• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cảm hứng thời đại trong thơ tình yêu thời chống Mỹ

Chị Lan

New member
Cảm hứng thời đại trong thơ tình yêu thời chống Mỹ
Nguyễn Thanh Tú

Ở ngày hôm nay nếu độc giả được đọc những câu thơ như thơ của Tố Hữu viết về tình yêu: Mà nói vậy trái tim anh đó / Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ / Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều / Phần cho thơ và phần để em yêu... người ta sẽ cho ngay đó là thứ thơ chính trị v.v... Nhưng độc giả thời đó đọc nó trong bối cảnh cả xã hội đang hừng hực khí thế nghe lời Đảng gọi quyết tâm đánh giặc cứu nước và xây dựng CNXH thì nó lại thật hay.

Mỗi thời đại đều sản sinh một lớp người đọc tương ứng. Một tác phẩm hay không chỉ nhờ bản thân nó hay mà còn phải là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, như không khí xã hội, tâm thế tiếp nhận của bạn đọc... Những tác phẩm trường tồn mãi cùng thời gian là nhờ nó có sức mạnh vượt lên trên những giá trị nhất thời để vươn tới tầm nhân loại phổ quát. Nói thế không có nghĩa Truyện Kiều là phủ nhận giá trị, như đã từng có ý kiến coi cả giai đoạn thơ thời chống Mỹ đã hết vai trò lịch sử. Không. Thơ thời chống Mỹ sẽ sống mãi cùng thời gian bởi nó như một chứng nhân lịch sử góp phần ghi lại những tháng năm hào hùng nhất, vĩ đại nhất của cả dân tộc ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Tìm hiểu thơ tình yêu thời chống Mỹ chúng tôi thấy nổi lên một đặc điểm rất quan trọng chi phối thi pháp từ lời văn đến ngôn ngữ, giọng điệu, đó là tư duy sử thi, hay nói khác đi là cảm hứng thời đại anh hùng, một thời đại vĩ đại nhất trong lịch sử. Tư duy này thể hiện ở cả cấp độ quan niệm và cấp độ hình tượng, do khuôn khổ bài viết nên chúng tôi chú trọng đi sâu vào cấp độ thứ hai, cấp độ hình tượng.

Nói đến tư duy thơ ca là nói đến tư duy hình tượng. Thơ ca thời chống Mỹ đã sử dụng một hệ thống hình tượng phong phú và độc đáo, phong phú vì nó phản ánh một cuộc sống đầy biến động của thời chiến, độc đáo vì nó mang cảm quan sử thi đậm nét. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những hình tượng mang tính biểu trưng cao mang tầm vóc vũ trụ với tính khái quát lớn.

Trong thơ tình yêu thời này thì biểu hiện trước hết là chất lý tưởng, khác hẳn với thơ tình yêu giai đoạn 1930-1945 là mặt trời, ngọn lửa, biển, sóng, con đường, cây cầu chất cá nhân riêng tư và sau này, ở ngày hôm nay thì thật dồi dào chất sắc dục. Chất lý tưởng trong tình yêu là sự khao khát được cống hiến tuổi trẻ của mình cho cách mạng, đem tình yêu của đôi lứa hoà vào tình yêu quê hương đất nước. Bốn câu thơ của Tố Hữu mà chúng tôi dẫn ra ở đầu bài viết là rất tiêu biểu cho tính lý tưởng trong thơ. Không chỉ có trong thơ Tố Hữu mà còn rất nhiều ở những nhà thơ khác. Chúng ta hãy cùng đọc lại một đoạn thơ trong bài Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ):

Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Hàng cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không ngăn nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đã bừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc


Chia tay để đi xa, hơn nữa để đi ra trận thì tránh sao được những giọt nước mắt. Đấy là một thực tế. Nhưng chia tay mà không hề buồn rầu thảm thương, sầu đau bi lụy vì cả đoạn thơ là giọng nhiệt tình lý tưởng thông qua cách sử dụng hình ảnh với gam màu đỏ chủ đạo: Đỏ rực, than lửa, cháy, rực cháy, nóng bỏng, sáng ngời, bình minh, rạng đông, hồng ngọc. Màu đỏ ở đây không đơn thuần là màu sắc nữa mà là màu của lý tưởng, màu của nhiệt tình cách mạng. Thế cho nên bài thơ khép lại bằng hai câu tưởng như thừa về câu chữ nhưng lại rất hợp lý trong lôgich hình tượng cuộc chia ly màu đỏ:

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly


Chúng ta cùng đọc lại một đoạn thơ thời trung đại trong thi phẩm Chinh phụ ngâm nổi tiếng, cũng là chia ly để ra trận, cũng có nước mắt nhưng sầu bi não nề:

Cùng quay lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai


Cả hai vợ chồng đều khóc, nước mắt giàn giụa nên cùng quay lại nhìn nhau mà chẳng thấy nhau. Giữa họ đã là khoảng cách "mấy ngàn dâu", ngàn dâu vẫn xanh ngắt vô tình đâu có hiểu nỗi lòng kẻ đi người ở đớn đau thế nào.
Cùng một hoàn cảnh nhưng ở hai thời đại khác nhau, tâm thế khác nhau, tính chất ra đi khác nhau nên có cách biểu hiện khác nhau.

Dễ tìm thấy trong thơ tình yêu thời chống Mỹ những hình tượng giàu tính sử thi với hạt nhân bên trong mang ý nghĩa của sự nhiệt tình, thuỷ chung, sắt son tình nghĩa. Đó là hình tượng ngọn lửa trong thơ Xuân Quỳnh: Tình yêu như tháng năm / Mang gió nồng nắng lửa / Anh hãy là đầm sen / Anh hãy là phượng nở (Tháng năm). Đó là hình tượng mặt trời, hoa mặt trời trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Dù bão lớn có làm nghiêng trái đất / Thì mặt trời vẫn mọc giữa lòng ta (Những người yêu ); Nhớ lời anh dặn / Dù gió mưa thét gào / Dịu mềm mà rắn rỏi / Hoa mặt trời vươn cao (Hoa mặt trời)...

Sử thi thiên về ngợi ca, thiên về cái cộng đồng. Tình yêu là cá nhân, là riêng tư. Thơ tình yêu thời chống Mỹ đã kết hợp hài hoà cái cá nhân riêng tư với cái cộng đồng tạo ra một cặp hình tượng đặc sắc chỉ thấy xuất hiện ở thời này, trước đó và sau này không có, cặp hình tượng: Người yêu - đất nước, quê hương:

Anh yêu em như yêu đất nước
Ôi chín năm nhớ thương
(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

Mặt em là quê hương
(Mặt quê hương - Tế Hanh)

Em chính là quê hương ta đó
(Trở về quê nội - Lê Anh Xuân)

Em đứng
Như quê hương
Vai áo bạc
Quàng súng trường
(Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)

...

Tình yêu thời đó hoà vào cái chung, hoà vào quê hương đất nước, thứ tình yêu trong vắt của suối nguồn sử thi, dù yêu nhau tha thiết thế nào, đẹp thế nào thì vẫn cứ ý thức tình yêu của chúng mình nằm trong tình yêu quê hương đất nước. Thậm chí có nhà thơ còn nói cho rõ ra: Đời đẹp thế, đời chiều ta đến thế / Anh yêu đời, càng tha thiết yêu em / Còn có gì tách được nỗi chung riêng (Cảm ơn tình yêu và cuộc sống - Bằng Việt). Ngày nay đọc lại câu khẩu hiệu được căng trang trọng ở các đám cưới thời đánh Mỹ: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" thấy có gì đấy khôi hài nhưng ở ngày ấy thì là một sự nghiêm túc cần thiết. Thế cho nên chúng tôi cho rằng không nên nhìn thơ của ngày hôm qua bằng cái nhìn của ngày hôm nay. Thời thế hôm nay khác, hiện đại và tỉnh táo, với tâm trạng ấy, lý trí ấy khó có thể cảm và hiểu hết chất men say lý tưởng cách mạng ở cái thời "cả nước lên đường". Phải sống lại cuộc sống ở cái thời đó, phải nhập hồn mình vào lý tưởng của cái thời đó may chăng mới nắm được tinh thần thơ ca thời đó. Có như vậy ta mới hiểu lời thơ của Chế Lan Viên viết về tình yêu đắm say và nồng nàn, rất riêng tư nhưng cũng thật lý tưởng, rất chung:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)


Biểu hiện dễ thấy nhất và cũng là đặc trưng của tình yêu là nỗi nhớ: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa như ngồi đống than (ca dao). Trong câu thơ trên Chế Lan Viên đã diễn tả thật hay nỗi nhớ như một thuộc tính của tình yêu qua cách dùng cặp hình tượng không tách rời: đông / rét. Không rét sao có thể gọi là mùa đông cũng như không nỗi nhớ thì sao có tình yêu được. Tình yêu thật đẹp, thật quý "như cánh kiến hoa vàng". Tình yêu luôn đem lại điều mới mẻ với bao hy vọng ước mơ "Như xuân đến chim rừng lông trở biếc". Say đắm và sâu sắc như vậy thế mà vẫn tỉnh táo trí tuệ để có một câu cuối: Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương thấm đẫm tinh thần ý thức công dân cao cả. Cũng cách sử dụng hình ảnh này nhưng ở vào một thời khác, thời hết chiến tranh thì chỉ còn thấy cái riêng mà không hề thấy bóng dáng cái chung: Đứng một ngày đất lạ thành quen / Đứng một đời em đất quen thành lạ (Lời bài hát Đợi - nhạc Huy Thục phỏng thơ Vũ Quần Phương). Lời hát quặn một nỗi đau, xót xa nhức nhối, khi tình yêu còn thì mọi cái lạ cũng thành thân quen, khi tình yêu hết thì mọi cái thân quen cũng thành xa lạ. Đúng là phải đặt tác phẩm vào bối cảnh lịch sử ta mới hiểu sâu hơn cái kết của bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh mà thực ra cắt nó đi thì bài thơ vẫn hay nhưng có nó thì bài thơ mới trọn nghĩa, rõ ra cái chủ đề tình yêu riêng hoà vào tình yêu chung: Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ. Thế mà trong bài lại có những câu thơ cứ mê đi, mụ đi đầy trăn trở và khắc khoải của cái tôi tình yêu tưởng như cả trời đất này mới có một tình yêu sâu sắc da diết như thế: Con sóng dưới lòng sâu / Con sóng trên mặt nước / Ôi con sóng nhớ bờ / Ngày đêm không ngủ được / Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức. Có thể là hơi vội vã nhưng mạnh dạn đưa ra một khái quát này: Thơ tình yêu thời chống Mỹ say mà vẫn tỉnh, khác với thơ tình yêu giai đoạn 1930-1945 chỉ biết say và say, chả cần biết đến có ai, chả sợ phạm huý kiêng kỵ, chỉ biết yêu và yêu: Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực / Hãy trộn nhau đôi mái tóc vắn dài / Những cánh tay hãy quấn riết lấy đôi vai / Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt (Xuân Diệu). Và cũng khác hẳn với thơ tình yêu hôm nay lại có phần tỉnh táo quá.

Quan hệ giữa cặp hình tượng người yêu - quê hương, đất nước trong thơ thời chống Mỹ là quan hệ hoá thân, hoà vào nhau, ở trong nhau. Đất nước hoá thân vào tình yêu hay tình yêu hoá thân vào đất nước thật khó phân biệt:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)


Họ nhắn nhủ nhau cùng nguyện thề gắn bó với đất nước:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)


Đây là những câu thơ của một thời, mang tinh thần của một thời nhưng sẽ sống ở nhiều thời, bởi một lẽ giản đơn con người và tình yêu bao giờ cũng tồn tại trong một không gian đất nước cụ thể. Chẳng một ai không có quê hương. Chẳng một tình yêu nào nở hoa ngoài mặt đất, dù sau này con người có thể lên sao Kim, sao Hoả để tỏ tình thì thì tình yêu cũng đã có từ mặt đất!

Tình yêu muôn vàn sắc thái, dĩ nhiên cặp hình tượng trên cũng có nhiều biến thể khác nhau, có thể chưa tinh tế nhưng phong phú, như người yêu - cuộc đời trong thơ Bằng Việt: Cuộc đời lớn cùng em chung nhịp thở / Vừa bận rộn như em, vừa an ủi như em. Nhất là trong thơ Xuân Quỳnh với người yêu - mái phố: Tôi về trong mái nhỏ / Sau mỗi lần gian nan / Như tìm đến bên anh / Sau nỗi niềm cay đắng (Mái phố); người yêu - tên sông núi: Tên sông núi trở thành tiếng gọi / Như tên anh với em thành nỗi đợi (Viết trên đường 20); tình yêu - miền đất: Miền đất ấy vẹn nguyên trong trí nhớ / Như tình yêu - vĩnh viễn có qua đâu (Miền đất ấy)...

Cổ kim đông tây thơ nào cũng có cảnh, thơ phương Đông thời trung đại còn tả cảnh ngụ tình. Nhìn chung thơ luôn tựa vào cảnh, có khi bay trong vũ trụ cảm xúc bằng đôi cánh cảnh vật để hướng về chân trời cái đẹp. Nằm trong đặc điểm chung của thể loại nhưng thơ tình yêu thời chống Mỹ chịu sự quy định của tư duy sử thi nên tư duy về hình tượng thiên nhiên có khác. Nó không tả mà chỉ mượn thiên nhiên làm phương tiện biểu đạt để chở nghĩa của biểu tượng. Bằng chứng là thiên nhiên xuất hiện không nhiều. Cũng dễ lý giải: Chiến tranh! Chiến tranh tàn phá thiên nhiên, huỷ diệt thiên nhiên. Chiến tranh rút ngắn thời gian vật lý hạn chế tầm nhìn của nhà thơ hướng ra ngoài không gian ngoại cảnh... Trường hợp thiên nhiên là thiên nhiên thật hiếm hoi: Trời lên màu trời / Cây khác màu cây / Nhưng đây phút giây / Nắng lên đầy chiều / Một điều không khác là lòng anh yêu (Vẽ - Vũ Quần Phương); Và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn / Có thể nào xui tôi không nhớ em (Một chút thầm thì trong tình yêu Hà Nội - Bằng Việt)... Phần lớn hình tượng thiên nhiên được dùng như một ẩn dụ của, hoặc so sánh với tình yêu, người yêu. Đó là bầu trời: Anh trở về , trời xanh của riêng em (Xuân Quỳnh); Một màu trời kỳ lạ / Sáng lên từ hai ta và Em - màu trong suốt của trời xanh trên phố thợ hay Em như đường chân trời mỗi buổi nắng lên (Bằng Việt)... Đó là mùa xuân: Qua bao ngày lửa đạn / Đất về với mùa xuân / Như em về với anh / Qua những ngày sóng gió (Xuân Quỳnh); Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất (Bằng Việt); Đất như cô gái yêu / Giấu bao điều chưa nói / Bỗng nhú những mầm non / Khi nghe mùa xuân gọi (Lâm Thị Mỹ Dạ)... Đó là sóng,biển, gió, mưa: Biển hay tình em đó / Gọi lòng anh bay xa (Xuân Quỳnh); Em cũng giống như cơn mưa, như trận gió lúc sang hè / Làm thức tỉnh hồn tôi nhiều biến động; Tình yêu như cánh gió không bờ; Em đã đến như một mùa gió lộng (Bằng Việt); Chúng mình như sông vì bãi bờ mà bồi đắp... / Phóng khoáng như gió trời (Phan Thị Thanh Nhàn) Tình em như hương cau / Phải anh là ngọn gió (Lâm Thị Mỹ Dạ)...

Xét vào bên trong của cấu trúc hình tượng, ta cũng dễ thấy có một đặc điểm bất biến, vĩnh hằng, không thay đổi. Thời đó là thời của lý tưởng, của niềm tin, "người với người sống để yêu nhau", trong tình yêu lại càng thế: Nốt ruồi nhỏ bên môi em vẫn thế / Mà một thời giông bão đi qua (Rung động buổi chiều - Bằng Việt). Niềm tin là cơ sở của tình yêu, tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh là thách thức lớn nhất: Bao năm rồi đánh Mỹ / Lòng tin vẫn y nguyên / Đạn bom không xoá được / Nét mùa xuân hồn nhiên (Tiếng mùa xuân - Lâm Thị Mỹ Dạ). Một trong những lý giải có sức thuyết phục về nguyên nhân thắng Mỹ là con người Việt Nam rất giàu niềm tin. Có niềm tin là có tất cả. Điều ấy thể hiện rõ trong thơ: Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất / Nhưng thuỷ chung như một sắc mai già / Đôi mắt mở to, dịu dàng thấm mát / Sau rất nhiều gian khổ đi qua (Tình yêu và báo động - Bằng Việt).

Thời nào cũng thế, đời nào cũng thế, tình yêu luôn đi liền với sự băn khoăn. Vì tình yêu là quý nhất, giá trị nhất, thiêng liêng nhất. Mà tình yêu là để gửi trao, để cho, để nhận. Không băn khoăn sao được, chẳng may trao nhầm, nhận nhầm... Vì thế mà trong ca dao tình yêu (chắc nơi nào cũng thế, không cứ của người Việt) có rất nhiều nỗi sợ, sợ cái hữu hình, sợ cả cái vô hình. Một đặc sản của riêng thơ tình yêu thời chống Mỹ là sự băn khoăn ấy luôn nằm trong phạm trù đạo lý. Nói là đặc sản vì ở giai đoạn trước đó, thời 1930-1945 trong thơ tình yêu cứ gạt phăng cái đạo lý để hăm hở tiến đến cái cảm giác nhục thể, và sau này, nhất là sau 1986 thì có những cái tôi tình yêu cứ nhảy cóc qua hàng rào đạo lý vội vội vàng vàng lao tới cái đích cần đến. Chuyện đạo lý là chuyện tốt xấu, hay dở. Tiêu chuẩn chọn người yêu của nam nữ thời ấy là bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong... bởi dư luận xã hội đã mặc nhiên coi đó là những người tốt. Điều băn khoăn của cô gái trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là mối băn khoăn của trăm ngàn cô gái ngoài đời: Trời anh mênh mông / Mây em bay lượn / Gió anh bao la / Cây em ve vuốt / Đất anh thẳm sâu / Lúa em cúi đầu / Nhưng sao vẫn hỏi / Day dứt trong lòng / Anh có tốt không (Anh có tốt không). Và khi đã yêu nhau rồi thì mong muốn về nhau cũng là làm "người tốt lành" (không như bây giờ phải là người giỏi, người giàu...): Hãy chỉ cho em cái kém / Để em nên người tốt lành / Hãy chỉ cho em cái xấu / Để em chăm chút đời anh / Anh ơi anh có biết không / Vì anh em buồn biết mấy / Tình yêu khắt khe thế đấy / Anh ơi anh đừng khen em (Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ).

Có một đặc điểm thú vị nữa là nhân vật trữ tình trong thơ tình yêu thời chống Mỹ thường rất ít lời, khác với tình yêu trong thơ lãng mạn 1930-1945 là rất nhiều lời "phải nói, phải nói và phải nói" (Xuân Diệu). Có thể lý giải thế này chăng: Tình yêu thời đó là tình yêu lý tưởng, trong sáng tuyệt đối, hoà hợp tuyệt đối... nên không cần nhiều lời, và có nói cũng không diễn tả hết cái tuyệt đối ấy, chỉ cần nhìn nhau và... im lặng: Họ ngồi im không biết nói năng chi / Mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi / Nào ai đã một lần dám nói / Hương bưởi thơm cho lòng bối rối (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn). Không chỉ hôm nay im lặng mà ngày mai gặp gỡ cũng vẫn muốn như thế: Khi trở về anh hãy nắm tay em / Ta im lặng đi dọc hè nắng trải (Từ Khâm Thiên - Phan Thị Thanh Nhàn).

Thơ tình yêu thời chống Mỹ sẽ sống mãi cùng lịch sử vì giá trị tự thân của nó và cả với tư cách chứng nhân lịch sử.

TC Nhà Văn VN​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top