Cảm nhận truyện ngắn "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải.

nang moi

New member
Đề bài: Cảm nhận truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.


Bài làm
Truyện Một người Hà Nội thể hiện cái nhìn nghệ thuật mới của Nguyễn Khải về cuộc sống và con người. Trước thời kỳ đổi mới, cái nhìn nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải là cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh, nghiêm ngặt, đơn chiều, nhà văn luôn khai thác hiện thực trong xu thế xung đột, đối lập cũ – mới, tiến bộ - lạc hậu, tốt – xấu, ta – địch… qua đó khẳng định xu thế vận động từ bóng tối ra ánh sáng của cuộc sống mới, con người mới… Bước sang thời kỳ đổi mới, cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khải là một cái nhìn đầy trăn trở, suy nghiệm, cảm nhận hiện thực xô bồ, hối hả, đầy biến động, lấy việc khám phá con người làm trung tâm. Nhà văn nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, với quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và tiếp nối thế hệ, để rồi cuối cùng bao giờ cũng khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay, tất cả sự đổi mới trong ngòi bút của Nguyễn Khải được thể hiện rõ nét trong tác phẩm Một người Hà Nội.
Nhân vật trung tâm của truyện ngắn là cô Hiền – một người phụ nữ Hà thành truyền thống được khẳng định trước hết ở bản lĩnh của một con người luôn dám là mình; là mình khi dám sống một cách chân thực; là mình khi đề cao lòng tự trọng; là mình trong quan hệ cộng đồng, đất nước; là mình trong những chiêm nghiệm lẽ đời… Trong đời sống gia đình, cô “chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học, hiền lành, chăm chỉ khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Qua việc lựa chọn này, chúng ta có thể thấy cô Hiền không ham danh, hám lợi, sự tính toán, chọn lựa của cô cho thấy thái độ nghiêm túc trong hôn nhân, đặt trách nhiệm làm mẹ, làm vợ lên trên mọi thứ vui khác. Quan niệm bình đẳng nam nữ của cô xuất phát từ thiên chức của người phụ nữ được cô thấm nhuần như một chân lý thật tự nhiên, giản dị. Cô đã dạy các con: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng” – cô đã chuẩn bị hành trang cho các con của mình một nhân cách, chuẩn bị cho con một tương lai không bị lệ thuộc. Trong quan hệ cộng đồng đất nước, trong sự chiêm nghiệm những lẽ đời, cái bản lĩnh cốt cách của cô thể hiện ở sự chừng mực, gìn giữ đạo lý truyền thống và lòng tự trọng. Kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình cô Hiền ở lại Hà Nội, họ không di cư vào Nam bởi vì: “chỉ vì không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở một vùng đất khác”. Những người vốn sống ở Hà Nội, trong đó có cô Hiền đang cố gắng thích ứng với cơ chế mới. Đặc biệt cái chuẩn trong suy nghĩ của cô là lòng tự trọng. Cô không muốn đem cái khuôn truyền thống áp đặt cho con cháu mà “chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này ra sao thì tùy” và lòng tự trọng không cho người ta sống ích kỷ. Dù lo lắng nhưng bà vẫn bằng lòng cho Dũng – đứa con trai cả đi chiến đấu vì “không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”. Mấy năm sau, bà cũng chấp nhận sự lựa chọn của em Dũng khi nó muốn tiếp bước anh lên đường: “bảo nó tìm đường sống để các bạn phải chết, cũng là một cách giết nó”. Cô hiểu rất rõ con người đánh mất lòng tự trọng thì chỉ còn cái chết trong tâm hồn. Đây cũng chính là bản lĩnh, đậm chất văn hóa của người Hà Nội, với họ yêu nước, xả thân vì dân tộc, cộng đồng cũng là một lẽ sống tự nhiên, một nhu cầu thường trực, xa lạ với tất cả những gì ồn ào, thường trực.
Cô Hiền cũng là hiện thân của nét văn hóa duyên dáng, lịch lãm, sang trọng của đất kinh kì ngàn năm văn hiến. Người đọc nhận ra sự sang trọng, lịch lãm và quý phái ấy ở cái phong thái của con người tuy đã gần bảy mươi tuổi rồi nhưng “cô vẫn là người của hôm nay, một người Hà Nội của hôm nay” thuần túy Hà Nội không pha trộn. Cô luôn giữ những nét truyền thống xưa của người dân Hà Nội như gọt rửa hoa thủy tiên để chơi trong những ngày tết, ở các phòng khách của gia đình cô vẫn còn lưu giữ được cái hồn rất riêng của Hà Nội mặc dù trải qua bao thăng trầm của thời cuộc. Với vẻ hơi buồn và nghĩ ngợi, cô kể câu chuyện về một gốc si lớn ở đền Ngọc Sơn: mùa hè năm trước bão làm bật gốc tưởng chết héo nhưng Hà Nội đã làm được một điều kỳ diệu, người ta đã dùng cần cẩu dựng cây si lên và cứ nhẫn lại từng tí, từng tí một, cây si đã ra rễ tươi lại như trước. Đó là quy luật khắc nghiệt của tự nhiên cũng là quy luật của sự vận động xã hội: Hà Nội đẹp đẽ, thanh bình, Hà Nội trải qua bao biến cố dữ dội suốt trường kỳ lịch sử. Như vậy, sự hài hòa, đằm thắm và sâu lắng ấy cũng là cái duyên riêng, cái quyến rũ đặc biệt của chất Hà Nội, bản sắc Hà Nội, khiến người xa Hà Nội nay trở lại phải kêu thầm: “Thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái Tết Hà Nội”.
Như vậy, bản sắc Hà Nội, văn hóa Hà Nội cũng là chất vàng mười, là mỏ vàng trầm tích được bồi đắp, tích tụ từ biết bao những “hạt bụi vàng” lấp lánh như cô Hiền: “Một người như cô chết đi thật tiếc, là một hạt bụi vàng Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ lấp ló những ánh vàng”.
Xung quanh cô Hiền là những người Hà Nội khác. Đứa con trai đầu lòng mà cô Hiền rất yêu quý là Dũng. Anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội. Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, vừa tốt nghiệp trung học, Dũng tình nguyện đăng ký xin đi đánh Mỹ. Trong số 660 thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường cùng Dũng ngày ấy “bây giờ còn lại khoảng chừng trên dưới bốn chục”, hơn sáu trăm người đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho ngày hạnh phúc hôm nay của đất nước. Nhớ về bao đồng đội đã hy sinh, Dũng xót xa thương Tuất – người bạn cùng trung đoàn. Dũng nhớ ngày tàu vào Nam, tàu qua ga Hà Nội, mẹ Tuất làm ở phong phát thanh trên loa, nhưng anh không thể xuống ga để từ biệt mẹ. Đây cũng là ngày cuối cùng của mẹ mà Tuất nghe thấy, anh đã ‘hy sinh ở trận đánh vào Xuân Lộc, trước ngày toàn thắng có mấy ngày”. Có biết bao người mẹ Hà Nội vô cùng thương con và đầy nghị lực như người mẹ của Tuất, họ đa nén chịu nỗi đau mất con, tiếp tục sống, tiếp tục dựng xây cuộc sống này. Gặp lại bạn chiến đấu của con “người bà run bần bật nhưng không khóc” và bà nói run rẩy: “Nín đi con, nín đi Dũng. Cô đã biết cả. Cô biết từ mấy tháng nay rồi”. Có thể nói, tất cả những người Hà Nội ấy đã góp phần tô thắm thêm cốt cách tinh thần người Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam.
Truyện ngắn Một người Hà Nội giúp người đọc thấy rõ vẻ đẹp giản dị, chân thực của những con người bình thường mà cuộc đời họ song hành cùng những chặng đường gian lao của đất nước và chính họ đã góp phần làm nên lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, ta còn thấy phong cách nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Khải qua việc xây dựng nhân vật, điểm nhìn nghệ thuật từ nhân vật “tôi”, giọng điệu trần thuật mang tính đa thanh.
Trong truyện ngắn này, có thể thấy một giọng điệu trần thuật rất trải đời, vừa tự nhiên dân dã, vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lý, vừa đậm tính đa thanh. Ở đây, tác giả hoàn toàn nhập thân vào nhân vật “tôi” để diễn tả, kể lại những điều mà mình đã chứng kiến, đã trải qua, đã nghiệm thấy. Chính cái chất tự nhiên, dân dã đã tạo nên phong vị hài hước rất có duyên trong giọng điệu trần thuật của nhân vật “tôi” chẳng hạn: “Trong lý lịch cán bộ, tôi không ghi tên cô Hiền. Họ thì xa, bắn súng đại bác chưa chắc đã tới huống hồ còn là bà tư sản, dính líu vào lại them phiền…”. Giọng điệu trần thuật ở đây còn mang tính chất đa thanh, trong lời kể thường có nhiều giọng, giọng tự tin xen lẫn giọng hoài nghi: “Chúng tôi thì vui thế, tại sao những người vốn sống ở Hà Nội chưa thật vui nhỉ?” Có thể nói, giọng điệu trần thuật như thế đã làm cho truyện ngắn Nguyễn Khải đậm đặc chất tự sự đời thường mà hiện đại.
Không chỉ tổ chức giọng điệu mà trong xây dựng nhân vật, tất cả cũng được quy tụ bởi điểm nhìn nghệ thuật từ nhân vật “tôi”. Ở đây, nhân vật “tôi” là “đồng chí Khải” là “anh Khải” (đích danh tác giả), nhưng cũng có thể hiểu một cách phiếm định là một người nào đó được phân vai người kể chuyện, người dẫn truyện, người trần thuật và cũng là một cá nhân tự ý thức, tự biểu hiện mình. Những chi tiết tiểu sử (có thể của tác giả) như: “Hà Nội vừa giải phóng… chúng tôi ngày ấy mới hăm bốn hăm năm cái tuổi xanh xuân”, “chin năm xa phố phường”… đã làm tăng tính chân thực của điểm nhìn nghệ thuật. Qua điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật tôi, người đọc nhận thấy rằng niềm ao ước, thiết tha của người kể chuyện là Hà Nội hôm nay làm sao khai phát, phát huy và làm giàu cái chất Hà Nội, bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của Hà Nội để mọi vẻ đẹp ấy của đất kinh kì đều phát sáng.
Qua truyện Một người Hà Nội, ta thấy quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyền Khải đã xuất phát từ gốc nhìn văn hóa, khắc phục bệnh sơ lược một chiều trong cách nhìn con người cá nhân của văn học giai đoạn trước đó. Điều đó làm nên khuynh hướng sáng tác chủ đạo của Nguyễn Khải trong thời đối mới, bộc lộ một thái độ tỉnh táo điềm tĩnh của nhà trong việc soi chiếu vào những góc ngách đời thường muôn mặt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top