Cảm nhận về những âm thanh mà Chí Phèo nghe được trong buổi sáng hôm sau khi say rượu trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
Chi tiết nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mật thiết đến sự thành công của tác phẩm. Nếu không có chi tiết nghệ thuật thì tác phẩm văn học dù ở thể loại nào đi chăng nữa thì cũng chỉ như cái vỏ âm thanh vô hồn không sức sống. Cũng vậy, Nam Cao cũng cần lắm những chi tiết nghệ thuật để “Chí Phèo” trở nên một kiệt tác hoàn hảo đạt đến sự chuẩn mực của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Cùng với hình tượng nhân vật Chí Phèo, rất nhiều những chi tiết nghệ thuật khác đã góp phần vào thành công của truyện, mà ta không thể không kể đến một chi tiết dù bé nhỏ nhưng vô cùng giàu ý nghĩa và quan trọng góp phần bộc lộ tư tưởng của tác giả: “ những âm thanh mà Chí Phèo nghe được trong buổi sáng tỉnh dậy sau cơn say”.
Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được một người đi thả ống lươn nhặt về. Từ bé đến năm hai mươi tuổi, Chí được nhân dân lao động cưu mang đùm bọc. Lớn lên trong sự lương thiện, đứa trẻ mồ côi Chí Phèo, dẫu cho phải làm thuê, cuốc mướn vẫn có một tấm lòng lương thiện và một cuộc sống tốt lành. Anh thanh niên hai mươi tuổi “hiền như đất” ấy còn có một ước mơ rất đỗi chính đáng: có một cuộc sống ổn định, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ ở nhà dệt vải, một ước mơ rất đỗi bình dị của người dân lao động. Thế nhưng phận đời đưa đẩy, Chí vào làm canh điền cho lí Kiến. Ở đây bánh xe cuộc đời Chí bắt đầu quay những vòng quay định mệnh, bắt đầu từ việc Chí mới hai mươi tuổi, phơi phới sức trai nên đã bị bà ba, một dạng phó đoan, bắt làm những việc bất chính. Bà ta cứ bắt Chí phải bóp chân, mà cứ bắt “bóp lên trên, lên trên nữa”. Chí thừa nhận, “hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt”, Chí ý thức được những việc mình đang làm, Chí không sa vào cám dỗ. Lòng tự trọng khiến Chí cảm thấy nhục nhã cho mình, nhưng lại sợ. Chính vì cơn ghen cuồng nộ của lí Kiến, Chí bị đẩy vào tù, cùng với một bài học cay đắng về cuộc sống: muốn tồn tại phải ác, phải mạnh.
Trở về sau bảy, tám năm, Chí trở nên một tên gớm ghiếc, cái đầu trọc lốc, cái răng trắng hớn, cái mặt cơng cơng, hai mắt gườm gườm, trông Chí như một tên du côn, chẳng còn chút gì là anh thanh niên Chí Phèo ngày xưa nữa. Không những thế, những cử chỉ của Chí cũng khiến mọi người dè chừng khiếp sợ: uống rượu, chửi bới, lúc nào cũng sẵn sàng rạch mặt ăn vạ. Nhưng Chí chỉ thực sự trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại khi bị lí Kiến, giờ là bá Kiến, lợi dụng trở thành tay sai cho lão. Chí ngày càng hung hãn, ngang ngược trong những cơn say triền miên. Hắn đã chà đạp biết bao gia đình, đã làm khổ biết bao nhiêu máu và nước mắt của những người dân hiền lành, lương thiện. Chí làm tất cả những việc đó trong cơn say, và rồi cũng chính trong cơn say ấy, theo một cách bản năng, Chí gặp thị Nở - một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng...
Sáng hôm sau, Chí tỉnh dậy trong túp lều của mình. Lần đầu tiên sau mười mấy năm, Chí bắt đầu cảm nhận được thiên nhiên xung quanh mình. “Mặt trời chắc đã lên cao, và nắng bên ngoài bắt đầu rực rỡ”. Lần đầu tiên từ khi từ nhà tù trở về, Chí ý thức được cảnh vật đẹp đẽ đầy sức sống xung quanh mình. Tiếng chim hót ríu rít bên ngoài vọng vào tai Chí, âm thanh trong trẻo của tiếng chim khiến Chí chú ý đến những điều thường nhật vẫn diễn ra bên ngoài túp lều của mình. Những điều ấy thật đơn giản và ngày nào cũng có, thế nhưng tại sao maix cho đến tận giờ này Chí mới nhận ra sự có mặt của nó? Cũng như trong “Vợ chồng A Phủ”, khung cảnh thiên nhiên đầy sức sống vào độ xuân về Tết đến đã tác động vào tâm thức Mị giúp Mị bừng tỉnh trong cơn mê mất ý thức, thì trong “Chí phèo” Nam cao cũng sử dụng sức sống của thiên nhiên để đánh thức một kẻ đã bị cuốn vào dòng đời lầm lạc mà đánh mất bản thân mình. Từ khi trở về sau gần chục năm ở tù, lúc nào Chí cũng say, hắn tràn từ cơn say này đến cơn say khác, nhưng bây giờ hắn tỉnh. Hắn thực sự tỉnh táo để nhận ra được cuộc sống xung quanh mình, để cảm thấy bâng khuâng, thấy đắng miệng và đặc biệt là hắn thấy “lòng mơ hồ buồn”! Cuộc đời hắn có gì đáng buồn, nơi ở được bá Kiến chu cấp, không ai dám lên mặt với hắn, cái “nghề” của hắn cho hắn cái ăn mỗi ngày, vậy thì hắn có gì phải buồn? Nhưng cuộc đời đâu chỉ có thế, đâu chỉ quanh quẩn trong mỗi chuyện nơi ăn chốn ở, sự sống nó đòi hỏi nhiều thứ hơn, nhiều hơn những gì mà hắn đang có. Hắn nhận ra sự tương phản rõ ràng ngay trong chính căn lều của mình. Trong khi ngoài kia, chim chóc thi nhau hót ríu rít, ánh nắng rực rỡ tràn ngập mọi thứ thì trong cái lều ẩm thấp của hắn lại “mới chỉ hơi lờ mờ”. Trong cái lều chật hẹp ẩm thấp ấy, hắn đã quên hết mọi thứ xinh đẹp của cuộc sống, hắn lúc nào cũng chỉ thấy tù mù, như chính cuộc đời của hắn vậy, tối tăm đối lập với thế giới bên ngoài. “Ở đây, người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”. Điều đó khiến hắn “mơ hồ buồn”. Hắn buồn một nỗi buồn vô định, không rõ ràng, hắn lờ mờ nhận ra rằng cuộc đời mình thật đáng thương. Những cảm giác mơ hồ đến với hắn, thật nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm hắn phải suy nghĩ. Hắn đã tỉnh dậy sau một cơn say rượu, hay là một cơn say mất phương hướng.
Hắn “bủn rủn, tay chân không buồn nhấc”, hắn hơi rùng mình khi nghĩ đến rượu. Hắn sợ rượu. Trong suốt ngần ấy năm đắm mình trong những cơn say không có bắt đầu và kết thúc, hắn đã uống quá nhiều rượu rồi. Hắn tìm đến rượu như một sự chạy trốn, để hắn khỏi phải đói mặt với cái thực tại tàn nhẫn bất công. Tiếng chim hót ngoài kia vẫn vẳng bên tai hắn. Cuộc sống ngoài ấy sao mà vui vẻ quá! Có tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, có tiếng cười nói của tiếng người đi chợ. Những âm thanh của cuộc sống lao động bình dị ấy đã xuyên qua thính giác của Chí, va đập vào tâm hồn của hắn, để rồi hắn thở dài một tiếng than: “Chao ôi là buồn!”. Nam cao đã thật tinh tế để có thể nhận ra nỗi buồn mơ hồ của Chí, nhưng lại càng sâu sắc hơn khi thấu hiểu tiếng than của Chí Phèo. Nỗi buồn mông lung ấy giờ đây đã dâng lên thành lời than, sự đối lập mà Chí nhìn thấy lại càng rõ ràng. Trong gần hai mươi năm sống kiếp quỷ dữ, Chí chỉ nghe thấy tiếng chửi bới, tiếng đánh đâp, tiếng khóc than, những âm thanh đó khác hẳn hoàn toàn với những gì Chí đang nghe thấy: tiếng cười nói của cuộc sống trong lành. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng, cuộc sống của những con người bên ngoài kia mặc dù có lam lũ vất vả, nhưng ắt hẳn nó vẫn luôn lạc quan và ám áp vui tươi. Còn Chí, cuộc đời Chí chỉ có doạ nạt, đâm chém... Đó đâu phải là sống, đó là tồn tại vất vưởng bằng những chuỗi ngày đen tối nhất trong cuộc đời Chí. Anh thanh niên hai mưoi tuổi ngày nào đâu rồi, sao giờ chỉ còn lại kẻ mà ai cũng gớm ghiếc, ai cũng xem là quỷ dữ?! Chí không chỉ nghe bằng đôi tai cha sinh mẹ đẻ, mà Chí con nghe bằng đôi tai của một tâm hồn đã thức tỉnh.
Nếu trong “Vợ chồng A Phủ”, tiếng sao đêm tình mùa xuân đưa Mị trở về với thời con gái hồn nhiên hạnh phúc, thì cũng với một tác động như vậy, Nam Cao đã để Chí Phèo nhớ về cái ước mơ một thời xa xăm của hắn qua tiếng những người đàn bà đi bán vải. Nam Cao đã đặc biệt chú ý miêu tả âm thanh này bằng một đoạn đối thoại, bởi điều này đặc biệt quan trọng đối với Chí Phèo. Hiện ra trong tâm trí hắn giờ đây là hình ảnh những người phụ nữ, tảo tần lam lũ vì gia đình, hết lòng lo cho chồng cho con. Cuộc sống của những người đàn bà ấy có thể vô cùng nhọc nhằn trong công việc mưu sinh, nhưng ấm áp vì hạnh phúc gia đình. Điều đó làm hắn cảm thấy “nao nao buồn”. Nỗi buồn không những dâng lên thành tiếng than mà giờ đây đã khiến hắn rưng rưng cảm động. Hắn tìm lại cái ước mơ hắn bỏ quên trong hai mươi năm qua: một gia đình nho nhỏ, đầm ấm. Hắn không cần những điều cao xa, hắn chỉ ao ước có một gia đình bình thường, “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nhưng cái ước mơ ấy dường như đã rất xa rồi. Cái ước mơ hạnh phúc ấy thật đơn xơ nhỏ bé đến tội nghiệp, nhưng Chí vẫn không thể với tới được nữa rồi. Hắn thấy mình thật cô độc. Hắn như cười buồn cho mình: “Buồn thay cho đời!”. Hắn thấy mình thật thảm hại, thấy mình “đã tới cái dốc bên kia của đời”. Nỗi buồn của hắn cũng vì thế mà mang tính triết lí của một người đã biết suy nghĩ. “Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Câu văn thật lạ, theo lẽ thường tình, chữ “và” không được phép xuất hiện sau dấu phẩy, nhưng ở đây Nam Cao lại để cả hai hiện diện cùng lúc nhằm mục đích nhấn mạnh sự đáng sợ của nỗi cô độc. Nam Cao luôn đề cao con người tư tưởng, ông đặc biệt chú ý đến những hoạt động bên trong con người và coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài, chính vì thế nỗi cô độc là một điều vô cùng đáng sợ, đáng sợ hơn tất thảy những thứ khác. Chí Phèo sợ điều ấy. Hắn khao khát muốn được giao tiếp với cuộc sống bằng phẳng lương thiện bên ngoài, và đúng lúc ấy thì chiếc cầu nối đưa hắn trở về với thế giới vốn dĩ của hắn – thị Nở bước vào. Thị, chính thị sẽ mở cánh cổng để hắn bước vào thế giới của thị, để hắn trở về với hình ảnh anh thanh niên hiền lành, chất phác ngày nào. Bằng sự thương cảm xót xa trước cảnh đời bất hạnh, nam Cao đã để thị Nở thay mặt mình giúp Chí Phèo nhận thức được cuộc sống, thay đổi quan niệm sống và thức tỉnh ý thức mình.
Nếu như thị Nở là con đường để Chí Phèo làm lại cuộc đời thì những âm thanh Chí nghe được trong buối sáng sau cơn say đã tác động vào tâm thức Chí, giúp Chí nhận ra hiện tại và nhớ về quá khứ, đồng thời khơi dậy nơi Chí một khao khát sống. Nam cao đã nhờ vào những âm thanh ấy mà miêu tả tâm lí Chí Phèo một cách chân thực, logic với nỗi buồn rất riêng. Nỗi buồn của Chí được miêu tả nhiều lần, mỗi lần lại là một cung bậc, một sắc thái khác nhau, gắn với một nguyên cớ khác nhau. Nỗi buồn ấy cho dù được miêu tả ở nhiều góc cạnh, song cuối cùng cũng đưa đến một mục đích: đánh dấu sự thức tỉnh của Chí Phèo. Chí giờ đây không còn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa mà đã trở thành một con người với những sắc thái cảm xú rất nhân bản, những chi tiết âm thanh ấy cũng vì thế mà trở nên rất quan trọng. Tếng chim hót rất đỗi bình dị, nhưng Nam Cao đã chọn nó để miêu tả sức sống của thiên nhiên; tiếng anh chèo gõ mái đuổi cá kia ngày nào cũng có, nhưng hôm nay Nam Cao đặc biệt nhắc đến để Chí Phèo nhận ra những âm thanh quen thuộc của đời sống lao động bình thường; và đặc biệt giữa muôn vàn những âm thanh, có thể lẫn lộn đâu đó tiếng chửi bới của một phiên chợ, nhưng Nam Cao đã phát hiện và ưu ái chọn lọc tiếng cười nói của những người đàn bà đi bán vải để gợi Chí Phèo nhớ đến cái mơ ước của một thời xa xôi.
Cũng như trong “Vợ chồng A Phủ”, tiếng sáo đêm tình mùa xuân được Tô Hoài miêu tả một cách công phu thì những chi tiết âm thanh ấy cũng đã được Nam Cao chọn lọc và miêu tả một cách chi tiết để làm nổi bật lên chủ đề tư tưởng nhân đạo cao đẹp của tác phẩm. Nam Cao đã phát hiện ra phần tốt đẹp trong con người Chí Phèo, để rồi xót thương, cảm thông và tin tưởng vào niềm khao khát sống một cuộc sống lương thiện và khát vọng muốn hưởng hạnh phúc chính đáng của Chí. Chính điều đó đã tạo nên giá trị nhân đạo cho tác phẩm, đưa tác phẩm tiến gần về đỉnh cao nghệ thuật của văn học Việt Nam.
Sưu tầm.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: