Câu chuyện người bắt rắn
Ở cánh đồng Vĩnh Châu có giống rắn lạ, mình đen khoang trắng, chạm vào cây cỏ thì cây cỏ chết. Rắn đó cắn người thì không phương thuốc nào chữa nổi. Nếu bắt được nó mà phơi khô để làm thuốc có thể chữa được bệnh phong thấp, bệnh co giật, bướu cổ, bệnh ngứa, bệnh bại liệt, bệnh giun sán. Lúc đầu thầy thuốc dựa vào mệnh vua thu thập rắn, mỗi năm hai lần nộp thuế rắn, tuyển mộ người nào có khả năng bắt rắn, thì khỏi phải nộp thuế. Người đất Vĩnh Châu đua nhau chạy theo việc bắt rắn.
Có nhà họ Tưởng, chuyên nghề này đã ba đời rồi. Hỏi đến thì bác ta nói: “ Ông tôi chết về nghề rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn, nay tôi thừa kế nghề này đã 12 năm, cũng đã suýt chết nhiều lần”. Nói xong vẻ mặt bác ta rất đau buồn, tôi ngậm ngùi thương xót và hỏi.
Bác oán ghét việc ấy lắm phải không? Tôi sẽ báo cáo với quan cai trị bác bỏ nghề này và đóng thuế ruộng như thường. Bác tính thế nào?
Bác họ Tưởng rất đau buồn, bỗng nhiên trào nước mắt, nghẹn ngào nói.
Ngài xót thương mà toan cứu sống tôi chăng? Thế thì,việc bắt rắn của tôi là bất hạnh, nhưng chưa bằng việc đóng thuế còn bất hạnh hơn nhiều. Trước kia, nếu tôi không làm việc này thì nguy khốn đã lâu rồi.
Họ hàng tôi ba đời ở làng này, đến nay đã 60 năm rồi mà cuộc sống của bà con làng xóm ngày càng quẫn bách, mùa màng thu nhập không đủ nộp thuế. Thậm chí bà con gào khóc rồi bỏ làng, bỏ xóm, đói khát dập vùi, xông pha mưa gió, dầu dãi nóng lạnh, thở hít hơi độc, khắp nơi người chết chồng chất lên nhau. Trước đây, những nhà cùng ở với ông tôi thì nay mười nhà không còn một, những nhà ở cùng với cha tôi, thì nay mười nhà không còn hai ba, những nhà ở cùng với tôi thì nay mười nhà không còn bốn, năm. Chẳng chết thì cũng phải dời đi chỗ khác. Chỉ riêng tôi nhờ nghề bắt rắn mà được sống sót.
Bọn quan lại hung hăng về làm thuế ở làng tôi, hò hét ở phía đông phía tây, đập phá phía nam phía bắc, khiến mọi người xôn xao sợ hãi,đến cả gà chó cũng không được yên thân. Những lúc ấy, tôi rón rén đứng dậy, nhìn vào cái ang, thấy rắn của tôi vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên. Tôi nuôi dưỡng nó, chờ đúng dịp thì đem dâng. Rồi tôi trở về yên tâm hưởng thụ các sản vật địa phương cho đến lúc trọn đời. Đại để một năm tôi chỉ phải dấn mình vào chỗ chết hai lần, ngoài ra thì yên vui thoải mái, đâu còn đến nỗi như bà con làng xóm tối ngày lo sợ về việc thuế khóa! Nay dù tôi có chết về nghề bắt rắn nhưng so với cái chết của bà con làng xóm là vẫn được chết sau, đâu dám oán ghét việc đó nhỉ?
Tôi nghe câu chuyện càng thương xót. Khổng Tử nói “ Chính sự độc ác cay nghiệt hung dữ hơn hổ”. Tôi thường nghi ngờ về điều ấy, nay thấy gia đình họ Tưởng thì mới tin.
Than ôi! Anh biết được nỗi độc ác của nạn thuế khóa lại còn độc hơn rắn nhỉ? Cho nên tôi viết ra đây để mọi người xem xét phong tục thấu hiểu nỗi đau khổ của dân.
Nguồn : NXBVHTT.