Chàng sinh viên biến nước thải thành điện năng
Nước thải vẫn có thể sử dụng được, thậm chí mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho quốc gia? Điều tưởng như không thể ấy đã được Nguyễn Xuân Tuyển (SV khoa Công nghệ ô tô, Ttrường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc) hiện thực hóa bằng công trình biến nước thải thành điện năng.
Đạp xích lô lấy tiền làm mô hình
Tuyển là con thứ tư trong gia đình đông con ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, Tuyển đã “nổi tiếng” về khả năng sáng tạo và làm các mô hình khoa học. Thời gian một ngày của Tuyển được phân bổ khá rõ ràng: 60% học bài, 20% giúp bố mẹ việc nhà và 20% thời gian còn lại vùi đầu vào làm các mô hình.
Không giống nhiều bạn khác thường phải vẽ thiết kế ra giấy rồi mới làm, Tuyển suy nghĩ, tính toán, phác thảo ngay trong đầu rồi cứ thế làm. “Buổi trưa mọi người ngủ thì mình trốn trong một căn phòng nhỏ để làm mô hình, nhiều hôm trời nóng quá, mồ hôi chảy ướt hết áo mà không biết. Có những lần mình mải làm quá thức liền hai ngày đêm, quên cả ăn để hoàn thành các mô hình vì sợ quên ý tưởng” - Tuyển tâm sự.
Đam mê, muốn khám phá nên có lần Tuyển “liều lĩnh” tháo cái đầu video “xịn” của bố ra xem nó hoạt động như thế nào, xong không lắp lại được và cuối cùng là phá hỏng hoàn toàn. Tất nhiên, cậu bị bố mắng một trận “té tát”. “Nhưng đó cũng không phải lần duy nhất, mình còn làm hỏng nhiều đồ khác, bị bố mắng nhưng lại được tận dụng thiết bị hỏng đó để chế tạo mô hình” - Tuyển chia sẻ.
Nguyên liệu chủ yếu để làm mô hình là phế liệu nhưng chúng cũng tốn kém không ít tiền. Nhà đông con, bố mẹ lại chỉ làm ruộng nên để có tiền mua linh kiện làm mô hình, Tuyển phải mượn xích lô đạp thuê. Tháng nào chăm chỉ, cậu kiếm được gần 1 triệu đồng. Không chỉ đạp xích lô, Tuyển còn thêm nhiều công việc khác như: Sửa chữa điện tử, bán hoa vào các dịp tết, 20/11, 8/3, Valentine, làm bồi bàn ở quán kem...
Cho đến giờ, Tuyển đã là chủ nhân của hàng loạt mô hình có tính áp dụng thực tế cao như: Xe cứu hỏa đa chức năng, gối báo thức thông minh, máy lau bảng và hút bụi phấn, máy thái chuối, máy lọc không khí, máy vớt rác trên sông, rô bốt dò tìm và thu gom bơm kim tiêm, máy cắt cỏ năng suất cao...
Mê làm mô hình là thế nhưng Tuyển không quên nhiệm vụ học tập trên lớp. 12 năm liền là học sinh giỏi, khi học cao đẳng cũng liên tiếp giành học bổng. Mọi người sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết chàng sinh viên này vốn nhiều năm liền là học sinh giỏi môn Văn cấp huyện, theo học khối C nhưng lại chọn thi vào ngành Công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Tuyển chia sẻ: “Mình là người rất yêu văn học nhưng lại đam mê công nghệ”.
Nguyễn Xuân Tuyển (giữa) cùng các cộng sự bên mô hình tái tạo nước thải thành điện năng.
Biến nước thải thành điện năng
Ý tưởng nảy ra khi một lần Tuyển đi học về qua mấy chung cư cao tầng vừa được đưa vào sử dụng. “Có một thực tế dễ nhận thấy rằng, ngày nay, số lượng nhà chung cư cao tầng ngày một tăng, tỉ lệ thuận với nó là sự gia tăng lượng nước thải sinh hoạt. Do nguồn nước thải được xả thẳng xuống, trong khi nguồn nước sạch lại phải bơm lên cao hết sức khó khăn. Nguồn nước thải lại không sinh lợi nhuận nên việc xả thải bừa bãi luôn xảy ra. Vì vậy, để tận dụng áp lực nguồn nước thải, tụi mình đã làm mô hình “Hệ thống tái tạo điện năng từ áp lực nước thải nhà cao tầng”, để tạo ra một nguồn điện tuần hoàn” - Tuyển chia sẻ.
Mô hình này sẽ tận dụng áp lực nước thải chảy xuống để làm quay tuốc bin máy phát điện và cấp điện cho máy bơm nước, bơm nước sạch lên cho ngay ngôi nhà đó hoặc cấp điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng, trong khuôn viên, hành lang tòa nhà mà không cần sử dụng nguồn điện lưới. Bên cạnh đó, nước thải đã qua xử lý được trích ra một phần nhỏ để cung cấp cho đài phun nước tạo nên một đài phun nước không sử dụng máy bơm. Ngoài ra việc sử dụng nguồn nước thải hệ thống còn có thể gom thêm nước mưa, cho vào bể chứa, thay thế một phần lượng nước thải hao hụt.
Tuyển cho biết: “Khi hệ thống được áp dụng vào thực tiễn sẽ giải quyết được ba vấn đề chính: Xử lý được nguồn nước thải sinh hoạt trước khi xả thải (vì trước khi cho vào trong bể chứa thì cần phải xử lý và lắng lọc), tạo ra nguồn điện năng sạch cung cấp cho khu nhà, tạo ra nguồn nước áp lực cung cấp cho đài phun nước trang trí cho khuôn viên khu nhà”.
Mô hình đã tham gia Chợ công nghệ và thiết bị Thủ đô 2010, Teachmart Hanoi 2010 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E và được đánh giá rất cao. “Chỉ cần có vốn và đầu tư thêm một chút thời gian chúng mình hoàn toàn có thể đưa vào sử dụng trong thực tế” - Tuyển nói.
Theo SVVN