Can đảm và sự thành công

Địa Kiếp

New member
Xu
0
Con người, sống là phải dấn thân. Ở cuối thế kỷ này không thể có một triết lý lẩn tránh việc đời. Ta không thể bắt chước Robinson làm bạn với thiên nhiên, cầm thú nơi đảo hoang, hay làm một nhà thơ sống trong tháp ngà, ba năm mới sáng tác được hai câu thơ, đọc cho đời nghe nhưng thiếu tri âm nên đành quay về núi cũ mà hai hàng lệ chảy.



Lưỡng cú tam niên đắc,

Nhất ngâm song lệ lưu

Giả Đảo



Hai vần thơ, thoáng ba năm!

Ngâm lên, nào biết âm thầm lệ tuôn.



Đã dấn thân thì không thể e dè, sợ sệt mà phải có dũng khí. Không phải chỉ làm những công việc dời non lấp biển, viết những trang sử đẹp cho dân tộc và nhân loại mới cần có dũng khí, mà trong đời thường, con người chúng ta cũng cần can đảm. Can đảm là đức tính cần thiết để khắc phục hoàn cảnh, là tiền đề của sự sáng tạo. Có thành công nào trong cuộc sống chúng ta mà vắng bóng nhân tố can đảm? Và có thất bại nào trong việc làm của chúng ta mà không ít nhiều do sự rụt rè, ngại ngần mà ra?



Hai câu chuyện rất bình thường dưới đây cho ta thấy rõ sự cần thiết của can đảm đối với thành công trong cuộc sống của chúng ta.



Một khía cạnh nóng bỏng trong cuộc sống mà một thanh niên thường quan tâm là tình yêu. Muốn nắm được tình yêu, bắt được hạnh phúc, có thể thiếu dũng khí không? Không, chắc chắn là không. Can đảm phải là bước đầu để viết những trang tình sử.



Một truyện tình buồn xảy ra ở sứ quán Nhật Bản tại Tây Đức trước đây. Trong số nhân viên phục vụ tại sứ quán Nhật lúc bấy giờ có một thiếu nữ người Đức. Cô gái tuổi đôi mươi, có làn da trắng như tuyết trên đỉnh Alps, có đôi mắt xanh như dòng Danube... và con người tràn đầy sức sống. Nàng tên là M., một cô gái yêu đời và được người đời yêu mến.

Cũng trong đám nhân viên phục vụ tại sứ quán còn có một thanh niên Nhật Bản. Chàng tên A., đẹp trai, có tinh thần võ sĩ đạo và lúc đó đang tập sự ngành ngoại giao. Lần đầu gặp M, A đã bị coup fatal nghĩa là chàng đã yêu. Giữa hai người, đôi thanh niên nam nữ xứng đôi này, tình cảm nảy sinh dần như mặt trời đang lên sau các ngọn đồi.Họ lại có nhiều dịp tiếp xúc, nào là lúc cùng công tác, cùng dự các buổi tiếp tân...

và còn cả những cuộc gặp mặt riêng tư trên sàn nhảy, trong tiệm ăn... Họ đã cùng đến thăm Vienna cổ kính và nhiều phen thả hồn trên dòng sông xanh nghe vang vọng khúc nhạc bất hủ của J. Strauss. Cuộc tình đầy triển vọng dẫn đến cánh đồng hoa như thế, lại không kết thúc đẹp như chúng ta nghĩ. Vì đâu, A vốn là một con người chịu sự giáo dục gia đình cổ điển và có phần hà khắc.

Dù có theo Âu học, nhưng tinh thần chàng lại bị trói buộc bởi thành kiến và tập tục cổ truyền của xứ sở Thái Dương Thần Nữ. Từ khi bước và lãnh vực tình cảm, không lúc nào A thoát khỏi sự day dứt, lo âu. Chàng sợ mất nàng nếu ngỏ lời cầu hôn mà bị từ chối (mặc cảm của một thanh niên Á Đông đối với phụ nữ da trắng), chàng lo tâm lý Đông-Tây khó mà hòa hợp, chàng sợ lấy vợ ngoại quốc sẽ bị gia đình, họ hàng và ngay cả đồng bào cảu chàng chống đối nếu mang nàng về nước. Rồi còn những đứa con sẽ ra sao?

Những đứa con hai dòng máu này chẳng được dân tộc nào coi trọng, dù người Nhật hay người Đức!... Những lo âu này khiến A trở nên rụt rè. Lần nào gặp M, A cũng chỉ nêu ra vấn đề “một mối tình Đông Tây kết quả sẽ thế nào?” và chàng không vượt qua được bước quyết định. Còn M, M là một thiếu nữ mới lớn, nàng yêu A và chờ đợi lời cầu hôn và chấp nhận mọi thử thách. Nhưng đối với sự e ngại của A, M cảm thấy buồn chán. Lòng tự ái của một cô gái, vốn rất tự hào về dân tộc mình trỗi dậy, và cô cho là mình bị sỉ nhục. Tình cảm của hai người đã có một vết rạn nứt.



Ngay lúc đó B xuất hiện. B là một thanh niên Nhât Bản sang du học tai Đức. Tuổi B còn rất trẻ, mới ngoài hai mươi nhưng lại à một thanh niên có nhiều kinh nghiệm trên tình trường. Vài lần tới lui sứ quán, B đã gặp M. B đẹp trai, khéo nói và sau vài lần mời M dạo chơi, chàng ta đã chinh phục được trái tim nàng. Từ đó M xa lánh A và sau giờ làm việc là nàng đi với B. Họ tung tăng trong vũ trụ chỉ có hai người. Lúc bấy giờ, A mới ân hận. Mối tình chàng ấp ủ bao lâu phút chốc tan vỡ chỉ vì sự thiếu can đảm trong tình yêu. Khuôn mặt người tình với biết bao kỷ niệm êm đềm nhận chìm tuổi thanh niên của chàng. A quay về Nhật Bản và tìm cái chết dưới chân núi Phú Sĩ.



Có những mối tình tuyệt vọng vì những lý do chính đáng. Nhà thơ Arvera, suốt đời ôm ấp mối tình tình tuyệt vọng và sáng tác ra khúc Sonnet bất hủ:



Lòng ta chôn một mối tình,

Tình trong giây lát mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay!

...



Nhưng mối tình giữa A và M kể trên thì rõ ràng là do sự thiếu dũng khí của nhân vạt nam Dĩ nhiên sự thiếu can đảm này của A có nhiều nguyên nhân sâu sắc, nhiều khi vượt khỏi khả năng kiểm soát của A. Con người trong giai đoạn hình thành nhân cách, ở tuổi ấu thơ đã chịu bao nhiêu ảnh hưởng từ môi trường. Mặc cảm tự ti có thể ăn sâu vào tâm trí A và hình thành thái độ rụt rè, e ngại.



Để hiểu rõ hơn vai trò của các động cơ tâm lý chi phối quyết định, việc làm của chúng ta. Các bạn hãy nghe câu chuyện thừ hai do Pierre Daco thuật lại:



Giáo sư Jacques R... đi vào trong căn phòng lộng lẫy của Đài Phát Thanh ông đưa cặp mắt lo âu nhìn đồng hồ: 19h30.



Đúng 20h, Jacques R... sẽ đứng trước máy phát âm và nói chuyện với thính giả cả nước.



Chỉ còn nửa giờ nữa. Thời gian cứ ngắn dần, mòn dần và cái phút kinh khủng kia sẽ tới.



Jacques dùng thang máy lên lầu, vào phòng đợi. Đã 19h35 rồi, Jacques xoa ngón tay, bàn tay ẩm ướt mồ hôi. Mối sợ hãi, sự run rẩy, cảm xúc thực đáng nguyền rủa... Sự rụt rè, e ngại thực đáng sợ, chúng hầu như làm tê liệt, ngăn cản hành động của ông.



19h40, cây kim đồng hồ của Đài chuyển dịch từng giây một cách tàn nhẫn, và trong lòng Jacques dâng lên sự mâu thuẫn và âu lo. Những nhân viên Đài qua lại. Những lời chào hỏi chiếu lệ. Nhưng Jacques nghe giọng mình như giọng một người xa lạ; trầm, nhát gừng, khàn đục như phát ra từ một lớp sương mù. Đến trước máy phát âm thì sẽ ra sao đây? Cơn sợ hãi tràn ngập.



19h50 Jacques đứng lên ngồi xuống cả chục lần, lau đôi tay dầm dề mồ hôi và nhận thấy chúng bắt đầu run nhẹ. Trí tưởng tượng của ông hoạt động. Hệ thống ghi âm, phát âm lạnh lùng, những đôi mắt tha nhân nhìn ông chờ đợi. Hàng triệu đôi tai của thính giả chăm chú lắng nghe từng âm thanh của ông. Một âm thanh không rõ ràng, một phát âm sai, hơi thở hổn hển và có thể cả tiếng động trong trái tim ông cũng lọt vào tai họ. Kinh khủng thật! Làm cách nào đây! Sự phê phán, sự giễu cợt của mọi người như lưỡi gươm trần treo trên đầu ông.



19h55 một xướng ngôn viên lại gần. Jacques cảm thấy đau nhói trong tim, tai ù đi. Sắp tới giờ rồi và ông sẽ sa vào một cái bẫy không thể nào vùng vẫy nổi.



- Thưa Giáo sư, xin giáo sư theo tôi.



Một giọng nói ngọt ngào vang lên. Thì ra xướng ngôn viên là một người phụ nữ, một cô gái xinh đẹp có đôi mắt to thông minh. Trời ơi, lại một tai họa nữa! Cô gái này sẽ ngòi đối diện với ông trong suốt buổi phát âm. Đôi mắt nàng sẽ nhìn ông chăm chú, sẽ không bỏ sót một cử chỉ nào của ông từ việc nuốt nước miếng đến bàn tay run rẩy lau mồ hôi.

Tai nàng sẽ thu từng tiếng động nhỏ phát ra từ đôi môi ông. Nàng sẽ mỉm cười thương hại hay giễu cợt sự lúng túng, vụng về của ông. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu ông: phải trốn chạy. Ngày trước đã có một lần, trong một bữa ăn, vì lúng túng vụng về ông đã làm rớt món ăn xuống bàn và ông đã tìm cớ rút lui khỏi bàn tiệc. Nhưng lần này nếu làm thế là kết thúc danh tiếng của một học giả.

Ông sẽ không bao giờ có dịp trình bày học vấn trước công chúng nữa cũng như không bao giờ ông đủ can đảm dự một bữa ăn trang trọng nữa. Bấy giờ, Jacques có cảm tưởng mình bước đi và ngồi xuống bên máy phát âm. Ông đã hành động như một người máy. Bài nói chuyện mà ông đã lầu thông giờ này hiện ra như một khoảng trống, đen ngòm. Không còn lùi bước được nữa. Âm nhạc phụ họa nhỏ dần và kết thúc và đến lần ông lên tiếng. Không thể cử động được. Chẳng có cách nào hủy bỏ cuộc thử thách tai hại này. Và dưới gầm bàn để máy phát âm, hay tay Jacques xoắn vào nhau.



“Kính chào thính giả, thính giả sắp được nghe giáo sư...”



Jacques có cảm tưởng lao mình xuống nước lạnh. Ông lắp bắp “kính chào thính giả”, và âm thanh này như làm giảm phần nào tình trạng tâm lý khẩn trương nơi ông. Những lời đầu tiên của ông hình như không phát ra từ cõi ý thức, Jacques chỉnh đốn lại bài nói chuyện, kiên trì một cách tuyệt vọng đọc to mà bản thân ông, ông không biết mình đọc gì nữa.

Trong tâm trí rối loạn của ông chỉ còn lại những hình tượng đầy đe dọa: máy phát âm, thính giả và cô xướng ngôn viên. Một thứ xiềng xích vô hình kẹp lấy trí não. Một thúc đẩy ghê gớm giục ông hãy cử động, hãy nhìn và làm một cử chỉ nào đó. Và Jacques bất chợt nhìn lên chỉ trong một giây ông bắt gặp đôi mắt của xướng ngôn viên.

Đôi mắt tò mò, nụ cười trên môi của cô gái như đầy vẻ chế nhạo. Một xiềng xích khác thắt chặt đầu não ông. Đe dọa trước mắt chính là nữ xướng ngôn viên. Chỉ còn hai trang nữa là hết bài nói chuyện. Giọng Jacques trở nên run hơn trước, lắp bắp, khàn đặc, và chợt như bị một sức đẩy vô hình nào đó, Jacques bỏ ngay hai trang cuối và đọc dòng chót của bài, rồi nói “xin cám ơn thính giả”.



Cơn sợ đã chiến thắng ông. Một sự thư giãn chậm chạp tràn ngập tâm hồn mệt mỏi, kiệt sức, chán nản này. Thế là hết. Ông thừa biết đây là lần đầu và cũng là lần cuối ông bước chân vào phòng ghi âm. Ông xấu hổ vì là kẻ chiến bại.



Thí dụ trên đã lột trần được thảm kịch nội tâm của một kẻ thiếu can đảm. Không phải Jacques không hiểu rõ là cần dũng khí trong việc tiếp xúc với một hoàn cảnh mới. Nhưng ông, dù đã cố gắng, vẫn không thể thích ứng được với nó.

Các bạn có thể hỏi, phải làm sao đây khi biết cần can đảm để khắc phục hoàn cảnh nhưng “lực bất tòng tâm”? Đó chính là mục tiêu của cuốn sách này. Ta phải thấy được vai trò quan trọng của đức can đảm trong cuộc sống và luyện nó, khiến nó gắn liền với nhân cách ta như một thứ vũ khí thuận tiện sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào.



St
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top