Câu hỏi ôn tập môn Luật Sở hữu trí tuệ

dream_high

Moderator
Xu
0
Câu hỏi ôn tập môn Luật Sở hữu trí tuệ

Câu hỏi 1. Thế nào là quyền sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ bao gồm các đối tượng nào?

Trả lời: Trí tuệ là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng.
Các đối tượng sở hữu trí tuệ được nhà nước bảo hộ bao gồm: Đối tượng quyền tác giả: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm khoa học; đối tượng liên quan đến quyền tác giả như: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Đối tượng quyền đối với giống cây trồng: Giống cây trồng và vật liệu nhân giống. Sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm: nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng (Điều 3 Luật SHTT).

Câu hỏi 2. Thế nào là quyền tác giả?


Trả lời: Quyền tác giả là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, thường gọi là bản quyền tác giả.
Quyền tác giả thường được xác lập đối với những người sáng tạo ra tác phẩm gốc về văn học, kịch, âm nhạc, nghệ thuật. Quyền này cho phép người sáng tạo kiểm soát được việc khai thác, sao chép, cải biên, công bố tác phẩm của mình. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hoá (Điều 4.3 Luật SHTT)

Câu hỏi 3. Thế nào là tác phẩm? Tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả?

Trả lời: Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Tác phẩm có còn thể thể hiện bằng các ký hiệu thay cho chữ viết như chữ nổi, ký hiệu tốc ký, ký hiệu tương tự khác mà có thể sao chép bằng nhiều hình thức khác nhau (Điều 9 Nghị định 100/200/NĐ-CP).
Tác phẩm văn học, nghệ thụât và khoa học được nhà nước bảo hộ là các loại tác phẩm:
Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác.
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ nói và được định hình dưới dạng vật chất nhất định (Điều 10 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
- Tác phẩm sân khấu bao gồm thuộc loại hình biểu diễn như kịch nói, nhạc vũ kịch, ca kịch, kịch câm, xiếc, múa, múa rối và các loại hình tác phẩm sân khấu khác (Điều 13 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên chất liệu nhất định có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ. Tác phẩm điện ảnh gồm các loại phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác (Điều 16 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
- Tác phẩm báo chí gồm: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ảnh, điều tra, bình luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình báo, điện tử hoặc các phương tiện khác (Điều 11 Nghị định 100/2006/NĐ-CP). - Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không (Điều 12 Nghị định 100/2006 NĐ-CP).
- Tác phẩm kiến trúc là bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng. Tác phẩm kiến trúc bao gồm các bản vẽ, thiết kế mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan một vùng, đô thị, hệ thống đô thị, khu chức năng, đô thị, khu dân cư (Điều 17 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
- Tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc, bố cục như hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện khác tồn tại dưới dạng độc bản. Đối với loại hình đồ hoạ có thể thể hiện đến phiên bản thứ 50, có số thứ tự và có chữ ký của tác giả (Điều 15.1 Nghị định 100/2006/Nđ-CP).
- Mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt, bằng tay hoặc bằng máy như biểu trưng, hàng thủ công mỹ nghệ, hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm (Điều 15.2 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
- Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể tạo ra bằng bất cứ phương tiện kỹ thuật nào. Có thể là phương pháp hoá học, điện tử, hoặc phương pháp khác (Điều 16 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
- Bản hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học (Điều 18 Nghị định 100/2006/NĐ-CP). - Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian (Điều 14 luật SHTT).

Câu hỏi 4. Những người nào được coi là tác giả của tác phẩm?

Trả lời: Những người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm khoa học là tác giả của tác phẩm. Tác giả bao gồm:
- Cá nhân người Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ. - Cá nhân người nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam; có tác phẩm được công bố lần đầu tiên ở Việt Nam; có tác phẩm được bảo hộ tại Việt nam (Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP). Ngoài ra, những người dưới đây cũng được công nhận là tác giả như người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác được coi là tác giả tác phẩm dịch; người phóng tác từ tác phẩm đã có, người cải biên, chuyển thể tác phẩm từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình khác được coi là tác giả của tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể; người biên soạn, chủ giải, tuyển chọn tác phẩm của người khác thành tác phẩm có tính sáng tạo được coi là tác giả biên soạn, chú giải, tuyển chọn (Điều 13 Luật SHTT).

Câu hỏi 5. Những người nào được coi là chủ sở hữu tác phẩm?

Trả lời: Chủ sở hữu tác phẩm bao gồm: Tác giả là chủ sở hữu toàn bộ hoặc một phần tác phẩm do mình sáng tạo, trừ trường hợp tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng. Các đồng tác giả là chủ sở hữu chung tác phẩm do họ cùng sáng tạo, trừ trường hợp tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả là chủ sở hữu toàn bộ hoặc một phần tác phẩm do tác giả tạo ra theo nhiệm vụ mà cơ quan hoặc tổ chức giao. Cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả là chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ tác phẩm do tác giả sáng tạo theo hợp đồng. Người thừa kế hợp pháp của tác giả là chủ sở hữu tác phẩm được thừa kế trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm đó. Những người được chủ sở hữu tác phẩm chuyển giao các quyền của mình theo hợp đồng thì những người này là chủ sở hữu quyền được chuyển giao.

Câu hỏi 6. Có bắt buộc đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền tác giả mới phát sinh quyền không?

Trả lời: Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh tại thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ.
Chủ sở hữu tác phẩm có quyền đăng ký tác phẩm thuộc sở hữu của mình tại cơ quan bản quyền tác giả của Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Việc đăng ký bản quyền tác giả cũng không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu tác giả sáng tạo đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền tác giả thì không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại (Điều 49 Luật SHTT).

Câu hỏi 7. Quyền của tác giả (quyền tác giả) bao gồm những quyền gì?


Trả lời: Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo.
Quyền nhân thân gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân đối với tác phẩm mà mình sáng tạo gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm. Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền nhân thân đối với tác phẩm gồm: công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thảo thuận khác; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thoả thuận khác (Điều 19 Luật SHTT, Điều 22 Nghị định 100/106/NĐ-CP).
Quyền tài sản bao gồm:
đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, truyển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả gồm: được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê (Điều 22 Luật SHTT, Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 8. Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền tác giả?

Trả lời: Các hành vi sau đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả:
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả, đồng tác giả trong trường hợp có đồng tác giả.

4. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.
5. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền (trừ trường hợp có quy định khác).
6. Làm tác phẩm phái sinh nhưng không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền (trừ trường hợp có quy định khác).
7. Sử dụng tác phẩm mà không dược phép của chủ thể quyền, không trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (trừ trường hợp có quy định khác).
8. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

9. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông hoặc các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Xuất bản tác phẩm không được phép của chủ sở hữu quyên tác giả.

11. Cố ý huỷ bỏ, làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền thực hiện để bảo vệ quyền.

12. Cố ý xoá bỏ, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

13. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình.

14. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
15. Xuất khẩu, nhập khẩu bản sao tác phẩm mà không được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép (Điều 28 Luật SHTT).

Câu hỏi 9. Quyền tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan là gì?


Trả lời: Quyền tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ trong việc ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác trái phép quyền tác giả, quyền liên quan là việc các chủ thể quyền đưa ra các thông tin quản lý quyền của mình gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu, mã hiệu, ký hiệu thể hiện thông tin đó.
Các chủ thể quyền còn có thể áp dụng mọi biện pháp công nghệ khác để bảo vệ thông tin quản lý quyền (Điều 43.1 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 10. Những người nào có quyền khởi kiện dân sự về quyền tác giả và quyền liên quan?

Trả lời: Những chủ thể quyền sau đây có quyền khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan:
Tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan; người thừa kế hợp pháp; cá nhân, tổ chức, được chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng; người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; tổ chức phát sóng, tổ chức đại diện tập thể được uỷ thác; các chủ thể quyền khác theo quy dịnh của pháp luật. Cơ quan nhà nước cũng có thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 44 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi 11. Thế nào là quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 4.4 Luật SHTT).

Câu hỏi 12. Sáng chế là gì? Giải pháp hữu ích là gì?


Trả lời: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các yêu cầu sau: có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau: có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 4.12, Điều 58 Luật SHTT). Sáng chế, giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật và giải pháp đó được công nhận là có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới khi:
Thứ nhất, giải pháp kỹ thuật không trùng với giải pháp kỹ thuật đã được mô tả và đã nộp cho cơ quan cấp bằng độc quyền về sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trước đó.
Thứ hai, trước đó giải pháp kỹ thuật này chưa bộc lộ công khai ở trong hay ngoài nước dưới hình thức sử dụng hay mô tả trong bất kỳ nguồn thông tin nào mà căn cứ vào đó người có trình độ trung bình có thể thực hiện giải pháp kỹ thuật đó. Giải pháp kỹ thuật được công nhận có trình độ sáng tạo nếu giải pháp đó là bước tiến sáng tạo và cho đến ngày ưu tiên của đơn so với trình độ kỹ thuật của trong và ngoài nước, giải pháp đó không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Giải pháp kỹ thuật được công nhận có khả năng áp dụng nếu căn cứ vào bản chất của giải pháp kỹ thuật được mô tả trong sáng chế, giải pháp hữu ích, có thể thực hiện được giải pháp đó trong việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm, hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và đạt được kết quả ổn định (Điều 60, Điều 61, Điều 62 Luật SHTT).

Câu hỏi 13. Ai là người có quyền đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích?

Trả lời: Phải nộp đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và nếu được công nhận thì quyền sở hữu được xác lập theo văn bằng bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích).
Một trong những người sau đây có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích: Tác giả là người tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích bằng công sức và chi phí của mình; Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả, dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Trường hợp Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật thì quyền đăng ký thuộc về tổ chức, cơ quan được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ này sẽ có trách nhiệm đại diện cho nhà nước để đăng ký. Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện khi tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều đồng ý. Trường hợp nhà nước góp một phần kinh phí-điều kiện kỹ thuật thì một phần đăng ký tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về nhà nước. Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức cá nhân khác, nếu trong hợp đồng hợp tác không có quy định nào khác, thì phần quyền đăng ký tương ứng với tỷ lệ đóng góp của nhà nước trong việc hợp tác nghiên cứu. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký thì có quyền chuyển giao quyền đăng ký đó cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, có quyền để thừa kế quyền nộp đơn, hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật, kể cả trong trường hợp đã nộp đơn đăng ký (Điều 86 Luật SHTT, Điều 9 nghị định 103/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 14. Kiểu dáng công nghiệp là gì?


Trả lời: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó. Để được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới đối với thế giới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp có chức năng thẩm mỹ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng bằng nét độc đáo, vẽ đẹp và nâng cao tính tiện ích của sản phẩm. Điểm mấu chốt của khái niệm trên là kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm, tái tạo bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp (vì vậy nên gọi là kiểu dáng công nghiệp). Nếu không có yếu tố này thì không phải là kiếu dáng công nghiệp mà là sự sáng tạo nghệ thuật (thuộc bản quyền tác giả). Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được thể hiện và công nhận khi kiểu dáng đó đảm bảo: khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong và ngoài nước trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên (trong trường hợp được hưởng quyền ưu tiên) và chưa được bộc lộ công khai ở trong và ngoài nước. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được thừa nhận nếu so với các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức văn bản, hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong hay ngoài nước thì kiểu dáng đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp là khả năng có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài giống hệt nhau bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp (Điều 63, 65, 66, 67 Luật SHTT).

Câu hỏi 15. Vì sao phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp và ai có quyền đăng ký ?

Trả lời: Kiểu dáng công nghiệp phải đăng ký và nếu đáp ứng các yêu cầu thì quyền sở hữu được thừa nhận thông qua việc xác lập theo văn bằng bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp). Cần phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp với Cục Sở hữu trí tuệ vì quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp chỉ phát sinh trên cơ sở bằng độc quyền và trong thời hạn bảo hộ, chủ sở hữu có độc quyền sử dụng, chuyển giao. Như vậy mới có thể được bù đắp chi phí về vật chất, trí tuệ, được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành quả của mình. Những người sau đây có quyền nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Tác giả (người hoặc những người trực tiếp tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng chính công sức của mình) nếu tác giả tự đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất của mình để tạo ra kiểu dáng công nghiệp; hoặc tổ chức, cá nhân giao việc, cung cấp kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả hoặc ký hợp đồng thuê việc với tác giả và không có thoả thuận khác trong hợp đồng này. Người có quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao quyền nộp đơn cho tổ chức, cá nhân khác, kể cả đơn đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký (Điều 86 Luật SHTT). Trường hợp có sự đầu tư kinh phí của nhà nước thì quyền đăng ký của nhà nước đối với việc tạo ra kiểu dáng công nghiệp tương ứng như đối với sáng chế (Điều 9 Nghị định 103/2006/Nđ-CP).

Câu hỏi 16. Thế nào là thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn?


Trả lời: Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử (với ít nhất một phần từ tích cực) và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn để nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với thuật ngữ “IC”, “chíp”, “mạch vi điện tử”. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và các mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn (Điều 4.15 Luật SHTT). Thiết kế bố trí mạch tích hợp được bảo hộ khi có tính nguyên gốc và tính mới thương mại. Tính nguyên gốc được thể hiện: Thứ nhất, là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả thiết kế bố trí; thứ hai, tại thời điểm được tạo ra thiết kế đó chưa được biết đến rộng rãi trong giới sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn. Tính mới thương mại: Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký (Điều 70, Điều 71 Luật SHTT). Tổ chức, cá nhân là tác giả tạo ra thiết kế bố trí, hoặc người đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả tạo ra thiết kế bố trí dưới hình thức giao việc, thuê việc (nếu trong hợp đồng không có quy định liên quan đến quyền tác giả thiết kế) có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện khi tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều đồng ý. Trường hợp có sự đầu tư kinh phí của nhà nước thì quyền đăng ký của nhà nước đối với việc tạo ra kiểu dáng công nghiệp tương ứng như đối với sáng chế (Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP) Quyền sở hữu thiết kế bố trí mạch tích hợp được xác lập theo Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (Điều 86 Luật SHTT).

Câu hỏi 17. Nhãn hiệu là gì?

Trả lời: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đồng thời đáp ứng hai điều kiện: Dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được, có thể là dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác Nhãn hiệu phải đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ sở hữu có toàn quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Nhãn hiệu liên kết là nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau, dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, hoặc tương tự với nhau hoặc có liên quan với nhau. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập theo văn bằng bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (Điều 4 Luật SHTT)

Câu hỏi 18. Những dấu hiệu nào không được bảo hộ làm nhãn hiệu?

Trả lời: Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ là nhãn hiệu: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt nam và của nước ngoài. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp do chính tổ chức đó đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ (Điều 75 Luật SHTT).

Câu hỏi 19. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu thể hiện như thế nào?

Trả lời: Nhãn hiệu có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố độc đáo, dễ nhận biết, hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp với nhau tạo thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết và không phải là dấu hiệu bị loại trừ, không được sử dụng để làm nhãn hiệu hàng hoá. Dấu hiệu loại trừ bao gồm trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đang được bảo hộ (Điều 74.1 Luật SHTT).

Câu hỏi 20. Những dấu hiệu nào bị coi là không có khả năng phân biệt, không thể dược cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?

Trả lời: Dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt gồm: Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá khác đã nộp đơn cho Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu và đơn đó có ngày ưu tiên sớm hơn. Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ, nhưng thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm (trừ trường hợp bị đình chỉ hiệu lực vì không sử dụng). Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác được coi là nổi tiếng hoặc với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng hoặc được thừa nhận một cách rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ hoặc tương tự. Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác nếu dấu hiệu đó gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Trùng với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ có ngày ưu tiên sớm hơn. Và một số trường hợp khác, hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp đã được sử dụng hoặc thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa là nhãn hiệu. Dấu hiệu, biểu tượng, quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường cuả hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi thường xuyên, nhiều người biết. Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị sử dụng mang tính mô tả hàng hoá. Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh. dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý cuả hàng hoá, dịch vụ trừ trường hợp được thừa nhận là nhãn hiệu tập thể (Điều 74 luật SHTT).

Câu hỏi 21. Cần lưu ý điều gì khi thiết kế nhãn hiệu?


Trả lời: Khi thiết kế nhãn hiệu, ngoài yêu cầu như tên thương mại cần lưu ý: Một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu dùng cho nhiều loại hàng hoá, thị trường khác nhau. Nhưng những nhãn hiệu thành công (sử dụng lâu năm, chiếm lĩnh thị trường, người tiêu dùng tín nhiệm) cần tập trung phát huy, không nên thay. Có thể sử dụng thành phần phân biệt trong tên thương mại để làm nhãn hiệu. Coi đó là nhãn hiệu cơ bản, sau đó tạo nên nhãn hiệu liên kết. Không chỉ là chữ, mà nên sử dụng hình ảnh, hoặc kết hợp cả hai. Chú ý dễ nhớ, dễ truyền thụ, dễ phổ cập. Đảm bảo không trùng, không tương tự với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác. Do vậy cần phải kiểm tra, đối chiếu trước. Không sử dụng các dấu hiệu không có khả năng phân biệt, bị cấm như: Mô tả hàng hoá, hình vẽ diễn tả hàng hoá, tên gọi thông thường, chỉ dẫn phương pháp sản xuất, số lượng, chất lượng chủng loại, nguồn gốc sản phẩm hàng hoá. Dấu hiệu làm sai lệch, gây nhầm lẫn, lừa dối về chất lượng, công dụng. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với dấu kiểm tra, dấu bảo hành của cơ quan Nhà nước, trùng với quốc huy, quốc kỳ, ảnh lãnh tụ. Lưu ý khía cạnh mỹ thuật như cần phải đẹp, độc đáo, gây ấn tượng, thiện cảm nổi bật. Tuy nhiên, như vậy sẽ thu hẹp phạm vi bảo hộ.

Câu hỏi 22. Tên thương mại là gì?

Trả lời: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh, dùng để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực (Điều 4.21 Luật SHTT). Tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa. Tên thương mại bao gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt. Phần mô tả là một tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh. Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau). Ví dụ: Với tên Công ty TNHH xây dựng Thành Đô. Phần mô tả là “Công ty TNHH xây dựng”, phần phân biệt là “Thành Đô”, phân biệt với “Công ty TNHH xây dựng Tiến Thành”. “Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam” không có khả năng phân biệt (Tổng công ty - mô tả loại hình công ty; Bưu chính viễn thông- lĩnh vực hoạt động; Việt Nam - không có khả năng phân biệt). Vì vậy phải thêm dấu hiệu khác là “VNPT” là tên giao dịch. Tên thương mại thường là tên doanh nghiệp.

Câu hỏi 23. Những yêu cầu của tên thương mại?


Trả lời: Quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực là lãnh thổ kinh doanh, không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Tên thương mại được bảo hộ khi có khả năng phân biệt, đáp ứng các điều kiện sau: Chứa thành phần tên riêng, trừ trưòng hợp đã được biết rộng rãi. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà tổ chức khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh. Không thuộc các trường hợp như: Sử dụng tên gọi các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh (Điều 77, Điều 78 Luật SHTT). Ngoài ra những tên thương mại có thêm từ ngữ “tân” “cựu” “mới” trước, hoặc sau các tên thương mại đã có trước đó cũng không đáp ứng yêu cầu của tên thương mại.

Câu hỏi 24. Cần lưu ý điểm gì khi lựa chọn tên thương mại?

Trả lời: Tên thương mại thuộc tài sản trí tuệ cần chú ý xây dựng và bối đắp ngay khi doanh nghiệp ra đời. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại (dù có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hoá khác nhau). Cần lưu ý khi thiết kế tên thương mại: Phần phân biệt nên là tập hợp chữ, dễ phát âm, dễ nhớ với số đông người giao tiếp ở thị trường doanh nghiệp kinh doanh. Nếu có ý định hoạt động ở nước ngoài thì không nên chọn tập hợp chữ có dấu vì khó phát âm. Cần chú ý nghĩa của tập hợp các chữ, không có nghĩa xấu gây phản cảm. Tên thương mại của mình không trùng hoạc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh, hoặc nhẫm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của người khác, không vi phạm điều cấm. Lựa chọn dấu hiệu chữ tạo ấn tượng về phong cách (tin cậy, năng động). Để đảm bảo khả năng phân biệt phải rà soát tên thương mại của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng thị trường để tránh tên thương mại của mình xung đột (trùng, không có thể phân biệt) với các tên thương mại đã có.

Câu hỏi 25. Chủ doanh nghiệp có những quyền sở hữu công nghiệp nào đối với tên thương mại của mình?

Trả lời: Chủ doanh nghiệp sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh dưới tên thương mại, có những quyền sau: Quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh, thể hiện trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm hàng hoá bao bì và quảng cáo. Quyền chuyển giao theo hợp đồng, thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu còn duy trì hoạt động với tên thương mại này.

Câu hỏi 26. Đề nghị giải thích về chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý phải đăng ký không?

Trả lời: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh hổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo diều kiện sau thì được bảo hộ: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do diều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định (Điều 79 Luật SHTT). Một số sản phẩm đã được mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như bưởi Đoan Hùng, nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận.

Câu hỏi 27. Đối tượng nào không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý?

Trả lời: Các đối tượng sau không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý: Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài mà tại đó, chỉ dẫn địa lý này không được bảo hộ, đã bị chấm dứt, hoặc không còn được sử dụng. Chỉ dẫn địa lý tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ trong trường hợp nếu sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó (Điều 80 Luật SHTT).

Câu hỏi 28. Ai là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý, người có quyền đăng ký chỉ dẫn chỉ dẫn địa lý và gồm những quyền gì?


Trả lời: Những cơ quan sau đây có quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý: Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý được công nhận thuộc phạm vi một tỉnh. Uỷ ban Nhan dân một tỉnh, được Uỷ ban nhân dân tỉnh khác uỷ quyền khi khu vực địa lý được công nhận thuộc nhiều địa phương. Cơ quan, tổ chức được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức này đại diện cho quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Điều 121.4 Luật SHTT, Điều 18.1 Nghị định 103/2006/NĐ-CP). Mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đó với điều kiện hàng hoá do tổ chức, cá nhân đó sản xuất phải đảm bảo uy tín hoặc danh tiếng vốn có của hàng hoá này. Khi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì họ có quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá này.

Câu hỏi 29. Thế nào là bí mật kinh doanh?

Trả lời: Bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin đáp ứng đủ các điều kiện sau: Không phải là hiểu biết thông thường. Khi sử dụng trong kinh doanh tạo cho người nắm giữ thông tin có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó. Được chủ thông tin bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được (Điều 84 Luật SHTT). Sở hữu bí mật kinh doanh tự động xác lập khi có đủ các điều kiện trên.

Câu hỏi 30. Tên thương mại, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý có vai trò như thế nào trong hoạt động của doanh nghiệp?


Trả lời: Các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên có vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể: Liên quan đến pháp luật: Là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về sở hũu công nghiệp. Doanh nghiệp có thể có quyền trong phạm vi, thời hạn nhất định, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ nhất định. Trong trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp có thể gập rắc rối hoặc bị thiệt hại do các hành vi của mình có liên quan đến các đối tượng này. Liên quan đến kinh tế: - Khả năng cạnh tranh. - Tăng giá trị của hàng hoá trong khi giá trị vật chất không thay đổi. - Không có biện pháp và hành động phù hợp thì giá trị xói mòn và bị triệt tiêu, thiệt hại về kinh tế.

Câu hỏi 31. Tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?


Trả lời: Tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là một thành tố góp phần vào sự phát triển và sự thành đạt của doanh nghiệp. Các đối tượng sở hữu công nghiệp này được coi là yếu tố đầu tiên và quan trọng trong chiến lược xâm nhập và mở rộng thị trường. Trong nhiều trường hợp quyết định sự thành, bại của doanh nghiệp trên thị trường mới. Các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên có tác dụng: - Chức năng nhận biết (phân biệt), các đối tượng nói trên luôn được nhận biết bằng thị giác (thông qua màu sắc nhãn hiệu), thính giác (âm thanh) một cách rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn theo sở thích. - Làm cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và sức lực trong việc lựa chọn và mua sản phẩm theo mục đích và sở thích của họ. - Đảm bảo hoặc sự tin cậy giúp người tiêu dùng tìm ra chất lượng ổn định của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu, tên thương mại quen thuộc dù mua ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. - Đảm bảo cho ngưòi tiêu dùng có thể mua sản phẩm hoặc thuê dịch vụ tốt nhất, đảm bảo nhất trong cùng một loại. - Cá tính hoá, tính cách, hình ảnh riêng cho từng người tiêu dùng trong con mắt của người khác. Tạo phong cách riêng cho người tiêu dùng và từ đó làm cho họ yêu thích hàng hoá mang nhãn hiệu đó. - Tính liên tục được quan niệm là người tiêu dùng hài lòng với một sản phẩm mang tên thương mại, nhãn hiệu mà họ đang sử dụng nhiều năm. - Khía cạnh đạo đức là sự hài lòng của người tiêu dùng với chủ nhãn hiệu và mối liên hệ của chúng với xã hội (quảng cáo hấp dẫn).
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi 32. Giống cây trồng mới là gì?

Trả lời: Giống cây trồng mới là một quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết bằng sự biểu hiện của các tính trạng do các kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được (Điều 4.24 Luật SHTT). Giống cây trồng mới được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bao gồm: hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm, rong tảo và vi tảo.

Câu hỏi 33. Các đối tượng nào được bảo hộ là giống cây trồng mới?

Trả lời: Các đối tượng được bảo hộ là giống cây trồng mới đồng thời thoả mãn các điều kiện gồm: Có trong danh mục loài cây trồng được nhà nước bảo hộ. Có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định. Có tính mới của giống cây trồng về mặt thương mại. Có tên phù hợp quy định gồm: mỗi giống cây trồng mới chỉ được đặt một tên phù hợp, khi công nhận thì tên đó trở thành tên chính thức, duy nhất dùng trong cac hoạt động liên quan đến giống cây trồng đó. Tên giống phải dễ dàng phân biệt với tên của các giống cây trồng khác cùng loài (Điều 158 Luật SHTT).

Câu hỏi 34. Đề nghị cho biết các đặc tính của giống cây trồng mới?

Trả lời: Các đặc tính của giống cây trồng mới được hiểu như sau: Tính khác biệt: Một giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với giống cây trồng khác đã được biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm nộp đơn yêu cầu bảo hộ, hoặc ngày ưu tiên. Tính đồng nhất: Một giống cây trồng được coi là đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, ngoại trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống. Tính ổn định: Một giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống. Tính mới: Một giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền nộp đơn đăng ký bán hoặc phân phối với mục đích kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn 1 năm, trường hợp ngoài lãnh thổ Việt Nam là 6 năm (Điều 159, Điều 160, Điều 161, Điều 162 Luật SHTT).

Câu hỏi 35. Phải tiến hành những thủ tục gì để xác lập chủ quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Các đối tượng sở hữu công nghiệp ngay khi sáng tạo, hình thành phải tiến hành đăng ký bảo hộ theo trình tự sau: Nộp đơn: Tờ khai đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp với các thông tin: Tên và địa chỉ người đứng đơn; tuỳ thuộc đối tượng sở hữu công nghiệp mà kèm theo mẫu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản mô tả sáng chế hoặc bản thiết kế và các tài liệu khác (theo hướng dẫn trong hồ sơ đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phù hợp từng loại đối tưọng sở hữu công nghiệp) và kèm theo lệ phí theo quy định. Chủ thể có thể trực tiếp nộp đơn hoặc thông qua người đại diện. Xử lý đơn: Là công việc của Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn phải qua giai đoạn thẩm định. Trong quá trình thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ có thể có các yêu cầu bổ sung và từ chối chấp nhận đơn. Tổ chức, cá nhân người nộp đơn có thể khiếu nại, tố cáo những vi phạm trong qua trình tiếp nhận, thẩm định đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Cấp văn bằng bảo hộ: Nếu đơn đạt yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền trong phạm vi bảo hộ ghi tại văn bằng theo quy định của pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Trong thời gian văn bằng bảo hộ có hiệu lực, người khác không được phép sử dụng các đối tượng này nếu không được chủ văn bằng cho phép, trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định (Điều 108, Điều 109, Điều 118 Luật SHTT).

Câu hỏi 36. Thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật đảm bảo độc quyền khai thác nhằm mục đích thương mại trong thời gian hiệu lực của văn bằng bảo hộ được quy định như sau: Đối với sáng chế là 20 năm. Đối với giải pháp hữu ích là 10 năm. Đối với kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm Đối với nhãn hiệu là 10 năm, nhưng có thể được gia hạn liên tiếp 10 năm 1 lần và không giới hạn số lần gia hạn. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị đình chỉ hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu đó trong 5 năm liên tục. Giấy chứng nhận này cung có thể bị huỷ bỏ hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp Giấy chứng nhận này được cấp cho ngươì không có quyền nộp đơn đăng ký hoặc nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ. Đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp có giá trị từ ngày cấp đến ngày sớm nhất trong những này sau: Ngày kết thúc 10 năm, kể từ ngày được cấp văn bằng. hoặc ngày kết thúc 10 năm kể từ ngày người có quyền nộp đơn, hoặc người được người có có quyền nộp đơn cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào, hoặc ngày kết thúc 15 năm (Điều 93 Luật SHTT).

Câu hỏi 37. Nhãn hàng hoá là gì?

Trả lời: Nhãn hàng hoá là bản viết, bảng in, hình ảnh, dấu hiệu in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài chắc chắn trên hàng hoá hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hoá (thông tin này theo quy định gồm một số nội dung như: tên hàng hoá, địa chỉ sản xuất, thành phần, công dụng, cách sử dụng, thời hạn sử dụng….). Nhãn hàng hoá không phải là đối tượng sở hữu công nghiệp, không được bảo hộ, không phải đăng ký mà chỉ công bố (Nghị định 89/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 38. Cần lưu ý gì khi đầu tư cho các đối tượng sở hữu công nghiệp?


Trả lời: Từ lợi ích cơ bản của sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cần phải xây dựng chiến lược đầu tư cho các đối tượng này: Đầu tư vào sản xuất, nghiên cúu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra ưu thế về công nghệ, để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp mới. Đầu tư vào nghiên cứu và điều tra thị trường nhằm thăm dò, nhận xét về thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng, phong cách sống, nhằm xác định những sự đổi mới trong tiêu dùng trong từng giai đoạn. Đầu tư cho việc đưa thông tin đến người tiêu dùng nhằm khuyến khích tính độc đáo của tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tạo ra sự vượt trội (sự nhận biết) đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình so với người khác. Nếu thiếu sự quảng cáo thì không phát huy được giá trị tiềm ẩn của các đối tượng này, không làm cho người khác biết. Đầu tư cho các đối tượng này chỉ sinh lợi nếu như thông tin nhanh chóng về đến được với quảng đại công chúng. Vì vậy cần đánh giá, nghiên cứu, có chiến lược quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp sao cho có hiệu quả.

Câu hỏi 39. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Trả lời: Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền này phải thực hiện bởi hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Có một số hạn chế trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như: Chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trong phạm vi được bảo hộ. Quyền sử dụng chỉ dẫn điạ lý không được chuyển nhượng. Quyền sở hữu tên thương mại chỉ được chuyển nhượng kèm theo toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh với tên thương mại đó. Quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng nếu không gây sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển giao cho tổ chức cá nhân đáp ứng điều kiện đối vói người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó (Điều 138, Điều139 Luật SHTT).

Câu hỏi 40. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là gì?


Trả lời: Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng cũng phải thực hiện bởi hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Việc chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp phải tuân thủ: Không được chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Không được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó. Bên được chuyển giao quyền sử dụng không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép. Bên được chuyển quyền có nghĩa vụ ghi trên hàng hoá, bao bì hàng hoá việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ phải sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế (Điều 142, Điều 143 Luật SHTT).

Câu hỏi 41. Đề nghị cho biết các dạng của hợp đồng sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có các dạng sau: Hợp đồng độc quyền là hình thức hợp đồng mà theo đó bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp ở phạm vi và trong một thời hạn nhất định do hai bên thoả thuận. Bên chuyển quyền không có quyền chuyển giao cho bên thứ ba và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền. Hợp đồng không độc quyền là hình thức hợp đồng mà theo nội dung hợp đồng, ở phạm vi và trong một thời hạn chuyển giao quyền do hai bên thoả thuận, bên nhận không được độc quyền đối tượng sở hữu công nghiệp. Có nghĩa là bên giao quyền sử dụng vẫn có quyền sử dụng hoặc cho người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đã được chuyển giao. Hợp đồng thứ cấp là hợp đồng mà theo đó thì bên chuyển giao quyền sử dụng chính là bên nhận trong một hợp đồng trước đó, nay được tiếp tục chuyển giao quyền sử dụng theo một hợp đồng khác (Điều 143 Luật SHTT). Để chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền tiến hành đàm phán về nội dung hợp đồng và ký kết Hợp đồng bằng văn bản với nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Sau đó tiến hành đăng ký hợp đồng chuyển giao với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký là thủ tục bắt buộc để Hợp đồng chuyển giao có hiệu lực pháp lý. Việc ký kết hợp đồng chuyển giao mà không đăng ký thì không được pháp luật thừa nhận (Điều 148.1.2 Luật SHTT).

Câu hỏi 42. Việt Nam dã tham gia các Công ước về sở hữu trí tuệ nào?

Trả lời: Cho đến thời điểm 12/2006, Việt Nam đã tham gia các hiệp ước, công ước sau: Việt Nam đã là thành viên: Công ước Pari bảo hộ Sở hữu công nghiệp, Công ước Sockholm về thành lập WIPO, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá. Hiệp ước PCT về sáng chế. Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây mới (Công ước UPOV). Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tham gia: Hiệp ước Washington về SHTT đối với mạch tích hợp (Hiệp ước IPIC-1989) “Hiệp ước Luật NHHH” (Hiệp ước TLT); Hiệp ước BUDAPEST về công nhận quốc tế đối với nộp lưu các chủng vi sinh nhằm mục đích xét nghiệm sáng chế (Hiệp ước BUĐAPEST). Về quyền tác giả, Việt Nam đã tham gia Công ước Bern (tác phẩm văn học và nghệ thuật). Công ước Rome (phát sóng), Công ước Gionevo (bản ghi âm), đến nay chưa tham gia UCC, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về biểu diễn/ghi âm (WPPT).
 
Câu hỏi 43. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những nội dung gì?

Trả lời: Hiến pháp Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là việc Nhà nước ban hành các quy định pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp như tác giả, chủ văn bằng bảo hộ và những chủ thể khác liên quan đến việc sử dụng quyền sở hữu công nghiệp. Nhà nước tổ chức cơ quan xác lập quyền, quy định thủ tục, trình tự để xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng sở hữu công nghiệp phải đăng ký. Muốn được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tác giả và những chủ thể khác có liên quan phải nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ tại Cục Sở hữu Trí tuệ.Đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại và quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý. Người nào sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác đang trong thời gian bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu các đối tượng này thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (trừ các trường hợp có quy định riêng) và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.Như vậy, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm ba nội dung: Thứ nhất là ban hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp; Thứ hai là cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các chủ thể khác nhau khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định (xác lập quyền); Thứ ba là bằng các phương thức, biện pháp khác nhau bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ văn bằng (bảo vệ quyền).

Câu hỏi 44. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Trả lời: Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là nhà nước và chủ văn bằng sở hữu công nghiệp sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tưọng sở hữu công nghiệp của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.
Quyền sở hữu công nghiệp được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó chủ sở hữu công nghiệp có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường (Điều 199 Luật SHTT).

Câu hỏi 45. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm mục đích gì?


Trả lời: Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là để bảo vệ pháp chế, là bảo đảm sự chấp hành các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo cho các nội dung của quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp được thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của xã hội và của chủ văn bằng.
Các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ là tài sản của doanh nghiệp, của cá nhân được pháp luật thừa nhận. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp để thực hiện quyền và nghĩa vụ quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và nhiều hiệp định thương mại. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nội dung của các văn bản này, đặc biệt của Hiệp định các khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại (TRIPS) đều quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực thi các điều khoản đã cam kết, trong đó đảm bảo việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng đang được bảo hộ tại Việt Nam

Câu hỏi 46. Quyền tự bảo vệ là gì?

Trả lời: Quyền tự bảo vệ là quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghịêp áp dụng các biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình, bao gồm:áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu công nghiệp lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm; sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bằng các thông báo bằng văn bản cho ngưòi có hành vi xâm phạm quyền.Khởi kiện ra Toà án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình (Điều 198.1.a Luật SHTT, Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 47. Tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghịêp có quyền yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghịêp không?


Trả lời: Tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, nhưng bị thiệt hại hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền chỉ có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp thoả mãn hai điều kiện; Thứ nhất hàng hoá bị xâm phạm quyền thuộc các nhóm sản phẩm, hàng hoá là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dành cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường, vật nuôi, thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội. Thứ hai: Cung cấp được chứng cứ là có thiệt hại (Điều198.2 Luật SHTT, Điều 23 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 48. Trường hợp bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể yêu cầu xử lý không?

Trả lời: Tổ chức, cá nhân khi bị cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính về sở hữu công nghiệp xử phạt các hành vi vi phạm theo Điều 30 Nghị định 120/2005/NĐ-CP, hoặc khởi kiện dân sự tại Toà án, hoặc yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật về cạnh tranh (Điều 198.3 Luật SHTT).

Câu hỏi 49. Pháp luật quy định có những biện pháp nào để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ?


Trả lời: Để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật quy định ba biện pháp để xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Tuỳ theo tính chất và mức độ xâm phạm, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự và theo quy định sau đây:
1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. 3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự (Điều 199.1 Luật SHTT, Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 50. Ngoài ba biện pháp nêu trên, còn có biện pháp nào được áp dụng để ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền không?

Trả lời: Trong trường hợp cần thiết các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính.Biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp dưới đây được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, gồm: thu giữ, kê biên, niêm phomg, cấm thay dổi hiện trạng, cấm di chuyển, cấm dịch chuyển quyền sở hữu.Biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính là các biện pháp tạm giữ người, tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm, khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu công nghiệp và các biện pháp hành chính khác quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (Pháp lệnh XLVPHC).Biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp được áp dụng khi chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc nộp đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 199, Điều 207, Điều 211 Luật SHTT).

Câu hỏi 51. Những cơ quan nào có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?


Trả lời. Theo quy định hiện hành, phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước và chức năng xét xử, những cơ quan dưới đây có chức năng bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xét xử. Thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính của cơ quan xử lý vi phạm được quy định cụ thể như sau:
1. Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biệp pháp hành chính thông qua việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, quảng cáo, lưu thông, trừ hành vi xảy ra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.2. Cơ quan Quản lý thị trường các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường.3. Cơ quan Hải quan các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa.4. Cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp.5. ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các quan có thẩm quyền khác (Điều 200.1 Luật SHTT, Điều 17 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 52. Toà án có vai trò gì trong hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Toà án có vai trò xét xử các vụ kiện dân sự, hình sự và hành chính liên quan đến sở hữu công nghiệp như sau: Toà hành chính: Xét xử các vụ kiện hành chính liên quan đến quyết định hành chính trong việc xác lập, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ quyền và vụ kiện đối với quyết định xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.Toà dân sự: Xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp. Toà hình sự: Xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự các vụ án liên quan đến hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp có dấu hiệu tội phạm (Điều 200.2 Luật SHTT).

Câu hỏi 53. Mối quan hệ của các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong quá trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Ngoài hệ thống Toà án các cấp độc lập trong hoạt động xét xử hình sự, dân sự các vụ án vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự, khởi kiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải xử lý bằng biện pháp dân sự, các cơ quan hành chính có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính có các mối quan hệ:Phối hợp trong việc cung cấp thông tin về diễn biến tình hình hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp, quy luật, thủ đoạn hoạt động trong sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Phối hợp trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, kế hoạch liên quan đến hoạt động chống hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp của từng ngành và từng địa phương.Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc sản xuất buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Phối hợp trong việc xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, cử cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra. Hỗ trợ nhau về phương tiện, kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Tiến hành công tác thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, giám định về sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá, sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Phối hợp trong việc xử phạt các vụ việc phức tạp, thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.Phối hợp với các chủ sở hữu công nghiệp trong việc phát hiện và xác định hàng hoá giả mạo sở hữu côngnghiệp (Chương trình phối hợp hành động của 7 bộ: KH&CN, VH-TT, NN&PTNT, CA, TC, TM, BC-VT).

Câu hỏi 54. Trong trường hợp xử lý một vụ việc cụ thể, các cơ quan này còn có trách nhiệm phối hợp với nhau không?

Trả lời: Khi xử lý một vụ việc cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phối hợp như sau:1. Cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm có trách nhiệm gửi yêu cầu phối hợp xử lý vi phạm cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan để yêu cầu phối hợp xử lý vi phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: cùng hành vi vi phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp nhưng thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan khác nhau hoặc cùng một hành vi vi phạm xảy ra tại nhiều địa bàn hoặc nhiều địa phương khác nhau (Điều 23.1.a Nghị định 106 /2006/NĐ-CP).2. Sử dụng kết quả xem xét, xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm của cơ quan khác: Cơ quan xử lý vi phạm có quyền sử dụng kết quả xác định hành vi vi phạm, xác định hàng hóa vi phạm do cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện (nếu có), để bảo đảm thống nhất về biện pháp xử lý và mức phạt đối với các hành vi vi phạm giống nhau, tương tự nhau hoặc cùng liên quan đến một đối tượng sở hữu công nghiệp của cùng chủ thể quyền (Điều 23.2.a Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 55. Phải thực hiện những thủ tục gì để yêu cầu phối hợp trong xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Để thực hiện việc phối hợp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục sau:1. Cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm gửi thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền ở địa bàn khác phối hợp xử lý vi phạm với các nội dung chính sau đây: thông tin tóm tắt về vụ việc; tóm tắt về hành vi vi phạm và phạm vi, quy mô vi phạm xảy ra tại địa phương hoặc trong lĩnh vực quản lý của cơ quan nhận yêu cầu; bản sao đơn yêu cầu xử lý vi phạm và bảo sao các tài liệu, ảnh chụp mẫu vật kèm theo; tóm tắt kết quả xem xét đơn yêu cầu xử lý vi phạm; kiến nghị những nội dung cần phối hợp xử lý và ấn định thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày để cơ quan nhận yêu cầu trả lời;2. Cơ quan nhận yêu cầu phối hợp xử lý vi phạm có trách nhiệm trả lời trong thời hạn ấn định, nêu rõ lý do không tiến hành xử lý vi phạm theo yêu cầu (nếu có).

Câu hỏi 56. Thanh tra là gì? Nội dung thanh tra, kiểm soát về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Thanh tra, kiểm soát (thanh tra) là sự xem xét, đánh giá và xử lý việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân do tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự pháp luật quy định nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân khác.
Hoạt động của cơ quan Thanh tra được gọi là thanh tra. Hoạt động của cơ quan Quản lý thị trường được gọi là kiểm soát.Thanh tra để làm gì (mục đích)? - Thanh tra để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, để phục vụ quản lý nhà nước, để bảo vệ lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệpAi có quyền thanh tra (chủ thể)? - Tổ chức, người có thẩm quyền được pháp luật giao trách nhiệm.Thanh tra ai (đối tượng)? - Thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nhà nước của tổ chức mình.Thanh tra cái gì (nội dung)? - Thanh tra việc thực hiện pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của tổ chức mình.Thanh tra như thế nào (nghiệp vụ)? - Thanh tra theo trình tự, nghiệp vụ do pháp luật quy định (Điều 4.1 Luật Thanh tra).Thanh tra về sở hữu công nghiệp là hoạt động của cơ quan hành pháp (Thanh tra khoa học và công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Quản lý thị trường, Hải quan) nhằm mục đích đảm bảo cho hiệu lực pháp luật về sở hữu công nghiệp được thực thi nghiêm chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu quyền, đảm bảo cho quyền sở hữu công nghiệp của chủ văn bằng, tác giả không bị xâm phạm, chống cạnh tranh không lành mạnh, đấu tranh để phòng ngừa và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Nội dung thanh tra về sở hữu công nghiệp bao gồm thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp, sử dụng quyền đã được xác lập, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu (bao gồm cả hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), quyền tác giả, quyền sử dụng và các nghĩa vụ của chủ văn bằng, tác giả các đối tượng sở hữu công nghiệp. Thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình xác lập quyền, sử dụng quyền, và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Câu hỏi 57. Thẩm quyền, nguyên tắc áp dụng quyền của các lực lượng thực thi khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về sở hữu trí tuệ?

Trả lời: Theo quy định của Luật Thanh tra, Pháp lệnh XL VP HC và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm soát (thanh tra) về sở hữu công nghiệp, các cơ quan (Đoàn thanh tra) bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính có các quyền chung là:Quyền yêu cầu, trưng cầu giám định. Quyền yêu cầu bao gồm yêu cầu các cơ quan có liên quan đến nội dung thanh tra về sở hữu công nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, liên quan đến vụ việc vi phạm và xâm phạm quyền. Quyền yếu cầu còn được áp dụng đối với đối tượng thanh tra, buộc thực hiện các hành động cụ thể theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thanh tra tại cơ sở. Quyền trưng cầu giám định là quyền của cơ quan bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính yêu cầu tổ chức, giám định viên sở hữu công nghiệp có kết luận về tình trạng pháp lý của các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được xem xét, tình trạng tương tự, trùng hoặc vi phạm phạm vi bảo hộ của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các cơ quan trưng cầu giám định sử dụng kết quả giám định là một trong các căn cứ để kết luận về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.Quyền kiểm kê, xác minh: Trong quá trình thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền có quyền kiểm kê số lượng hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp nghi ngờ, có quyền tiến hành các biện pháp xác minh các thông tin, số liệu, chứng cứ để tìm ra sự thật, làm cơ sở cho kết luận tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền. Quyền quyết định, định đoạt: Trong quá trình thanh tra các cơ quan có thẩm quyền có quyền quyết định như quyết định niêm phong, tạm giữ các hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyết định xử phạt và quyết định định đoạt đối với tang vật vi phạm. Quyền kết luận, kiến nghị: Khi kết thúc, cơ quan có thẩm quyền có quyền kết luận có hay không hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, kết luận về mức độ vi phạm. Đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách, biện pháp, cơ chế quản lý về sở hữu công nghiệp, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp.Quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra: Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, buôn bá hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp đã có dấu hiệu là tội phạm, cơ quan có thẩm quyền thanh tra phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự (Điều 39, Điều 49 Luật Thanh tra, Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).Nguyên tắc áp dụng quyền: Trong quá trình thực hiện các quyền nói trên, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, phải tuân theo các nguyên tắc:Nguyên tắc khách quan, đúng thẩm quyền, công khai.Trình tự áp dụng quyền: Thuyết phục, ấn định yêu cầu và thời gian thực hiện. Đối tượng của thanh tra về sở hữu công nghiệp là cơ quan xác lập văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng và các tổ chức, cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài thực hiện các hành vi vi phạm quy định quản lý và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Câu hỏi 58. Đề nghị cho biết hình thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Thanh tra, kiểm tra và kiểm soát (thanh tra) để thực hiện yêu cầu quản lý về sở hữu công nghiệp và xử lý các hành vi vi pham, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.Để phát hiện vi phạm, xâm phạm cần tiến hành hoạt động thanh tra. Việc lựa chọn vấn đề (đề tài, nội dung) thanh tra cần phải căn cứ vào: Chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo trong công tác quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp; thông tin về tình hình thực hiện các quy định của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; sự xuất hiện của hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, hàng hoá xâm phạm quyền, yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; khả năng thực hiện của tổ chức thanh tra. Từ đó, lựa chọn đề tài thanh tra theo từng chuyên đề hoặc toàn diện, nhiều nội dung, hoặc chỉ để giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Thanh tra toàn diện (đồng thời thanh tra nhiều nội dung với nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ), hoặc thanh tra các nội dung nêu trong đơn, thư khiếu nại, tố cáo, yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền để nhằm giải quyết từng vụ, việc.Tùy theo yêu cầu của quản lý Nhà nước mà có thể tiến hành thanh tra theo diện hoặc theo điểm. Thanh tra theo diện là tiến hành thanh tra nhiều cơ sở trên cùng một địa bàn (một quận, một tỉnh) hoặc trên một khu vực (nhiều tỉnh hoặc cả nước) về cùng một nội dung nhất định, trong thời gian nhất định để phục vụ cho những yêu cầu nhất định (thường gọi là thanh tra diện rộng). Thanh tra theo điểm là chỉ tiến hành thanh tra từng cơ sở với những nội dung và những mục đích khác nhau.Thanh tra có thể định kỳ hoặc đột xuất. Tùy thuộc tính chất hoạt động của cơ sở, của dấu hiệu vi phạm mà thanh tra định kỳ (một năm một lần). Thanh tra đột xuất để xác định sự tuân thủ thường xuyên, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp của cơ sở hoặc khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm và trong trường hợp do yêu cầu của việc giải quyết đơn thư yêu cầu xử lý xâm phạm quyền của chủ sở hữu quyền. Thanh tra về sở hữu công nghiệp chủ yếu là tiến hành đột xuất (Điều 34 Luật Thanh tra).

Câu hỏi 59. Đề nghị cho biết trình tự thanh tra, kiểm soát chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Trình tự tiến hành thanh tra, kiểm soát (thanh tra) về sở hữu công nghiệp thông thường tiến hành theo các bước chung và phụ thuộc vào hoạt động thanh tra tiến hành trên diện rộng theo chuyên đề (đối với nhiều cơ sở) hay chỉ tiến hành với với một cơ sở. Dù tiến hành theo diện rộng hoặc một cơ sở, định kỳ hoặc đột xuất, đều được tiến hành theo các trình tự tương đối giống nhau và có ba gia đoạn cơ bản (chuẩn bị thanh tra, thanh tra tại cơ sở, kết thúc thanh tra) với các công việc chủ yếu như sau:Gia đoạn chuẩn bị thanh tra: Vạch kế hoạch thanh tra gồm xây dựng đề cương thanh tra, kiểm tra cụ thể, giúp các thành viên nắm được công việc của mình, sự liên quan giữa các nội dung công việc. Đề cương cần ngắn gọn nhưng đủ nội dung, gồm: Một là mục đích, yêu cầu và thời gian thanh tra, kiểm tra. Hai là các công việc cần hoàn thành và phần việc của từng người, thời gian hoàn thành. Ba là kế hoạch tiến hành và kết thúc. Cần họp bàn để thống nhất quan điểm, nội dung thanh tra và các công việc cần tiến hành, đặc biệt là các công việc tiến hành tại cơ sở. Thống nhất một số vấn đề về chuyên môn như: lấy mẫu, số lượng mẫu cần lấy, trưng cầu giám định và các công việc cần thiết khác.Thông thường các Thanh tra viên (Thanh tra Khoa học và Công nghệ), Kiểm soát viên (Quản lý thị trường), Sỹ quan Cảnh sát (Công an) là thành phần chủ yếu của các đoàn thanh tra. Tuy nhiên, thường có các chuyên viên của các bộ phận quản lý hoặc ở các cơ quan khác tham gia đoàn. Nhận thức, quan điểm trước nội dung thanh tra và đối tượng thanh tra của những người này có thể khác nhau. Vì vậy, đoàn phải trực tiếp quản lý họ và sử dụng khả năng chuyên môn của họ. Phải căn cứ nội dung, đối tượng thanh tra mà tính toán cân nhắc số lượng cán bộ cần huy động và cân nhắc loại chuyên môn và trình độ cho phù hợp. Cần lưu ý thông tin về người được mời tham gia như số lần đã tham gia thanh tra, mối quan hệ với đối tượng thanh tra, khả năng am hiểu chuyên môn. Thời gian thanh tra có thể ngắn nhưng vẫn phải phân công công việc cụ thể cho từng thành viên (thư ký ghi biên bản, thành viên nào chú ý nội dung nào...). Cơ cấu đoàn thanh tra phải gọn nhẹ, đủ cán bộ có trình độ chuyên môn để có thể xem xét và đề xuất được các kết luận đúng đắn khi thanh tra tại cơ sở để cơ sở không thể bác bỏ. Trưởng đoàn còn phải dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra, phương án xử lý và có kế hoạch phân công cho các thành viên trong đoàn thực hiện các công việc như:Tổ chức thu thập thông tin, nghiên cứu đối tượng và các tài liệu liên quan (văn bằng bảo hộ, các chứng cứ, hình ảnh, hiện vật hàng hoá vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm, thậm chí các bài báo nói về tình hình vi phạm của cơ sở trong nhiều trường hợp cũng có rất nhiều thông tin, các đơn thư khiếu nại, tố cáo... là những tài liệu có những thông tin cần nghiên cứu). Các văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp có liên quan đến nội dung thanh tra là những tài liệu rất cần sử dụng để đối chiếu trước khi kết luận.Rà soát các thủ tục pháp lý (quyết định thanh tra, kiểm tra thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra... chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật).Thông báo quyết định thanh tra thời gian làm việc tại cơ sở và đề cương báo cáo cho cơ sở (nếu cần thiết thông báo cho cơ quan chủ quản, chính quyền và cơ quan quản lý ngành ở địa phương). Trường hợp đột xuất thì không thông báo (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).

Câu hỏi 60. Đề nghị cho biết một số công việc cơ bản khi tiến hành thanh tra tại cơ sở?

Trả lời: Giai đoạn tiến hành thanh tra tại cơ sở. Tổ chức tiếp xúc giữa đoàn và đối tượng thanh tra với các nội dung: Trưởng đoàn thông báo quyết định thanh tra nói rõ mục đích yêu cầu, nội dung phương pháp tiến hành và thời gian thanh tra tại cơ sở. Thông báo các nguyên tắc làm việc và các yêu cầu của đoàn để cơ sở đáp ứng. Thủ trưởng của cơ sở được thanh tra báo cáo tình hình thi hành pháp luật về sở hữu công nghiệp theo các nội dung đoàn yêu cầu. Đoàn chất vấn để làm sáng tỏ các nội dung chưa rõ (câu hỏi cần bám sát nội dung thanh tra, làm rõ thêm báo cáo và làm căn cứ cho các kết luận sau này). Hạn chế câu hỏi quá xa nội dung thanh tra.Thanh tra tại cơ sở, xem xét hiện trường nơi sản xuất, buôn bán, nơi chứa các hàng hoá, sản phẩm có yếu tố vi phạm về sở hữu công nghiệp. Tiến hành lấy mẫu giám định trong trường hợp cần thiết (lập biên bản lấy mẫu, niêm phong có chữ ký của cơ sở). Chụp ảnh, ghi hình hiện trạng tang vật vi phạm, nơi sản xuất hàng hoá vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.Lập các biên bản thanh tra biên bản vi phạm: Trong quá trình làm việc cần chuẩn bị lập biên bản thanh tra, kiểm tra theo mẫu quy định, ghi trước các nội dung đã rõ có tính chất thủ tục như: Tên những người tham gia để khi Trưởng đoàn kết luận có thể nhanh chóng hoàn thành biên bản này. Đồng thời, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì thư ký cũng chuẩn bị sẵn biên bản vi phạm hành chính.Các biên bản này phải có chữ ký của Trưởng đoàn, những người tham gia chứng kiến (đặc biệt là biên bản vi phạm hành chính), chữ ký của đại diện cơ sở được thanh tra. Trường hợp sau khi đã thuyết phục mà đại diện cơ sở được thanh tra không chịu ký thì Trưởng đoàn cần ghi rõ đã thuyết phục nhưng đại diện cơ sở vẫn không ký và yêu cầu những người cùng chứng kiến ghi nhận.Trường hợp kết quả thanh tra tại cơ sở chưa đủ để kết luận hành vi xâm phạm, cần có thời gian tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các cơ quan có thẩm quyền khác thì chỉ lập biên bản thanh tra, chưa lập biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này cần ghi rõ hện trạng nêu trên. Cơ quan thanh tra sẽ làm việc với cơ sở được thanh tra khi có kết quả tham vấn, khi có kết quả giám định sở hữu công nghiệp (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).

Câu hỏi 61. Khi kết thúc thanh tra, cần tiến hành những công việc gì?

Trả lời: Giai đoạn kết thúc thanh tra xử lý vi phạm (nếu có): Căn cứ kết quả thanh tra tại chỗ và các tài liệu chính thức khác, căn cứ kết quả tham vấn các cơ quan có trách nhiệm về chuyên môn, căn cứ kết quả phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý khác, Trưởng đoàn thanh tra cần chuẩn bị báo cáo kết quả trình cho cấp đã ký quyết định thanh tra để làm căn cứ cho việc ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.Báo cáo kết quả thanh tra: Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra là sản phẩm tập trung và quan trọng thể hiện kết quả làm việc của đoàn. Báo cáo cần kịp thời, trong thời hạn cho phép, cần ngắn gọn, nêu được hiện trạng chấp hành pháp luật của cơ sở được thanh tra. Nếu có vi phạm thì cần nêu mức độ, tình tiết và các biện pháp cơ sở đã áp dụng để khắc phục. Các kiến nghị, đề nghị và các biện pháp đoàn đã áp dụng. Kết luận sự vi phạm phải rõ ràng, dứt khoát, phân tích được nguyên nhân và hậu quả làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền ra các quyết định xử lý. Kết luận về sự vi phạm phải nêu trên cơ sở số liệu, tình trạng, không suy luận. Cần có sự nhất trí của cả đoàn khi kết luận hành vi vi phạm của cơ sở.Quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khác: Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra và các biên bản thanh tra, kiểm tra và biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, người có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc ra quyết định phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức, nội dung của một văn bản áp dụng pháp luật như đúng thẩm quyền, đủ các điều kiện cần và đủ của việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đúng văn bản nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc lĩnh vực thương mại, ghi đầy đủ các điều khoản về quyền và địa chỉ khiếu nại, thời gian có hiệu lực.Kết thúc cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đoàn cần đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp và chống hàng hoá giả mạo. Thông qua kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tổng kết tình hình để nêu thành các vấn đề có tính chất nổi cộm, xuất hiện đại trà ở nhiều địa phương, nhiều cơ sở, hoặc hiện tượng xuất hiện lặp lại, nêu thành chuyên đề báo cáo đề xuất các biện pháp để cấp có thẩm quyền giải quyết (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).

Câu hỏi 62. Đề nghị cho biết thời hạn của một cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Theo quy định, thời hạn của một cuộc thanh tra sở hữu công nghiệp được tổ chức theo hình thức Đoàn thanh tra không quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc cuộc thanh tra tại cơ sở được thanh tra.Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra có thể gia han một lần. Thời gian gia hạn không quá thời hạn 30 ngày. Như vậy, dù cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hay do Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành cũng phải tuân theo thời hạn trên (Điều 48.1 Luật Thanh tra).

Câu hỏi 63. Trong các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ, những người nào có thẩm quyền ra quyết định thanh tra về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ có quyền ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra về sở hữu công nghiệp hoặc phân công thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra về sở hữu công nghiệp.
Trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.Trường hợp phân công Thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập về sở hữu công nghiệp thì người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra về sở hữu công nghiệp để thanh tra viên đó thực hiện (Điều Nghị định 87/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 64. Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời: Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp có các quyền:
Giải trình những vấn đề liên quan đến sở hữu công nghiệp thuộc nội dung thanh tra. Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước và không liên quan đến nội dung thanh tra. Khiếu nại với người ra quyết định thanh tra về các quyết định, hành vi của Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, các thành viên khác của đoàn trong quá trình thanh tra khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật. Khiếu nại với Thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kết luận, quyết định xử lý về thanh tra khi có căn cứ cho rằng kết luận, quyết định đó trái pháp luật. Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó.Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.Cá nhân là đối tượng thanh tra về sở hữu công nghiệp có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thanh viên khác của Đoàn Thanh tra về sở hữu công nghiệp (Điều 53 Luật Thanh tra) Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra về sở hữu công nghiệp là chấp hành quyết định thanh tra; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Chấp hành yêu cầu, kết luận thanh tra, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, Kiểm soát viên, Cảnh sát và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 54 Luật Thanh tra).
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top