Cậu học sinh lớp 11 chăn bò nuôi ước mơ vào đại học
Đi học về, Hậu ăn vội mấy chén cơm với rau luộc rồi khoác bộ đồ rách vai ra đồng cắt cỏ cho bò. Khi cỏ đủ cho bò ăn đến trưa hôm sau thì Hậu ngưng tay bắt đầu việc mò ốc, bắt cá lấy tiền mua gạo nuôi mẹ và cụ cố già nua.
Đó là em Nguyễn Nhân Hậu, học sinh lớp 11 B1 Trường Bình Đại A, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Hơn 2 tháng nay, gia đình Hậu thật sự rơi vào cảnh túng thiếu khi chị Nguyễn Thị Hằng (38 tuổi) - mẹ em Hậu ngã bệnh. Chứng bệnh viêm đa khớp không cho chị Hằng trầm mình dưới nước mò ốc dừa hay phụ hồ như mọi khi nữa.
“Dù khó khăn thế nào em cũng phải gắng vượt qua”
Ngồi trong căn nhà lá rách nát, thấp lè tè của mẹ con em Hậu, chúng tôi không khỏi lo không biết căn nhà có gắng nổi qua mùa mưa này không. Cột kèo đã bị mối xông mục hết, những tấm lá đứt lạc tuột xuống một đầu.
Hiện nay Hậu sống cùng mẹ và bà cố (bà ngoại của mẹ) trong căn nhà lá này. Trước đây, Hậu ra đời cũng không biết mặt cha vì cha em đã bỏ đi biệt tích khi mẹ em mang bầu.
“Mẹ tui mất, chẳng để lại tài sản gì, chỉ vỏn vẹn cái nền nhà, nhưng rồi bà ngoại tui lâm bệnh nên tui bán cái nền nhà để lo thuốc thang cho ngoại. Nhờ phần phúc của trời Phật nên ngoại đã qua khỏi và sống đến giờ với mẹ con tui!” - chị Hằng chia sẻ
Không đất, không nhà, ba bà cháu sống nhờ những người thân quen, đồng cảm với gia cảnh của mẹ con chị Hằng nên một người trong xóm cho mượn một miếng đất rồi vận động bà con cất cái nhà lá cho ba bà cháu ở đến nay.
Căn nhà lá thấp tè này là nơi sinh sống của hai mẹ con Nhân Hậu và bà cố.
Hằng ngày để có tiền nuôi sống gia đình chị Hằng phải làm đủ thứ nghề, khi thì đi phụ hồ, khi thì đi gặt lúa, làm cỏ. Hơn một năm nay do sức khỏe yếu nên chị Hằng sống bằng nghề mò ốc dừa để bán đong gạo ăn từng ngày.
“Ngày nào “trúng mánh” thì kiếm được 500 - 600g ốc Dừa, bán hết cũng được 20, 30 ngàn đồng, đủ tiêu xài trong ngày nên tui sợ nhất là trong nhà có người ngã bệnh thì không biết phải xoay xở ra sao!” - chị Hằng giãi bày.
Nhưng kể từ 2 tháng nay, sau những lần đau ở các cổ tay cổ chân, chị Hằng đi khám thì được các bác sĩ cho biết chị bị viêm đa khớp, nguyên nhân có thể là do chị lao động qua sức, ăn uống lại thiếu thốn nên gây ra bệnh. Mặc dù bác sĩ yêu cầu chị không nên làm nặng và không được trầm mình dưới nước, nhưng thấy em Hậu vất vả, vừa học vừa phải cáng đáng hết mọi việc nên chị cũng cố đi làm.
“Bây giờ mẹ bệnh, bà cố thì già yếu còn một mình em, dù khó khăn thế nào em cũng phải cố gắng, cố gắng vượt qua” - em Hậu chia sẻ.
Hai mẹ con Nhân Hậu và bà cố.
Nuôi bò để có tiền học đại học
Mặc dù Hậu sinh ra trong một gia đình khó khăn, thiếu thốn tình cha, nhưng trong suốt 11 năm học, em luôn là học sinh khá giỏi. Nhưng đứng trước tình cảnh khó khăn của gia đình, Hậu phải suy nghĩ làm một việc gì đó để có tiền học tiếp nhất là số tiền ăn học ở những năm đại học sắp tới.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Hậu lên kế hoạch mua bò về nuôi. Hậu kể: “Nếu phải bỏ học em cũng buồn lắm vì em thấy rằng chỉ có cái học mới thay đổi được số phận! Nên em phải học tiếp và em nhờ mẹ làm hồ sơ vay 6 triệu ở Hội Phụ nữ để mua một con bò về nuôi. Em nghĩ nuôi bò ít tốn kém, chỉ cần bỏ công cắt cỏ cho bò ăn là được. Sau một năm, hai năm là bán bò được rồi! Nếu êm xuôi em cũng có được một số tiền kha khá để học đại học”.
Đó là kế hoạch 2 năm của Hậu, còn về chi phí học tập và chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày cho gia đình thì Hậu cũng đã có kế hoạch riêng: Thay vì cắt cỏ đủ cho bò ăn thì Hậu cắt nhiều hơn, lấy phần cỏ dư ra đem bán lại cho những người dân nuôi bò trong xóm. Được biết mỗi bó cỏ như vậy Hậu kiếm được 5 ngàn đồng, một ngày bán được 2 bó cỏ, cộng với tiền bán ốc dừa thì cũng vừa đủ tiền đong gạo, còn việc mua cá thịt ăn đối với gia đình em Hậu như một điều xa xỉ lắm.
Tan học về tới nhà là Nhân Hậu cởi bộ đồ đồng phục ra rồi lấy cỏ, châm nước cho bò sau đó em mới ăn cơm.
Chị Vân - một người ở xóm cho biết: “Cháu Hậu thương con bò còn hơn bản thân nó, vừa đi học về là chạy ra thăm bò, bỏ thêm cỏ, múc nước cho bò uống rồi mới vào nhà ăn cơm. Hôm nào con bò ăn ít một tí là hôm đó tui nghe mẹ nó nói nó cũng bỏ ăn luôn! Thấy nó chăm bò tốt như vậy tui định gửi cho nó nuôi một con, đến lúc bán chia đôi, coi như mình giúp nó có tiền ăn học!”.
Nhận xét về Hậu, cô Lệ Sơn - giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Trong lớp tôi có 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là em Hậu và em Đức (nhân vật trong bài viết " Lòng hiếu thảo của cậu học sinh nuôi em tâm thần, cha bệnh tật"mà Dân trí ghi nhận thời gian qua - PV). Hai em có hoàn cảnh gần giống nhau và em Đức và Hậu đều là những học sinh ngoan hiền, hiếu thảo. Chính vì vậy, nếu hai em được sự giúp đỡ của cộng đồng, tôi tin hai em cũng sẽ trở thành những người hữu ích cho xã hội”.
Nhìn ngôi nhà rách nát, cột kèo xiêu vẹo, chúng tôi không khỏi lo lắng và nhất là ước mơ vào đại học của Hậu, không biết em có đủ sức vượt qua những khó khăn trước mắt để thực hiện được ước mơ đó không?
Theo Dân trí.