Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

bichngoc

Moderator
Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

"…Những gì tạo nên số phận?
Điều gì giá trị? Điều gì vô giá trị?
Điều gì trên đời này có ý nghĩa nhất
cho một con người?"
(Truyện tình kể trong đêm mưa - Nguyễn Huy Thiệp)

Cấu tứ là một phương diện quan trọng của không chỉ các tác phẩm trữ tình mà đối với cả các tác phẩm tự sự. Cấu tứ có vai trò tạo nên phong cách nghệ thuật, biểu hiện tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống nói chung của nhà văn, "cấu tứ là linh hồn của tác phẩm, cung cấp một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Cấu tứ là mô hình nghệ thuật của tác phẩm, là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nó". [1] Tuy nhiên, không phải bất cứ cấu tứ nào cũng có thể cho thấy phong cách, tư tưởng nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nhà văn. Đó phải là những kiểu cấu tứ có tính lặp lại, xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của nhà văn.
Nghiên cứu nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy có một số kiểu cấu tứ sau:

1- "Tội ác và trừng phạt"

Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, cây bút văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp đã thu hút sự chú ý của người đọc. Có nhiều lý do tạo nên hiệu quả ấy, nhưng trước hết phải kể đến khả năng phản ánh và lý giải những vấn đề xã hội hết sức sắc sảo của nhà văn. Đời sống xã hội trong khoảng hơn chục năm trở lại đây có nhiều biến chuyển. Những người có lương tri quan tâm lo lắng nhiều hơn vì sự xuống cấp của những chuẩn mực đạo đức. Quan hệ con người trong cộng đồng nảy sinh nhiều tội ác. Cũng như bao nhà văn khác, Nguyễn Huy Thiệp dành nhiều sự quan tâm đối với vấn đề này. Nhưng điều tạo nên sự độc đáo và vị trí không thể thay thế của Nguyễn Huy Thiệp chính là khả năng nhìn nhận và lý giải hiện thực xã hội này.

Điều gì làm nảy sinh tội ác? Nguyễn Huy Thiệp cho rằng đó là bởi con người ta tăm tối về mặt nhận thức. Một đời sống tinh thần nhạt nhẽo, một tâm hồn vô cảm chính là lý do dẫn đến cái ác. Trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi, khi cậu bé bị chết đuối được chị Thắm cứu thoát - nhân vật xưng tôi - hỏi chị Thắm rằng tại sao người ta lại có thể đang tâm bỏ mặc cậu dưới dòng nước, chị bảo cậu: "Đừng trách họ thế (…). Có ai yêu thương họ đâu… Họ đói mà ngu muội lắm", "người ta tăm tối lắm(…). Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường". Người ta không cứu cậu bởi "những người đánh cá có lệ không cứu những ai chết đuối…". Ở đây có một sự tiếp nối của Nguyễn Huy Thiệp với những tư tưởng về định kiến xã hội của nhà văn Nam Cao, khi Nam Cao lên tiếng bênh vực những con người bình thường (như Đức trong Nửa đêm…) phải chịu sự ghét bỏ, xa lánh của các thành viên khác trong cộng đồng xã hội chỉ bởi những lý do hoàn toàn không có căn cứ.

Điển hình cho sự tăm tối, ngu muội về tinh thần dẫn đến tội ác tập trung trong truyện ngắn Tội ác và trừng phạt. Tác phẩm này có dáng dấp một tiểu luận về "tội ác và trừng phạt" hơn là một truyện ngắn. Câu chuyện về nhân vật tội nhân trong tác phẩm này quá khủng khiếp, vượt ngoài sự tưởng tượng của người đọc. Cô gái mười sáu tuổi phạm tội giết bố và ba đứa em. Không phải cô không có tính người mà đó chính là một hành động bùng phát của hổ thẹn, nhục nhã ê chề. Cô sống trong một gia đình có một người bố, một bà mẹ mù và ba đứa em ở một vùng biệt lập trên vùng núi Tây Bắc. Một lần đi đường, người bố không kìm được thú tính đã hiếp cô con gái. Phẫn uất, cô gái nhân lúc ông bố ngủ đã dùng dìu bổ vào giữa trán của ông ta và phóng hỏa ngôi nhà thiêu sống cả ba đứa em tội nghiệp…

Điều nhà văn quan tâm ở truyện ngắn này lại không phải tất cả là về người con gái với tội giết bố. Nguyễn Huy Thiệp dường như muốn hướng tới sự lý giải nhiều hơn về hành động thú tính của người bố. Anh cho rằng "Tội ác sẽ trở nên hết sức man rợ bởi sự mông muội tinh thần"; "Khi xem các thống kê tội phạm, người ta dễ nhận thấy người có trình độ văn hóa thấp chiếm tỉ lệ cao. Đời sống tinh thần tăm tối cùng với hoàn cảnh quẫn bách vật chất tạo ra tội ác". Trong tác phẩm này, để lý giải tội ác, bên cạnh sự tăm tối về mặt tinh thần, nhà văn đã nêu ra nhiều lý do dẫn đến tội ác, đó là sự buồn chán, "sự ghen tuông, tính đố kỵ, mê tín dị đoan v.v…". Có thể thấy cái nhìn, khả năng phân tích hiện thực đời sống hết sức sắc sảo và thuyết phục của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm của anh thôi thúc những người có lương tâm, có trách nhiệm đối với đời sống cộng đồng cần phải hành động một cách quyết liệt, kịp thời để ngăn chặn tội ác.
Không chỉ có vậy, theo nhà văn, tội ác còn là kết quả tất yếu của nỗi thèm khát tiền tài địa vị. Cuộc sống thị thành hiện đại với bao nhiêu cám dỗ thôi thúc người ta phải tìm mọi cách để có tiền bạc. Người ta khát khao được hưởng thụ những gì lẽ ra mình chưa được hưởng, không xứng đáng, không có tư cách được hưởng. Chàng thanh niên tên Hạnh trong truyện ngắn Huyền thoại phố phường là một nhân vật điển hình cho loại người đó. Vốn là một người nghèo, sống giữa nơi phồn hoa đô hội, Hạnh khát khao "được trở thành triệu phú". Hẳn "Đây là một mơ ước tốt!" như lời của một nhân vật khác trong truyện khẳng định. Nhưng thật đáng cười khi người ta hỏi rằng y đã làm gì để thực hiện "mơ ước tốt" đó thì y nói: "Chưa có cách gì!". Đáng cười hơn nữa khi y thổ lộ: "Cuộc đời đầy những bất ngờ. Tôi chờ thần may mắn đến". Cơ hội của y đã đến, khi y cho rằng chiếc vé số của cô Thoa - con gái bà Thiều sẽ cho y giải độc đắc, sẽ giúp y đổi đời, sẽ đưa y từ thân phận kẻ ở nhờ trong một ngôi nhà chật chội ven thành thành người giàu có… Chính những ý nghĩ, thèm muốn đó đã thôi thúc y hành động một cách vô liêm sỉ để đoạt được chiếc vé số kia. Trớ trêu thay, chiếc vé mà y đã đổi đi lại là chiếc vé trúng giải. Y đã phải gánh chịu một kết cục buồn: Tiếc xót, căm hận đã biến y trở thành một kẻ tâm thần. Đó hoàn toàn là một sự trừng phạt mà những con người như y đã tự chuốc lấy.

Triết lý nhân sinh sâu sắc hơn nữa khi Nguyễn Huy Thiệp còn chỉ ra rằng chính sự coi thường mạng sống của những sinh linh bé nhỏ trong thế giới tự nhiên xung quanh con người cũng dẫn đến tội ác. Ở đây có một sự liên quan với vấn đề nhận thức. Nhiều người chưa nhận thức được rằng sự sống của những con vật cũng là một phần gắn bó hữu cơ với sự sống của con người. Có những kẻ không bao giờ tiếc xót khi nâng nòng súng lên hủy diệt sự sống của những con thú tội nghiệp (Con thú lớn nhất…). Qua truyện ngắn Muối của rừng có thể nhận thấy những tình cảm nâng niu, trìu mến của nhà văn đối với thế giới tự nhiên. Hỏi ai không yêu tự nhiên, yêu môi trường sống của mình khi đọc những dòng văn:

"Sau tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân.

Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da".

Chính bởi yêu thế giới tự nhiên, yêu những sinh vật đang cùng tồn tại với con người trong cùng một môi trường sống, Nguyễn Huy Thiệp đã dành nhiều trang viết về những tội ác con người đã vô tình gây ra đối với tự nhiên mà tập trung hơn cả ở một số truyện nhỏ của truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát.

Tất cả những tội ác mà người ta gây ra đối với đồng loại, với thế giới tự nhiên đều phải trả một giá quá đắt. Người vợ tội nghiệp bị chính viên đạn từ khẩu súng săn của người chồng hạ sát (Con thú lớn nhất - Những ngọn gió Hua Tát). Người con trai duy nhất của ông Nhân bị sói cắn xé cho đến chết hết sức bi thảm (Sói trả thù - Những ngọn gió Hua Tát). Cậu bé Tâm (Giọt máu) phải chịu tội sét đánh thay cho bố của cậu. Người ta phải gánh chịu những gì mà mình đã gây nên. Thậm chí cả những người vô tội cũng phải gánh chịu tội ác của người thân: Vợ chịu tội của chồng, con chịu tội của cha… Sự trừng phạt của thế giới tự nhiên, "của rừng" tỏ ra vô cùng nghiêm khắc.

Viết về vấn đề tội ác và trừng phạt, trước Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều nhà văn đề cập, mà tiêu biểu là tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của nhà văn Nga Đôxtôiépxki. Thực chất, kiểu cấu tứ này cũng là một dạng của cấu tứ nhân quả đã trở nên rất phổ biến trong văn học, đặc biệt là văn học dân gian với thể loại cổ tích. Một mặt tiếp nối mạch chảy này của truyền thống văn học, mặt khác Nguyễn Huy Thiệp phát triển thành một kiểu cấu tứ phổ biến, lặp đi lặp lại trong nhiều sáng tác của anh, và hơn thế, đã được anh khai thác ở nhiều nội dung tư tưởng, giá trị nhân văn mới như đã được trình bày ở trên, phù hợp với nhịp sống của thời đại. Qua đó càng có cơ sở để khẳng định rằng, cái làm nên giá trị cho những tác phẩm văn học chính là cách nhìn nhận khai thác của người nghệ sĩ về những vấn đề muôn thuở của con người. Có những vấn đề do sự phát triển của đời sống xã hội mới nảy sinh mà văn học phản ánh, nhưng có những vấn đề luôn luôn là điều quan tâm cho mọi thời đại, đó là quan hệ con người với con người, con người với của cải vật chất, con người với thế giới tự nhiên,... Nguyễn Huy Thiệp khai thác những vấn đề muôn thuở của con người bằng một cái nhìn mới mẻ và sắc sảo, nhờ vậy những tác phẩm tự sự của anh thực sự có một phong cách, một sự hấp dẫn đối với người đọc. Bởi thế, với việc khai thác kiểu cấu tứ tự sự này, Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần đáng kể vào việc làm phong phú những giá trị tư tưởng nghệ thuật của văn học nói chung.


2 - Những con người "từng săn đuổi bao điều phù du"

Người kể chuyện trong truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát đã từng chiêm nghiệm: "Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao điều phù du". Kể về những con người suốt đời bị ám ảnh bởi một huyền thoại, tin tưởng tuyệt đối vào huyền thoại đó, suốt đời đi tìm huyền thoại là một kiểu cấu tứ khá phổ biến trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Qua các tác phẩm của anh, người đọc bắt gặp khá nhiều nhân vật tin vào những truyền thuyết, những huyền thoại. Dường như có một sức mạnh siêu nhiên nào đó khiến họ luôn luôn bị ám ảnh bởi những huyền thoại đó. Người ta có thể lìa bỏ quê hương, gia đình cùng những người thân yêu; có thể bất chấp cả hiểm nguy, tính mạng bản thân quyết chí ra đi mong gặp được những điều chỉ có trong cổ tích.

Nhân vật "Tôi" trong Chảy đi sông ơi mang một niềm tin mãnh liệt vào sự có thật của "truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen" trên khúc sông làng quê mình. Anh ta tin tưởng rằng thế nào mình cũng sẽ gặp được con trâu, bởi "những người đánh cá ban đêm quả quyết đã nhìn thấy nó". Con trâu "thường xuất hiện vào lúc nửa đêm. Nó ở dưới đáy sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng vút cao, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì bọt, nước dãi của nó tựa như trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá". Cho dù người ta đã cho anh biết, chuyện về con trâu đen chỉ là chuyện giả, chuyện bịa, không có thật, nhưng anh vẫn tin. Suốt một thời thơ bé, câu chuyện về con trâu đen ám ảnh anh. Đã bao lần anh nài nỉ những người đánh cá cho anh đi đánh cá đêm cùng với họ, bị họ hăm dọa, chửi rủa, thậm chí có lần bị hất xuống dòng nước giữa đêm đen, may có người cứu thoát chết. Và quả thực, như người ta đã nói với anh, anh không bao giờ nhìn thấy con trâu ấy. Nhưng anh được gặp một người tốt, con người đã bất chấp những điều kiêng kị cứu anh thoát chết, người đã bảo toàn mạng sống cho anh, người đàn bà bên bến sông - chị Thắm. Chị đã cứu thoát bao người chết đuối, nhưng cuối cùng "lại chết đuối mà không có ai cứu...".

Tiêu biểu cho kiểu cấu tứ này phải kể đến truyện ngắn Con gái thủy thần. Huyền thoại kể rằng trong trận bão mùa hè năm 1956, ở bãi nổi trên sông Cái có một đôi giao long quấn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông, sinh ra một đứa bé. Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả, "đồn" rằng có người đem về nuôi, "lại đồn" các xơ trong nhà tu kín đón về đặt tên thánh cho Mẹ Cả là Gianna Đoàn Thị Phượng.

Đối với Chương - nhân vật xưng "Tôi" trong truyện ngắn này, chuyện Mẹ Cả ám ảnh anh "suốt một thời niên thiếu". Có người đã cho Chương biết chuyện Mẹ Cả là chuyện họ bịa ra, nhưng anh vẫn tin rằng "con gái thủy thần" là có thật. Sức mạnh của niềm tin, sự ám ảnh thôi thúc khiến anh dứt bỏ quê hương và những người thân yêu để ra đi, "nhằm hướng mặt trời mọc mà đi". Trên bước đường đi tìm con gái thủy thần anh đã phải trải qua bao cay đắng, vất vả, nhục nhã. Anh đã làm việc không công, bị hành hạ về thể xác, bị dày vò về tinh thần. Anh đã gặp những người con gái tên Phượng. Trong số họ, cô thì gieo vào anh cái khao khát yêu đương nhưng không bao giờ gặp lại anh, cô thì đòi hỏi anh về thân xác, cô thì dành cho anh những tình cảm yêu đương chân thành. Nhưng tất cả họ không ai là người con gái mà anh đang tìm kiếm. Anh vẫn ra đi, vì nếu anh tìm thấy nàng anh "sẽ không hối tiếc gì về cuộc sống", vì anh "muốn xem phía trước có gì"...

Niềm tin về những huyền thoại phù du của những nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều vô cùng tha thiết. Họ khát khao một ngày kia sẽ đạt được điều họ đang tin. Sức mạnh niềm tin của họ cực kỳ mãnh liệt. Tất cả họ đều tin tưởng một ngày kia huyền thoại đang ám ảnh họ sẽ trở thành hiện thực. Đọc những truyện ngắn theo kiểu cấu tứ của Con gái thủy thần, người đọc có cảm giác mình đang được gặp lại trong văn học hiện đại những nhân vật cổ tích, đang được sống trong một thế giới cổ tích.

Điều khác biệt là trong thế giới nghệ thuật cổ tích mọi huyền thoại, niềm tin đều có thể trở thành hiện thực còn ở Nguyễn Huy Thiệp điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Trong cổ tích mọi mâu thuẫn, xung đột được giải quyết bằng phép nhiệm màu, còn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mọi thứ vẫn được tuân theo quy luật vận hành của vũ trụ, của đời sống xã hội hiện đại. Dường như những nhân vật trong những truyện ngắn theo kiểu cấu tứ này là những người của thế giới cổ tích xa xưa còn xót lại. Họ không thể hòa nhập được với những con người hiện đại. Họ cô đơn trong hành trình đi tìm những điều kì diệu chỉ có trong cổ tích. Họ thường bị những người hiện đại giễu cợt. Chương trong truyện ngắn Con gái thủy thần đã từng bị người ta giễu cợt như thế:

"Trò chuyện mãi, tôi hỏi lão già về chuyện Mẹ Cả. Lão già ôm bụng cười lăn lộn, đôi chân liệt bất động trông rất đáng sợ. Tôi chưa thấy ai khủng khiếp như vậy. Lão già bảo tôi: "Mày có trông thấy cái nia rách kia không? Đôi giao long quấn nhau ở trong ấy đấy...". Lão già lại cười. Tôi kinh hoàng sợ hãi. Lão già lại bảo: "Hồi ấy tao chưa bị liệt. Tao bịa ra chuyện Mẹ Cả. Ai cũng tin. Mộ Mẹ Cả kia kìa, mày muốn biết hình Mẹ Cả đào lên mà xem". Lão già chỉ một nấm đất gần kề gốc muỗm. Tôi lấy chiếc mai trong lều ra chỗ nấm đất, đào lên. Tôi đào theo kiểu người ta vẫn đào khi bốc mộ. Được hơn một mét, tôi lôi dưới ấy lên một khúc gỗ mục chẳng hình thù gì...".

Những con người như vậy cũng thật lạc lõng giữa cuộc sống đời thường. Chương - chàng thanh niên trong truyện Con gái thủy thần cảm thấy không chịu được cuộc sống nhạt nhẽo vô vị:
"Mẹ tôi bảo: "Chương ơi, thế con bỏ mẹ đi à?". Tôi không trả lời, tôi vụt ra ngõ như chạy. Tôi biết, nếu tôi dừng lại lúc này thì tôi sẽ không bao giờ đi nữa. Tôi sẽ quay lại công việc của mười năm trước; tôi sẽ cứ thế cho đến rốt đời: sáng kéo cày, chiều đào đá ong, tối lột giang đan mũ. Tôi sẽ kéo mòn kiếp sống của tôi như thế. Như thể bố tôi, như ông Nhiêu, như ông Hai Thìn, như những người dân hiền lành, lam lũ ở quê hương tôi".

Cũng bởi họ tin vào, quyết đi tìm cho được những điều phù du nên thường phải chịu gánh chịu những kết cục thật đáng thương tâm. Chàng trai mồ côi tên Khó trong truyện Trái tim hổ (Những ngọn gió Hua Tát) giống như bao người con trai bản Hua Tát tin vào câu chuyện dùng trái tim con hổ dữ có thể chữa khỏi bệnh liệt hai chân cho người con gái tên Pùa có sắc đẹp không ai bì kịp.

Bất chấp mọi hiểm nguy, những chàng thanh niên vì yêu Pùa, vì tin vào lời đồn về phép màu của trái tim hổ vẫn vác súng vào rừng, quyết săn bằng được hổ dữ. Đã "Hơn mười người chết vì con hổ dữ. Tiếng khóc than lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản. Người ta nản chí dần, số người đi săn rụng nhanh như bứa chín cây, cuối cùng chỉ còn một người. Người ấy là Khó". Chuyện trái tim hổ chữa lành bệnh cho Pùa chẳng bao giờ trở thành sự thực. Chỉ có một sự thực xót xa: "Hơn mười người chết trong mùa đông ấy vì con hổ dữ. Thêm hai người nữa chết dần sau câu chuyện đó. Hai người ấy là Pùa và Khó...".

Kiểu cấu tứ kể về những con người "từng đi tìm bao điều phù du" trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, trước hết cho thấy sự hoài vọng về một thế giới tinh thần với những giá trị nhân văn thuần khiết. Kiểu cấu tứ ấy còn là mơ ước của nhà văn về một xã hội tốt đẹp hơn; ở đó con người và con người sẽ chỉ có tình thương, tình yêu, lòng bao dung; ở đó những kẻ vô tình, vô nghĩa, tăm tối và bặm trợn không bao giờ còn tồn tại.

Hơn thế, những tác phẩm thuộc kiểu cấu tứ tự sự này còn là lời nhắc nhở, thức tỉnh những ai còn mơ mộng, tin tưởng vào những điều huyễn hoặc hãy biết sống tỉnh táo hơn, lý trí hơn, khôn khéo hơn. Cuộc sống hiện đại với bao quan hệ bộn bề cần những con người luôn biết xét đoán thông minh, biết ứng xử để giành cho những giá trị đích thực có một chỗ đứng xứng đáng. Đó chính là những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm, sẻ chia. Trong trí nhớ của người đọc Nguyễn Huy Thiệp như còn vang mãi những lời thơ:

Sự nhẹ dạ của lòng người
Tôi nhẹ dạ, anh nhẹ dạ, chị nhẹ dạ
Và em nữa, em thân yêu
Em nhẹ dạ qua chừng
Chúng ta đều nhẹ dạ ở cõi đời này
……………..
Em nhẹ dạ quá chừng
Trái tim em trong trắng thế
Và đôi môi em tinh khiết thế
Đôi mắt em buồn tái tê
Niềm tin kia...
Niềm tin chẳng giả thiết gì, chẳng điều kiện gì
Còn nếu tôi là quỷ dữ?
Anh là quỷ dữ, chị là quỷ dữ?
Bố mẹ tôi là quỷ dữ?
Sự nhẹ dạ của lòng người
Có chắp cánh cho chúng ta bay lên Thiên đường được không?
(Những bài học nông thôn)



3 - Con người với tâm trạng "Sao tôi cứ như lạc loài"

Đọc Tướng về hưu nhiều người còn nhớ nhân vật chính của tác phẩm - vị Thiếu tướng về hưu Nguyễn Thuấn. Ông là một vị tướng chỉ huy trong quân đội, nhưng khi trở về cuộc đời thường, chứng kiến bao chuyện đau lòng, ngang tai trái mắt của những người trong gia đình, họ hàng, làng xóm, ông bất lực. Cuộc sống hiện tại không có chỗ dành cho ông. Cho dù đã cố gắng, ông cảm thấy không thể hòa nhập được với mọi người. Bao chuẩn mực đạo đức mà ông cho là cần thiết thì những nguời xung quanh ông chỉ cho đó là những thứ không cần đếm xỉa. Ông không thể hiểu được những chuyện như tại sao con trai ông lại tỏ ra yếu hèn trước tay trai lơ tên Khổng thường lấy "thơ ca" ve vãn con dâu mình:

"Cha tôi bảo: "Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình". Tôi bảo: "Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm". Cha tôi bảo: Anh cho là trò đùa à?". Tôi bảo: "Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm trọng".

Cha tôi bảo: "Sao tôi cứ như lạc loài".".

Chẳng phải riêng ông, ngay cả người con trai, con người vẫn hằng ngày được hòa nhập trong cái đời thường đó cũng cảm thấy rất cô đơn. Nhưng cái cô đơn của anh là cái tâm trạng của những người sống nhạt nhòa, đơn điệu giữa cuộc đời. Anh cơ hồ cảm thấy một sự li tán của những người đang sống quanh anh. Mỗi người như đang đuổi theo những cách sống, những cách hiểu, hơn thế, những cách quan niệm, những mục đích khác nhau. Giữa họ không có một sợi dây ràng buộc nào về tinh thần. Họ là vợ chồng, họ là cha con, là anh em, chú cháu, hàng xóm…nhưng mỗi người chỉ là một cá nhân cô đơn, tội nghiệp. Tất cả họ đều rất đáng thương. Khi người mẹ anh qua đời, người ta cho tiền vào miệng bà, con gái anh hỏi:

"Sao chết đi qua đò cũng phải trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà?". Cái Vi bảo: "Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố?". Tôi khóc: "Các con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín". Cái Vi bảo: "Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần".

Những nghiệt ngã của cuộc đời đeo đẳng người ta đến cả khi đã lìa bỏ trần thế. Đằng sau những lời nói hồn nhiên của những đứa trẻ là một sự thật sa sót của cõi người. Anh "không hiểu" hay anh không đủ tự tin để tin vào điều mình hiểu. Cái gì làm anh không có đủ tự tin? Phải chăng chính là sự đơn độc của lòng người. Bởi thế anh "thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa".

Không chỉ ở Tướng về hưu mà nhiều nhân vật trong các truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn cảm thấy cô đơn, bơ vơ giữa cuộc đời. Kiểu nhân vật như vậy xuất hiện khá nhiều, có vai trò dẫn dắt mạch truyện, tạo nên một kiểu cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyên do đâu mà xuất hiện kiểu con người cô đơn? Khi xây dựng những tác phẩm tự sự theo kiểu cấu tứ về những con người cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã nhạy cảm bắt nhận được những vấn đề nóng của đời sống xã hội. Một điều tưởng như mâu thuẫn nhưng hoàn toàn có thể hiểu được là có bao người đang sống giữa nơi phố phường nhộn nhịp nhưng lại cảm thấy cô đơn tột đỉnh. Đó hoàn toàn không bởi họ không có người thân mà vì một lý do khác, một lý do như nhân vật xưng "Tôi" trong Tướng về hưu đã cảm thấy. Cuộc sống hiện đại gấp gáp quá, hối hả quá; con người hiện đại nhiều tham vọng quá; bao người đang say mê rượt đuổi tiền tài, địa vị, danh vọng. Họ chỉ nhớ đến những ý muốn, mục đích của bản thân. Làm sao con người không cảm thấy bơ vơ khi bên cạnh mình là những người như thế.

Phần lớn những nhân vật cô đơn là những người phải sống bên cạnh những con người coi thường những giá trị tinh thần, coi trọng những giá trị vật chất, ham muốn hưởng thụ, chiếm đoạt. Đặng Xuân Bường - nhân vật chính của truyện ngắn Những người thợ xẻ - là một nhân vật thuộc kiểu người như thế. Anh ta nhìn mọi thứ bằng con mắt của một kẻ hoàn toàn thực dụng. Tình yêu đối với anh ta là chuyện của giống đực đối với giống cái. Giá trị của một con người đối với anh ta là tiền. Bường có thể quy mọi thứ ra tiền, kể cả lòng tốt. Bường có thể hành động một cách trắng trợn, thô bỉ, khốn nạn để có được tiền, để thỏa mãn nhục dục. Cũng chính bởi thế anh ta chỉ cảm thấy một cách "hình như" về những giá trị tinh thần mà một người bình thường cũng có thể hiểu được:

"Chị Thục bảo: "Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người". Anh Bường bảo: "Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. Nó tù mù về hình thức nhưng ẩn chứa nội dung gì đấy".".

Cũng có thể hiểu câu nói của Bường như một sự giễu cợt những giá trị đạo đức, nhân cách mà người phụ nữ ấy muốn nhắn nhủ đến mọi người.

Với những người như Bường, có thể hiểu được tại sao lại có sự xung đột dữ dội giữa Bường và chàng thanh niên tên Ngọc - nhân vật xưng "Tôi" trong tác phẩm này. Bên cạnh những người như Bường, Ngọc cô đơn, cô đơn một cách tuyệt vọng. Ngọc có cảm giác những người quanh anh, những người mà anh gặp không thể hiểu được bao tình cảm vô cùng quý giá mà anh đang ôm ấp. Những tình cảm đang mỗi ngày khiến anh đau đớn, nuối tiếc. Anh từng bộc lộ tâm trạng ấy với người con gái mới quen, đó là Quy: "… Quy bảo: "Anh nói hay nhỉ? Em chẳng hiểu gì". Tôi bảo: "Em chẳng hiểu gì đâu". Trong lòng tôi một nỗi căm giận vô cớ bỗng dưng vụt đến, khiến tôi đắng khô miệng lại". Tất cả những gì Ngọc gặp trên bước đường đẩy ý nghĩ của anh đến sự cô đơn khắc khoải:

"Người dưng ơi người dưng, một triệu người tôi gặp trong đời có ai là máu của máu tôi? Là thịt của thịt tôi? Có ai sẽ sống vì tôi và chết vì tôi? Có ai không? Có ai là hoàng đế của tôi? Cũng là thần tử của tôi? Ai là tâm phúc với tôi? Là hy vọng của tôi? Cũng là địa ngục của tôi".

Những con người cô đơn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thường sống trong một tâm thế yếu đuối, tuyệt vọng. Họ thật sự khiến tất cả người đọc phải giật mình nghĩ về bản thân và những người xung quanh. Tiếng kêu của họ hoàn toàn chính đáng. Cần phải quan tâm sẻ chia, đồng cảm với những người quanh ta; cần phải giáo hóa những con người vị kỉ, thực dụng chính là tư tưởng mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm tới cuộc đời.

Người cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn là người mang trong mình những tư tưởng tiến bộ về quan hệ cộng động, về tình thương yêu. Họ không chấp nhận cuộc sống đua chen, phồn tạp thị thành. Nhân vật thầy giáo Triệu trong thiên truyện Những bài học nông thôn là một người thành phố, nhưng bao giờ anh cũng nói với mọi người: "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn". "Bố mẹ anh ở Hà Nội, bố anh là bộ trưởng, mẹ anh sinh ra trong một gia đình trí thức tiếng tăm. Anh sống độc thân, đã ở làng này chín năm, anh chẳng bao giờ về thăm gia đình mình ở thành phố, nghe nói bố mẹ anh đã "từ" anh,...". Anh yêu thương những người nông thôn, đồng cảm với nỗi cực nhọc mưu sinh của họ. Người thầy giáo ấy đã dứt bỏ thành phố để về sống với những người nông dân, mở mang tri thức, tầm nhìn cho họ, bởi theo anh họ khổ bởi họ còn quá "nhẹ dạ nông nổi". Về với nông thôn anh tìm được chỗ đứng của mình, anh sống chan hòa giữa họ. Những người nông dân tin yêu anh, gửi gắm con em họ cho anh dạy dỗ... Anh yêu thương những người nông thôn như máu thịt của mình, bởi thế, để chở che cho họ anh đã không tiếc cả mạng sống.

Viết về sự cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã tiếp nối sáng tạo một tư tưởng truyền thống trong văn học, như chính nhân vật xưng "Tôi" trong Tướng về hưu đã từng nhận thấy: "Đọc Loócca, Uýtxman… tôi cứ mơ hồ thấy những nghệ sĩ trác tuyệt là những con người cô đơn khủng khiếp". Cũng vậy, có thể nói đến một con người cô đơn, một cấu tứ tự sự về những con người cô đơn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Cái mới lạ, độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ anh đã thổi vào những hình tượng nghệ thuật của mình dáng dấp con người hiện đại, với những vấn đề của thời hiện đại. Chính bởi thế tác phẩm của anh đã được bạn đọc đón nhận và có một vị trí xứng đáng trong văn học Việt Nam hiện đại.

Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn có thể có những kiểu khác nữa, song với những gì mà chúng tôi đã tìm hiểu cũng có thể nhận thấy rằng việc tìm hiểu cấu tứ tự sự của truyện ngắn nói riêng và thể loại tự sự nói chung có thể mở ra cho người đọc một hướng tiếp cận tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, tạo những cơ sở giúp cho người nghiên cứu đánh giá khá chính xác về giá trị của tác phẩm, đóng góp của một nhà văn đối với nền văn học.

Nguyễn Văn Tùng​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top