập học. Vậy mà...
Sau cái biên bản ấy, Phương vẫn tiếp tục được đến trường. Thế nhưng, vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 11.9.2009, một biên bản nữa về Phương lại được lập về việc Phương cắn các bạn. Văn bản cho rằng: Sáng ngày 9.9, Phương đã cắn 3 em học sinh, nhưng không chảy máu, chiều lại cắn em Phúc, nhưng Phúc đẩy ra được. Sáng ngày 11.9, Phương đã cắn em Nhật (lớp 3A) vào vai, có vết răng.
“Thưa ông (ông Tuyển - PV), trẻ con hiếu động không ai nói chắc được điều gì cả, vậy chúng tôi mong ông suy nghĩ và xem xét lại, chứ nếu cháu cứ tiếp tục đà này, các bạn đùa, trêu lại ôm lấy cắn thì ai chịu trách nhiệm với cha mẹ chúng được. Vậy chúng tôi mong ông hiểu cho. Còn cho đến tận hôm nay, vẫn một mình cháu Phương một lớp, không có em học sinh nào lớp 1B được đi học cả do chúng sợ bị bạn Phương cắn” - bà Nguyễn Thị Mãn - Phó Hiệu trưởng nhà trường viết trong đơn.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mãn thừa nhận, bà chỉ nghe học sinh chạy lên phản ánh rồi lập biên bản. Biên bản chỉ có chữ ký của bà Mãn và một số học sinh được cho là bị Phương cắn. Như vậy, chưa đủ căn cứ để khẳng định cháu Phương cắn bạn.
Ông Tuyển kể lại: “Khi về nhà, tôi đọc cho cháu nghe. Cháu nói rằng cháu không hề cắn bạn. Cháu khóc nức nở, gào thét. Cháu lấy chiếc dép mà cháu đang đi dưới chân, cháu đập vào đầu. Tôi ôm ghì lấy cháu, 2 ông cháu cùng khóc”. Ông kể tiếp: Ngày hôm sau, phiên chợ của xã Mai Động, ai gặp cũng hỏi ông Tuyển cháu Phương cắn bạn vào vai có vệt răng à. Tin dữ cứ thế lan ra cả xã.
Sau biên bản đó, ông Tuyển chấp nhận để Phương học riêng một phòng, cách ly với các bạn. Rồi sau đó, cháu được học cùng lớp với các bạn, nhưng phải ngồi riêng 1 bàn ở cuối lớp, giờ nghỉ vẫn phải ngồi ở trong phòng, không được chơi cùng các bạn. Theo như lời Phương kể thì cô giáo tên N là người trực tiếp dạy cháu, khi đóng cửa lớp ra chơi, cô N giao hẹn với cháu Phương rằng: Phương ở tại lớp, bạn bè mất gì là tại Phương. “Cháu về nhà nói với tôi cháu không đi học nữa đâu ông ạ. Tôi hỏi cháu tại sao, cháu trả lời là nếu mà có bạn bị mất đồ, cháu bị bảo là người lấy đồ thì sao?”.
Vậy nhưng, cô Ngà lại cung cấp cho tôi biên bản về việc em Nguyễn Thị Thu Phương xin nghỉ học (do nhà trường lập ra), cho rằng ông Nguyễn Văn Sang (là em trai của ông Tuyển) đã gọi điện xin cho cháu Phương thôi học bắt đầu từ ngày 9.11.2009. Văn bản không có chữ ký của ông Sang mà chỉ có... số điện thoại của ông Sang. Ông Tuyển nói rằng: “Tôi là người chủ giám hộ nuôi cháu, tôi không có đơn xin cho cháu nghỉ học, tại sao nhà trường nói gia đình xin cháu thôi học”.
Bi kịch gia đình
Giọng ông Tuyển trầm xuống khi kể lại cho tôi tấn bi kịch của gia đình. Năm 1973, ông sinh anh Nguyễn Đức Chiển. Vào năm 1999, anh Chiển lấy chị Mai Thị Thiết, SN 1980, quê tại Hải Phòng khi anh chị cùng làm tại một nhà hàng ở Hà Nội. Hạnh phúc như dâng trào tột đỉnh khi anh chị đón nhận sự ra đời của Phương vào năm 2001.
Năm 2002, anh Chiển đăng ký đi lao động ở Hàn Quốc. Sau khi nhận kết quả kiểm tra máu giúp con, ông Tuyển rụng rời: Chiển bị nhiễm HIV. Không muốn tin vào sự thật, ông đưa con thử máu lần nữa tại Bệnh viện Bạch Mai. Vẫn là cái dấu cộng dương tính nghiệt ngã.
Ông giấu con, nhưng dường như anh Chiển đã đoán được, nên suốt ngày, anh rượu chè thật say, để ngủ, để quên đi tất cả. Dưới sự tàn phá của con virus HIV, thân thể anh teo tóp, cơ thể chỉ còn da bọc xương. Anh chuyển về quê vào đầu năm 2004 thì đến tháng 9.2004, anh mất. Cái tin nhà ông Tuyển có AIDS lan ra khắp xã. Ngôi nhà của ông bị coi như nhà của những người hủi, không ai dám đến chơi, không ai dám hỏi chuyện ông.
Hai năm sau cái chết của chồng, chị vợ cũng mất bởi căn bệnh thế kỷ này tại Hải Phòng. Ông đón Phương về, đưa đi xét nghiệm thì cháu cũng có kết quả dương tính với HIV. Sao số phận lại nghiệt ngã với gia đình ông đến vậy? Hai ông cháu từ đó dường như bị bỏ rơi, sống trong nỗi cô đơn, hiu quạnh. Từ năm 2006, Phương đã được uống thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV).
Năm học mới này đã đến rồi, nhưng Phương vẫn chưa đến trường, mặc dù ông đã có đơn đề nghị. Trong biên bản về việc tiếp nhận cháu Phương vào học, cô Ngà nhất trí cho cháu Phương được vào học lớp 1, nhưng phải có sự đồng thuận từ phía phụ huynh với địa phương, nhà trường.
Một phụ huynh tên là Nguyễn Thị Tuyền phát biểu: “Không kỳ thị gì, nhưng các cháu là trẻ nên không ai đảm bảo được điều gì trong lúc các cháu chơi đùa với nhau. Nếu cháu (Phương) đi học thì không có học sinh đến trường”. Cứ theo lời phát biểu này, thì tìm được sự đồng thuận khó như mò kim đáy bể.
Về vụ việc của cháu Phương, được biết, chính quyền địa phương, UBND huyện, phòng Giáo dục huyện, Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có nhiều cuộc làm việc với nhà trường, họp với phụ huynh để chỉ đạo việc nhận cháu Phương vào học và tuyên truyền cho các phụ huynh về việc HIV không lây qua các đường tiếp xúc thông thường. Thế nhưng, ông Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Tuyên than thở: “Chúng tôi đã làm mọi cách, hết nước hết cái rồi, nhưng phụ huynh kiên quyết không nghe”.
“Cháu muốn trở thành cô cảnh sát, vì có thể giúp được mọi người”- Phương nhoẻn cười nói khi tôi hỏi về ước mơ của em. Nhưng, bây giờ, ai có thể giúp Phương được đến trường, hòa nhập với cộng đồng đây? Trong khi cả xã hội hô hào chống kỳ thị với người HIV, thì bé Phương tội nghiệp vẫn đang phải ngồi ngoài cổng trường.
Ghi chú: Ông Tuyển đã đồng ý đưa tên thật của cháu Phương lên báo.
Điều 4, Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người nhiễm HIV có các quyền: a) Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; c): Học văn hoá, học nghề, làm việc;...
Khoản 3, Điều 8 quy định nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Khoản 2, Điều 15 của luật này quy định: Cơ sở giáo dục không được có các hành vi sau đây: a) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; b) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; c) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV...
Đoàn Tất Thảo - LĐ