Đề bài: Nhận xét về bài thơ “Tây Tiến”, tác giả Hà Minh Đức viết: “Tây Tiến” là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn” (Nxb Văn học, 2006, tr.67-68). Anh/Chị hãy làm rõ ý kiến đó qua đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(“Tây Tiến”, Quang Dũng)
Bài làm
“Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”
(“Cuộc chia ly màu đỏ” – Nguyễn Mỹ)
Chiến tranh đi qua để lại cho chúng ta là bao hoài niệm về những tháng năm không thể nào quên. Đó là khi con người ta nhận ra sứ mệnh của mình sinh ra là để chiến đấu, để vệ quốc, đó là những con người sẵn sàng gác lại tuổi trẻ và tình cảm cá nhân để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc… Những con người ấy đã đi vào trong thơ ca, nghệ thuật như những huyền thoại của thế kỉ 20 mà nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện thực xuất sắc thông qua lăng kính lãng mạn nhưng vẫn đậm chất hiện thực của mình qua bài thơ “Tây Tiến”. Nhận xét về bài thơ “Tây Tiến”, tác giả Hà Minh Đức viết: “Tây Tiến” là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn” . Qua khổ thơ hai và ba trong thi phẩm, ta càng hiểu rõ thêm về nhận định này.
Quang Dũng là người con của thủ đô Hà Nội. Ngay từ lúc còn là một chàng trai Hà thành đầy sức trẻ, ông đã nguyện cống hiến sức mình vào sự nghiệp cứu nước. Bên cạnh vai trò là một người lính hăng hái và nhiệt thành cách mạng, Quang Dũng còn được biết đến với nhiều năng khiếu đặc biệt như viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc,… Chính những điều này đã củng cố thêm niềm tin của mọi người về sự tài hoa của nhà thơ – chiến sĩ Quang Dũng. Trong suốt quá trình phụng sự sức mình cho đất nước cũng như đến cuối đời, nhà thơ đã ghi lại những cảm xúc, tâm tư của mình trong những tác phẩm mang dấu ấn riêng, đó cũng đồng thời là những đóng góp rất đáng kể của ông cho nền văn học nước nhà. Một số tác phẩm nổi bật của Quang Dũng cần kể đến như: “Mắt người Sơn Tây”, “Rừng biển quê hương” (năm 1957), “Đường lên Châu Thuận” (năm 1964), “Rừng về xuôi” (năm 1968). Nhưng tiêu biểu nhất là tập “Mây đầu ô” (năm 1986) mà điển hình là bài thơ “Tây Tiến”. Thi phẩm ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”, được ra đời năm 1948, do Quang Dũng muốn ghi lại những kỉ niệm, những niềm thương, nỗi nhớ dành cho đoàn binh một thời gắn bó của mình.
“Tây Tiến” là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn”, nhận định đã đề cập đến một vẻ đẹp rất riêng của “Tây Tiến” đó là tính nhạc. “Nhạc điệu” ở đây không phải một bộ môn nghệ thuật riêng rẽ mà nhạc ấy là nhạc điệu của thơ, là một sự biểu đạt của ngôn ngữ, là vần điệu, sự hài thanh, sự sắp xếp câu chữ mang tính nhạc và dễ đi vào lòng người. “Tây Tiến” là một thi phẩm “giàu nhạc điệu” không chỉ ở vần điệu, tiết tấu hài hòa, nhịp nhàng, mà còn ở cảm xúc và tâm hồn của tác giả, của chủ thể trữ tình đang nhớ nhớ thương thương về binh đoàn từng gắn bó. Như vậy nhận định của Hà Minh Đức khẳng định tính nhạc trong bài thơ “Tây Tiến” - nhạc ở vần thơ, nhạc ở cảm xúc, tâm hồn.
Sau những dòng thơ gieo neo, trúc trắc nơi chặng đường hành quân gian khổ, “Tây Tiến” ru ta trong nhạc điệu cất lên từ men say của tâm hồn người lính:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Trong toàn bộ thi phẩm, đây là lần thứ hai “đuốc” được liên tưởng đến “hoa” – nếu trong đêm sương Mường Lát, chiến sĩ Tây Tiến nhìn đuốc soi đường lung linh, huyền ảo như “hoa về trong đêm hơi” thì lần này, trong một đêm lửa trại giữa bản mường miền Tây, bút pháp lãng mạn đã khiến ánh lửa bập bùng nơi đóng quân trở thành đuốc hoa rực rỡ, gợi những liên tưởng thú vị, đem đến sự náo nức, rạo rực trong lòng người, khiến đêm liên hoan giữa bộ đội và dân làng trở thành đêm hội tưng bừng, rộn rã. Đâu rồi những mệt nhọc, khó khăn? Đâu rồi những mỏi mệt, hi sinh? Khung cảnh đêm liên hoan dường như đã xóa tan những điều đó. Ở đây cụm từ “bừng lên” là một nét nhấn tươi sáng cho cả câu thơ, nó đem đến ấn tượng về thứ ánh sáng chói lòa, đột ngột của lửa, của đuốc, xóa đi cái tối tăm lạnh lẽo của núi rừng, thể hiện niềm vui sướng, rạo rực trong lòng người. Người đọc còn có thể hình dung ra những ánh mắt ngỡ ngàng, những gương mặt bừng sáng của các chiến sĩ, bừng sáng vì sự phản chiếu của ánh lửa bập bùng đêm hội, bừng sáng còn vì ngọn lửa ấm nóng trong tâm hồn, ngọn lửa của niềm vui trẻ trung, lạc quan, ngọn lửa của tình yêu với con người và mảnh đất miền Tây. Cứ như thế, từng câu chữ như những nốt trầm bổng trên khuông nhạc, dìu dắt tâm hồn người đọc đến với bao hình ảnh ấn tượng:
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp”
Từ “kìa” và cụm từ nghi vấn “tự bao giờ” đã bộc lộ cảm giác vừa ngỡ ngàng thú vị, vừa ngưỡng mộ trìu mến của các chiến sĩ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây. Đó là cảm giác rất chân thực trong một dịp vui hiếm hoi sau bao ngày hành quân nơi rừng già với núi cao, dốc thẳm, sương dày, với mua rừng và thú dữ. Với niềm vui tỏa ra từ câu thơ, Quang Dũng còn đưa người đọc đến một cảm nhận thú vị khi liên tưởng tới câu thơ trước. Doanh trại bừng lên hình như không chỉ vì ánh sáng của lửa, của đuốc mà còn vì sự xuất hiện đột ngột của các sơn nữ miền Tây. Các cô gái hiện lên với hai ấn tượng đẹp đẽ bởi bút pháp mỹ lệ hóa trong xiêm áo lộng lẫy và nét e ấp đầy nữ tính. Những ấn tượng ấy khiến các cô đẹp hơn trước một đoàn quân “xanh màu lá”, duyên dáng hơn trước những người lính “dữ oai hùm”. Nét tương phản của cảm hứng lãng mạn đã tạo nên chất thi vị làm dịu đi rất nhiều hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh. Người lính Tây Tiến không chỉ ngỡ ngàng, say đắm trước vẻ đẹp của những thiếu nữ miền Tây e ấp và duyên dáng mà còn mơ màng trong man điệu của núi rừng. Man điệu có thể hiểu là vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể là giai điệu mới mẻ của vùng đất lạ trong tiếng khèn lên mê hoặc lòng người. Với tâm hồn hào hoa nghệ sĩ, đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến say đắm chiêm ngưỡng và cảm nhận những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào, những đường nét duyên dáng trong đêm lửa trại để được thả hồn phiêu diêu bay bổng trong thế giới mộng mơ với những vẻ đẹp say người của phương xa đất lạ: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Câu thơ có tới sáu thanh bằng đã diễn tả tinh tế cảm giác mơ màng chơi vơi ấy. Nhịp điệu của bốn câu thơ như nhịp nhặt khoan, dìu dặt của tiếng khèn, gợi vẻ khỏe khoắn, trẻ trung. Bốn câu thơ vừa chan chứa màu sắc, âm thanh, vừa ấm áp tình người. Đó phải chăng là nhịp điệu của đời sống chiến khu và của tâm hồn những người lính trẻ.
Nhạc tính của “Tây Tiến” không chỉ đến từ những vần thơ rộn ràng tái hiện không khí liên hoan mà còn nhẹ nhàng, bâng khuâng trong những câu từ của hoài niệm, của nỗi nhớ về cảnh và người miền Tây:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Những hoài niệm rực rỡ và sống động về một đêm lửa trại đã được thay bằng những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ tha thiết mênh mông về cảnh sắc và con người miền Tây Bắc. Nỗi nhớ miền Tây được gửi vào lời nhắn với người đi, nhưng đâu chỉ là nhắn với ai đó mà thực ra nhà thơ đang để lòng mình hướng về Châu Mộc, hướng về núi rừng miền Tây trong một chiều sương nhạt nhòa, màn sương huyền ảo của hoài niệm, nhớ nhung. Từ “ấy” vang lên không chỉ là chỉ định về một buổi chiều sương đặc biệt mà còn mở ra những cung bậc da diết của nỗi nhớ. Trong tiếng Việt, “ấy” là một đại từ chỉ định luôn đem đến sắc thái xa xôi, mơ hồ cùng nỗi nhớ tiếc cho những danh từ đứng cùng với nó như thuở ấy, ngày ấy, người ấy. Và bây giờ, khi đang ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng cũng nhắc về “chiều sương ấy” với bao nỗi nhớ thương lưu luyến khi Châu Mộc trở nên nhạt nhòa trong sương khói và buổi chiều miền Tây với cảnh, với người đã bị đẩy về một quá khứ thật xa xăm. Chữ “ấy” bắt vần với chữ “thấy”, một vần lưng thần tình, âm điệu câu thơ trĩu xuống như một nốt nhấn, một sự nhắc nhở trong hoài niệm nhiều bâng khuâng.
Nữ sĩ xưa nhớ kinh thành Thăng Long là nhớ “hồn thu thảo”, nay Quang Dũng nhớ là nhớ “hồn lau”, nhớ cái xào xạc của gió, nhớ những cờ lau trắng trời. Có “nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi” thì mới có nhớ và “có thấy hồn lau” trong kỉ niệm. “Có thấy”… rồi lại “có nhớ”, một lối viết uyển chuyển tài hoa, đúng là “câu thơ trước gọi câu thơ sau” như những kỉ niệm trở về, thể hiện nỗi nhớ nhung đầy trăn trở hướng về cảnh và người. Câu hỏi thứ nhất hướng về những hàng lau xám buồn bên bờ sông hoang dại: “ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”. Nét đặc sắc trong câu thơ chính là hình ảnh ẩn dụ về “hồn lau” thay vì bờ lau, hàng lau hay rừng lau… Hoa lau có màu xám trắng, bông lau được tạo bởi muôn ngàn hạt nhỏ li li nên chỉ cần một chút gió rất nhẹ hoa cũng xao động, cả bờ lau đung đưa mềm mại. Sắc trắng của hoa lau trong chiều sương nhạt nhòa, mờ ảo, cái phơ phất của ngàn lau trong xạc xào gió núi đã khiến rừng lau như có hồn, như biết sẻ chia nỗi niềm với con người, sự giao cảm khiến nỗi nhớ càng mênh mông da diết. Và hơn thế nữa, đối với Quang Dũng, hình ảnh “hồn lau” dường như đã trở thành đặc trưng, biểu đạt cho một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa và giàu ý chí:
“Đâu đây đứt pháo xích kêu giòn
Liệt sĩ tên còn xanh núi non
Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt
Mà như lau sậy có linh hồn”
(“Pha Đin” - Quang Dũng)
Còn trong những cung bậc thiết tha của nỗi nhớ trong “Tây Tiến”, câu hỏi “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” càng làm xao xác lòng người. Trong những năm tháng quá khứ, người chiến sĩ Tây Tiến hành quân giữa núi rừng miền Tây, bên dòng sông Mã, giữa phơ phất ngàn lau, lau như linh hồn của rừng núi chia sẻ buồn vui với chiến sĩ trên đường hành quân. Nay người đã đi xa, ngàn lau vẫn ở lại giữa mênh mông gió núi, cảm giác về những bờ lau cô đơn nẻo bến bờ khiến nỗi nhớ càng xúc động trong lòng người đã chia xa. Và cứ thế, “hồn lau” nhắc nhớ và liên hệ tới tình cảm với con người, vẫn trong cấu trúc câu hỏi “có thấy”, “có nhớ”:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”
Trong làn sương mờ của hoài niệm, con người miền Tây chỉ hiện lên như một bóng dáng mờ xa huyền ảo. Dáng người ấy vừa cứng cỏi, kiên cường trên con thuyền độc mộc, vừa mềm mại, duyên dáng trong hình ảnh ẩn dụ “hoa đong đưa”. Quang Dũng không viết hoa “đung đưa” mà là hoa “đong đưa” vừa nhằm miêu tả sự duyên dáng của hoa trên dòng nước lũ vừa gợi tả tinh tế dáng vẻ dịu mềm, tình tứ của những sơn nữ miền sơn cước. Chi tiết “đong đưa” rất nhẹ, rất nhỏ ấy nhưng đã góp phần làm nên nhạc điệu tâm hồn cho thi phẩm. Toàn bộ đoạn thơ là những miêu tả, những liên tưởng, hoài niệm, nhớ mong của tác giả đối với thiên nhiên miền Tây đẹp, lãng mạn, có sự giao hòa độc đáo tính họa và tính nhạc.
Như vậy, có thể thấy ý kiến của tác giả Hà Minh Đức hoàn toàn xác đáng. Những câu thơ trong “Tây Tiến” không chỉ được khắc, chạm hình sắc, đường nét vào người và cành, mà còn được tác giả phổ vào những nốt nhạc tinh tế. Nhạc điệu ấy thể hiện ở vần chân: “Bờ-đưa”, vần lưng: “ấy- thấy”; ở điệp âm, điệp thanh: “Châu Mộc, độc, dòng, đong”.... Nhưng đây là nhạc điệu được cất lên từ một tâm hồn say đắm với cảnh và người miền Tây Tổ quốc: “Giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc / là những tâm hồn có nhạc ở bên trong” (Phạm Tiến Duật). Từ hình thức, câu từ đến nội dung, xúc cảm, đọc “Tây Tiến” và đặc biệt là hai khổ thơ này, “ta có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng” (Xuân Diệu) và cảm được điệu nhạc cất lên từ cuộc sống và trong tấm lòng của nhà thơ dành cho một thời kì gian khó và những người đồng đội giờ đây đã chia xa.
Mỗi phần của bài thơ “Tây Tiến” đều mở ra những khung cảnh và hoài niệm khó quên trong những vần điệu linh hoạt và tài tình. Những hình ảnh mộc mạc ấy dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ, mỗi nét đậm nhạt với sự kết hợp cả cảnh và con người đều thật sống động. Tám câu thơ của khổ hai đều vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền tây với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển, giàu nhạc điệu, “nhạc điệu của cuộc sống và tâm hồn”. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của tác giả trong tổng thể bài thơ, để lại dấu ấn lâu bền trong trái tim bạn đọc. Bất giác ta lại nhớ đến những vần thơ Giang Nam đã từng viết về thi phẩm này:
“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy con người ấy
Sống mãi muôn đời với núi sông.”