• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chất nhân văn trong thơ thiền đời Trần

LeVanHuong

New member
Xu
0
CHẤT NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN ĐỜI TRẦN


Trong thế giới thơ văn phong phú và đa dạng của văn học Việt Nam, ta đặc biệt chú ý đến một khóm hoa khiêm nhường bé nhỏ nhưng rất đậm đà hương sắc: thơ Thiền.

Có thể nói, thơ Thiền Việt Nam nở rộ dưới hai triều đại hào hùng trong lịch sử: thời Lý Trần. Nhìn lại chiều dài của nền văn học dân tộc, thơ Thiền Lý Trần tuy chưa đạt đến đỉnh cao chói lọi nhưng cũng có nhiều đóng góp đáng kể cho văn học nước nhà.

Với những chiến thắng oanh liệt chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, với nhiều thành tựu đáng tự hào về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… nhìn chung, Lý Trần là thời đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử quốc gia phong kiến tự chủ Đại Việt. Đặc biệt, con người thời Trần từng bước kế thừa toàn bộ sự nghiệp tư tưởng đời Lý và phát triển đẩy mạnh lên một bước mới. Trong khí thế hào hùng của văn hóa Đại Việt, hình ảnh con người đầy tự tin, hào hùng, phóng khoáng và trong sáng được xem như nét đẹp tiêu biểu của tinh thần thời đại. Đó là hình ảnh đầy hiên ngang, khí phách trên chiến địa, vừa có những giây phút lắng lòng, trầm mặc nghe tiếng chuông chùa xa xa.

Tiếp nối nền thơ ca Phật giáo đời Lý, văn học đời Trần cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo này, nhất là thơ Thiền. Khác trước, thời này không còn sự thống lĩnh duy nhất của Phật giáo nữa mà tinh thần tam giáo đồng nguyên tác động nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần. Tuy nhiên Phật giáo vẫn có ảnh hưởng sâu rộng hơn cả đến nhiều mặt trong xã hội, đặc biệt là thơ Thiền.

Đã có mấy ai trong đời tự vấn mình: “ Sinh hà xứ lai, tử hà xứ khứ?” (Ta sinh ra từ đâu và chết sẽ về đâu?). Dường như đó là câu hỏi của muôn đời, mãi không tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Thơ Thiền đời Trần không nhằm tìm lời giải đáp câu hỏi ấy. Trước tiên, thơ Thiền đề cao vẻ đẹp của con người ở những gì là bản chất nhất, tự nhiên nhất, không cầu kỳ tô điểm. Trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam, Trần Thái Tông viết: “ Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta, phàm phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình”. Bởi con người chính là Phật rồi, chẳng phải tìm chi nữa. Con người, nơi tập trung những gì đẹp nhất. Sự sinh ra và có mặt của con người trong trời đất là bước khởi đầu tốt đẹp. Có thể thấy, đây là sự khẳng định tinh thần nhân văn sâu sắc. Con người là tất cả, sự hiện hữu của con người là niềm hạnh phúc lớn lao:

“Tứ sơn liễu bích vạn thanh tùng
Bích liễu đô vô, vạn vật không
Hỉ đắc lư nhi tam cước tại
Mịch kỳ đả sấn thướng cao phong”
(Trần Thái Tông – Tứ sơn kệ)

(Bốn núi cheo leo vạn khóm xanh/ Muôn lời không cả hiểu cho rành/ Lừa ba chân đó may tìm được/ Lên thẳng non cao sấn bước nhanh)

Mượn cảnh vách núi cheo leo, rừng cây xanh thẳm, thiền sư nhắc ta mọi vật đều là không cả. Hãy quay về tìm lấy sức sống trong chính bản thân mình. Khi nhận ra điều đó, mọi khó khăn nguy hiểm trong cuộc đời sẽ trở thành vô nghĩa, không ràng buộc. Qua đó, ta thấy nổi lên một tinh thần mạnh mẽ trong thơ Thiền: luôn chủ động làm chủ chính mình. Tất cả toát lên một vẻ đẹp nhân văn: vẻ đẹp tự thân của con người.

Hình ảnh con người trong thơ Thiền đời Trần còn mang nét đẹp cao cả: khả năng tự lực, tự cường, biết dựa vào sức mình. Thơ Thiền đời Trần có xu hướng vươn đến một con người vũ trụ, hòa điệu với thiên nhiên, mang tất cả sức mạnh tự do tuyệt đối của trời đất. Thơ thiền đề cao khả năng độc lập sáng tạo của con người, chú trọng cái tâm: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Không dựa vào cái gì để sinh ra tâm). Tâm chính là Phật, là bản thể của vũ trụ. Thơ Thiền hướng đến bản thể - vấn đề cội rễ mà con người băn khoăn tìm kiếm. Bằng những hình ảnh quen thuộc, cụ thể, thơ Thiền chỉ ra rằng: cội rễ ấy không ở đâu xa mà rất gần gũi trong tầm tay con người. Có thể thấy thấp thoáng qua hình ảnh thiên nhiên:

“Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm”
(Trần Thái Tông – Ngữ lục vấn đáp môn hạ)
(Nước chảy xuống đồi không cố ý/ Mây ra khỏi núi vốn vô tâm)


Ý thức được thế giới thực tại là vô thường, đầy biến động và không ngừng thay đổi, hiểu được quy luật tự nhiên của trời đất, con người thời này vượt khỏi cái chấp vào không hay có để đạt đến một cuộc sống bình dị ý nghĩa và hài hòa cùng mạch sống dân tộc. Con người có thể mặc sức tung hoành mà không rơi vào chấp. Như Tuệ Trung thượng sĩ trong Phật tâm ca:

“Hành diệc thiền, tọa diệc thiền
Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên”
(Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền/ Trong lửa lò hồng một đóa sen)


Chất nhân văn trong thơ Thiền đời Trần không chỉ đề cao sức mạnh tự lực, tự cường của con người mà còn đẹp trong suy nghĩ, hành động. Đời Lý, thiền sư Quảng nghiêm đã làm bừng sáng tâm tưởng chúng ta về chí khí kẻ làm trai:

“Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Thị tịch)
(Làm trai lập chí xông trời thẳm
Theo gót Như lai luống nhọc mình)


Phải biết lập chí, tự tin vào chính mình, lạc quan với tình yêu cuộc sống yên bình, thanh thản!
Tuệ Trung cũng kéo người đọc ra khỏi cách nghĩ thông thường, khuôn sáo. Người đi tu không nhất thiết phải suốt ngày niệm Phật, không được ăn thịt. Ông kêu gọi hãy tự thắp lên ngọn đuốc của chính mình, giác ngộ chân lý, đừng dựa vào cửa ngõ nhà người khác:

“Phật Tổ đáo đầu câu bất lễ
Thu quang hiểu giản ngọc sùng vinh” (Tụng cổ)
(Phật tổ cũng chẳng cần lễ bái/ Ánh sáng mùa thu nơi khe sớm tự trong sáng như ngọc).

Tự nhiên mà không kém phần thanh thoát. Thật là những ý nghĩ, hành động hết sức độc đáo, mới mẻ. Điều đó càng tôn lên vẻ đẹp của con người thời này. Như bài Ngẫu tác của Trần Thánh Tông:

“ Tự thị quyện thì tâm tự tức
Bất quan nhiếp niệm, bất quan thiền”
(Lúc mệt mỏi rồi tâm tự tắt/ Chẳng cần nhiếp niệm, chẳng cần thiền)
Đừng tìm đâu xa xôi, Phật cũng là người với mày ngang mũi dọc (Giới am ngâm – Trần Minh Tông).


Cái tinh vi, khéo léo của thiền gia là biết che giấu lòng nhân ái hiền hậu, nồng nàn đằng sau cái bề ngoài có vẻ lạnh lùng, giễu cợt. Đó chính là tấm lòng của nhà thơ đối với con người, cuộc sống. Thơ Thiền đời trần đã phản ánh vẻ đẹp đầy chất nhân văn ấy trong tư tưởng ca ngợi con người đẹp trong ý chí, suy nghĩ và hành động.

Bên cạnh đó, con người thời này còn đẹp ở thái độ, cách sống được thể hiện trong thơ Thiền. Tiểu biểu hơ cả là thái độ sống ung dung tự tại. Nhiều lần trong thơ Thiền ta bắt gặp hình ảnh con người sống phóng khoáng, trong sáng. Đó là hình ảnh ngư ông ngủ say để thuyền tự do vượt sóng, ông chài quên cái công việc độ nhật của mình để hòa nhập tâm hồn làm một với cảnh vật (Ngư nhàn – Không Lộ). Cái mới trong hình ảnh con người đời Trần là sống tự do phóng khoáng nhưng luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống.

Thiền Tông khi đặt chân vào Việt Nam đã hòa làm một vào sự nghiệp chung của dân tộc. “Chỉ việc các nhà sư tham gia chính sự hoặc giả các thầy tu làm thơ, tôi nghĩ đó cũng là một điều không đúng với giáo chỉ Thích ca cho lắm” (Đặng Thai Mai – Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học). Hơn thế nữa, thơ của các thiền sư không xa rời cuộc đời mà qua đó, giáo dục con người một tâm hồn, một cách sống minh triết:

“Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”
(Trần Nhân Tông – Xuân vãn)
(Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng)


Có thể tìm thấy trong thơ thiền những giây phút lặng yên không nói. Đó là hình ảnh con người vô ngôn. Trong không gian ngập chìm mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa, con người lặng yên để lắng tâm hồn dạt dào hơn hết (Gia Lâm tự - Trần Quang Triều). Phút giây đó, ngôn ngữ đời thường trở nên không cần thiết vì phương tiện hữu hạn ấy làm sao diễn đạt cái chân lý vô cùng! Giây phút hòa điệu giữa con người và vũ trụ đem lại niềm an lạc không thể bày tỏ thành lời, chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được hết. Bởi sâu xa và sống động hơn cả những lời thuyết giáo, bằng những vần thơ mang ý niệm thiền, thi nhân đề cao con người và chỉ ra con đường đưa đến sự giải thoát đạt đạo: “Bách niên tâm ngữ tâm”. Qua đó Thiền thi bộc lộ một bản ngã, cái tôi thanh tĩnh và trong trẻo, một nhân sinh quan sống động, khỏe khoắn và một tinh thần hành động thực tiễn của con người Việt Nam: dấn thân nhập thế, sống hết mình với người, với đời. Vì thế thơ Thiền thời này mang một luồng sinh khí mới mẻ, cảm xúc rộng mở đến vô tận. Đó chính là ý nghĩa tích cực khiến thơ Thiền đời Trần nhìn chung luôn được người đời sau đón nhận.

Chất nhân văn trong thơ Thiền đời Trần còn thể hiện qua việc tập trung miêu tả vẻ đẹp tâm hồn con người. Đó là cái tâm trong sáng, đạt đạo, không vướng bận. Như trong bài Hạnh Thiên Trường hành cung của Trần Nhân Tông. Thi nhân mở rộng cảm xúc, trải tâm hồn mình ôm lấy non sông cảnh vật. Một ánh trăng, một mảnh trời thật thanh bình như vốn dĩ của nó. Chính nhờ tâm hồn đẹp, con người làm cho cảnh vật đã đẹp lại càng trở nên sống động hơn, vừa như có thể nắm bắt, vừa rất mơ hồ, huyền ảo. Cái tâm hướng thiện giúp họ sống hết sức thoải mái, không bị ràng buộc vào bất cứ điều gì.

Khá nhiều lần trong thơ Thiền, ta bắt gặp trạng thái quên: “Vong thân vong thế dĩ đô vong” (Cúc hoa III), “Trúc đường vong thích hương sơ tận” (Tảo thu – Huyền Quang). Tất cả những cái quên đó nói lên tinh thần, cách sống của con người thời này. Họ biết sống an nhiên, vượt khỏi ràng buộc thói thường, quý trọng hạnh phúc thực tại. Sống tự do, có phần táo bạo nhưng không kỳ dị, con người coi vũ trụ với mình là một. Dẫu mang hơi thở: “Mùi thiền đã bén muối dưa, màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng” (Nguyễn Du), đạo Thiền không phải để an ủi những ai tủi nhục, hèn yếu. Nó đòi hỏi con người phải lấn lướt mọi gian nguy, vượt lên chính mình và trở về với chính mình – một trong những vẻ đẹp nhân văn cao quý.

Đối với con người, cuộc sống, thi nhân luôn rộng mở tâm hồn để giao hòa với tất cả. Với thiền sư Huyền Quang, đó có thể là một cô thiếu nữ (Xuân nhật tức sự) hoặc một người tù binh (Ai phù lỗ). Bằng tấm lòng tha thiết nồng nàn, nhà thơ trải lòng mình với mọi cảnh đời, số phận. Đó là tấm lòng yêu thương chân thành với đất nước, quê hương.

Một nét đẹp nhân văn sâu sắc trong thơ Thiền đời Trần là sự sống của con người tồn tại sự vĩnh hằng với tự nhiên. Trở về với thiên nhiên là lúc con người tìm gặp bản ngã của mình với tính nhân văn tuyệt đích. Có một mối hòa điệu tuyệt vời giữa tâm hồn người với sự vận động của thiên nhiên. Không gian trong thơ Thiền qua Thiên trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài sơn… mang vẻ khoáng đạt và lặng lẽ, trống không và bình dị cũng là nét đặc trưng cho cái không của Thiền. Không gian này biểu trưng cho tâm hồn Thiền gia, không phải lúc nào cũng say đắm ngọt ngào, thiết tha nồng cháy nhưng lại bát ngát vô bờ bến, trong lặng không mùi vị nhưng đậm đà một hương vị Thiền sâu thẳm.
Không gian bao giờ cũng gắn với một thời gian cụ thể. Thời gian trong thơ Thiền không nằm trong một giới hạn nhất định nào. Có khi là Xuân vãn, có lúc là Tảo thu… Nhờ nắm bắt được quy luật thay đổi của tự nhiên, vận động của trời đất, thơ Thiền đề cao thời gian thực tại và chủ trương sống trọn vẹn, hết mình với cuộc đời. Trở về với chính mình, với nguồn cội, đó là lúc cái đẹp của chất nhân văn hội tụ và tỏa sáng.

Đỉnh cao đích thực của tư tưởng nhân văn là hướng dẫn con người đạt tới một cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Hiểu được ý nghĩa đó, con người đời Trần với tinh thần phá chấp vượt khỏi mọi vướng mắc, vui vẻ đón nhận cuộc sống: “Tiếng ve chiều rộn rã bên tai” (Hạ cảnh – Trần Thánh Tông), “Suốt ngày thảnh thơi gảy đàn muôn điệu” (Tự thuật – Trần Thánh Tông). Hay sự kết hợp hài hòa cả thể chất lẫn tinh thần (Xuân cảnh – Trần Nhân Tông, Đốn tỉnh – Tuệ Trung)…

Trong giai đoạn gắn với nhiều biến cố lớn lao của lịch sử, con người đời Trần với tinh thần nhập thế, tích cực hành động, họ sống hòa mình vào mạch sống dân tộc: “Vắt đất thành vàng ròng cho quốc gia, khuấy sông dài thành sữa ngọt đãi người” (Khóa hư lục – Trần Thái Tông). Vượt lên thói thường, con người trở nên lạc đạo, đạt đến cuộc sống bình dị, có ý nghĩa ngay trong cuộc đời này: đánh giặc cứu nước, hành đạo giúp đời. Hành động nhập thế tươi đẹp này đã được vua Trần Nhân Tông tổng kết xuất sắc trong bài kệ ở cuối bài phú Cư trần lạc đạo:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu tìm đâu nữa
Trước cảnh vô tâm chớ hỏi thiền)


Có lẽ, đó cũng là tinh thần con người Việt Nam được thể hiện trong ca dao:

“Ra đường gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”.


Ngày nay, chúng ta đang sống giữa thế kỷ XXI, một xã hội hiện đại với nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Nhưng cùng lúc, xã hội cũng cất lên tiếng kêu khẩn thiết báo động sự suy thoái trầm trọng về vấn đề đạo đức, lối sống của con người. Trong ý nghĩa đó, tìm về Chất nhân văn trong thơ Thiền đời Trần có ý nghĩa tích cực làm vực dậy ý thức của con người về một cuộc sống tốt đẹp, sống hết mình để cống hiến cho đời bằng cả tình yêu và nhiệt huyết. Một khi con người biết sống vị tha, cho người vì đời thì cuộc sống này thật ý nghĩa biết bao!


Tuấn Ngọc​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top