• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cái nhìn lạc quan trong cuộc sống qua “Native companions dancing” của John Shaw Neilson và “Dreams”

Như Bình

New member
Xu
0
Lời giới thiệu

Bài thơ “Native companions dancing” của John Shaw Neilson và bài thơ “Dreams” của Victor Daley có một điểm giống nhau. Đó là một cái nhìn lạc quan trong cuộc sống. Một sự tìm kiếm những gì tinh tế của thiên nhiên đang ẩn mình. Hai nhà thơ với hai hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều đem tài năng của mình ra để khám phá xunh quanh. Mọi ước mơ đều bắt nguồn từ những rung động đơn sơ nhất trong cuộc sống, vươn lên hoàn cảnh, nhìn thực tại khắc nghiệt với đôi mắt bao dung, lạc quan. Chính vì thế, tôi chọn hai bài thơ này để phân tích. Qua đó cũng tìm kiếm một thái độ sống tích cực hơn cho bản thân mình.

I. Nguyên tác thơ và dịch

NATIVE COMPANIONS DANCING

_John Shaw Neilson_
On the blue plains in wintry days
These stately birds move in the dance
Keen eyes have they, and quaint old ways
On the blue plains in wintry days
The Wind, their unseen Piper, plays,
They strut, salute, retreat, advance;
On the blue plains, in wintry days,
These stately birds move in the dance.

ĐỒNG VŨ QUÊ HƯƠNG

_John Shaw Neilson_
Những ngày đông lạnh giá,
Sao có thể xua tan màu xanh
trên những bình nguyên xa?
Những chú chim,
đi những bước nhảy điêu luyện
Đôi mắt tinh anh, kiểu cách đầy lôi cuốn
Những ngày đông lạnh giá,
Sao có thể xua tan màu xanh
trên những bình nguyên xa?
Vang vọng những tiếng ca
Của những nghệ sị ẩn mình
Vũ đội bước đi nghênh ngang
vươn mình cúi chào, bước lùi lại rồi tiến lên
Những ngày đông lạnh giá
Sao có thể xua tan màu xanh
trên những bình nguyên xa
Những chú chim,
đi những bước nhảy điêu luyện.

DREAMS

_Victor Daley_
I have been dreaming all a summer day
Of rare and dainty poems I would write:
Love_lyrics delicate as lilac_scent,
Soft idylls woven of wind, and flower, and stream,
And songs and sonnets carven in fine gold.
The day is fading and the dusk is cold:
Out of the skies has gone the opal gleam,
Out of my heart has passed the high intent
Into the shadow of falling night
Must all my dreams in darkness pass way?
I have been dreaming all a summer day:
Shall I go dreaming so until Life’s light
Fades in Death’s dusk, and all my days are spent?
Ah, what am I the dreamer but a dream!
The day is fading and the dusk is cold.
My songs and sonnets carven in fine gold
Have faded from me with the last day-beam
Thar purple lustre to the sea-line lent,
And flushed the clouds with rose and chrysolite
So days and dreams in darkness pass way.
I have been dreamming all a summer day
Of songs and sonnets carven in life gold;
But all my dream in darkness pass way
The day is fading, and the dusk is cold.

MỘNG ĐIỆP

Tôi đã mơ tất cả những ngày hè
Những bài thơ hiếm hoi và êm dịu mà tôi sẽ viết
Những áng thơ tình đẹp như màu tím đinh hương
Cùng gió, hoa và suối dệt nên khung cảnh yên bình
Con thuyền chở những lời ca, vần thơ tình tươi đẹp
Ngày đang nhạt dần còn hoàng hôn buông lạnh
Trên bầu trời những tia sáng nhạt nhòa màu ô-pan
Trái tim tôi đã thông qua các ý định cao cả
Vào bóng tối của đêm rơi
Có phải tất cả những giấc mơ trong đêm của tôi sẽ qua đi?
Tôi đã mơ tất cả những ngày hè
Tất cả những ngày tôi tích góp
Tôi sẽ mơ cho đến khi ánh sáng của sự sống
Nhạt dần trong bóng tử thần
A! Tôi là những gì người mơ nhưng một giấc mơ
Ngày đang nhạt dần và hoang hôn buông lạnh
Con thuyền chở những lời ca, vần thơ tình tươi đẹp
Đi theo những tia nắng cuối ngày rời xa tôi
Màu tím chiều lênh láng trên mặt nước
Những đám mây được nhuộm bằng màu hồng và hoàng ngọc
Thế là những giấc mơ và ngày qua đi khi bóng đêm phủ lối
Tôi đã mơ tất cả những ngày hè
Con thuyền chở những lời ca, vần thơ tình tươi đẹp
Nhưng tất cả giấc mơ trong đêm của tôi qua đi
Ngày đang nhạt dần và hoàng hôn buông lạnh.
II. Giới thiệu tác giả

1. Tác giả John Shaw Neilson

Sinh ngày 22 tháng 2 năm 1872, tại Penola, Nam Úc. Ông là con trai đầu của gia đình gốc Xcốt-len. Ông thường được gọi với tên là Jock. Tuổi thơ của ông đầy vất vả, sớm lam lũ với công việc đồng áng của gia đình. Ông trở thành nông dân tí hon trong trang trại của cha mình. Ông không được đi học nhiều và học ở trường làng khoảng hai năm thì nghỉ để phụ giúp gia đình.

Năm 1881 cha ông và người em họ là Dave Shaw tham gia chuyến đi đường dài để trở thành “những người được chọn” (selector) theo đạo luật đất đai của bang Victoria (1869) và được cấp 320 acres (120 ha) ở phía Bắc của hồ Miniway.

Năm đầu tiên trong “sự lựa chọn” của họ, gia đình Neilson đã khai hoang 6 acres (2.4ha). Tất cả công việc đều làm bằng tay, không được hỗ trợ máy móc. Số tiền họ làm ra bị khấu trừ cho thủ kho, cuộc sống của họ trở nên bần cùng và nợ nần chồng chất. Họ buộc phải kiếm việc làm nơi khác để tồn tại, gia đình ông sống trong căn nhà tồi tàn làm bằng bùn khoảng 8 năm. Họ được gia hạn để trả nợ hàng năm, mãi đến năm 1888 thủ kho đã thế chấp căn nhà của họ. Tháng 7/1889 gia đình ông di cư đến Dow Well để gây dựng một cuộc sống mới.

Mặc dù ông phải làm việc vất vả trên các cánh đồng nhưng ông vẫn kiếm thời gian để đi lang thang quanh vùng đầm lầy và các rừng cây như một nhà sinh vật học. Ông tìm nhặt trứng, lắng nghe giai điệu của các loài chim, lùng kiếm nấm và theo dấu những con ong rừng. Thời gian ở đây ông được quay lại trường học nhưng năm 14 tuổi ông phải nghỉ học. Cả ông và cha ông đều có tài làm thơ. Những bài thơ của họ được đăng trên báo địa phương và tờ Bulletin rất uy tín ở Sydney.

Sự khó khăn về tài chính đối với gia đình ông không có vấn đề gì mà quan trọng là các thành viên đều yêu thương nhau. Nhưng khi tài chính của họ được cải thiện thì bao nhiêu sự đau khổ tấn công dồn dập: Chị gái Maggi bị bệnh đã nhiều năm và qua đời vào năm 1903, tiếp sau đó là một người chị gái khác tên Jessi cũng ra đi vào năm 1907. Bản thân ông cũng là người đau ốm thường xuyên vì thế ông sáng tác thơ rất ít. Khoảng 1901 đến 1906 tờ Bulletin có cho đăng bài của ông một vài lần.

Ông được gọi là “thi sĩ xanh” vì sự yêu thương của ông dành cho thiên nhiên. Và hầu hết quãng đời niên thiếu của ông làm đường, khai thác đá hoặc làm việc ở các đồng cỏ và luôn trong tình trạng nghèo túng. Phu nhân Mary Gilmore kể về lần đầu tiên gặp ông “ Khi tôi thấy bàn tay của cậu ấy sưng phồng do làm việc nhiều, móng tay thì bị bào mòn do mài đá, tôi cảm thấy như có một khối đá đè nặng trong tâm hồn”.

Cuộc đời của John Shaw là sự bươn chải, nghèo khó nhưng tâm hồn thì luôn lạc quan. Vì làm việc trong môi trường cực nhọc như vậy nên ông thường đau ốm. Ngày 12/5/1942 ông qua đời do bị bệnh tim trong cảnh neo đơn không gia đình tại Melbourn. Ông được an táng tại nghĩa trang Footscray, sự ra đi của ông để lại nhiều thương tiếc cho người thân và bạn bè.

2.Tác giả Victor James William Patrick

Sinh ngày 5 tháng 9 năm 1858 tại Navan, County Armagh Ireland. Ông theo học tại trường các anh em Công giáo ở Armagh, việc học của ông thì sơ sài, ông thích đi lang thang miền đồng quê, tham quan di tích lịch sử và lắng nghe các câu chuyện cổ tích do ông ngoại kể lại một cách cụ thể. Sau khi mẹ ông tái hôn, ông đã hoàn tất chương trình học của mình tại trường Công giáo ở Pevonport, Anh. Năm 1875 ông trở thành thư kí cho văn phòng Plymonth, miền nam Devon.

Năm 1878 Daley lên đường đến Nam Úc nhưng ông lại dừng chân tại cảng Sydney. Ông sớm kiếm đủ tiền để tới Adelaide và làm thư kí, ông nhanh chóng cho ra đời tờ báo nhỏ với tên “The Star” do H.Allerdale làm chủ biên. Khoảng năm 1880 ông chuyển tới Melbourn, ông đã đổ tiền vào các trận cá độ đua ngựa.

Năm 1881 ông lên đường đến miền nam New South Wales, làm việc cho tờ Queanbeyan Times, sau đó chuyển tới Sydney và viết bài cho Sydney Punch rồi sau đó là Bulletin. Tài năng của ông được công chúng hâm mộ và đồng nghiệp thì quý mến. J.F.Archilbald miêu tả ông như sau: “Đã lâu lắm rồi chúng ta chưa có những vần thơ giàu trí tưởng tượng và êm dịu của nhà văn Úc…Sự đi lên trong thơ ca của đất nước này.”

Năm 1898 quay trở lại Sydney cho xuất bản tập thơ đầu tiên của mình “At Dawn and Dusk” dưới sự hướng dẫn của Alfred George Stephens. Nó được công chúng đón nhận và nhận được nhiều lời khen từ các nhà văn đương thời.

Do căn bệnh lao phổi Daley ở với E.J.Brady ở Grafton năm 1902. Năm sau một vài người bạn lập một giấy chứng nhận ngân quỹ để gửi ông tới New Caledonia nhưng sức khỏe của ông không tiến triển. Ông qua đời tại nhà riêng ở Waitara, Sydney vào 29/12/1905.

III. Phân tích

1. Bài thơ: Native Companions Dancing

John Shaw Neilson là một nhà thơ rất gần gũi với thiên nhiên. Ông hòa mình vào đất trời với trọn cả trái tim mình. Với con mắt đầy yêu thương ông luôn nhìn ra được vẻ đẹp của thiên nhiên trong điều kiện khắc nghiệt nhất.


“On the blue plains in wintry days”

Trời đông đầy gió rét và nơi ông sống mùa đông bị phủ đầy những lớp tuyết trắng lạnh. Nhưng hình ảnh đầu tiên tác giả cho xuất hiện là “the blue plains” mà không phải là “the green plains”. Đây không phải là bình nguyên với màu xanh của cây cỏ mà là bình nguyên của màu xanh da trời. Trong những ngày đông lạnh, tác giả đã mở hồn mình ra để kiếm tìm một bầu trời xanh hiền hòa. Một con người lạc quan, luôn nhìn thấy vẻ đẹp dịu hiền của đất trời dù băng giá có cố gắng che lấp đi chăng nữa. Và cuộc sống của nhà thơ cũng vậy. Khó khăn, vất vả không dập tắt được ước muốn khám phá thiên nhiên của mình. Một mầm xanh nhú lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Mặc dù thời tiết giá lạnh không làm cho những chú chim phải khuất phục ẩn mình.


“These stately birds move in the dance
Keen eyes have they, and quaint old way”

Hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống càng tôn lên vẻ đẹp của chúng. Vẫn là những bước nhảy đó nhưng sao trong ngày đông chúng lại đẹp là thường, “quaint old the dance” vì chúng dám bước ra trời đông để nhảy múa reo ca.Và ở bản thân John Shaw ông cũng vượt lên hoàn cảnh của chính mình. Đó là những tháng ngày lao động vất vả nhưng nhà thơ vẫn cố gắng dành thời gian để đắm mình vào trong thiên nhiên để cảm nhận để ngắm nhìn và để viết lên những vần thơ ca ngợi sự kì diệu của thiên nhiên. Và tác phẩm của ông xuất phát tận đáy lòng mình nên nó chân chất tình người và gần gũi với cuộc sống như vậy.


“The Wind, their unseen Piper, plays”

Tác giả chỉ nghe được âm thanh vang vọng đâu đây, không thấy “chủ nhân thổi sáo” của những bài ca này. Đôi khi trong cuộc sống tôi cũng ngồi lặng yên để cảm nhận sự mát lạnh của cơn gió thoáng qua, những bài ca phía xa xa vang lại. Những điều tự nhiên ấy làm cho lòng người bình yên lại, dễ chịu vô cùng. Những chú chim trong bài là những nghệ sĩ tự do, bản giao hưởng của chúng không giống với bất kì sáng tác nào trên thế giới. Chính những nét riêng đó tạo cho chúng sự độc đáo và lôi cuốn.


“They strut, salute, retreat, advance”

Còn những “nghệ sĩ múa” thì rất điêu luyện. Những bước nhảy của chúng tạo nên sự thu hút kì lạ cho người xem. Chúng trình diễn một cách tự tin và đầy sáng tạo.

Trong bài tác giả nhắc đến ba lần câu “On the blue plains in wintry days” như một sự nhấn mạnh cho khung trời tự do, một khung trời xanh hy vọng để thỏa mãn tình yêu ca hát, yêu cuộc sống. Dù cuộc sống có khó khăn đến cỡ nào thì không ai có thể tước đoạt ở bản thân mình niềm tin vào thế giới này. Bầu trời có thể phủ đầy mây đen nhưng trong góc khuất nào đó sẽ xuất hiện một tia sáng hy vọng, một sự khải hoàn cho cuộc sống. Nếu ta biết nhẫn nại, biết nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan thì chính chúng ta cũng đi những bước nhảy “oai vệ” và “đầy tự tin” như những chú chim trong bài.

Ở Việt Nam cũng có một nhà thơ, cuộc sống của ông xảy ra với bao biến cố thăng trầm. Nước nhà trong hoàn cảnh lầm than, chốn quan trường thì chia năm xẻ bảy, bao lời thị phi ông phải hứng chịu. Chính vì thế ông cáo quan về ở ẩn, xa lánh chốn xô bồ mẫn thế, đắm mình vào thiên nhiên.


“Côn Sơn có suối khe róc rách,
Lắng nghe như tiếng phách gần xa
Có mưa gội đá chan hòa
Một màu xanh biếc mượt mà nệm rêu”
(Côn Sơn Ca_Nguyễn Trãi)

Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên nên cuộc sống của ông với thiên nhiên rất chan hòa. Ông nhìn cuộc sống với thái độ lạc quan, yêu đời. Mặc dù cáo quan về ở ẩn nhưng “nỗi lòng” dành cho đất nước không lúc nào nguôi. Về với thiên nhiên để tìm sự bình yên đồng thời cũng chắp cánh cho ước mơ ngày mai tươi sáng của non sông đất nước sẽ thành hiện thực.

Nói tóm lại, bài thơ “Native Companions Dancing” không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà qua đó tác giả cũng muốn gởi gắm thông điệp cho mọi người trong một nước phải nắm lấy tay nhau cùng nhảy điệu tiến lên. Mọi khó khăn, thử thách sẽ qua đi nếu chúng ta biết kiên nhẫn đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng hơn.

2.Bài thơ: Dreams

Có một câu nói nổi tiếng “Giấc mơ không lấy tiền của ai nên mọi người đều có quyền ước mơ”. Cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn những nốt thăng mà có cả những nốt trầm nữa. Nếu bản nhạc cuộc đời của ai cũng toàn nốt thăng thì khi bị “giáng” xuống sẽ như một cú sốc nặng nề, mọi thứ xung quanh có thể tối đen như mực. Vì vậy những nốt trầm xuất hiện làm cho cuộc sống thêm phong phú, làm cho con người trưởng thành hơn. Trong những ngày trầm của cuộc sống thì ai cũng nên ước mơ để đón chờ một ngày mai tươi đẹp hơn. Bài thơ “Dreams” của Victor Daley nói về những giấc mơ, những giấc mơ đẹp dù cuộc sống có những lúc không tươi sáng một chút nào. Dưới con mắt của ông, âm thanh và màu sắc cuộc sống để ẩn chứa những nết đẹp riêng dù cuộc đời có phủ bóng đêm đi nữa.


“I have been dreaming all a summer day”

Nhân vật tôi ở đây giống như có một sự hối thúc nào đó vậy. “I have been dreaming all” nhưng chỉ trong “a summer day”. Câu thơ này được nhắc đi nhắc lại ba lần trong bài như một lời nhắc nhở, căn dặn và được đan xen trong sáu khổ thơ. Điều gì làm cho tác giả gấp gáp như vậy. Đó là những vần thơ thanh tao và tươi đẹp.


“Love-lyrics delicate as lilac-scent”

Tác giả ví những áng thơ tình đẹp như màu tím cây đinh hương. Thường nói đến tình yêu chúng ta liên tưởng đến màu đỏ thắm của hoa hồng nhưng ở đây tác giả lại chon một cách miêu tả khác. Màu tím thì đằm thắm hơn sắc đỏ và nhìn nó có vẻ đượm buồn hơn như tình yêu vừa trải qua phong ba bão táp và cũng phải đi qua những ngày tháng trầm buồn.


“Soft idylls woven of wind, and flower, and stream”

Đối với tác giả khung cảnh bình yên được dệt bằng hoa, gió, và những dòng suối chảy êm ả. Tác giả là người yêu thiên nhiên hòa quyện cùng với thiên nhiên, được sống cùng với thiên nhiên là một niềm hạnh phúc và an lành.

Tôi thấy rằng thiên nhiên là một chủ để không bao giờ vơi cạn trong sáng tác thi ca. Mỗi một tâm hồn có cái nhìn riêng về thế giới quan nên cho ra đời những tác phẩm mang sắc thái riêng. Ở phương Đông cũng vậy, con người vốn dĩ sống gần thiên nhiên, cuộc sống hàng ngày thường có khung cảnh đất trời theo vào.


“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”

Con người không thể tách rời với thiên nhiên mà phải sống chan hòa với nó. Nhưng cũng có những thời khắc của đất trời làm cho con người ta lo lắng.


“The day is fading and the dusk is cold”

Ngày thì đang nhạt dần còn hoàng hôn thì lạnh. Hơi sương đêm se sắt lạnh làm cho tâm hồn bồn chồn, xao xuyến.


“Out of the skies has gone the opal gleam”

Những tia nắng cuối ngày tỏa sáng một cách yếu ớt không đủ làm cho một tâm hồn ấm lại. Nhưng tác giả đã thoát ra sự yếu đuối ấy, lấy lý trí để hóa giải cho những thắc mắc thực tại.


“Out of my heart has passed the high intent
Into the shadow of the falling night”

Tôi đã thông qua ý tưởng cao cả khi màn đêm buông xuống. Đó là chu kì quay tự nhiên của trái đất cũng như “hết mưa trời lại sáng lên thôi’, không có gì phải lo lắng cả giống như cuộc sống của con người rồi cũng sẽ qua đi và quan trọng nhất chính phút giây hiện tại phải sống thế nào để khỏi nuối tiếc lúc đi xa. Và nhà thơ cũng nhắc đến nhưng giấc mơ của mình sẽ phải ra đi nhưng tác giả không khẳng định 100% mà hơn 90%.


“Must all my dreams in darkness pass away”

Những gì ta mơ tưởng trong đêm nay cho cuộc sống của ngày mai có thể mất đi nhưng sẽ có những thế hệ tiếp theo mơ tiếp những giấc mơ ấy. Nó giống như ngày và đêm, không phần nào chiêm giữ trái đất này mãi mãi. Sự chuẩn bị, sự hoạch định trong đêm sẽ là động lực thúc đẩy cho công việc sớm mai.


“Shall I go dreaming so until Life’s light
Fades in Death’s dusk, and all my days are spent?”

Tác giả thực sự là một người lạc quan. Chúng ta sẽ mơ, tiếp tục mơ đừng bao giờ ngừng lại. “Life’s light fades in Death’s dusk”. Ta mơ đến giây phút cuối cùng của cuộc đời và trao lại những ước mơ cho các thế hệ mai sau và cuộc sống không thể thiếu vắng những ước mơ. Một nhà khoa học nổi tiếng khi nhìn lại tuổi thanh xuân của mình đã phải thốt lên rằng: “Tôi hối tiếc vì đã không mơ ước thật nhiều”. Không ai tính phí khi chúng ta mơ cả, mặc dù giấc mơ của một số người có lúc phi thực tế nhưng nó cũng trở thành liều thuốc tinh thần để cho họ tiếp tục sống.

Chúng ta thấy ranh giới giữa ngày và đêm rất mong manh và cuộc sống cũng vậy. Bản thân mỗi người không ai biết mình sẽ sống đến ngày nào vì vậy tại sao cứ phải đắm chìm trong buồn đau. Trên bầu trời cao vào những lúc chiều tà cũng được phủ bởi những đám mây màu hồng, màu hoàng ngọc. Đó là những màu sắc hạnh phúc của cuộc sống chứ không phải là toàn bóng đen. Và ta cũng nhận ra rằng đêm càng tối thì càng làm cho những vì sao tỏa sáng lấp lánh hơn giống như những ước mơ của con người trong khó khăn thì mãnh liệt nhất để đón chào một ngày mới.

Khổ thơ cuối tác giả chắt lọc những gì tinh túy nhất trong bài. Những gì ta đang ước ao hãy bắt tay vào thực hiện dù chỉ có một ngày thôi. Cuộc sống có những ngày tháng huy hoàng và những ngày buồn đau vì vậy phải biết vươn lên, sống một cách lạc quan, yêu đời. Câu thơ cuối cùng như một sự hối thúc “The day is fading, and the dusk is cold”. Hãy sưởi ấm cuộc sống của mình bằng những ước mơ cao đẹp, không còn thì giở để ủ rũ và buồn đau nữa.


“I have been dreaming all a summer day
Of songs and sonnets carven in fine gold;
But all my dreams in darkness pass away
The day is fading, and the dusk is cold”

Sự lạc quan, tin tưởng vào vòng quay cuộc sống làm cho tôi nhớ đến bài ca dao “Mười quả trứng” của người nông dân Việt Nam. Ước mơ của họ ấp ủ trên những lứa gà mới nở nhưng nó lần lượt mất đi. Dường như nó đưa số phận người nông dân vào chỗ bế tắc nhưng họ không quỵ ngã mà đứng lên bước tiếp. “Thua keo này ta bày keo khác” và chờ đợi một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Bài thơ “Dreams’ của Victor Daley cho tôi thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống và không bao giờ chùn bước trước khó khăn. Một thông điệp tin yêu không chỉ dành cho tôi mà cho tất cả mọi người nữa.

IV.Kết luận

Thơ ca là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Qua đó mỗi tác giả bày tỏ quan niệm của mình vào thế giới quan đồng thời cũng nhắn nhủ một điều gì đó cho người đọc để tìm sự đồng cảm. Và bản thân tôi cũng học được rất nhiều từ những tác phẩm thi ca, tôi phải trải mình ra để cảm nhận, để lắng nghe và cùng sẻ chia. Từ đó tôi đúc kết được những kinh nghiệm quý báu cho mình và cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tóm lại, chúng ta không ngừng tìm tòi và chắt lọc những gì tinh túy nhất của nhân loại để làm vốn sống cho mình.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top