Cảm nhận bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên

Vũ Đình Liên đến với làng thơ rất lặng lẽ nhưng không kém phần sâu sắc. Trong đó, tác phẩm “Ông đồ” là kiệt tác của Vũ Đình Liên tác giả nổi bật trong phong trào thơ mới. Bài thơ ngũ ngôn gồm 5 khổ để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ về hình ảnh ông đồ từ khắc hoàng kim cho đến khi còn vang bóng.
Cùng cảm nhận bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên để hiểu hơn về tác phẩm này nhé!

Cảm nhận bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.png

Cảm nhận bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên

Bài thơ "Ông đồ" được đánh giá là một thành công “đột xuất” của Vũ Đình Liên. Nhà thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ gọn gàng, ngôn từ giản dị nhưng chứa đựng bao nỗi niềm tâm sự về nhân tình thế thái. Chính vì vậy Hoài Thanh có bình rằng: ” Ít có bài thơ nào bình dị mà cảm động đến vậy”.

Hình ảnh ông đồ hiện lên trong dòng suy tưởng, hoài niệm của nhà thơ:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua”


Trong những năm cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nền Nho học suy tàn, những kì thi chữ Hán bị bãi bỏ, đa số người ta hướng tới cái mới, quay lưng với cái cũ thì chữ Nho không còn ở thời hoàng kim nữa nhưng vẫn được mọi người ưa chuộng. Bởi thế hình ảnh ông đồ viết chữ thuê bên những con phố sầm uất đã trở nên quen thuộc mỗi khi Tết đến xuân về. Bằng ngọn bút tài hoa ông đồ đang lặng lẽ làm đẹp cho đời. Ông chính là nét đẹp tinh tế của một Hà thành xưa cũ:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”


Nhưng số người nhiệt thành với chữ Nho” mỗi năm mỗi vắng”, khách quen cũng tan tác” người thuê viết nay đâu?”, phong tục treo câu đối Tết cũng phạt phai. Ông đồ dần dần bị lãng quên, phương cách mưu sinh ngày càng khó. Bởi vậy nỗi buồn thấm tận cốt tuỷ, lan sang cả những vật vô tri:

“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”


Và như một sự tất yếu khi người ta đua nhau “vứt bút lông đi viết bút chì”, xã hội nhá nhem với những Xuân tóc đỏ, hay nhà thiết kế thời trang TYPN ( Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) – Ông đồ đã hoàn toàn bị quên lãng. Ông ngồi đó ” như cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”


Ông đồ ngồi giữa mùa xuân mà ta tưởng như ở mùa đông ảm đạm, ông như chìm vào không gian để mặc gió mưa thời gian phủ nhoà. Hình ảnh” lá vàng rơi” tượng trưng cho sự lụi tàn. Chữ Nho đã mạt vận. Chỉ còn lại nỗi thương cảm ngậm ngùi. Những giọt mưa bay hay những giọt nước mắt xót xa tiếc nuối ? Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của tác giả đã đạt đến độ chín khiến người đọc cũng thấy lòng mình thấm đẫm nỗi sầu nhân thế cùng ông đồ già cô đơn lỡ vận…

Mùa xuân lại đến” không thấy ông đồ xưa”. Ông cố bám lấy xã hội hiện tại nhưng không còn đủ sức, đủ kiên nhẫn nữa, bởi cơm áo không đùa với chữ nghĩa. Ông phải rút lui vào quá khứ, cũng có thể đã trở thành người thiên cổ. Tác giả băn khoăn, day dứt:

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”


Nhà thơ không chỉ xót thương ông đồ mà cả một lớp người như ông. Tác giả muốn đuổi theo để gặp lại những hồn người đã mất hay đang hoài niệm những vẻ đẹp của quá khứ? Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ nhưng mở ra những câu hỏi lớn cho người đọc.

Có thể nói tình thương người và niềm hoài cổ đã khiến Vũ Đình Liên cho ra đời một thi phẩm tuyệt tác” Ông đồ” sống mãi với thời gian. Tên tuổi của nhà thơ cũng gắn liền với bài thơ từ độ ấy. Và dường như thời gian càng trôi đi tác phẩm lại càng thêm giá trị bởi ý nghĩa nhân văn, nhân đạo mà tác giả gửi gắm chưa bao giờ xưa cũ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top