• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cấu trúc hành động ý chí

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
CẤU TRÚC HÀNH ĐỘNG Ý CHÍ

Nói đến ý chí là nói đến năng lực điều khiển hành vi của mình, năng lực khắc phục những khó khăn trên đường đi tới mục đích. Trong điều khiển học, ý chí được định nghĩa như một khái niệm trò chơi. Nó phản ánh những tình huống của cuộc đấu tranh sống còn. Không có đấu tranh, không có sự chống trả trong bản thân mỗi con người thì cũng không cần thiết tới sự nỗ lực ý chí.
1) Ý chí:
-Ý chí là mặt năng động của ý thức biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nổ lực khắc phục khó khăn.
-Ý chí bao giờ cũng là ý chí của con người cụ thể và luôn luôn biểu hiện ở hành động. Khi nói đến ý chí tất yếu phải nói đến hành động. Hành động này gọi là hành động ý chí.
2) Hành động ý chí:
a) Định nghĩa:
Hành động ý chí là hành động có ý thức, có chủ tâm, đòi hỏi nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra.
Ví dụ: + Hành động lấy thân mình lấp lỗ châu mai của anh Phan Đình Giót.
+ Hành động đập bể nát cái mẻ kho cá của Thạch Sùng.
+ Hành động thích lên bắp tay hai chữ “Sát Thác” của những người lính trong quân đội nhà Trần.
b) Đặc điểm của hành động ý chí:
+ Nguồn kích thích hành động ý chí không trực tiếp quyết định hành động bằng cường độ vật lý mà thông qua cơ chế động cơ hóa hành động, trong đó chủ thể nhận thức ý nghĩa của kích thích để từ đó quyết định có hành động hay không.
+ Hành động ý chí có tính mục đích rõ ràng và chứa đựng nội dung đạo đức.
+ Hành động ý chí bao giờ cũng có sự lựa chọn phương tiện và phương pháp tiến hành.
+ Hành động ý chí luôn có sự điều khiển,điều chỉnh, kiểm tra của ý thức, luôn có sự nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra.
c) Cấu trúc của hành động ý chí: gồm có 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn chuẩn bị: là giai đoạn hành động trí tuệ, suy nghĩ, cân nhắc các khả năng khác nhau. Sự chuẩn bị này,tùy thuộc theo điều kiện và đặc điểm của cá nhân, có thể diễn ra trong thời gian dài, ngắn khác nhau. Giai đoạn này gồm các khâu:

  • Xác định mục đích, hình thành động cơ: trong các giai đoạn này có sự đấu tranh động cơ để chọn lấy một mục đích, một động cơ nổi bật. Việc đấu tranh động cơ còn diễn ra suốt quá trình hoạt động.
  • Lập kế hoạch hành động.
  • Chọn phương tiện và biện pháp hành động.
  • Quyết định hành động.
Trước khi làm một việc gì, con người thường tự hỏi: “Làm việc này để làm gì?”, tức là người đó đã xác định mục đích hành động. Mục đích này nếu như không được hình dung rõ trong ý thức, thì hành động sẽ mất phương hướng. Có điều, mục đích phải thiết thực, có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa xã hội rõ rệt. Trong khoa học và trong đời sống xã hội, chính những mục đích cao đẹp đầy nhân ái đã thúc đẩy con người khắc phục những trở ngại trên đường thực hiện mục đích và kiên trì đấu tranh cho mục đích ấy.
Quay lại ví dụ về Phan Đình Giót ( PĐG ) lấy thân mình lấp lỗ châu mai, ngày 13/3/1954, bộ đội Đại đội 58 tấn công cứ điểm Him Lam, bất ngờ hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn trả rất mạnh khiến lực lượng xung kích của Việt Nam bị chặn lại, PĐG đến lô cốt số 3 với ý nghĩ là “ dập tắt ngay lô cốt này “, ông dùng sức nâng tiểu liên và bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to “ quyết hy sinh vì Đảng, vì dân “ rồi sau đó lấy thân mình lấp lỗ châu mai, do đó hỏa điểm bị dập tắt, quân Việt Nam xông lên và tiêu diệt Him Lam, góp phần cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Phân tích ví dụ này ta thấy rõ:
Giai đoạn chuẩn bị của hành động ý chí này, là quá trình đấu tranh tư tưởng với ý nghĩ xác định mục đích, đồng thời hình thành động cơ là phải làm sao để dập tắt được lô cốt số 3, kế hoạch hành động với ý nghĩ ban đầu là dùng súng tiểu liên xả đạn vào bên trong lô cốt thông qua lỗ châu mai để tiêu diệt địch.
Nhiều khi, trong cùng một lúc, con người thường có nhiều mục đích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, song hành động trong giây phút ấy thì chỉ có một. Vì vậy, lúc này PĐG không nghĩ đến lợi ích cá nhân, mà đặt lợi ích Tổ quốc là trên hết, ông phải chọn lấy một mục đích, một động cơ hành động là hy sinh thân mình vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp toàn dân. Quá trình lựa chọn này gọi là đấu tranh động cơ hay đấu tranh bản thân. Đấu tranh động cơ là thời kỳ vô cùng quan trọng của hành động ý chí. Nó xác định phương hướng tâm lý cho hành động.
Trong trường hợp này, mục đích nào được nhận thức là cấp thiết, là phù hợp với bản thân, thì mục đích ấy được giữ lại và chi phối hành động, tức là cuộc đấu tranh động cơ được kết thúc bằng một quyết định là lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
+ Giai đoạn thực hiện: việc chuyển từ quyết định hành động đến hành động là sự thay đổi về chất vì đó là sự chuyển biến nguyện vọng thành hiện thực. Sự thực hiện quyết định có thể diễn ra dưới 2 hình thức:

  • Thực hiện hành động bên ngoài.
  • Hành động ý chí bên trong (hay kìm hãm các hành động bên ngoài). Trong quá trình thực hiện hành động có thể gặp những khó khăn trở ngại, đòi hỏi phải nổ lực ý chí vượt qua, nhằm thực hiện đến cùng mục đích đã định. Có 2 loại trở ngại, khó khăn: khó khăn bên trong (chủ quan) và khó khăn bên ngoài (khách quan). Ý chí thể hiện tập trung và rõ ràng khi nó khắc phục các khó khăn, đạt mục đích đã đề ra bằng sự nỗ lực của bản thân.
Thực hiện quyết định thể hiện ở hành động. Và, kết thúc quá trình hành động, con người biến nguyện vọng thành hiện thực. Qua ví dụ về PĐG ta thấy được quá trình thực hiện quyết định của ông là hành động lấy than mình lấp lỗ châu mai, biến nguyện vọng dập tắt lô cốt số 3 thành hiện thực, giúp quân Việt Nam tiến lên giành cứ điểm Him Lam.
Có điều, trong quá trình hành động, ít nhiều đều gặp khó khăn. Ví như PĐG mặt dù đang bị thương nơi đùi ( do ném bộc phá bị thương), phải khó khăn lê thân mình đến miệng lô cốt dưới làn đạn của lính Pháp.Thái độ của PĐG trước khó khăn biểu hiện mức độ nỗ lực ý chí của ông ấy. Khó khăn càng nhiều, càng khắc phục được, thì sự nỗ lực ý chí càng cao, ông bất chấp vết thương rỉ máu, bất chấp tính mạng của mình. Sự vĩ đại và uy lực của ông chính là ở chỗ biết huy động toàn bộ sức mạnh thể chất, tinh thần và xúc cảm, vượt hết trở ngại này đến trở ngại khác một cách liên tục và có mục đích.
Không phải ngẫu nhiên lịch sử nói với chúng ta rằng, cuộc đời của tuyệt đại đa số các vĩ nhân thường phải tiến hành đấu tranh đến cao độ, phải khắc phục vô vàn những trở ngại trên đường bằng cách huy động toàn bộ sức mạnh ý chí của mình!
+ Giai đoạn đánh kết quả: khi hành động đạt đến một mức độ nào đó, con người đánh giá, đối chiếu các kết quả đạt được với mục đích đã định. Khi kết quả của hành động phù hơp với mục đích thì hành động kết thúc. Sự đánh giá thường đem lại sự hài lòng thỏa mãn hoặc chưa thỏa mãn, chưa hài lòng. Sự đánh giá có thể trở thành sự kích thích vì động cơ đối với hoạt động tiếp theo.
PĐG đã đánh giá được kết quả của việc mình đang làm, là mình sẽ hy sinh nhưng sự hy sinh ấy là vĩ đại, sự hy sinh của ông sẽ giúp được Đại đội 58 hoàn thành nhiệm vụ, sẽ hạn chế sự hy sinh của đồng đội nếu như lô cốt số 3 không còn tồn tại, sự hy sinh của ông sẽ làm nên chiến thắng Him Lam, mở màn cho chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
3) Kết luận:
+ Ba giai đoạn trên của 1 hành động ý chí có liên quan hữu cơ, tiếp nối nhau và bổ sung cho nhau.
+ Muốn có hành động ý chí thì ta phải có động lực và nguồn tạo nên động lực đó là ý chí.
+ Muốn có kết quả hành động ý chí tốt thì phải có mục đích và xác định được mục đích hành động đồng thời phải lập kế hoạch để biết mình cần làm những gì.
+ Hãy biết chấp nhận khó khăn như một phần tất yếu trên con đường đến thành công.
+ Sau khi hành động thì hãy so sánh kết quả mình vừa đạt được với mục tiêu ban đầu mình đã đạt ra để rút ra kinh nghiệm.
4) Để rèn luyện hành động ý chí:
- Luôn tạo cho mình những lý tưởng sống cao đẹp, luôn lạc quan yêu đời và tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội.
- Nên chơi với những ai biết làm gì khi mình không biết làm gì.
- Phải luôn có mơ ước và phải luôn tạo động lực để thực hiện ước mơ.
- Phải luôn nhìn lên, suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực.
- Phải luôn kiên trì và vững bước trước khó khăn.
-Hãy coi cái khó và sự thất bại là cơ hội để ta đi tiếp, để kiểm tra lại chính mình, luôn nhớ rằng thất bại là mẹ thành công.


Sưu tầm*

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top