Chàng trai Cơtu ham học tiếng Anh

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Tại vùng biên viễn huyện Tây Giang, Quảng Nam hẻo lánh, nơi mà buổi sáng chìm trong sương núi, buổi chiều se se gió lạnh, chuyện một chàng trai Cơtu đam mê và học giỏi tiếng Anh, lại sắp học ĐH ngành Sư phạm tiếng Anh có thể dệt nên trang cổ tích thật đẹp…

cotu17122009.jpg


Chàng trai dân tộc Cơtu Hồ Văn Nghíu sắp trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh tại Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. (Ảnh: Trọng Huy)
Con đường đi đến niềm đam mê

Chàng trai Cơtu mộc mạc này đã gây bất ngờ cho chúng tôi khi thổ lộ về ước vọng lớn lao của mình: “Em chỉ muốn trở thành thầy giáo để trở về cống hiến cho quê hương, thôn bản mình thôi. Thôn bản của em còn nghèo lắm, các em nhỏ đi học rất khổ, phải đi bộ xa cả ngày đường núi rừng, thiếu thốn đủ bề, thương lắm”. Bất ngờ hơn nữa khi được biết sắp tới Hồ Văn Nghíu sẽ xuống Đà Nẵng học ngành Sư phạm tiếng Anh tại Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Trong câu chuyện tâm tình trong ngôi nhà nhỏ ven núi, bên cánh đồng dưới thung lũng cạnh đồn Biên phòng 649 tại xã Axan, Hồ Văn Nghíu kể với chúng tôi về con đường đi đến niềm đam mê học ngoại ngữ của mình: “Lên lớp 6 em mới được làm quen với tiếng Anh. Với chúng em học Tiếng Việt đã gần như là một ngoại ngữ rồi, học thêm tiếng Anh ban đầu khó lắm, chẳng hiểu thế nào cả. Nhưng đến lớp 7 thì em thực sự thích môn học này. Từ thích đến đam mê, rồi suốt ngày em chỉ muốn được rảnh rỗi để học Tiếng Anh thôi. Ở đây điều kiện sách vở, tài liệu rất hiếm, không giống như các bạn dưới miền đồng bằng đâu. Nhưng các thầy cô giáo thương lắm, tốt lắm, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho em được tiếp cận với môn Anh ngữ”.

Trong ba năm học tại Trường THPT Tây Giang, điểm tổng kết môn tiếng Anh của Nghíu thật đáng kể mà có lẽ những bạn đồng niên dưới đồng bằng cũng phải thán phục: lớp 10 đạt 8,0; lớp 11 đạt 8,5; lớp 12 đạt 8,0. Trong đợt thi các Câu lạc bộ Tiếng Anh dành cho các trường cấp huyện của hai huyện Tây Giang và Đông Giang, Câu lạc bộ Tiếng Anh trường THPT Tây Giang do Nghíu làm tổ trưởng đã giành giải nhất.

Khi được hỏi vì sao lại đam mê môn tiếng Anh, Nghíu tâm sự: “Càng học tiếng Anh em càng cảm thấy thích thú với ngoại ngữ này, nó giúp em vươn ra khỏi núi rừng bản làng để đến với những miền đất lạ, mới mẻ đầy hấp dẫn và lí thú. Em nghĩ nếu sau này được đi học đại học, trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh em sẽ truyền đạt lại cho thế hệ sau để các em được mở mang tầm hiểu biết, thoát khỏi cảnh u tối của những hủ tục bấy lâu nay đã ăn sâu vào trong máu thịt đồng bào thôn bản quê em”.

Ước mơ sắp thành sự thật

Đầu tháng 1 năm sau, Hồ Văn Nghíu sẽ chính thức trở thành tân sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Khuôn mặt chàng trai Cơtu nơi miền sơn cước xa xôi, quạnh quẽ này như ánh lên một niềm vui khôn xiết, một niềm tin diệu kỳ mà không dễ diễn tả hết bằng lời được: “Đây là ước mơ cả đời của em, cũng là của gia đình em và cả bản làng này. Nó tiếp thêm sức mạnh cho em trên con đường phía trước. Nhưng cũng nhắc bảo cho em phải luôn luôn cố gắng học hành thật tốt để không phụ lòng mong mỏi, hy vọng của thầy cô và mọi người”.

Tương lai đang rộng mở với chàng trai Cơtu Hồ Văn Nghíu. Khi chúng tôi hỏi về hoài bão lớn lao xa hơn như có muốn “đi tây” du học không, thật bất ngờ khi nghe câu trả lời của em: “Có chứ, em thích gặp gỡ với người nước ngoài để trau dồi kiến thức ngoại ngữ của mình, đồng thời để hiểu hơn một nền văn hóa khác mà với em còn rất xa lạ. Nếu có cơ hội chắc chắn em sẽ ra nước ngoài du học”.
Hiện tại Nghíu đang ngày đêm trau dồi ngoại ngữ bằng việc nghe những bài hát bằng tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh và tập dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Những việc này cũng trở thành niềm đam mê của Nghíu từ khi em “kết” ngoại ngữ này.

Trao đổi với ông B’Riu Liếc, chủ tịch huyện Tây Giang, chúng tôi được biết: “Hiện nay huyện đang có chủ trương kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội đóng góp để lập quỹ khuyến học, hỗ trợ và khuyến khích phong trào học tập của huyện ngày một đi lên, nhanh chóng tiến kịp với sự phát triển của các miền đồng bằng. Trường hợp của em Hồ Văn Nghíu ở xã Axan là một học sinh học giỏi ngoại ngữ, rất hiếm có ở những vùng biên giới xa xôi như thế. Dù còn rất nhiều khó khăn do đặc điểm huyện mới thành lập, đang trong quá trình xây dựng, huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em được học hành đến nơi đến chốn. Khi ra trường nếu các em có nhu cầu, huyện sẽ tạo môi trường làm việc tốt nhất để các em cống hiến cho quê hương”.

Theo Dân Trí.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top