Cảm phục cậu học trò nghèo đỗ thủ khoa với 29,5 điểm
Đỗ thủ khoa ĐH Y Dược TPHCM với điểm số rất ấn tượng - 29,5 điểm, cậu học trò nghèo Nguyễn Tấn Phong (tổ 13, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) khiến mọi người thêm cảm phục về nghị lực vượt khó của mình.
"Tự biết phận mình phải lo mà học"
Nguyễn Tấn Phong đỗ thủ khoa ĐH Y dược TPHCM năm 2011 với tổng điểm 29,5 trong đó Toán: 10; Hóa: 9,75; Sinh: 9;75. Chúng tôi hỏi Phong làm cách nào mà thi đỗ thủ khoa với điểm số cao chót vót thế, em cười hiền lành nhưng cũng trả lời đầy cứng cỏi: “Biết nhà mình khó khăn, thương mẹ nên em cũng như anh tự biết phận mình phải lo mà học thôi, không dám lơi là để mẹ phải bận tâm.”
Từ góc học tập đơn sơ này, Nguyễn Tấn Phong đã đỗ thủ khoa ĐH Y dược TPHCM năm 2011 với tổng điểm 29,5.
Ngoài giờ học, Phong hầu như không đi chơi vì còn phải phụ mẹ quán xuyến nhiều việc nhà.
Vì làm đủ thứ việc như vậy, Phong tự biết: thời gian tự học ở nhà của mình cũng eo hẹp lại nên để học tốt em phải tìm ra phương pháp học tốt và tập trung cao độ. Suốt 12 năm phổ thông em đều học khá, giỏi mà không đi học thêm gì. Chàng thủ khoa chia sẻ: “Ở trường, em tập trung nghe bài giảng rồi về nhà em ôn tập lại ngay. Chỗ nào chưa hiểu thì em thảo luận với bạn bè hay hỏi thầy, cô. Với môn Toán, em luyện thi bằng cách giải bài tập thật nhiều. Có nhiều sách tham khảo hay, không có tiền mua, em mượn bạn đi photo về học. Có bạn cũng giúp đỡ em vì không có điều kiện lên mạng ôn tập đã tải bài tập trên mạng về cho em mượn.
Những bài nào hay, lạ thì em chép ra một quyển vở riêng để lưu ý. Nhiều bài tập dễ em tự tìm cách tạo ra bài tập với những điều kiện có khó tìm ra đáp án hơn để giải thử và thử tìm nhiều cách giải khác nhau cho một bài tập. Với các môn thi trắc nghiệm Sinh, Hóa thì em luyện cách giải bài tập nhanh để tìm ra đáp án. Đặc biệt, luyện phản xạ đọc hiểu để tìm ra hướng tính đáp án đúng ngay khi đọc đề”.
Người mẹ bán nhà cho con học đại học
Được biết ba năm trước, năm 2008, anh trai của Phong là Nguyễn Trần Vũ cũng đỗ vào ĐH Y Dược TPHCM và đỗ thủ khoa ĐH Giao thông vận tải. Lần ấy, mẹ Phong là cô Trần Thị Duyên đã bán cả căn nhà - tài sản duy nhất của bốn mẹ con khi ba Phong bỏ đi để có 15 triệu đồng cho Vũ vào Sài Gòn học đại học.
Anh trai Phong đi học, mấy mẹ con còn lại dắt díu nhau về nhà ngoại xin tá túc. Nhà ngoại cũng nghèo những sẵn lòng cưu mang. Mấy mẹ con bà cháu sống với nhau qua ngày với 3 sào ruộng con thu hoạch bấp bênh. Mẹ Phong tận lực làm thêm khi có người thuê mướn để lo cho con ăn học.
Bấy nhiêu chỉ đủ sống qua ngày, còn thì gửi phụ lo cho anh trai Phong đi học. Do làm lụng vất vả, cô Duyên ngã bệnh đau ốm hoài nhưng vẫn ráng làm và không dám đi viện kiểm tra sức khỏe vì “nhà đâu có tiền phòng thân”. Ngày Phong đi thi ở cụm thi Quy Nhơn, cô Duyên theo con đi thi, đùm theo cả gạo và dưa muối rồi mượn bếp nhà trọ nấu ăn cho con trong mấy ngày thi.
Cô Trần Thị Duyên đã từng bán nhà để có tiền cho con đi học đại học.
Cô Duyên kể: “Rút kinh nghiệm 3 năm trước đưa anh trai Phong đi thi, tới nơi, tiền ăn mỗi bữa rất tốn kém, một đĩa cơm mười mấy hai mươi nghìn tính ra hơn một bữa cơm cho cả nhà ở quê. Nên lần này đưa con đi thi, tôi mang cả gạo cả dưa muối theo nấu luôn. Còn lấy dưa muối làm quà quê cho chỗ nhà trọ vì nghe người ta khen dưa muối quê mình ngon”.
Chuyện trò phấn chấn xung quanh câu chuyện Phong đỗ thủ khoa với điểm số suýt soát tuyệt đối - 29,5 điểm rồi đỗ cả ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM với số điểm cũng rất cao (27 điểm) rồi cô Duyên lại ưu tư: “Lần trước bán nhà cho đứa lớn đi học còn chừ chưa biết xoay sở đâu mà lo cho đứa nhỏ nhập trường. Tôi ngày xưa học cũng được lắm mà nhà nghèo, tôi phải nghỉ ở nhà phụ ba mẹ nhường phần cho các anh đi học. Nên chừ tôi không đành lòng nào cho con nghỉ học khi mà mấy đứa ham học lại còn học giỏi nữa nhưng trước mắt thì chưa biết tính cách nào đây…” - tiếng thở dài của người mẹ mà một đời lam lũ hằn trên những nếp nhăn khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Mẹ Phong đầy âu lo khi nghĩ đến ngày nhập trường sắp đến của con
Hỏi Phong là em đã tìm ra lời giải cho “bài toán” chuẩn bị ngày vào Sài Gòn nhập học sắp đến chưa, chàng thủ khoa chia sẻ những dự định đầy nghị lực: “Em đi học, nhà mất thêm một lao động, dù chỉ là phụ bà, phụ mẹ chút việc nhà thôi, và lại thêm một gánh lo. Nhưng anh em em đều biết có học hành đàng hoàng mới có tương lai và có cơ hội trả hiếu cho bà, cho mẹ đã hy sinh nhiều cho mình.
Anh em trong Sài Gòn, có tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ học để trang trải chi phí sinh hoạt, ăn học trong thành phố. Vừa rồi, anh có vay được vốn hỗ trợ sinh viên nghèo. Hai anh em bàn nhau, tạm thời nhường phần vốn vay đó cho em lo ổn định nhập trường. Rồi em sẽ làm thủ tục vay vốn đi học tiếp. Em cũng sẽ cố kiếm việc làm thêm để bà và mẹ ở nhà đỡ phần nào gánh lo. Theo đuổi ước mơ học trường Y và em chọn ngành Dược, vì ngành học này thời gian học ngắn nhất trong các ngành của trường (5 năm). Đỗ thủ khoa đại học là hạnh phúc bất ngờ nhưng em biết trên đường dài, mình còn phải nỗ lực nhiều hơn!”.
Theo Dân trí.