CÁI TÔI VŨ BẰNG TRONG HỒI KÝ “BỐN MƯƠI NĂM NÓI LÁO”
VŨ XUÂN TRIỆU
“Bốn mươi năm nói láo”, một thiên tự truyện và hồi kể của Vũ Bằng về một giai thoại đáng nhớ của lịch sử văn học và báo chí nước ta đầu thế kỉ XX. Trong hồi kí này, Vũ Bằng đã viết rất thành thực, chẳng những xuất phát từ góc độ của một nhà văn, nhà báo mà còn là độc giả. Những điều mà ông viết ra, chúng tôi tin rằng nó cần thiết cho lịch sử báo chí nước nhà và những ai muốn sống đời kí giả. Cuốn hồi kí “Bốn mươi năm nói láo” đã nói lên tất cả mọi khía cạnh đặc thù của cuộc đời những người cầm bút, trong đó Vũ Bằng đã kí thác tâm sự mình, kí thác “nghiệp chướng” mình một cách đầy đủ và tinh tế.
***
1. Vũ Bằng và cái tôi thành thật
Nghề “nói láo” là một tiếng thông dụng chỉ những người viết báo có tính châm biếm. Nhưng nghề nghiệp nào thì cũng có vinh và nhục, có bề mặt và bề trong. Suốt mấy chục năm cầm bút, trải qua nhiều thời kì lịch sử từ Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt Minh, rồi chính quyền Bảo Đại, chính phủ Ngô Đình Diệm, rồi thời kì sau đảo chính ngày 1/11/1936 ở miền Nam, một hành trình rất dài ấy được thể hiện với những biến cố, những nhân vật mà sự phác hoạ nhiều khi đơn giản nhưng cũng đa dạng vì sự phức tạp của sự kiện.
Sau những lời tự bạch và hồi kể của Vũ Bằng, người đọc hình dung được một bức tranh khá sống động về hoạt động báo chí của nước ta hồi đó. Cái tôi của ông mịn màng giữa bao nhiêu khuôn hình khác. Ông thuật lại chuyện mình, chuyện bạn bè đồng nghiệp suốt đời làm báo thuê cho các nhà tư sản. Bên cạnh đó, những mặt trái, những chuyện tiêu cực, những chuyện làm tiền, những thế lực để tạo ra những cơ quan ngôn luận và những kí giả phục vụ cho những mưu đồ chính trị cũng được nhà văn thuật lại rõ ràng như nó mới diễn ra ngày hôm qua.
Vũ Bằng viết rất thực, ông không giấu diếm kể về cái ngày xưa lao vào hút sách chơi bời, hút quên chết, hút tối ngày: “Tôi hút. Tôi uống rượu và tôi chơi đĩ bợm”... Cái con người dấn mình vào các cuộc chơi và hưởng thụ ấy, con người chưa có gan đặt cả hai chân vào đời sống kháng chiến gian khổ của nhân dân, lại là người làm việc không cùng cho nghề báo.
Vũ Bằng đã hồi kể rất cụ thể và sinh động về mỗi ngành của báo chí, từ Báo tếu sang Báo đấu tranh, đến Báo xây dựng rồi Báo hại; cũng như cuộc đời bốn mươi năm làm báo của chính ông (từ khi có duyên với báo chí, rồi hành trình từ Trung Bắc vào Nam, từ toà báo này đến toà báo khác. Đặc biệt là quãng đời ông làm báo lưu động ở khu Ba. “Sống cả một kiếp người ở nội thành, ông thừa nhận không thể có những phút giây thương thương như thế”. Đó là phút giây lần đầu tiên Vũ Bằng cảm nhận được tấm lòng của nhân dân hậu phương kháng chiến.
Qua ngòi bút của mình, Vũ Bằng đã khắc họa nên một bức tranh vừa cụ thể vừa bao quát được toàn cảnh văn học và báo chí Việt Nam thời kì sôi động nhất. Tất cả như đang hiện ra trước mắt chúng ta. Đồng thời với những gì đã trải nghiệm trong cuộc đời của mình, ở phần phần 5 của cuốn sách có tên: “Báo là gì?”, Vũ Bằng đã nghiêm cẩn trình bày quan niệm của mình về nghề làm báo: “(…) người ta nói làm báo là nói láo ăn tiền, mặc họ; nhưng người làm báo chân chính không thế và không bao giờ quan niệm nghề nghiệp của mình như vậy. (…) báo chí là một bộ môn văn hoá phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ, cho một chế độ xã hội”; “(…) báo chí luôn luôn có tính năng tranh đấu và xây dựng” [1, tr.362] Với quan điểm đúng đắn đó, Vũ Bằng đã nhập cuộc một cách say mê và dành tất cả cuộc đời, tâm huyết cho nghề báo: “Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ. Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo”. [1, tr.389]
Có thể nói qua tác phẩm, chúng ta thấy được ngay từ những ngày đầu làm báo, Vũ Bằng đã ý thức rõ ràng về nghề - nghiệp của mình. Đọc những dòng hồi ức của ông, chúng ta thấy đó đều là những lời gan ruột của một nhà báo đầy tâm lực muốn đóng góp cho sự phát triển của báo chí nước nhà, để báo chí thật sự trở thành “quyền lực thứ tư trong xã hội”: “Mục đích của tôi là thuật lại thật đúng các giai đoạn làm báo nói láo ăn tiền của tôi để nhân đó may ra các bạn có nhận thấy diễn tiến của nghề báo nước ta như thế nào…”.
Ẩn sau con chữ hiện lên trước mặt chúng ta là một tình yêu nghề nghiệp sâu nặng của Vũ Bằng, những lời nhắn nhủ chân thành của ông đến những người làm báo trẻ trong tương lai. Đó cũng chính là lý do khiến cho cuốn sách trở nên cảm động và có ý nghĩa với những người cầm bút.
2. Vũ Bằng và cái tôi đầy dũng khí
Với chức phận của người cầm bút, Vũ Bằng luôn thẳng thắn tỏ bày quan điểm của mình về vai trò của báo chí, cách viết báo… Bên cạnh đó ông cũng luôn luôn tỏ rõ dũng khí của mình một cách khiêm nhường và kín đáo. Từ thời Pháp cai quản Hà Nội đến thời hoạt động ở Sài Gòn, Vũ Bằng không bao giờ “bẻ cong ngòi bút”. Ông “đứng về phe nước mắt” nói lên bao nỗi oan khiên của những người lao động trong thế giới cần lao. Cuốn sách có hồi kể thời Pháp thuộc, một lần ông chạm trán trực tiếp với một nhân vật có uy quyền với giới làm văn làm báo đất Hà Thành. Và ông đã thẳng thắn bày tỏ thái độ của mình một cách cương quyết.
“Một hôm, tổng giám đốc người Mỹ - Gregory ở Sài Gòn ra Hà Nội, mời tôi sang phòng thông tin nói chuyện, có Metcaffe và Donell cùng dự thính. Sau một tiếng đồng hồ nói chuyện về văn hoá văn nghệ, tâm lý của quảng đại quần chúng Việt Nam, Gregory đưa ra một đề nghị: dịch một ít sách vui của Mỹ cho dân chúng đọc. Ông hỏi tôi đã đọc cuốn “L‘Oeuf et Moi” chưa, tôi gật đầu. Ông nhờ tôi dịch. Tôi nói:
- Tôi không dịch.
Gregory trợn tròn con mắt, hỏi: Sao lại không dịch?
- Là vì thế này: Người Việt Nam cười khác người Mỹ. Tôi không biết người Mỹ xem cuốn “L’Oerf et Moi” thì cười ra sao, chớ tôi dám chắc rằng, nếu dịch cuốn sách ấy ra thì người Việt Nam không thể nào cười được, dù có cù vào nách họ. Gregory lại tròn mắt lên: Sao lại không cười? Thấy “tác phong Mỹ” của Gregory lúc ấy hiện ra rõ rệt, tôi muốn sửng cồ lên ngay, nhưng cố nén lòng, trả lời một cách châm biếm nhưng lễ độ:
- Thưa ông Gregory, người Việt Nam không cười là vì họ không buồn cười. Thế thôi, và… hết! Ông mời tôi đến đây là để nhờ tôi dịch sách, chớ không phải tôi đến xin ông việc, hay để ông chất vấn tôi. Chào ông!”. [1, tr.235]
Dũng khí người cầm bút của Vũ Bằng không chỉ tỏ bày trên các trang báo mà còn bộc lộ không khoan nhượng trong những cuộc “đụng đầu” như thế. Với người Mỹ, người Pháp, người Nhật, ngay cả với những nhân vật trong hệ thống kiểm duyệt của chế độ Sài Gòn trước kia. Vũ Bằng đã vạch trần bộ mặt thực dân, qua đó khẳng định nghề làm báo không phải là “nghề nói láo ăn tiền”, “báo chí không phải là một thú chơi vô hại, một trò giải trí rẻ tiền, (…) báo chí là một cái gì cao cả hơn thế, có một lợi ích bao quát hơn hết cả, mà lại có tính cách đấu tranh đại quy mô tuyệt vời…”. [1, tr.361]
Suốt mấy chục năm làm báo, va chạm với biết bao nhiêu là chuyện bất như ý, cũng như trải qua bao nhiêu lần lên voi xuống chó, và mặc dù người mẹ hiền của ông đã khuyên can ông đừng chọn lựa một cái nghề mà cái “nghiệp” quá nặng, bởi bà đã là người in sách, bán sách và có rất nhiều kinh nghiệm với những người có liên quan đến nghề bạc bẽo ấy. Nhưng ông vẫn kết luận câu chuyện của mình bằng thái độ vẫn cho sự lựa chọn của mình là đúng:
“... Gửi cả một cuộc đời cho nghề báo, rút nhiều kinh nghiệm đau thương hơn là xứng ý, tôi cũng có lúc tự mình lại phỏng vấn mình đã đóng góp gì cho lịch sử văn hóa dân tộc, đã làm được việc gì cho báo chí, và hiện còn băn khoăn hoài vọng những gì về nghề nghiệp.
Không. Tôi không bao giờ đáp lại những câu hỏi phiền phức đó. Nhưng tôi biết rằng nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu.
Người mẹ nào sinh con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người con cứ lại xin làm báo!!”. [1, tr.389]
Đọc những lời gan ruột của một nhà báo đầy “tâm lực” chiêm nghiệm về nghề báo khiến chúng ta không ít những suy nghĩ. Với Bốn mươi năm nói láo Vũ Bằng đã truyền cho độc giả yêu báo, say báo và quý trọng nghề báo. Trong trang viết của mình, ông đã sống rất thật với lòng và thẳng thắn bày tỏ những điều mình nghĩ, kể cả những điều tâm huyết, góp phần làm nên giá trị cho cuốn hồi kí mang một hơi thở rất riêng Vũ Bằng.
3. Vũ Bằng và cái tôi hóm hỉnh
Nếu như Bốn mươi năm nói láo chỉ đơn giản là cuốn hồi ký về con đường làm báo của nhà văn Vũ Bằng, chỉ có đơn độc những sự kiện liên quan đến Vũ Bằng: nào là Vũ Bằng đã làm ở những tờ báo nào, đã viết những bài báo để đời nào, tiếng tăm ra sao một cách đơn thuần không thôi thì chắc nó sẽ chẳng được ai mó tới hoặc cùng lắm là để người ta đọc một lần tham khảo rồi thôi. Cuốn hồi ký đã thu nạp trong đó bao nhiêu câu chuyện lâm ly, kỳ thú về một thời sôi động của báo chí Việt Nam hàng chục năm nửa đầu thế kỷ XX, về những cây bút, những nhà trí thức nổi danh. Thế nên mỗi lần đọc tác phẩm là một lần ta khám phá, chúng ta biết thêm nhiều người đáng biết mà ta chưa biết, yêu mến thêm nhiều người đã biết mà chưa hiểu hết. Họ hoặc đã chết đi, hoặc còn sống nhưng những nhân vật ấy lần lượt xuất hiện qua ngòi bút của nhà văn, mỗi người hiến cho độc giả một vài mẩu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ.
Thật thế, nếu không có Bốn mươi năm nói láo ai có thể biết được Vũ Trọng Phụng viết Giông tố và Số đỏ theo kiểu “ăn xổi”: “… Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho “Hà Nội Báo” - tiểu thuyết “Giông tố” bắt đầu viết từng kỳ trên báo này - Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước “Giông tố” đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc “Giông tố” hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm “Hà Nội Báo” để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống” [1, tr.108]. Không đọc Bốn mươi năm nói láo, sao ai có thể biết một người nổi tiếng uyên thâm, sắc sảo như Ngô Tất Tố lại tin lời Vũ Bằng thành tâm học thuộc làu mấy từ “tiếng Pháp” do ông dạy: “đanh đông” là cái đỉnh đồng, “lơsơvơ” là anh sợ vợ, “laboratoire” là Lã Bố ra tòa... để thiếu chút nữa thì có thể uất đến thổ ra máu như Chu Công Cẩn…
Bằng vài nét tiêu biểu, từ sự thông hiểu cũng như quen biết, những nhân dáng ấy có sự chân thật, tuy đôi lúc có chút suồng sã, bông đùa… nhưng với Bốn mươi năm nói láo, chân dung của những người cầm bút, đồng nghiệp của Vũ Bằng được hình thành với tất cả những nét đặc thù: Hoàng Tích Chu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tychia Đái Đức Tuấn, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Đào Trinh Nhất, Tô Hoài, ... toàn là những tên tuổi của một thời văn học. Những nét chấm phá thật sinh động, là sự thực của đời thường, nên có sức lôi cuốn và những chi tiết sống thực ấy làm cho người đọc hiểu rõ ràng hơn về trường hợp sáng tác cũng như những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm…
Ngôn ngữ trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo cũng thể hiện tính trào lộng. Tính trào lộng được thể hiện ngay trong tiêu đề của tác phẩm. Tính tự trào, hài hước trong tác phẩm còn được Vũ Bằng thể hiện qua cách sử dụng câu chữ một cách khéo léo theo kiểu chơi chữ tạo cho người đọc những ấn tượng và bị thu hút.
***
Qua hơn ba trăm trang hồi kể của mình, Vũ Bằng đã phần nào đó góp sức mình vào việc phác họa lại diện mạo về sự phát triển với những thăng trầm của nền báo chí Việt Nam cũng như những câu chuyện đàng sau những trang báo, bài báo mà người đọc cầm trên tay một cách khá đầy đủ. Có thể nói toàn bộ áng văn xuôi này là tâm tình của tác giả với bạn đọc và những tâm tình ấy được giãi bày trong sự tha thiết đến chới với, muốn nói thật nhanh, muốn nói ra bằng được những điều bấy lâu dồn ép, và lấy việc được bộc lộ tình cảm, thái độ của mình trước những gì đã qua làm sung sướng. Với tác phẩm chúng ta cũng thấy được con người Vũ Bằng hiện lên khá đầy đủ với nhiều nét tính cách. Đó là một con người đầy dũng khí, có niềm tin và theo đuổi đến cùng con đường sự nghiệp, lý tưởng mà mình đã chọn, đồng thời ông cũng là người đầy chất hài hước và hóm hỉnh. Chính những nét riêng ấy đã góp phần làm nên chất văn độc đáo của Vũ Bằng.
---------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vũ Bằng (2001), Bốn mươi năm nói láo, Nxb Văn hóa thông tin, H.
[2] Vũ Xuân Triệu (2009), "Nét đặc sắc trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng", Tạp chí Non Nước, số 148, 7/2009, tr. 63 – 69.
[3] Triệu Xuân (biên soạn) (2006), Vũ Bằng toà tập, Nxb Văn học, H.