Cáo tật thị chúng

CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Lí Trường - Mãn Giác

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch thơ
Cáo bệnh bảo mọi người

Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Ngô Tất Tố dịch
[FONT=arial, helvetica, clean, sans-serif]
[/FONT]
Qui luật thời gian của thiên nhiên là qui luật tuần hoàn, theo vòng tròn. Xuân tới, xuân qua, xuân lại tới. Nhưng với đời người thì không tuần hoàn theo thời gian xoay tròn như thế, mà về phương diện nào đó gần gũi với kiếp hoa. Chỉ nở một lần và tàn một lần. Con người sinh ra, vào đời như là một hành khách lên tàu thời gian không có vé khứ hồi (ý thơ của Châu Hồng Thuỷ). Lao vào mưu sinh, quay cuồng trong biển đời, con người chỉ nhìn thấy việc và việc. Việc cứ nối nhau, đuổi theo nhau và cuốn con người vào guồng quay thời gian. Con người mải mê bị hút theo và không hề để ý. Cái già xồng xộc đã bám theo tự lúc nào và nó lặng lẽ hiện ra trên mái đầu. Và khi ấy cũng là khi con người sắp theo số phận các loài hoa. Anh ta sẽ héo tàn, sẽ rụng xuống, sẽ tắt đi, sẽ chẳng còn gì nữa:
Ngày kia anh chết
Cái bóng chẳng còn đâu
Tô Hà
Có vẻ sẽ đầy bi luỵ, buồn thương, nếu sẵn mối đa sầu, đa cảm.
Nhưng bài thơ kết thúc bất ngờ với sự bất tử của nhành mai, trái với quy luật thông thường, vượt lên trên quy luật thông thường. Thì ra vẫn có chuyện xuân tàn mà hoa không rụng. Thì ra vẫn có sự kì diệu. Nghĩa là con người vẫn có thể bất tử, vẫn có thể không bị rụng rơi, tàn úa. Nhành mai kia không thèm biết đến qui luật hà khắc của thiên nhiên. Vậy thì con người cũng có thể như nhành mai được chứ!
Ở đây có một điều lí thú là, nguyên tác bài thơ không nói mai nở: Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Dịch giả Ngô Tất Tố đã dịch đúng tinh thần của tác giả: Đêm qua sân trước một cành mai.
Khi giáo sư Hoàng Hữu Yên cho rằng nhất chi mai là tên một loại hoa hay trồng ở nơi chùa chiền chứ không phải là một cành mai như mọi người vẫn hiểu; giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã tranh luận lại với một bài viết khảo sát công phu các bài thơ cổ điển Trung Quốc về vãn mai và tảo mai. Tôi đặc biệt lưu ý khi giáo sư Phi góp ý một số bản dịch nghĩa và dịch thơ đã thêm chữ nở vào. Do đó làm hỏng ý thơ của nguyên tác muốn nói đến sự vĩnh cửu. (Nếu có nở thì lại có tàn, có sinh thì lại có diệt). Đây là một sự cảm thụ tinh tế.
Như vậy tinh thần của sự bất tử không phải chỉ là ý nghĩa chúng ta rút ra, mà nó tồn tại ngay trong hình tượng thơ, trong bản thân cách diễn đạt của tác giả. Nó vừa cụ thể nhưng cũng lại có tính tượng trưng. Khi người ta trồng cây, khi người ta trồng người, khi người ta làm việc thiện, việc công đức ích quốc lợi dân, thi dẫu có chết, chỉ là chết phần thể xác, còn sự nghiệp, tiếng thơm sẽ sống mãi muôn đời. Như Nguyễn Du sau này đã viết: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Có lẽ nhà sư muốn nói lẽ huyền vi của đạo Phật, của người giác ngộ. Nhưng đó cũng là lẽ thường tình mà bất cứ con người bình thường nào cũng có thể cảm nhận. Cái đẹp của tư tưởng và triết lí đạo Phật làm cho vần thơ thêm sự minh triết, sâu sắc. Và đẹp hơn nữa chính là sự kết hợp hài hoà giữa đạo với đời, giữa giáo lí với hiện thực đời sống, làm cho thơ ca toả ra ánh sáng đặc biệt, vừa gần gũi, vừa xa xôi, vừa bình dị vừa thiêng liêng, vừa hiển nhiên vừa thâm thuý.
Với tinh thần lạc quan, tôi tin vào sự bất tử của mỗi con người tốt. Và càng tin chắc hơn, khi gần một ngàn năm trước, thiền sư Mãn Giác đã gửi niềm tin ấy trong những vần thơ sáng một cành mai.

Vũ Nho: 1.2001 - 1.2002
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top