Cảm nghĩ về bố

  • Thread starter Thread starter steppe huynh
  • Ngày gửi Ngày gửi
S

steppe huynh

Guest

Cảm nghĩ về bố

Trên đời này có rất nhiều người yêu thương, chăm sóc chúng ta và chúng ta cũng vậy. Có bao giờ bạn đã nghĩ về người yêu thương, chăm sóc, bao bọc và che chở mình nhiều nhất chưa? Riêng tôi, hình ảnh người bố vẫn luôn là hình ảnh cao quý và ấn tượng tốt đẹp trong tâm hồn tôi.

Ngay từ thuở lọt lòng, oe oe tiếng khóc của một em bé, mẹ là người ôm ấp, vỗ về tôi đầu tiên. Tuy vậy, tình cảm yêu thương bố vẫn nằm ở một phần nào trong trái tim tôi.

Bố - một tiếng gọi mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải nói ra. Dù không phải là tự khen nhưng tôi vẫn tự hào là mình có một ông bố rất mẫu mực. Bố tôi có một thân hình rắn chắc, cơ bắp cuồn cuộn vì một thời nghèo khó lao động, làm bạn với sương gió để có một danh vị thành đạt như ngày hôm nay. Vầng trán bố cao, nước da ngăm ngăm màu bánh mật, đôi mắt sáng, chiếc mũi cao và một cái miệng rộng nhưng không quá khổ luôn nở nụ cười trên môi làm tôi nhớ mãi, khó mà quên được. Mái tóc cắt ngắn, không để dài mà tôi cho là giống tôi. Nhìn bao quát cả khuôn mặt bố tôi, có thể ai cũng cho rằng bố tôi là một người hung dữ. Đúng vậy, bố tôi rất hung dữ nhưng chỉ là khi tôi mắc khuyết điểm hoặc làm những điều sai trái, bị điểm kém. Còn bình thường, bố tôi vẫn như bao người bố bình thường khác, yêu thương tôi, mẹ tôi và cả chị nữa.

Bố công bằng, không bao giờ thiên vị một ai cả, kể cả chị em tôi. Tôi còn nhớ, khi tôi vào năm lớp một còn chị tôi đang học lớp bốn, chỉ vì một món đồ chơi (không lầm thì nó là của tôi), chị ỷ thế chị lớn, dành đồ chơi với tôi. Kết quả như thế nào các bạn biết không? Tôi đã khóc rất to đến nỗi hai chị em đang ở nhà trên, bố ở sau vườn còn nghe thấy tiếng của tôi. Bố chạy vào nhà xem thử chuyện gì, sau một hồi phân xử, bố đưa ra kết luận: Cả hai chị em đều có lỗi. Tôi nhớ rõ lắm cái lời của bố tôi nói:

- Sim, con là chị, sao lại đi dành đồ chơi của em hả, lớn rồi, lại làm chị, phải làm gương chứ! Con hư lắm nhé, lại đây bố thưởng cho một roi rồi vào góc kia quỳ.

Rồi tiếp theo:

- Tít đâu?

Tôi sợ hãi và giật thót cả tim “Dạ” lên một tiếng rõ to.

- Con đấy nhé, chị mượn đồ chơi thì cho chị mượn một tí, có mất ở đâu mà sợ? Con ích kỉ lắm nhé, lần sau không được thế nữa nhé con! Được rồi, tội con nhẹ hơn, bố không phạt roi nhưng cũng ra kia quỳ chung với chị cho tới giờ ăn cơm chiều!

Sau hôm đó, cả hai chị em không còn phân bua giành nhau những thứ lặt vặt ấy nữa.

Mùa hè ở quê, năm ấy tôi nghỉ hè lớp ba chuẩn bị lên lớp bốn, bầu trời quê Diên Khánh rợp đủ màu sắc của hàng chục con diều của cả người lớn, trẻ con chăn trâu, học sinh nghỉ hè đều đầy đủ. Nhìn các anh, các bạn thả diều rất điệu nghệ và niềm vui sướng khi diều của người này bay cao hơn diều của người khác lộ rõ trên gương mặt từng người, tôi cũng thèm có một con diều như vậy và thế là ba chân bốn cẳng chạy về nhà, đòi bố mua diều cho bằng chúng bạn – thật là một ý nghĩ trẻ con. Nhưng bố đã hứa, ngày mai, con sẽ có diều. Tôi ăn cơm xong, chạy lên nhà tìm bố, không thấy, tôi lại lon ton ra sau vườn, dưới tán tre, tôi thấy bố đang cầm con dao và cẩn thận vót tre, vót từng nan để làm diều hay sao ấy. Và như tôi đoán bố đang làm diều, ngồi cạnh bố, tôi tỏ vẻ mặt không ưng ý và hỏi bố sao không mua cho con một con diều vải, vừa đẹp lại đỡ tốn công. Bố giải thích:

- Con à, những con diều ấy rất khuôn mẫu, là những con diều được sản xuất rất máy móc, cái nào cũng như vậy thôi con à, tuy con diều giấy, chất liệu đơn giản nhưng nó là do chính mồ hôi mình đổ ra để làm nó, nó giá trị hơn nhiều con à …

Những câu nói ấy của bố đã đi vào sâu trong đầu óc non nớt của tôi và thấm dần. Tôi dần hiểu ra giá trị của những thứ do mình làm ra. Tôi hăng hái giúp bố làm và cho “ra lò” một con diều tuyệt đẹp.

Đó là chuyện ngày bé, còn bây giờ tôi đã lớn, ra thành phố học, bố không muốn tôi là cà ở những quán net, những quán cà phê hay những nơi không phù hợp với độ tuổi của tôi. Chính vì vậy nên bố tạo điều kiện cho tôi học tập, thư giãn tại nhà.

Đấy là những hình ảnh mà tôi cho là tốt đẹp nhất giữa bố và tôi. Còn nhiều điều lắm mà không giấy bút nào có thể lột tả hết những tình cảm yêu thương vô vàn của bố đối với tôi. Nay, tôi đã lớn hơn, bố cũng lớn tuổi hơn, tóc đã bạc thêm phần nào. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc tôi yêu thương bố nhiều hơn, qua những bài học ở trường, lớp, qua sách vở đã truyền đạt và tiếp thêm tình cảm để tôi biết có một người bố quan tâm chăm sóc và bảo ban dạy dỗ tôi là một niềm hạnh phúc nhất trên đời. Con yêu bố!

Huỳnh Hiếu Văn
Lớp 7A2 trường THCS Quang Trung.
 
CẢM NGHĨ VỀ BỐ - CẢM NGHĨ VỀ CHA



DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong những quan hệ tình cảm của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng.
- Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao – dân ca ( dẫn chứng minh họa ).

2. Thân bài:

* Vai trò của người cha:
- Người cha đóng vai trò trụ cột, thường quyết định những việc quan trọng trong gia đình; là chỗ dựa về vật chất lẩn tinh thần của vợ con
- Cha kèm cặp, dạy dổ, truyền kinh nghiệm sống và nâng đỡ các con trên bước đường tạo dựng sự nghiệp

* Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu:

- Cha em chỉ là một người thợ bình thường, quanh năm vất vả với công việc
Đức tính nổi bậc của cha là cần cù, chịu khó, hết lòng vì vợ con.
- Cách dạy con của cha rất giản dị: nói ít làm nhiều, lấy lời nói, hành động của mình làm gương cho các con. Thái độ của cha cởi mở, dể gần, bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc.
- Các con kính yêu, quý mến và tin tưởng ở cha, cố gắng chăm ngoan, học giỏi để cha vui lòng.

3. Kết bài:

- Công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ vô cùng to lớn, sánh ngang với núi cao, biển rộng.
- Con cái phải biết ơn và đền đáp công lao cha mẹ bằng lời nói và việc làm hiếu nghĩa hằng ngày.
 
CẢM NGHĨ VỀ BỐ



Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.

Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…

Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.

Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.

Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.

Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.

Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top