Chia Sẻ Cảm nhận về khổ 10 trong bài "Việt Bắc "của Tố Hữu

Bạch Việt

New member
Xu
69
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã để lại cho đời nhiều tập thơ như: ''Từ ấy'', ''Việt Bắc'', ''Máu và hoa'', ... tất cả đều mang một phong cách nghệ thuật độc đáo. Đó là một hồn thơ cách mạng sôi nội, mãnh liệt. Đó là nhà thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của lòng thương mến và ân tình thủy chung. Đặc biệt, bài thơ ''Việt Bắc'' trong tập thơ cùng tên của Tố Hữu là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ở bài thơ ấy, Tố Hữu đã khẳng định tình cảm thủy chung của người cán bộ về xuôi với nhân dân Việt Bắc, với kháng chiến, với cách mạng. Tiêu biểu trong bài là khổ thơ thứ 10 với nỗi nhớ người lãnh đạo cách mạng- chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cha của dân tộc.

Tố hữu Việt Bắc.jpg


''Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: cụ Hồ sáng soi
...
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.''

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, hoà bình trở lại nước ta, miền bắc được giải phóng. Một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của cách mạng được mở ra. Lúc này, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. đây cũng chính là lúc Tố Hữu đã sáng tác nên bài thơ ''Việt Bắc''. phần đầu của bài thơ tái hiện giai đoạn gian khổ, vẻ vang của Cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỉ niệm sâu sâu đậm trong lòng người. Phần sau nói lên sự gắn bó giữa miền ngược và miền xuôi trong một viễn cảnh hòa bình tươi sáng của đất nước và kết thúc bằng lời ngợi ca công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng đối với dân tộc.

'' Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau dớn giống nòi
Trông về Biệt Bắc mà nuôi chí bền''

Qua 4 câu thơ đầu của khổ thơ ta thấy được nỗi nhớ của cán bộ về xuôi cũng như nhân dân Việt Bắc về vị cha già kính yêu của dân tộc một cách thật tha thiết - Người đã mở cho Cách mạng Việt Nam một con đường mới. Lối điệp cấu trúc qua hai câu thơ 6 chữ bắt đầu bằng chữ ''ở đâu'' đều xuất hiện hình ảnh của hiện thực đau đớn của quê hương đất nước ta: "u ám quân thù'', '' đau đớn giống nòi''. Đó là những hình ảnh hiện thực đau đớn của một dân tộc bị mất nước, bị giặc ngoại xâm: chúng bóc lột nhân dân ta một cách vô cùng tàn nhẫn, chúng gây ra nạn đói khủng khiếp khiến hơn 2 triệu đồng bào ta bị chất đói,... một hiện thực khó mà phai mờ được. Để làm nhẹ dịu hình ảnh đau đớn ấy, nhà thơ đã lồng vào 2 hình ảnh đối lập: '' Cụ Hồ sáng soi'', ''mà nuôi chí bền'' ở câu thơ 8 chữ. Điệp từ ''nhìn'' và ''trông'' ở hai câu thơ 8 chữ đểu hướng về Việt Bắc - trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. ''Cụ Hồ sáng soi'' gợi đến ánh sáng của lí tường soi đường cho dân tộc, ánh sáng của những chỉ đạo sáng suốt , áng sáng của niềm tin và hy vọng. Cụm từ '' mà nuôi chí bền '' diễn tả dù hiện thực có gian khổ đến đâu thì, phải đối diện với những khó khăn thử thách nhiều thế nào thì chỉ cần nhìn về VB nhân dân sẽ cảm thấy có lòng tin và ý chí chiến đấu, nuôi chí bền, trường kì kháng chiến chắc chắn sẽ thành công.

“Mười lăn năm ấy, ai quên
Quê hương Cáng mạng dựng nên Cộng hòa
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào...”

Bốn câu thơ cuối trong khổ là lời khằng định của người cán bộ về xuôi, cán bộ sẽ không quên 15 năm ấy - 15 năm chúng ta đã từng gắn bó thiết tha mặn nồng, đấu tranh dành độc lập tự do cho dân tộc; cán bộ sẽ không quên Việt Bắc là quê hương của Cánh mạng bởi chính nơi này mình và ta đã cùng nhau đấu để có được nền Cộng hòa cho ngày hôm nay. Một lần nữa Tố Hữu lại nhắc đến 2 địa danh nổi tiếng và 2 sự kiện nổi bật đã từng diễn ra ở Việt Bắc '' Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào'' chỉ để nhấn mạnh rằng mình sẽ luôn nhớ về Việt Bắc - cái nôi của Cách mạng. Ẩn trong nỗi nhớ ấy chình là lòng biết ơn sâu sắc và lời hứa sẽ luôn thủy chung của người cán bộ miền xuôi với cán bộ miền ngược.

Qua đoạn thơ trên ta thấy con người Việt Bắc hiện ra nội bật với tấm lòng thủy chung sâu sắc, gắn bó với Cách mạng với kháng chiến. Đó là những con người có lòng tin vào Bác Hồ, vào sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng. Đồng thời qua khổ thơ trên tác giả đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên, con người, cuộc sống lao động và chiến đấu của núi rừng Việt Bắc trong suốt 15 năm. Đây có thể được coi là đoạn tổng kết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Cũng với đoạn thơ trên, ta thấy rõ hơn về phong cách thơ Tố Hữu mang đậm màu sắc dân tộc. Kết cấu thơ theo lối đối đáp, diễn đạt theo thể thơ lục bát tạo nên sắc thái trữ tình nhưng không kém phần sáng tạo mới mẻ. Tố Hữu đã dùng cách diễn đạt rất riêng tư để thể hiện nghĩa tình cách mạng rộng lớn.

Đoạn thơ trên là bản anh hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp, là đoạn thơ có tính trữ tình chính trị sâu sắc. Đây cũng là đoạn thơ khắc họa rõ nét vẻ đẹp tâm hồn, tính cách con người VN luôn sống gắn bó thủy chung cho dù trong những ngày khó khăn hay hạnh phúc.

Sưu tầm
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
“Kế tục xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ ca cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện” (SGK Văn 12 trang 152). Qua việc cảm nhận đoạn mở đầu và phần 1 của bài thơ ViệtBắc làm sáng tỏ nhận xét trên.
Gợi ý trả lời
Mở bài:
“Trách nhiệm của nhà thơ là thể hiện rõ bản sắc của dân tộc mình trước thế giới” (R.Tago). Kế tục xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, nhất là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu nói chung, bài thơ Việt Bắc nói riêng, đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức biểu hiện.
II. Thân bài:
1. Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm:
Là nhà thơ trữ tình chính trị, nhà thơ của lí tưởng Cộng sản, hồn thơ Tố Hữu thường rất nhạy cảm trước những vấn đề thời sự của đất nước, của dân tộc. Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10/1954, khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ rời chiến khu Việt Bắc, từ biệt nhân dân Việt Bắc sau gần 15 năm gắn bó, về Hà Nội tiếp tục lãnh đạo đất nước. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện có ý nghĩa thời sự, chính trị, cho thấy với Tố Hữu, mọi sự kiện thời sự chính trị đều có thể trở thành nguồn cảm hứng thực sự. Ý nghĩa thời sự của bài thơ có thể sẽ qua mau nhưng tình cảm thủy chung với cách mạng, gắn bó với nhân dân và chiến khu Việt Bắc, tình cảm ân tình ân nghĩa với quá khứ thì sẽ còn mãi muôn đời.
2. Cảm nhận đoạn mở đầu và phần 1 của bài thơ Việt bắc, để làm sáng tỏ những biểu hiện của tính dân tộc trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện của bài thơ:
a. Tính dân tộc trong nội dung của bài thơ Việt Bắc:
– Về nội dung biểu hiện, tính dân tộc của tác phẩm văn học bao giờ cũng được bộc lộ trước hết ở việc tác phẩm ấy đề cập tới và thể hiện rõ tính cách của dân tộc, đặc điểm linh hồn, cốt cách của dân tộc. Với bài thơ Việt Bắc, nhất là trong đoạn mở đầu và phần một, qua nhiều dòng thơ tinh tế, hồn thơ Tố Hữu đã tập trung thể hiện nhiều vẻ đẹp đặc trưng cho tâm hồn, cốt cách của dân tộc, của người Việt:
+ Tình cảm thiết tha gắn bó với cội nguồn, với quá khứ, không bao giờ quên một thời gian khổ:
“Mình về mình có nhớ ta….nhìn sông nhớ nguồn”, “Mình đi mình có nhớ…mái đình cây đa”, “Ta với mình, mình với ta…Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”, “Mười lăm năm ấy ai quên…dựng nên Cộng hòa”
+Tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ: “Trám bùi để rụng…”, “Ta đi ta nhớ những ngày…chăn sui đắp cùng”.
+Tinh thần lạc quan cách mạng, niềm vui sống, yêu đời: “Gian nan đời vẫn…núi đèo”, “Nghìn đêm…như ngày mai lên”.
+Tinh thần đoàn kết đồng lòng chung sức kháng chiến: “Nhớ khi giặc đến…cả chiến khu một lòng”.
+Niềm tự hào dân tộc, niềm hãnh diện trước sự trưởng thành mạnh mẽ của Cách mạng: “Những đường Việt Bắc …mũ nan”, trước những chiến thắng vang dội lây lan từ miền này sang miền khác: “Tin vui chiến thắng…núi Hồng”
+Hiện thân tiêu biểu nhất, đầy đủ nhất cho tính cách Việt Nam, con người Việt Nam trong kháng chiến chính là hình ảnh Bác Hồ. Chính vì vậy hình ảnh Bác Hồ cũng như chiến khu Việt Bắc đã trở thành những chuẩn mực, những phẩm chất cao quý thiêng liêng nhất để con người ở mọi nơi hướng về noi theo: “Ở đâu u ám quân thù…nuôi chí bền”.
– Trong nội dung biểu hiện ở đoạn đầu và phần 1 bài thơ Việt Bắc, tính dân tộc còn được thể hiện qua việc Tố Hữu đề cập tới những phương diện đặc trưng nhất trong đời sống của con người Việt Nam như đời sống sinh hoạt với “bát cơm sẻ nửa”, đời sống học tập với “lớp học i tờ”, đời sống công tác “ngày tháng cơ quan”, đời sống lao động “chày đêm nện cối đều đều suối xa”… cũng như cái dáng tảo tần, lam lũ của một người mẹ miền núi “Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”.
– Việt Bắc còn thể hiện thành công những bức tranh đặc trưng cho thiên nhiên dân tộc: có khi là những hình ảnh thiên nhiên thơ mộng “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, có khi là kỉ niệm về thiên nhiên hoa với người bên nhau qua bốn mùa độc đáo: “Rừng xanh hoa chuối…tiếng hát ân tình, thủy chung”. Nhưng đặc trưng nhất cho hình ảnh thiên nhiên đất Việt vẫn là những địa danh: “Nhớ từng rừng nứa bờ tre/ Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê… vơi đầy”. “Ta về ta nhớ Phủ Thông…Nhị Hà”. Mỗi một hình ảnh thiên nhiên ở đây như đều mang linh hồn cốt cách thiên nhiên đất Việt, đều gửi gắm một phần linh hồn của dân tộc và giúp cho bài thơ đậm đà tính dân tộc trong nội dung biểu hiện của mình.
b. Tính dân tộc trong hình thức biểu hiện của bài thơ Việt Bắc:
– Việt Bắc đã kế thừa xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ ca cổ điển khi sử dụng đặc biệt nhuần nhuyễn thể thơ lục bát thuần túy dân tộc. Thể thơ này vốn có truyền thống trong ca dao, dân ca của người Việt và được phát triển tới đỉnh cao nghệ thuật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Âm điệu của lời thơ lục bát vốn ngọt ngào tha thiết, thân thuộc gần gũi dễ thấm sâu vào tâm hồn người Việt; lại được Tố Hữu sử dụng nhiều phép tiểu đối, nhất là ở các dòng thơ 8 chữ như “ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”…, tạo nên một vẻ đẹp cân đối hài hoà, nhịp nhàng uyển chuyển, vừa giản dị, mộc mạc mang âm điệu của dân ca, vừa có vẻ đẹp cổ điển bác học giống lời thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
– Việt Bắc cũng kế thừa và sử dụng nhuần nhuyễn hình thức đối đáp dân gian, một hình thức rất phổ biến và đặc trưng cho đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Hình thức đối đáp dân gian giúp cho mọi câu hỏi, mọi niềm băn khoăn đều được giải đáp cặn kẽ, và tạo nên một cuộc biệt li được nhìn từ cả hai phía, nỗi lòng của cả kẻ ở lẫn người đi đều sâu nặng thắm thiết như nhau. Cái hay của Việt Bắc chính là ở chỗ tình cảm đáp lại tình cảm, kỉ niệm đáp lại kỉ niệm.
– Tố Hữu sử dụng phổ biến và thành công những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt như “Nhớ gì như nhớ người yêu”, hay “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Nhìn chung sáng tạo hình ảnh ở bài thơ Việt Bắc thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị tạo hình, thiên về cổ điển hơn là hiện đại thậm chí còn có nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng khá quen thuộc.
– Lối xưng hô “mình – ta” vốn rất riêng tư và phổ biến trong ca dao dân ca đã được Tố Hữu tiếp thu, sử dụng một cách sáng tạo để chỉ kẻ ở, người đi trong một cuộc biệt li tập thể, giúp tình cảm trong bài thơ có sự thống nhất hài hòa giữa cái riêng và cái chung, vừa lớn lao cao cả, vừa sâu sắc thấm thía.
– Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu nói chung, bài thơ Việt Bắc nói riêng là ở nhạc điệu. Lời thơ Việt Bắc đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng nhịp nhàng nên dễ ngâm, dễ thuộc. Nhạc điệu trong bài thơ Việt Bắc còn được tạo nên qua hàng loạt các cấu trúc trùng điệp, các phép liệt kê liên tiếp, các điệp từ “nhớ”, các lời hỏi “có nhớ”, “còn nhớ”… Đặc biệt trong nhiều đoạn thơ của Việt Bắc có sự láy đi láy lại của cái điệp khúc “Mình đi” – “mình về” nhất là ở đầu các dòng thơ sáu chữ tạo thành phép láy đầu. Trong tiếng Việt các từ “đi”, “về” thường chỉ sự vận động trái hướng nhưng ở đây lại chỉ cùng một hướng về xuôi, tuy vẫn bảo lưu được ý nghĩa trái hướng ban đầu. Sự láy lại của các từ “đi”, “về” như thế đã tạo nên cái nhịp hồi hoàn chao qua liệng lại của lời ru. Cả thế giới Việt Bắc triền miên trong nhịp ru, một nhịp ru lây lan từ miền này sang miền khác, từ kỉ niệm này sang kỉ niệm khác như ôm ấp vỗ về niềm thương nhớ khôn nguôi của con người trong cuộc biệt li.
III. Kết bài:
Được sáng tác nhân một sự kiện có ý nghĩa thời sự chính trị, nhưng Việt Bắc vẫn là một bài thơ đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức, đồng thời là một đỉnh cao nghệ thuật thực sự, cho thấy “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.” (Xuân Diệu)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top