• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cái tôi của Huy Cận qua Tràng Giang, cái tôi của Phan Bội Châu qua Lưu Biệt Khi Xuất Dương?

  • Thread starter Thread starter baowin1
  • Ngày gửi Ngày gửi

baowin1

New member
Xu
0
Cái tôi của Huy Cận wa bài Tràng Giang
Cái tôi cua Phan Bội Châu wa bài Lưu Biệt Khi Xuất Dương

Anh chị ơi. Giup dùm em mấy câu ôn thi HKII với. Em cần gấp.

Thank!
 
Cái tôi Huy Cận qua bài thơ "Tràng giang"

Nỗi buồn của nơi quán chật đèo cao, của sông dài trời rộng, nỗi buồn của đêm mưa cô đơn hiu hắt, trong niềm nhớ thương trải ra cùng với những hồn thơ hoang mang, nặng trĩu một nỗi sầu cho suốt một thời kì rất buồn và cũng rất xôn xao. Với Huy Cận, những nỗi buồn ấy như triền miên, day dứt hơn bao giờ hết khi tiếng của điệu hồn thiên cổ cất lên, làm cho mạch sâu ngàn năm chợt da diết, chơi vơi.

Đã có một thời kì, thơ Việt Nam ” buồn và xôn xao đến thế”. Đó là thời kì những năm đầu thế kỉ hai mươi, khi bộ mặt thật của “tự do, bình đẳng, bác ái” lộ rõ trước hiện thực, có những con người hoang mang, mất phương hướng và tưởng chừng như chỉ biết lẩn quẩn trong vòng bế tắc. Nhưng không, họ đã đứng lên, ngạo nghễ khẳng định tâm tư, suy nghĩ của mình, dẫu đôi khi yếu đuối rầu rĩ. Những gương mặt với phong cách độc đáo lần lượt xuất hiện. Những hồn thơ tình, thơ điên…có khi xôn xao, khi cuồn cuộn, khi dữ dội bão táp. Nhưng tất cả chỉ nằm trong một chữ tôi bơ vơ, sâu vô cùng tận. Và trong chiều sâu ấy, Huy Cận đã cùng chúng ta nếm trải và ảo não qua thời gian. Nhà thơ không say đắm tình yêu, không vội vàng tận hưởng cuộc sống như Xuân Diệu, cũng không điên cuồng đau thương chất ngất như Hàn Mặc Tử mà cũng chẳng “nhà quê” như Nguyễn Bính…nỗi buồn “mang mang thiên cổ sầu” như ngọn lửa âm ỉ cháy cho những rung động với quê hương, với con người và với cuộc đời. Và độc đáo hơn, ngay trong cách lựa chọn và cách thể hiện của Huy Cận cũng mang một nét riêng biệt, một tâm hồn lúc nào cũng trải ra, sẵn sàng “bâng khuâng” với trời rộng, và sông dài, với nỗi sầu thân thế, nhân thế bao quanh. Và “Tràng Giang” cũng là một trong những chuỗi cảm hứng cho nỗi buồn triền miên, bất tận. Cả bài thơ là sự kết hợp giữa chất cổ điển Đường thi trong cảnh vật và chất hiện đại trong sư cảm nhận của thi sĩ làm bật lên một cái tôi giữa dòng đời - cái tôi Huy Cận, hoàn toàn riêng biệt.

Được gợi tứ từ vẻ đẹp nên thơ của con sông Hồng, những câu thơ của Tràng Giang mang theo ngọn sóng ấy, lăn tăn chảy mãi, bất tận. Đó là sóng của con sông dài hun hút chảy đến cuối trời hay là con sóng trong lòng đang gợi lên, vời vợi, mênh mang? Ấn tượng của những câu thơ đầu là một không gian tràng giang sóng nước:

“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Một không gian mở ra đậm chất Đường Thi. Đó là sự tập trung cao độ của cái rộng lớn mênh mông, cái tĩnh lặng lan tỏa trong công gian vô tận. Cũng là ngọn sóng theo dòng nước trôi về, nhưng ngọn sóng Tràng Giang không hề cuồn cuộn, dữ dội hay lăn tăn, mà lại là “điệp điệp”. Phải chăng đó là cái “điệp điệp” từ trong lòng người trĩu nặng ra cảnh? Không gian sóng nước chợt rợn ngợp, vô cùng hơn khi hình ảnh con thuyền đơn độc, lẻ loi xuất hiện. Chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh trôi dạt theo dòng chảy chẳng biết đi đâu về đâu. Nhưng cô đơn, quạnh quẽ hơn khi thuyền và nước lại di chuyển trái chiều nhau ” thuyền về nước lại”. Giữa không gian ấy, hình ảnh con thuyền nổi nênh cùng “mái nước song song”, làm đậm thêm cho cái mênh mông vô cùng tận của không gian, cái nhỏ bé hữu hạn của con người trong dòng đời ngược xuôi cũng như gợi lên nỗi sầu trăm ngả. Sầu vô cùng, sầu tứ phía, ngàn mây. Thấp thoáng trong những hình ảnh ấy là bòng dáng của Đường Thi gợi lên cái hồn buồn Đông Á từ lâu vẫn ngấm ngầm trong cõi đất Việt trĩu nặng.
“Sóng”, “thuyền” làm nên nỗi sầu trăm ngả. Nhưng “củi một cành khô” lại làm nên một cảm giác chênh chao theo cuộc đời heo hút. Hình ảnh “củi” đã nhỏ bé, đã mong manh, nhưng “củi một cành khô” lại càng nhỏ bé, càng mong manh đến tưởng chừng như mất hút trong những con sóng nối tiếp nhau tạo nên cảm giác lạc lõng, bâng khuâng. Sự lẻ loi buồn tủi đến bây giờ mới lên đỉnh điểm. Đẹp nhưng buồn và cô đơn, bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ là minh chứng rõ nét cho một cái tôi trữ tình mang theo nhiều trăn trở, cái tôi muốn vượt ra vòng lẩn quẩn u tối nhưng lại bị nỗi sầu thời cuộc đè nặng khiến cho bơ vơ, lạc lõng.

Nếu như bức tranh thiên nhiên ở khổ thơ đầu mênh mông, điệp điệp thì khổ thơ thứ hai, nỗi buồn ấy chợt sâu lắng, lặng lẽ nhiều hơn:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Không gian vốn rộng nay càng rộng thêm ra. Vẻ đẹp của bờ bãi mở ra hút tầm mắt bên cạnh những cồn cát nhấp nhô, vô tận. Tiếng lòng “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” chút hoài niệm về tiếng chợ quê ấm áp, âm vang. Những cồn cát “lơ thơ” rời rạc, những tiếng “đìu hiu” gợi về không gian xa vắng mênh mông mang theo cái lạnh rùng mình, cái hoang mang cho nỗi niềm cô đơn. Nhưng tiếng chợ chiều giờ đây chỉ là những tiếng ồn ã không đầy đủ vọng về từ xa xăm, không đủ sức làm cho cái tĩnh lặng của không gian tan biến. Và ánh nhìn của nhà thơ bắt gặp cái nhìn của buổi chiều:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Vẻ đẹp thiên nhiên với đầy đủ chiều kích, màu sắc hiện lên rõ ràng. “Nắng xuống” – “trời lên” – hai hình ảnh vận động trái ngược nhau làm cho không gian thêm được chiều sâu. Cái nắng thãm cuối ngày mang theo một nỗi buồn hoài cổ, nỗi buồn sâu lắng trước cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng. Cảm xúc cứ lướt nhẹ nhàng, để rồi đọng lại trong hình ảnh “bến cô liêu” của sông dài trời rông. Ta tự hỏi tại sao tác giả không dùng bất kì từ nào khác để diễn tả bến bờ mà lại là “bến cô liêu”? Bởi chỉ có “cô liêu” mới đủ sức lột tả hết được những gì hoang vắng , lạnh lẽo, trống trải, cô đơn trong hồn người.

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Nỗi buồn vì tiếng chợ chiều đã vãn, không gian dường như chỉ thêm cô độc hơn khi chẳng có một dấu hiệu nào báo hiệu cho sự sống. Hoàn toàn tĩnh lặng, những cánh bèo nối liền nhau trong tâm tưởng “đi đâu về đâu” được sắp đặt khéo léo như ý niệm về thân phận “bèo dạt mây trôi” của kiếp người. Đằng au đó là nỗi băn khoăn trăn trở của cả một lớp người bế tắc. “Hàng nối hàng” là sự đặc tả về mật độ nhưng đồng thời đó cũng là cảm giác miên man dằng dặc . Hai câu thơ tiếp theo là sự vô vọng tìm về phía ánh sáng. Không một chuyến đò cũng không một chiếc cầu, chẳng còn mối dây liên hệ, cũng chẳng còn niềm thân mật nào bám víu vào tâm hồn cũng như cảnh vật. Đến lúc này, những gam màu mới đậm thêm, tô rõ cho buổi chiều tà những gam màu buồn lặng lẽ. Khoảnh khắc ánh xanh của bờ bãi và nét vàng phôi pha xuất hiện như chính là lúc con người chìm đắm trong nỗi buồn thăm thẳm vô bờ.

Khép lại bài thơ là một khổ thơ tập trung những nét thiên nhiên và nét tâm tình con người. Ở đó là cả một nỗi buồn thân thế mênh mông vô cùng:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Ánh hoàng hôn hắt lên trong những đám mây dày đặc tạo nên một màu bạc tráng lệ, hùng vĩ. Những lớp mây chất chồng lên nhau như một sự ngưng đọng, sự ngập đầy dần của nỗi niềm con người. Cánh chim bơ vơ càng thể hiện nỗi thấm thía, cô đơn và sự lạc lõng, bé nhỏ của mình. Cánh chim chở bao nhiêu khát vọng muốn vượt lên trên nhưng dường như trước bóng chiều nặng trĩu, u tịch, cánh chim ấy không thể kéo nổi sức nặng bầu trời và dần mất đà, “sa” nhanh theo bóng chiều. Cảm giác chênh chao một lần nữa xuất hiện gợi lên biết bao nhiêu cảm xúc mới khác nhau để rồi nổi bật lên trong nỗi sầu là tình yêu quê hương da diết khôn nguôi:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Đến đây, dòng tràng giang của đất trời đã hòa nhịp vào dòng “tràng giang” của lòng người. Nhịp chảy vẫn cứ vô tình nối tiếp đều nhau thêm triền miên, bất tận. Hai chữ “dợn dợn” thật đắt, vừa là dợn dợn trong tâm cảnh và cũng vừa là dợn dợn trong tâm hồn. Tràng Giang là một trong những tứ thơ hay và sâu lắng nhất thể hiện cái tôi trữ tình của Huy Cận, cái tôi buồn sầu trăm ngả, sẵn sàng nôn nao trước cảnh vật, chỉ chực chờ trào ra nơi đầu ngọn bút:

“Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”
(Buồn đêm mưa)

Một nỗi cô đơn quạnh quẽ đọng trong không gian thấm đẫm mưa lạnh. Cảnh vật sầu một nỗi đơn sơ, hoang vắng nhưng cũng chính là nỗi sầu từ trong chính tâm can tỏa ra ngoài. Ở câu thơ thứ hai, tác giả sử dụng hai từ ngữ cùng trường nghĩa “lạnh” – ” hàn”, sự lặp lại không hề vô tâm, vô tình mà là một sự lặp lại một cách có chủ đích như để nhắc nhớ, để làm đậm thêm cái lạnh lẽo, cô quạnh trong không gian cũng như trong lòng. Một nỗi bao la bao trùm lấy con người. Mưa đã buồn, lòng người còn buồn hơn. Sầu não, muộn phiền đến tê tái, những giọt sầu cứ thế mà rơi rớt, mà “nằng nặng”, “buồn buồn”. Ta có cảm giác như không gian đang trĩu xuống, đọng một nỗi niềm thời gian.

Một nỗi buồn thấm thía, một nỗi buồn không hề bất chợt mà xuyên suốt trong cả thời kỳ sáng tác của Huy Cận mang theo cả nỗi ám ảnh của sông dài trời rộng, quán chật đèo cao:

“Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang..
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
(Đẹp xưa)

Không gian lưng chừng đèo mở ra cái vô cùng tận của vũ trụ, thời gian. Những cảnh vật ở đây sao heo hút, bâng khuâng, lòng người sao ngập ngừng buồn tủi. Mưa gió cứ vô tình lướt ngang, trời mây vẫn cứ vô tình trôi đâu hay trong tâm hồn con người đang chợt dâng lên nỗi sầu chất ngất. Những tâm tư đóng kín lại, chỉ còn nỗi giá lạnh băn khoăn chực chờ trong tâm hồn Huy Cận, chỉ muốn quên và buồn riêng mình mà thôi.

Nhưng cũng không hẳn vì thế mà cái hồn nao nao của Huy Cận chỉ nặng sầu cô đơn. Vẫn còn đó những ước vọng, khát khao về một tình yêu trong sáng, về một mối giao cảm thiết tha, dẫu mỏng manh thầm lặng:

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong.
Hôm xưa em đến mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đên,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”
(Áo trắng)

Một hình ảnh trong sáng, thánh thiện bừng lên giữa không gian thời cuộc u tối, vô tình. Một giấc mộng giản đơn, mong manh đi tìm tấm lòng đồng cảm với tình yêu, tình người. Nét bừng sáng của tà áo tinh khôi như làm nhạc điệu của nỗi sầu thiên cổ chợt lạc đi, để rung động cho một tình cảm sâu kín. Bước chân e thẹn kia chợt làm cho không gian u tối bao quanh tâm hồn nhà thơ chợt bừng sáng, ấm áp. Chàng Huy Cận say sưa viết, say sưa kiếm tìm cho một tình cảm chan chứa, nồng nàn. Nhưng cuộc đời tréo ngoe, những tâm tư chợt quay lưng lại giữa tiếng gọi thiết tha, tiếng than thở khóc thương cho mối tình nhân thế:

“Đời tàn rơi cùng sao rụng canh thâu
Và trăng lu xế nửa mái tình sầu,
Gió than thở biết mấy lời van vỉ?”
(Tình tự)

Niềm giao cảm đã mất, tình yêu không bền, chết đi trong tiếng thở dài của cô đơn, trong sự lạnh lùng vô cảm của cuộc đời, để rồi khúc nhạc sầu có lúc ngỡ như dịu đi chợt bùng lên, réo rắt sầu thương:

“Ai chết đó? Nhạc sầu chi lắm thế!
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường”
(Nhạc sầu)

Câu hỏi cất lên như vô tình, như muốn quên đi tiếng lòng mình đang buồn thương đến thắt nghẹn. Lời tự vấn cho nỗi niềm riêng tư hay là tự vấn chính cuộc đời bạc bẽo?Tình riêng chẳng bền lâu, tình người chẳng còn là nơi để bám víu, những khúc nhạc sầu từ cõi lòng cứ thế ngân lên, rợn ngợp. Trời chiều bâng khuâng, “mồ côi” như chính thân phận của những con người hoang mang không biết lấy niềm tin nơi đâu để đỡ đần. Nói thay cho những cõi lòng ấy, thương người nhưng cũng là để thương chính mình, Huy Cận nhận ra dù có muốn vượt ra những giới hạn tối tăm nhưng không thể. Biết làm sao được khi tất cả các chốn đều khép kín, vô tình, chỉ còn lại cái “rét mướt” kéo nhịp cùng nhạc sầu ảo não, cô đơn.

Chẳng cần “nâng khăn lau mắt lệ” mới có thể diễn tả được nỗi cô đơn, nỗi buồn trong chính tâm hồn mình, trong lòng Huy Cận đã dào dạt nỗi niềm bâng khuâng. Lặng lẽ, mải miết, ông vẫn đi tìm để được hòa vào nhịp sống của thế giới nội tâm bên trong lòng người.

Dẫu biết rằng đó là bi lụy, cô đơn, nhưng nỗi sầu của cái tôi trong thơ Mới nói chung và nhất là thơ Huy Cận nói riêng vẫn dào dạt, đắm say. Họ vẫn cứ viết bằng tất cả tâm tư, tình cảm, để được nói lên tiếng nói tha thiết muốn được đón lấy cuộc đời, được sống với khát vọng và niềm tin của chính mình. Những vần thơ ấy cứ lặng thầm chảy mãi cho nỗi niềm của cả một thế hệ, một thời đại để rồi sau này chợt ngân lên như một dấu ấn của thời gian.

Bản quyền lớp Chuyên Văn LQĐ Bình Định
 
Cái tôi của Phan Bội Châu qua "Lưu biệt khi xuất dương"

Bài 1.

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ này là những năm đầu thế kỷ XX, đất nước ta đã mất chủ quyền, hoàn toàn lọt vào tay thực dân Pháp. Tiếng trống, tiếng mõ Cần Vương đã tắt, báo hiệu sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến do các sĩ phu lãnh đạo. Phan Bội Châu lúc này mới ba mươi tám tuổi, là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ cách mạng mới, quyết tâm vượt mình, bỏ qua mớ giáo lý đã quá lỗi thời của đạo Khổng để đón nhận tư tưởng tiên phong trong giai đoạn, mong tìm ra bước đi mới cho dân tộc, nhằm tự giải phóng mình. Phong trào Đông du được nhóm lên cùng với bao nhiêu hy vọng...

Bài thơ đã thể hiện rất sinh động tư thế, ý nghĩ của Phan Bội Châu trong buổi xuất dương tìm đường cứu nước. Hai câu đề nói rõ nhận thức của nhà thơ về chí làm trai - một nhận thức làm cơ sở cho mọi hành động:

Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời.

Thực ra chí làm trai chẳng phải đến bây giờ mới được Phan Bội Châu khẳng định. Trước đó, trong thơ trung đại, ta vẫn thấy Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ nhắc đến (ở các bài Thuật hoài, Chí nam nhi). Nhưng điều đó không có nghĩa là ở bài thơ của Phan Bội Châu, lý tưởng nhân sinh kia đã mất đi sự mới lạ, thôi thúc. Nó chính là điều nung nấu bao năm của tác giả bây giờ được nói ra, trước hết như lời tự vấn, tự nhủ, tự mình nâng cao tinh thần mình: đã làm trai là phải làm nên chuyện lạ, đó là trời đất không để "tự chuyển dời". Đây là một tư tưởng táo bạo, cách mạng đối với người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình trong thời điểm ấy. Với hai câu thực, nhà thơ tiếp tục khẳng định tư thế của kẻ làm trai giữa vũ trụ và trong cuộc đời:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai ?

Ý thức về cái "tôi" đã hiện lên rõ ràng, không rụt rè, dè dặt. Đó là nhân vật trữ tình đang tự đứng giữa cuộc đời một cách can đảm, do ý thức được sứ mệnh của mình trong lịch sử và cũng do sự thôi thúc của khát vọng lập công danh. Hai câu luận nói về sự thực nhức nhối:

Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.

Đến hai câu này, ta cũng thấy nổi lên ý chí làm trai với khát vọng lưu danh theo một nội dung mới, đó là ý thức về non sông đã mất chủ quyền, "hiền thánh" thần tượng một thuở giờ còn đâu nữa. Hai câu thơ nhận định thực trạng lịch sử bằng một cái nhìn dứt khoát. "Hiền thánh còn đâu học cũng hoài" - đây quả là một câu thơ thể hiện khí thế sục sôi của Phan Bội Châu, cho thấy cái nhìn tỉnh táo của ông về thời cuộc.

Hai câu kết của bài thơ có cái khí thế gân guốc và ý thức được sự ra đi một cách sôi trào, đầy dũng khí:

Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

"Vượt biển Đông" là cách nói có vẻ khoa trương nhưng đó là hành động sắp diễn ra. Người ra đi trong niềm hứng khởi vô biên "muôn trùng sóng bạc" tiễn chân như một yếu tố kích thích. Đó chính là bạn đồng hành trong cuộc ra đi hùng tráng này.

Xuất dương lưu biệt là một khúc hát lên đường. Đề tài có tính chất truyền thống, nhưng tư tưởng lại rất mới mẻ. Bài thơ mang âm hưởng lạc quan nên đã khiến cho cảm xúc thể hiện trong bài thơ có chiều sâu, có sức gợi cảm mạnh mẽ. Đây là tráng ca của một vị anh hùng mà suốt đời không hề biết mệt mỏi trong hành động cứu nước thương dân.


Bài 2

Phan Bội Châu (1867 - 1940) là lãnh tụ kiệt xuất của các phong trào Duy tân, Đông du, Việt Nam quang phục hội đầu thế kỉ XX. Ông là "bậc anh hùng, vị thiên sứ, được 25 triệu đồng bào tôn kính" (Nguyễn ái Quốc). Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng hết lời ca ngợi Phan Bội Châu: "Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan; Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ".

Năm 1905, mờ đầu phong trào Đông du, Phan Bội Châu xuất dương sang Trung Quốc, Nhật Bản tìm đường cứu nước. Trong không khí chia tay với các đồng chí trong Hội Duy Tân, Phan Bội Châu sáng tác bài "Xuất dương lưu biệt" (Lời để lại khi chia tay để ra nước ngoài) bằng chữ Hán, Tôn Quang Phiệt dịch ra tiếng Việt:

"Sinh vi nam tử yếu hi kì
Khẳng hứa càn khô tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ,
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si,
Nguyên trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi".

Dịch thơ:

"Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.
Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi".

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú, luật Đường, luật bằng vần bằng. Mở đầu bài thơ, tác giả nêu lên quan niệm về chí nam nhi: "Sinh vi nam tử yếu vi kì, Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di". Tôn Quang Phiệt dịch là:

"Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời".

Phan Bội Châu nêu lên quan niệm về chí làm trai mà các nhà Nho trứ danh đều đồng tình. Nguyễn Công Trứ, trong bài thơ "Chí nam nhi" cũng từng nói: "Thông minh nhất nam tử, Yếu vi thiên hạ kì". Làm đấng nam nhi trên đời này phải làm điều kì lạ, kì tích để giúp đời, giúp dân, giúp nước. Làm trai phải tung hoành ngang dọc, dời non lấp bể:

"Há để càn khôn tự chuyển dời".

Phải là bậc hào kiệt trên đời này thì mời phát ngôn như vậy. Nội lực mạnh mẽ phi thường. Con người muốn tham gia vào sự vận động của vũ trụ. "Há để càn khôn tự chuyển dời" là câu hỏi tu từ vừa khẳng định, vừa muốn đối thoại với hết thảy các đấng mày râu trên đời này. Nhận thức về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, về sự tác động của con người đối với vũ trụ như vậy thật là tích cưc, thật là cách mạng. Câu thơ làm thức dậy nội lực của mỗi con người để họ tham gia cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội.
Sau khi bày tỏ quan niệm về chí nam nhi, về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, tác giả nói về trách nhiệm của chính mình với thời đại của mình: "Ư bách niên trung tu hữu ngã - Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy". Hai câu thơ đó được Tôn Quang Phiệt dịch là:

"Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?"

Trong một nền văn học phi ngã (tôi) mà hiện lên một chữ ngã sừng sững, phải nói là "kì" (lạ)!

"Ư bách niên trung tu hữu ngã".

Nhận thức về sự hiện hữu của cái tôi, trách nhiệm của cái tôi đối với thời đại như vậy chẳng khác nào một ngọn lửa giữa đêm đông, một cây tùng giữa băng tuyết. Không phải là cái tôi hưởng lạc mà là cái tôi hành động, cái tôi tham gia vào sự "chuyển dời" của "càn khôn". "Giữa cuộc sống tối tăm của đất nước lúc đó, có được một ý thức về cái tôi như thế, quả là cứng cỏi, là đẹp vô cùng, cũng như có được một ý thức lưu danh thiên cổ bằng sự cứu nước quả là cần thiết, là cao cả vô cùng" (Nguyễn Đình Chú).

Còn mối quan hệ giữa con người với muôn thuở thì tác giả lại đặt ra câu hỏi "Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ?" (Sau này muôn thuở há không ai?) Hỏi nhưng thật ra là để khẳng định. Tác giả có niềm tin vào chính mình, lại càng có niềm tin vào cộng đông, vào dân tộc. Thơ Phan Bội Châu tác động vào tâm can người ta, kích thích vào ý thức trách nhiệm của mỗi con người, giục giã con người hành động, chuyển dời tự nhiên; chuyển dời xã hội. Đấy chính là thơ của một nhà cách mạng.

Sang hai câu luận, tác giả càng riết róng hơn về mối quan hệ giữa con người với non sông đất nước, giữa cuộc sống thực tại với sách vở của thánh hiền:

"Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!"

(Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.)

Tác giả sử dụng thủ pháp nhân hoá "non sông đã chết" khiến ta cảm thấy "giang sơn" (non sông) như một sinh mệnh, thật đau lòng:

"Non sông đã chết sống thêm nhục".

Nhiều nhà Nho thức thời cũng đã nói đến nỗi nhục mất nước, nhưng chưa có nhà Nho nào nói một cách triệt để, thống thiết như vậy. Đem sự sống chết của cá nhân mà gắn liền với sự vinh nhục của non sông đất nước thì không còn nghi ngờ gì nữa, Phan Bội Châu là nhà ái quốc vĩ đại.

Sách vở của thánh hiền cũng chẳng rửa được vết nhơ nô lệ:
"Hiền thánh còn đâu học cũng hoài".

Câu thơ nguyên tác trực cảm mãnh liệt hơn "hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si", (Hiền thánh đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi). Viết như vậy thì đúng như cụ Huỳnh Thúc Kháng nói "đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ". Không nên hiểu là cụ Phan phủ định sách của thánh hiền, mà nên hiểu cụ Phan đã hành cái đạo của thánh hiền một cách sáng suốt, cái sáng suốt của một nhà cách mạng. Mà có ông Khổng, ông Mạnh, ông Lão nào dạy các đệ tử ngồi "tụng" sách của quý vị trong khi nước mất, dân nô lệ đâu?

Tóm lại, từ quan niệm sống "Ư bách niên trung tu hữu ngã", trong hai câu luận, tác giả tự dồn mình vào cái thế phải xuất dương cứu nước.

Hai câu kết, tác giả thể hiện trọn vẹn chủ đề "xuất dương lưu biệt":

"Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi".

(Muốn vượt biển Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi).

Hình ảnh đẹp, lãng mạn. "Muốn vượt biển Đông theo cánh gió", không gian rộng lớn của biển Đông sánh với chí lớn của nhà cách mạng. Câu thơ dịch này, xứng với tinh thần của nguyên tác. Nhưng câu kết "Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi" thì được cái tình của non nước đối với người ra đi, chứ không sát với nguyên tác.

"Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên)

Hình tượng thơ làm hiển hiện trước mắt ta hàng ngàn đợt sóng sôi réo trắng xóa, lạ là không vỗ vào bờ mà "nhất tề phi" (cùng bay lên). Hình tượng vừa kĩ vì vừa thơ mộng thể hiện được tinh thần phơi phới, nhiệt huyết, thăng hoa của nhà thi sĩ mà cũng là nhà cách mạng.

Muốn hiểu được nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu mà chưa đọc được hàng ngàn trang trước tác của cụ thì tốt hơn hết là đọc bài thơ "Xuất dương lưu biệt". Một bài thơ nhỏ cũng cho ta thấy được chí nam nhi của người anh hùng, thấy được chí lớn muốn dời non lấp bể, thấy được ý thức trách nhiệm của cái tôi đối với lịch sử, với dân tộc, thấy được quan niệm sống chết, vinh nhục, thấy được hoài bão lớn lao của một nhà chí sĩ muốn cứu dân cứu nước.

"Mượn Đông du thăm hỏi bạn đồng tâm;
Hương Cảng, Hoành Tân, lỏi len đường mới.
Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cầm quyền trông gió cũng gai ghê;
Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói".

Đấy là mấy dòng Phan Bội Châu viết về Phan Châu Trinh, nhưng ta thấy hình ảnh của cả hai cụ Phan, hai tâm hồn yêu nước lừng danh trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, giai đoạn đầu của thế kỉ này.

Nguyễn Đức Quyền
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top