Cảm xúc cho một lần đọc lại "Chí Phèo".

  • Thread starter Thread starter Atula
  • Ngày gửi Ngày gửi

Atula

Trưởng khoa lịch sử
Xu
0
Atula chỉ muốn chia sẻ cảm xúc của mình một chút thôi:"> (ai bảo copy, Atula đánh cho ngu người! >:))
--------------

Có những tác phẩm văn học đọc xong, gấp sách lại và ta quên đi, khép luôn cả trí nhớ của mình về nó. Cho đến lúc cầm lại, mới chợt nhớ rằng mình đã đọc rồi. Nhưng, có những cuốn sách - những tác phẩm văn học như dòng sông xanh mát chảy qua tâm hồn ta, để lại một lớp phù sa màu mỡ, cùng với những ấn tượng khắc chạm nơi con tim và khối óc. Với tôi, truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao là minh chứng cho những cảm xúc đó. Mỗi lần đọc "Chí Phèo" là mỗi lần tôi có thêm một cảm nhận mới, là mỗi lần tôi thấy mình như yêu văn học hơn. Bao nhiêu lần thầm cảm ơn tác giả đã cho ra đời 1 "đứa con tinh thần" hay như thế là bấy nhiêu lần tôi thắc mắc về cái kết truyện, là bấy nhiêu lần tôi đau đớn cho cuộc đời và số phận anh Chí.

Chí Phèo ngật ngưỡng bước vào trang văn học, anh đến và anh không ra đi, anh bắt tôi phải xót xa, cay đắng mãi với cuộc đời của anh; anh bắt tôi phải suy tư mãi về ánh sáng lương tâm, lương tri trong con người anh. Đau lòng và đau đời lắm dù biết rằng những gì cảm nhận được về cuộc đời cũ, xã hội cũ vẫn còn ít ỏi lắm, nhỏ bé lắm, hữu hạn lắm lắm...!

Cuộc đời anh Chí là cả một tấn bi kịch dài dằng dặc, từ khi sinh ra cho tới lúc lìa xa cõi đời. Tuổi thơ anh không có hơi ấm của tình mẹ, không có sự dạy dỗ của người cha, anh bơ vơ và ngơ ngác trước cuộc đời. Anh không có tuổi 20 với những ước mơ và hoài bão lớn lao, cũng chẳng có 1 tuổi thơ bình yên, ngọt ngào nơi làng Vũ Đại, mà anh chỉ có tuổi 20 "không phải là gỗ đá, cũng không hoàn toàn là xác thịt", chỉ có tuổi thơ "hết đi ở cho nhà này đến đi ở cho nhà nọ". Rồi chỉ vì ghen tuông, Bá Kiến bắt anh vào tù. Mà cái nhà tù thực dân thời ấy có khác nào địa ngục! Toàn những kẻ "đầu trâu mặt ngựa", với những mưu mô thủ đoạn đủ để biến 1 anh canh điền hiền lành, khỏe mạnh thành một kẻ có bộ dạng "trông gớm chết", thành 1 thằng lưu manh Chí Phèo. Ra tù, trở thành tay sai cho Bá Kiến, anh cứ sống vất vưởng, côn đồ, quậy phá, say sưa cho đến ngày gặp Thị Nở. Những tưởng rằng, bát cháo hành và tình yêu của thị sẽ làm cuộc đời đang ở bên kia dốc của anh ấm lại, tưởng rằng cái ánh trăng đêm ấy sẽ xua tan đi quá khứ tăm tối của anh, sẽ làm thay đổi số phận anh. Nhưng hỡi ôi... đó lại là khởi đầu cho một bi kịch mới - bi kịch kết thúc cuộc đời. Dù rằng khi ngửi bát cháo hành nghi ngút khói ấy, anh Chí ko phải "chun mũi" như "đôi vợ chồng mới cưới" ăn bát "chè khoán" trong tác phẩm Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân; và dù rằng chính bát cháo hành ấy đã thức tỉnh lương tri trong con người anh, làm sống lên ánh lửa nhân tính còn sót lại trong tâm hồn anh... Nhưng giữa cái xã hội "chó đểu" ấy, nhận thức của con người còn nhỏ nhoi lắm, hạn chế lắm lắm, làm sao họ nhận ra "con quỷ dữ của làng Vũ Đại" đã biến mất, thay vào đó là một con người có tâm hồn trong sáng, trong sáng đến hiền dịu. Bà cô Thị Nở không biết, cả làng Vũ Đại không ai biết, ngay cả Bá Kiến - 1 kẻ khôn róc đời - cũng chưa kịp nhận ra, chỉ có mình Thị Nở là biết, nhưng khốn nạn thay, thị lại là người dở hơi. Để cho cái giây phút anh Chí thức tỉnh, cái giây phút tâm hồn anh trở về sao mà ngắn ngủi quá, ít ỏi quá!!!... Anh lại uống rượu, nhưng càng uống, càng tỉnh, càng buồn. Cảm giác "buồn" đã có một thời gian dài trong cuộc đời anh bị chìm vào quên lãng, nay trở lại trong tâm hồn, càng lúc càng thấm sâu để rồi trở thành nỗi đau tê dại, đau điên cuồng của 1 - con - người bị chính xã - hội - loài - người chối bỏ. Nỗi đau ấy quá sức chịu đựng của anh, nỗi đau ấy dẫn anh đến ngõ nhà Bá Kiến, cứ như thể đó là con đường mòn quen thuộc vậy.

Nhưng lần này khác với tình huống truyện. Ở đầu tác phẩm, tôi cũng bắt gặp hình ảnh anh Chí say, nhưng với nỗi đau nhẹ nhàng hơn: bị từ chối giao tiếp; tôi cũng bắt gặp hình ảnh anh Chí tới nhà Bá Kiến, nhưng chỉ để ăn vạ. Và nếu những lần đó, Bá Kiến chỉ cần ngọt ngào, chỉ cần vứt cho anh 5 hào là êm xuôi mọi việc, là anh sẽ lại tiếp tục trong cơn say triền miên, say vô tận; thì lần này, với nỗi đau lên đến đỉnh điểm, nỗi đau đến tột cùng, anh tới gặp hắn trong bộ dạng của 1 thằng say, nhưng trí óc và tâm hồn của 1 người tỉnh táo. Anh dõng dạc nói:
"Tao không đến đây xin 5 hào!"
"Tao đã bảo tao không đòi tiền!"
"Tao muốn làm người lương thiện!"
Cả đời chưa bao giờ anh Chí dõng dạc như thế, dứt khoát như thế, kiêu hãnh và đầy tự tin như thế!... Nhưng tất cả đã muộn rồi anh Chí ơi! Xã hội ko cho anh trở về, làng Vũ Đại không chấp nhận anh, cả Thị Nở - 1 người dở hơi cũng hắt hủi anh,... cho dù anh đã tìm được sự lương thiện của mình thì người ta cũng chỉ coi anh là 1 thằng bất lương thôi! Thương cho anh Chí Phèo, đau khổ cả một đời, đến lúc chết cũng không thoát khỏi sự đau khổ ấy.

Tôi vẫn nghĩ đó là cái chết đầy uất ức!... Anh Chí đã được ai trả lời cho câu hỏi lớn của đời mình đâu: "Ai cho tao lương thiện? Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất được những vết mảnh chai trên mặt này?"... Câu hỏi ấy ngàn đời còn vang lên, còn cào cấu trái tim, khối óc của tôi, bạn, tất cả những ai từng đọc "Chí Phèo"!...

Tôi chưa bao giờ và không bao giờ muốn gọi Chí là 1 thằng lưu manh, tôi gọi anh là người - nông - dân - bị - lưu - manh - hóa. Trở thành lưu manh ko phải lỗi do anh, mà là tội của bọ cường hào ác bá đã đẩy con người tới "bước đường cùng" ko lối thoát. Nam Cao hẳn cũng buồn lắm khi ko thể mở ra cho nhân vật của mình 1 hướng đi, 1 con đường; mặc dù ngòi bút của ông khi viết về cuộc đời và số phận của anh Chí có vẻ lạnh lùng, dửng dưng như thể cái chết đó là 1 điều tất yếu vậy! Điều đó cũng dễ hiểu thôi! Truyện ngắn "Chí Phèo" được viết năm 1940, thời điểm Nam Cao chưa tham gia cách mạng, nên tư tưởng của nhà văn còn xa rời cách mạng, còn bế tắc và tuyệt vọng lắm! Ông chưa nhận thức được ánh sáng lý tưởng của cách mạng, chưa thấy "mặt trời chân lý chói qua tim", và cũng chưa tin vào khả năng đấu tranh của người nông dân. Chính vì thế, với Nam Cao, việc tìm ra lối thoát cho nhân vật của mình vẫn còn là 1 cái gì đó xa xôi và mơ hồ lắm! Nếu như tác phẩm được viết năm 1943 - khi ông đã tham gia Hội văn hóa cứu quốc thì có lẽ cuộc đời và số phận anh nông dân hiền lành Chí Phèo sẽ không bi thảm như thế! Anh sẽ tới 1 nơi khác sinh sống, bỏ lại làng Vũ Đại để đến nơi anh có thể thực hiện được ước mơ nhỏ nhoi, bình dị và thân thương của mình. Ở nơi đó, anh sẽ gặp những cán bộ cách mạng và họ sẽ giác ngộ anh, xã hội loài người sẽ mở rộng vòng tay đón anh,... bao nhiêu cái "sẽ" khác còn chờ đợi anh. Nhưng, như thế sẽ chẳng còn là "Chí Phèo" nữa, sẽ chẳng còn là truyện ngắn tôi yêu thích nữa; cũng sẽ chẳng còn đâu nỗi đau đáu mỗi lần tôi đọc "Chí Phèo",... Tôi vẫn cho rằng đó là 1 cách kết thúc rất đặc sắc, rất Nam Cao! Càng đắt hơn nữa khi ông để cho hình ảnh chiếc lò gạch bỏ hoang xuất hiện theo lối đầu cuối tương ứng. Cái chi tiết "Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và nghĩ tới cái lò gạch cũ" như dự báo có 1 Chí Phèo con ra đời nối nghiệp bố vậy! Phải chăng, thông qua hình ảnh này, Nam Cao muốn nói rằng: xã hội thực dân còn tồn tại, làng Vũ Đại còn những kẻ như Bá Kiến, Lí Cường, Đội Tảo,... thì vẫn còn những con người bị tha hóa như Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo...? Tất nhiên, văn học phản ánh hiện thực đâu chỉ để mà phản ánh 1 cách ngẫu nhiên, hời hợt, nông cạn! Văn học với thiên chức cao cả của 1 nhà văn là biết phát hiện ra những ý nghĩa nhân sinh to lớn. Và Nam Cao cùng ngòi bút lạnh lùng, sắc sảo của mình đã thành công khi xây dựng cho tác phẩm của mình 1 nhân vật như thế!

.... Lần này đọc "Chí Phèo", tôi không thắc mắc tại sao Nam Cao lại kết thúc câu chuyện như thế, tôi cũng không bực bội với Thị Nở vì đã hắt hủi, bỏ rơi anh Chí Phèo. Tôi thấy mình căm ghét cái xã hội bất công đã đầy đọa, vùi dập cuộc sống "đầu tắt mặt tối", "quanh năm nhặt bát cơm thừa" của người nông dân; đẩy con người hóa côn đồ và cắt đứt đường hoàn lương của họ. Thương tâm và đau lòng lắm, dù biết rằng những gì cảm nhận đc về "Chí Phèo", về cái xã hội "1 cổ 1 tròng" ấy vẫn còn vô cùng nhỏ bé, vô cùng ít ỏi!... Một lần nữa, tôi lại muốn nói lời cảm ơn từ con tim và khối óc của mình tới Nam Cao, tới nhà văn của những người nông dân. Cảm ơn ông đã cho tôi có được những xúc cảm như thế này! Cảm ơn! Cảm ơn nhiều lắm!
 
Tớ thích nhất là đoạn Chí Phèo tỉnh dậy, nghe ngoài lều tiếng lao xao bàn tán của các bà đi chợ, tiếng gõ mạn thuyền đuổi cá... -> sự bình yên cay đắng.
 
^^ Thanks for comment!

Đó là đoạn bình yên và lắng đọng nhất trong tác phẩm, đó cũng là ước mơ giản dị và đáng yêu nhất của anh Chí. Nhưng, nó mãi mãi chỉ là ước mơ thôi! Giá như... :-s
 
Hì hì. Bạn ni cảm nhận sâu sắc thật, nhưng có vẻ hơi duy cảm. Ka ka, thương Chí thế, quí Chí thế thì có gan làm Thị Nở cho Chí tìm được tình yêu thương và sự bình yên, dù là nhỏ nhoi không?
 
Nếu... thì... :">

<~~ hamchoi thích trò này ah? :">

(Nếu được là một nhân vật trong tác phẩm, Atula thích làm bà cô Thị Nở cơ >:))
 
Vả chăng, tớ nghĩ tội to nhất là Thị Nở. Cứ để cho thằng Chí nó lưu manh vậy đi, chắc gì nó đã khổ, he he. Bi kịch là khi anh ta ý thức được chính mình. Vậy sao phải đưa cho anh ta ý thức?
 
Theo tớ, Chí Phèo là một anh hùng, quá anh hùng so với thời đại ngày nay. Thiệt đó, có ai dám chửi cụ Lý, cắt cổ cụ Lý như Chí chứ. Ngày nay, ...
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top