• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cảm nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn của Bác trong bài thơ “Cảnh khuya”

Đỗ Thị Lan Hương

Cộng tác viên
Thành viên BQT
Bài thơ Cảnh khuya được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1947, khi quân và dân ta đang thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc. Sông Lô, Đoan Hùng đã đi vào lịch sử bằng những nét vàng chói lọi đầu tiên của ta trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và cảm hứng yêu nước mãnh liệt dạt dào ánh sáng, âm thanh của Bác.
Cảm nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn của Bác trong bài thơ cảnh khuya.png

Cảm nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn của Bác trong bài thơ “Cảnh khuya”

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng những lúc nghỉ ngơi trong đêm thanh vắng ở rừng sâu, Người vẫn hướng tâm hồn về với thiên nhiên. Bài thơ Cảnh khuya ra đời trong một dịp như thế.

Bài thơ được sáng tác lúc Bác ở chiến khu Việt Bắc (1947). Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở giai đoạn đầu cuộc kháng chiến, quân và dân ta trăm bề thiếu thốn, thế giặc rất mạnh khiến Bác ngày đêm lo nghĩ. Thế nhưng, Người vẫn hướng về với tự nhiên để tìm kiếm sự tĩnh tại trong tâm hồn. Câu thơ đầu làm hiện lên vẻ đẹp của cảnh rừng khuya thanh vắng:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Mở đầu là âm thanh tiếng suối róc rách, văng vẳng đâu đó, mơ hồ bên tai, khiến nhà thơ tưởng như có giọng hát ngọt ngào của ai đó vang vọng trong đêm khuya thanh tĩnh. Biện pháp so sánh, làm cho tiếng suối gần gũi với con người hơn và có sức sống, trẻ trung. Cách so sánh và liên tưởng tài tình tiếng suối giống như tiếng hát xa vừa thể hiện sự êm dịu của âm thanh vừa gợi ra tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Dù đó chỉ là âm thanh nhỏ bé vọng lại từ rừng xa nhưng người đã hết sức nâng niu, quý trọng.

Nguyễn Trãi trong bài “Côn Sơn ca” cũng đã có cách ví von tài tình ấy:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.


Nếu Nguyễn Trãi hình dung tiếng suối thánh thoát dìu dặt như tiếng đàn cầm thì Hồ Chí minh lại ngỡ tiếng suối như tiếng hát. Nếu tiếng đàn trong bài Côn sơn ca gợi về sự thoát tục, Nguyễn Trãi muốn tìm kiếm một thế giới thật sự yên tịnh và thanh cao đẻ lánh đời thì tiếng hát ở bài thơ cảnh khuya, Hồ Chí Minh tha thiết muốn gắng kết với cuộc đời. Hai tâm hồn đều hòa nhập với thiên nhiên. Một người cho rằng nhạc trời là đàn cầm – Một người cho rằng nhạc trời là tiếng hát. Đàn cầm và tiếng hát khác nhau nhưng cả hai đều là âm nhạc.

Nếu câu thứ nhất là vẻ đẹp của âm tranh thì câu thứ hai là vẻ đẹp về hình ảnh. Hình ảnh trong câu thơ này có vẻ đẹp của một bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối:

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh ở đây có dáng hình vươn cao toả rộng của vòm cổ thụ, ở trên cao lấp loáng ánh trăng, có bóng lá, bóng trăng in vào khóm hoa thuê dệt. Bức tranh chỉ có hai màu sáng tối, trắng đen mà đã tạo nên vẻ lung linh, chập chờn, lại ấm áp, hòa hợp, quấn quýt bởi âm hưởng của từ “lồng” trong cùng một câu thơ. Chính vì biện pháp so sánh và điệp từ “lồng” đã cho thấy vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của đêm trăng rừng.

Trăng là bạn đường, là tri kỉ với Hồ Chí Minh. Thiên nhiên nói chung, trăng nói riêng trong thơ Bác vô vàn ánh trăng. Trong Nhật kí trong tù Bác có viết:

“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”.

(Cảm tưởng đọc thiên gia thi)

Người ngắm trăng soi ngoài của sổ
trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

(Vọng nguyệt)

Từ cảnh vật, Người trở về với thực tại. Bằng biện pháp lặp từ, hai câu thơ cuối cho thấy tâm trạng không ngủ được của Bác vì: say mê trước vẻ đẹp của ánh trăng; vì lo việc nước còn bao nỗi gian lao:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà


Bác lí giải vì sao giữa đêm khuya mà Người vẫn chưa ngủ. Hai từ “chưa ngủ” được lặp lại có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng của Bác, để gắn kết tâm trạng trước và sau từ “chưa ngủ”. Hai câu thơ là sự rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp như tranh của đêm trăng ở núi rừng Việt Bắc. Sau đó là tâm trạng thao thức chưa ngủ chính là vì lo nghĩ đến vận mệnh của đất nước.

Câu thơ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ đóng vai trò là câu chuyển ý vừa mở ra vẻ đẹp vừa khép lại thể hiện chất nghệ sĩ trong tâm hồn của Hồ Chí Minh. Nhưng đến câu thơ thứ tư bất ngờ mở ra vẻ đẹp và chiều sâu mới trong tâm hồn của nhà thơ:

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Bác thao thức chưa ngủ vì lo đến vận mệnh của đất nước. Hay chính vì thức khuya lo cho vận mệnh của đất nước nên Người đã bắt gặp ánh trăng rừng tuyệt đẹp. Điệp từ “chưa ngủ” đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư là bản lề để mở ra hai tâm trạng trong cùng một con người: niềm say mê thiên nhiên và nỗi lo việc nước. Hai tâm trạng đó đã thống nhất trong con người của Bác – một nhà thơ, một người chiến sĩ trong vị lãnh tụ.

Qua bài thơ ta nhạn thấy ở Bác một tình yêu thiên nhiên tha thiết, một tinh thần lạc quan yêu đời và phong thái ung dung tự tại giữa cuộc đời bề bộn. Khí phách Hồ Chí Minh bộc lộ ngay ở những lười thơ giản dị nhất.

Suốt cuộc đời Người lo cho dân, cho nước. "Cảnh khuya" không phải là bài thơ duy nhất nói về việc Bác chưa ngủ, không ngủ vì vận mệnh của đất nước. Nếu như đọc tập “Nhật kí trong tù ta sẽ bắt gặp bài “Không ngủ được” – (Một canh … hồn quanh) hay bài "Đêm không ngủ" (Năm canh thao thức không nằm, Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi).

Có lẽ ai cũng thấy rằng: Việc Bác không ngủ là vì lo việc nước, vì thương bộ đội, thương dân công, thương các cụ già. Không những thế Bác còn yêu các cháu nhi đồng, đã nhín thời gian quý báu của mình để đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng.

“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.


Cuộc đời của Người đã dành trọn vẹn cho dân tộc, chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, không một chút riêng tư. Đúng như Tố Hữu đã nói:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”.


Bài thơ “Cảnh khuya” có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống nâng cánh tâm hồn thơ bay bổng. Ta bắt gặp ở đây một tâm hồn thi sĩ trong một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một cư sĩ trong một nhà lãnh đạo tài ba. Lúc nào Người cũng một lòng lo cho dân, cho vận mệnh đất nước. Bài thơ toát lên vẻ đẹp tâm hồn của Bác vừa giản dị, thanh cao vừa lớn lao, mạnh mẽ đến phi thường.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top