Cây có nhiều sâu do không chăm tốt

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
CÂY CÓ NHIỀU SÂU DO CHĂM KHÔNG TỐT

Ý kiến của ba nhà giáo đều cho rằng không cần thiết dùng máy ghi âm trong giờ học và một trong ba thầy cô giáo đó nêu lên một điều đáng suy nghĩ: có phải việc xem trọng dạy chữ, xem nhẹ dạy làm người đã khiến học sinh hành xử sai trái khi có trong tay các phương tiện kỹ thuật mới?

ImageView.aspx

* Cô Nguyễn Thị Tình (GV môn giáo dục công dân, Trường THPT Việt Thanh, TP.HCM)

Không cần thiết ghi âm trong lớp học

Nhiều em cho rằng ghi âm lời giáo viên (GV) để về nhà ôn lại bài, nhưng thực tế trong quá trình dạy GV chỉ dạy những điều cơ bản và hướng dẫn cách ôn bài, không cần thiết phải ghi âm. Mặt khác, việc chú tâm vào điện thoại, máy ghi âm sẽ khiến các em không thể theo sát bài giảng vì ỷ lại vào máy ghi âm.

Giữa nhà trường, GV và học sinh nên có những quy tắc làm việc ngay từ đầu: nếu học sinh bất bình về thái độ, cách dạy của GV nên báo cáo trực tiếp với ban giám hiệu.

Cách làm của học sinh hiện nay rất đáng báo động: quay phim lén, ghi âm lén để tố cáo tiêu cực có thể do các em bắt chước các câu chuyện thường thấy trên báo chí, truyền thông. M
ặt khác, các em cũng được trang bị phương tiện hiện đại làm “trợ thủ” đắc lực cho việc ghi âm, quay lén vào mục đích không tốt.

* Cô L.T.H. (GV Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM)

Đâu phải ghi âm mới học tốt

Mặc dù cũng là GV nhưng tôi thật sự bất bình với hành động mắng chửi học sinh của cô giáo ở Hải Phòng. Dù ở tình huống nào thầy cô vẫn phải là tấm gương cho học trò. Nhiều trường hợp GV đem những bức xúc từ cuộc sống vào lớp học, dẫn đến dễ bị kích động, không kiềm chế được khi gặp tình huống xấu.

Nguyên nhân không chỉ ở đó mà còn sâu xa hơn: GV phải làm học trò mến phục thì mới đứng vững trên bục giảng. Cách ứng xử của GV không phải chỉ một lần bột phát mà chứng tỏ phải trải qua một quá trình không chú ý đến lời nói, cách hành xử trước mặt học sinh.

Mặt khác, kỹ năng sống của học sinh hiện nay còn yếu. Ở lứa tuổi cấp II, III các em thay đổi suy nghĩ, nhiều khi rất sĩ diện, bột phát nên GV cần gặp riêng những học sinh như vậy để nói chuyện và hiểu nhau hơn.

Theo tôi, không nên sử dụng máy ghi âm trong lớp dù với mục đích gì. Thầy cô giảng vừa đủ cho học sinh tiếp thu, ngoài giảng bằng lời còn ghi lên bảng. Trước đây tất cả học sinh ngoan, học giỏi không cần dùng đến máy ghi âm mà vẫn có thành tích tốt.

* Thầy Nguyễn Hữu Thanh (GV Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)

Phần đức dục đã bị xem nhẹ

Quả thật, việc dạy và học ở nhà trường hiện nay không giống như ngày xưa nữa. Thời đi học, tôi hay cô giáo dạy tiếng Anh “lỡ lời” kia không hề có điện thoại hay bất cứ phương tiện nghe nhìn cá nhân nào. Nên chuyện thầy cô la mắng trong lớp cũng chẳng đọng lại lâu, chỉ truyền miệng rồi quên như gió thoảng...

Đến bây giờ chọn nghề đi dạy, tôi biết rằng chuyên môn và ứng xử của mình luôn được học trò - thế hệ học sinh mới, cá tính, dám nghĩ, dám nói, dám phản biện - đánh giá, nhận xét bất cứ lúc nào.

Tôi từng đọc trên blog một học sinh khá giỏi nhận xét về cô giáo của mình như sau: “Chưa bao giờ thấy một giáo viên vừa dốt, vừa hâm, vừa đần như bà này...”. Ôi! Ghi âm chỉ là hình thức mới của những chuyện kiểu này mà thôi.

Câu chuyện đáng buồn vừa xảy ra khiến tôi nghĩ đến một số điều sau:

- Với cô giáo trẻ, việc chửi học sinh nặng lời trước hết đã vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp mà mỗi GV phải luôn tự ý thức khi đã chọn nghề dạy học - một nghề gánh trên vai cái nhìn và sức ép của toàn xã hội.

Dù biện giải thế nào đi nữa thì cô giáo đã thể hiện sự thất bại hoàn toàn về kỹ năng sư phạm. Và câu chuyện này trở thành bài học cho chính tôi, khi cũng có lúc tôi không giữ được bình tĩnh trước các em.

- Còn chuyện học sinh ghi âm lời thầy cô để lưu lại lời giảng ôn tập ở nhà cũng là điều đáng làm. Nhưng ghi âm để trả đũa màn “tra tấn ngôn từ” của GV lại là điều thất lễ và vô phép. Một lần nữa, chúng ta lại thấy cách hành xử khá lệch lạc, méo mó, trái chiều của một bộ phận học sinh.

Người lớn vẫn cứ chần chừ trong việc cấm hay không cấm dùng điện thoại di động, máy ghi âm của học sinh trong trường. Và nhiều hệ lụy của việc đó cứ nối tiếp diễn ra: cởi áo “khoe hàng”, thanh toán lẫn nhau, đánh ghen, làm nhục bạn... và bây giờ là ghi âm cô giáo mắng đều được tung lên mạng.

Đã đến lúc những người quản lý giáo dục cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ về việc học sinh phổ thông có được phép dùng các phương tiện đa truyền thông trong trường hay không. Quan trọng hơn, cần coi lại: phải chăng chúng ta đang chú trọng dạy chữ mà xem nhẹ phần đức dục cho học sinh trong thời đại mới?

Khi cái gốc chưa được chăm bón cẩn thận thì chuyện cây có nhiều sâu là không thể tránh khỏi.


LƯU TRANG ghi - Theo TTO

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top