Chân dung Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam

  • Thread starter Thread starter HTA
  • Ngày gửi Ngày gửi

HTA

New member
Xu
67
Nếu như bây giờ, nhà phê bình Hoài Thanh còn sống, chúng ta phỏng vấn ông, trong sự nghiệp văn học của ông, ông thích nhất, tâm đắc nhất là tác phẩm nào vậy? Tôi chắc rằng, ông sẽ trả lời "Thi nhân Việt Nam". Hoài Thanh có những công trình nghiên cứu rất có giá trị và thường gây được tiếng vang, như nghiên cứu về truyện Kiều, tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh; nói chuyện thơ kháng chiến; khảo luận về Ngục trung nhật ký, hoặc thơ Tố Hữu vân vân... Nhưng xem ra ông vẫn yêu thơ hơn cả. Những công trình đã dẫn trên, đa phần là thể loại thơ. Thơ mới, Thơ cách mạng, Thơ phong trào, thơ của những nhà thơ lớn, thơ chữ hán, thơ truyện, thơ hiện đại..., ông đều đề mắt đến. Ngoài ra, khi phát hiện một tài nặng trẻ, ông không ngần ngại viết bài hoặc ủng hộ. Đó là trường hợp ông viết bài lăng-xê Lưu Quang Vũ, cho đăng thơ Lý Phương Liên trên Báo Văn Nghệ và hết sức ưu ái Nguyễn Duy nhưng trong đời hoạt động văn học của ông, một công trình hàng đầu, một thời gian, lưu lại với thế kỷ, chính là Thi nhân Việt Nam vậy. Tôi đọc nhiều lần Thi nhân Việt Nam của ông, lần nào đọc vẫn bị lôi cuốn, bị ông rủ rê để mình khám phá thêm những điều ông nói trong đó, những bài thơ ông đã trình bày. Và lắm lúc giật mình tự hỏi: nếu như Phong Trào thơ mới, hiện diện đủ mặt các nhà thơ lừng lẫy như Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Tế Hanh,... mà lại không có Hoài Thanh...?


Thi nhân Việt Nam là một bản tổng kết, cho đến nay, có thể gọi là hoàn chỉnh, là tin cậy nhất, cho những lớp người sau muốn tìm hiểu về phong trào thơ mới. Nhưng với ba bài liên hoàn trong tập là Cung chiêu anh hồn Tản Đà, Một thời đại trong thi ca, và Nhỏ to ở cuối tác phẩm, là một khảo luận thơ mẫu mực cho thế kỷ này. Cấu trúc tự nhiên mà chặt chẽ, đắm đuối say mê mà vẫn tỉnh táo, tình cảm mà vẫn luôn minh mẫn để xét đoán; thâu tóm được nét lớn của phong trào từ lúc thơ mới nảy sinh, đấu tranh với lối thơ cũ đường luật hoặc những lối thơ sáo mòn cũ cho đến lúc thơ mới hoàn toàn chiến thắng; dũng cảm đối mặt với những người vẫn đang bảo vệ cho những triền thơ cũ, lại còn dũng cảm đối mặt với cả những nhà thơ mới, khi không thể chiều ý muốn của tất cả các nhà thơ đương đại để giữ lại, cái chuẩn, sự chính xác lúc đánh giá...


Thi nhân Việt Nam còn là một bản tuyên ngôn, một bản hùng ca khải hoàn của Phong trào thơ mới mà với những giá trị của thơ cũ với nhà thơ tiêu biểu như Tản Đà, Hoài Thanh vẫn vô cùng trân trọng. Cũng trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã kín đáo nói quan điềm phê bình thơ của mình, mà sau này, ông giữ trọn cả một đời văn chương:


"Nếu bạn xem thơ thấy mệt, ấy là lỗi tự bạn. Quyển sách này không phải sách xem hết một lần. Vả bạn cũng không nên nghĩ rằng, tuy còn bỏ sót nhiều ít ra tôi cũng đã xem năm mươi quyển thơ như quyển này. Lắm khi xem một trăm bài thơ chỉ có một bài trích được. Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài thơ dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ ấy là điều tôi rất mong mỏi.


Vậy nếu trong quyển sách này ít khi tôi nói đến cái dở, bạn hãy tin rằng không phải vì tôi không thấy cái dở. Nhưng tôi nghĩ rằng đã dở thì không tiêu biểu gì hết. "Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong bài hay". Mỗi- bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn. Những tâm hồn không lối vào, những tâm hồn bưng bít, thì tôi còn biết gì mà nói. Chủ nhân không mở cửa, tôi đành chịu đứng ngoài. Cho nên gặp thơ hay tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài "cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người". Thỉnh thoảng có nói đến cái dở, cũng là cốt cho nổi cái hay mà thôi. Chứ dở thì giữa đời thiếu gì mà phải đi tìm trong thơ! Nói chắc bạn không tin, nhưng thực tình tôi chẳng thích chê ai mà cũng chẳng muốn khen ai. Tôi chỉ muốn hiểu cho đúng không phải cho đủ - hình sắc các hồn thơ... " (Nhỏ to - Thi nhân Việt Nam trang 391, 392)


Chân dung Hoài Thanh hiện rất rõ trong đoạn văn nhỏ này: Nghiêm túc, thẳng thắn, chân tình, tâm huyết và cũng hóm ngầm.


Nếu các nhà thơ trong phong trào thơ mới là Bá Nha thì họ đã có một Tử Kỳ chính là Hoài Thanh. ông là người bảo vệ, tán dương họ, mê đắm họ, yêu tất cả các nhà thơ của phong trào như mê các cô gái đẹp, mà lại càng đắm đuối ở những giai nhân tuyệt sắc nhất của Phong trào.... Và chỉ có lòng yêu, say đắm của người cùng thế hệ như thế mà mới nghĩ đến và làm nên chuyện một tác phẩm lớn như Thi nhân Việt Nam.


Với Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh quả là có một hồn thơ trong lĩnh vực phê bình, hay nói một cách khác, ông là một nhà thơ đặc biệt làm thơ bằng những trang bình thơ vậy...


"Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu" Tôi muốn mượn câu thơ Nhớ rừng của Thê Lữ để than cho cảnh phê bình thơ hiện nay. Thơ vẫn được phê bình nhiều lắm chứ. Nhiều người vẫn đang nắm giữ quyền phê bình thơ cho mình. Nhưng ai đã tri âm tri kỷ như Hoài Thanh với Phong trào thơ mới hoặc như Xuân Diệu với các nhà thơ cổ điển Việt Nam...


Thời bây giờ nhiều nhà phê bình thường hiếu thắng về bài vở của mình hơn là tìm cái hay, cái đẹp ở những trang sách mà mình ngưỡng mộ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top