• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cảm hứng vũ trụ trong thơ Nguyễn Trãi

  • Thread starter Thread starter Toantu
  • Ngày gửi Ngày gửi

Toantu

New member
Xu
0
CẢM HỨNG VŨ TRỤ TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI

Chỉ còn một năm nữa là bước sang thiên niên kỷ thứ ba, loài người đang đứng trước thềm một kỷ nguyên mới. Ngay từ bây giờ, người ta đã nghĩ tới chuyện đón năm 2000 như thế nào: đồng hồ và lịch đếm ngược, du lịch đón ngày mới, và gần đây nhất là dự án pháo bông vũ trụ rọi sáng cả bầu trời hành tinh, v.v... Gần chúng ta hơn, lễ khai mạc Asiad 1998 tại Băng-cốc cũng lấy cảm hứng vũ trụ đó, với mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao từ trời rơi xuống sân vận động qua những khán đài và bàn tay nâng của khán giả... Mấy câu vào đề trên đây là để thưa trước rằng cái tựa của bài này không phải là muốn ''đao to búa lớn'' mà chỉ muốn nói đến chuyện cảm thụ thẩm mỹ hàng ngày trong xã hội của mọi người đang cùng sống với chúng ta...
Thật ra thì ''cảm hứng vũ trụ'' không phải mới có trong thời đại ngày nay, khi các con tàu vũ trụ bay vòng quanh và vượt ra ngoài trái đất. Nó có gần như cùng lúc với sự có mặt của con người, từ bà Nữ Oa đội đá vá trời, Sơn Tinh, Thủy Tinh... ở phương Đông đến thần Zeus (Jupiter) ở phương Tây, từ giải Ngân hà ngăn cách Ngưu Lang Chức Nữ đến Dòng sữa (voie lactée) do Hercule bú tí của Junon mà phụt ra, v.v... Cảm hứng đó tồn tại và kéo dài theo sự tiến hóa của nhân loại giúp con người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tuyệt vời. Từ trước tới nay, theo sự thưởng thức văn chương có tính kinh điển thì ở phương Tây, người ta xếp Gớt (Goethe), Đăng-tơ (Dante), Sếch-pia (Shakespeare)... vào hàng những nhà thơ lớn nhất thế giới mà sáng tác của các ông đều mang đậm dấu ấn của cảm hứng vũ trụ và khi ''tổng kết'' thiên niên kỷ thứ hai, người ta vẫn đưa Sếch-pia vào số những người sáng tạo vĩ đại nhất... Điều đó có nghĩa là cảm hứng vũ trụ luôn mới mẻ và được đánh giá vào loại sáng tạo lớn lao nhất của con người, nói theo ngôn ngữ bây giờ thì nó vẫn là mốt thời thượng, được nhiều người yêu thích.

Ở Việt Nam ta, cảm hứng này cũng có từ Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, nỏ thần Kim Qui, đến ''kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo'' của Nguyễn Công Trứ, ''Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi'' của Tản Đà, v.v... Nhưng rõ nhất và đậm nhất là trong thơ Nguyễn Trãi, đến mức có nhiều điểm tương đồng với các tên tuổi lớn ở phương Tây vừa nêu trên.

Mảng sáng tác quan trọng nhất của Nguyễn Trãi mà đời sau còn có được là thơ chữ Hán, thể Đường luật, thất ngôn bát cú, trong thể này, những câu then chốt là cặp thực và cặp luận, tức câu 3, 4 và 5, 6. Thơ Nguyễn Trãi đạt đến một phong cách mà chỉ cần đọc cặp thực, cặp luận người ta cũng biết ngay đó là thơ Nguyễn Trãi. Và chính ở những cặp thực, cặp luận đó, cảm hứng vũ trụ của bài thơ và nhà thơ hiện lên rất rõ, rất có ý thức và trở thành một phong cách. Xin đọc lại những bài thơ sau đây: Cửa Thần Phù (Thần Phù hải khẩu), bốn câu thực, luận:

Kình phun lãng hống lôi nam bắc
Sáo ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm
Huân danh thử hội tưởng đương niên


Dịch nghĩa: Sóng rống như kình phun, gầm vang nam bắc / Núi liền như giáo dựng, bày ngọc trước sau / Trời đất đa tình mở vụng biển lớn / Công danh hội ấy nhớ lại năm nào.

Kình phun sóng dậy gầm nam bắc
Giáo dựng non bày ngọc trước sau
Trời đất đa tình phô vụng lớn
Công danh gặp hội tưởng năm nào.


Hay bài Núi Long Đại (Long Đại nham) tức núi Đầu Rồng bên bờ Nam cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cũng lấy bốn câu giữa:

Ngao phụ xuất sơn sơn hữu động
Kình du tắc hải hải vi trì
Hồ trung nhật nguyệt thiên nan lão
Thế thượng anh hùng thử nhất thì.


Dịch nghĩa: Ngao đội núi lên, núi có động / Kình bơi lấp biển, biển thành ao / Nhật nguyệt trong bầu, cảnh trời khó già / Anh hùng trên đời, đó là một thuở.

Ngao đội trồi non non có động
Kình bơi lấp biển biển thành ao
Trong bầu nhật nguyệt trời còn trẻ
Thế thượng anh hùng một thuở nào


Hay bài Qua cửa Thần Phù (Quá Thần Phù hải khẩu), lấy hai câu thực:

Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn
Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà


Dịch nghĩa: sát bờ nghìn ngọn núi bày như búp măng ngọc / Giữa dòng một đường nước chạy như con rắn xanh.

Nghìn ngọn sát bờ bày búp ngọc
Một dòng chen giữa uốn rồng xanh


Hay bài Cửa Bạch Đằng (Bạch Đằng hải khẩu)

Ngạc đoạn kình phầu sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng


Nghĩa là: Núi từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ / Bờ lớp lớp như cây qua chìm, cây kích gãy.

Sấu chặt kình phanh non khúc khúc
Qua chìm kích gãy bãi tầng tầng


Hay trong bài Vân Đồn:

Lộ nhập Vân Đồn san phục san
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lam bích trừng minh kính
Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn
Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc
Phong ba bất động thiết tâm can


Dịch nghĩa: Đường vào Vân Đồn núi rồi lại núi / Trời lồng lộng đất đặt thành kỳ quan / Một tấm kính sáng trong vắt màu lam màu biếc / Muôn hộc tóc thúy từng chòm sắc đen sắc xanh / Vũ trụ bỗng gạn trong biển núi bụi bặm / Gió sóng không lay chuyển ruột gan sắt gang.

Đường đến Vân Đồn núi tiếp nhau
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao
Một vùng lam biếc gương trong vắt
Muôn hộc xanh đen tóc mượt màu
Non biển gạn trong tay vũ trụ
Tim gan chẳng núng sức ba đào.


Rõ ràng cảm hứng của Nguyễn Trãi luôn là cảm hứng của người từ trên cao nhìn xuống cảnh trí mình mô tả như nhà du hành vũ trụ nhìn xuống cửa Bạch Đằng thấy núi như ''sấu chặt kình phanh'', thấy bãi như ''qua chìm kích gãy'', tức là cộng thêm cảm hứng của người chiến thắng sau mấy trận thủy chiến ở cửa Bạch Đằng thời Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo... Đó là cảm hứng của người nhìn từ vũ trụ xuống cửa Thần Phù thấy núi dựng sát bờ như ''măng mọc'', thấy sông đổ ra biển như ''rắn xanh'' lượn quanh. Đó là cảm hứng của người gắn mình với sự kiến tạo địa chất ''ngao đội trồi non'', ''kình bơi lấp biển''. Từ vũ trụ ngắm nhìn cảnh đẹp đất trời như ngắm bức tranh Gioóc-giôn khỏa thân ''trời đất đa tình phô vụng lớn'', ''một vùng lam biếc gương trong vắt, muôn hộc xanh đen tóc mượt màu''...

Lên núi Yên Tử thì thấy ''vũ trụ mắt ôm ngoài biển biếc, nói cười người ở giữa mây xanh'' (vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại, tiếu đàm nhân tại bích vân trung). Đọc Nguyễn Trãi mà thấy chẳng khác gì ta đọc bút ký của các nhà du hành vũ trụ thời nay vậy! Cảm hứng này thật sâu, đậm, có ý thức và thành hẳn phong cách nên trong thơ Nguyễn Trãi ta bắt gặp nhiều lần những ''vũ trụ'', ''càn khôn''; ''càn khôn kim cổ vô cùng ý, khước tự thương lương viễn thụyên'', nghĩa là nghĩ về trời đất xưa nay ý không cùng, vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời, hay: vạn cổ càn khôn thanh cảnh trí, hải sơn vị ngã xuất tân đồ (muôn thuở càn khôn tươi cảnh trí, biển non vì tớ vẽ tranh thơ) ...

***

Cảm hứng vũ trụ là một trong nhiều cảm hứng của sáng tạo văn học nghệ thuật tồn tại và phát triển cùng với loài người từ xưa tới nay, phương Đông cũng như phương Tây, trong nước cũng như thế giới. Nó đặc biệt rõ và đậm nét nhất ở những tài năng vĩ đại và gần như là một tiêu chí để định giá tài năng mà Nguyễn Trãi là một trường hợp nổi bật. Có một thời gian khá dài người ta ít ưa chuộng cảm hứng này, cho nó là ''đao to búa lớn''. Người ta thích lấy giọt nước nói đại dương và đưa ra nhiều thứ ''chủ nghĩa'' trong văn chương nghệ thuật. Đó là chuyện bình thường vì bản chất của sáng tạo nghệ thuật là đa dạng và phong phú, không chấp nhận một sự độc tôn nào về thủ pháp, phong cách. Tuy nhiên cảm hứng vũ trụ và phong cách cùng những thủ pháp do cảm hứng đó thúc đẩy vẫn tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của trí tuệ con người, vẫn còn là một tiêu chí để định giá sự lớn lao của tài năng. Bởi vì hễ con người còn tồn tại thì nó luôn đối mặt với câu hỏi: ta là ai, từ đâu ra, đến trái đất này để làm gì, và sẽ đi về đâu? Vì vậy mà cảm hứng vũ trụ trong thơ Nguyễn Trãi sẽ không bao giờ cũ. Đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa, bùng nổ thông tin, ngồi một nơi có thể nhìn thấy những chuyện diễn ra trên thế giới thì ta cũng cần đọc lại Nguyễn Trãi để nghĩ về một hướng cảm xúc khác so với cảm xúc về nỗi buồn ở ga xép tỉnh lẻ hay sợ đi tỉnh mà mất ''hương'' trong khi người ta đang chào bán những tua đi... du lịch trong vũ trụ vào thiên niên kỷ thứ ba. Đọc lại Nguyễn Trãi để vững tin hơn vào những tiêu chí đánh giá tài năng, vì phải có cảm hứng lớn để làm nên nghiệp lớn là đánh thắng quân xăm lược và xây dựng đất nước... đàng hoàng, to đẹp... Nếu chỉ có những cảm xúc tủn mủn thì ''bi kịch Lệ chi viên'', dưới nhiều hình thức, không phải là không thể xảy ra cho những ngày hôm nay...

Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top