Cái ác nằm trong đôi mắt người nhìn

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Tham khảo sách “Evil: Inside Human Cruelty and Violence.” _ Roy F.Baumeister



Thủ phạm nghĩ gì?

Dù tội ác có thể tồn tại rõ ràng trong tâm trí của nạn nhân thì bạn không thể chỉ dựa vào 1 mình sự giải thích của nạn nhân để giải thích hoặc hiểu về tội ác. Thủ phạm của những tội ác thường là người bình thường với những động cơ, lý do và sự hợp lý hóa của riêng họ về những gì họ làm.

Những lý thuyết chỉ áp dụng với những kẻ giết người hàng loạt thường không hữu ích trong việc hiểu được con người nói chung, vì ít hơn 1% của 1% của dân số là những kẻ giết người hàng loạt. Vì những sự kiện hằng ngày tương đối dễ dàng để nghiên cứu, 1 người có thể nghiên cứu chúng rất kỹ lưỡng và đi đến những kết luận vững chắc. Ngược lại, những thủ phạm của những tội ác khác thường, hiếm có thì rất khó nghiên cứu: họ thường ở trong tù hoặc lẩn trốn ở đâu đó; thường không có đủ số lượng có sẵn để làm 1 mẫu thống kê; và những khó khăn về kỹ thuật, pháp luật cho các nhà nghiên cứu.

Để nghiên cứu cách những thủ phạm suy nghĩ, tôi và cộng sự đã thiết kế 1 nghiên cứu để xem mọi người sẽ nói như thế nào về 1 điều gì đó mà họ đã làm mà người khác nghĩ rằng ít nhất họ đã làm sai. Chúng tôi yêu cầu họ viết 1 bài giải thích về 1 tai nạn gần đây mà họ đã làm điều gì đó khiến 1 ai đó rất tức giận. Và chúng tôi cũng yêu cầu họ viết 1 bài giải thích về 1 sự kiện mà ai đó đã làm họ tức giận. Mỗi người viết 1 câu chuyện “thủ phạm” và 1 câu chuyện “ nạn nhân”. Và chúng tôi phát hiện thấy những sự khác biệt chủ chốt khi chúng ta chuyển từ quan điểm của nạn nhân sang quan điểm của thủ phạm:

- Đối với thủ phạm thì những hành vi dường như ít xấu xa, sai trái hơn so với nạn nhân. Các nạn nhân có xu hướng nhìn sự việc theo kiểu hoàn toàn đúng hoặc sai, trắng hoặc đen; còn các thủ phạm nhìn theo kiểu màu xám. Nhiều thủ phạm thú nhận họ đã làm 1 việc gì đó sai phần nào, nhưng họ cũng nghĩ rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ và hành vi đó không xấu như nạn nhân khẳng định. Khẩu hiệu đầu tiên của thủ phạm là “Nó không quá xấu”, khẩu hiệu thứ 2 là “Tôi không thể kiểm soát được.” Từ quan điểm của thủ phạm, những nhân tố ngoại cảnh vượt quá sự kiểm soát của họ và đóng 1 phần rất lớn. Những nguyên nhân ngoại cảnh đó làm giảm trách nhiệm của họ. Ví dụ, những lính Quốc xã nói “Tôi chỉ tuân theo mệnh lệnh”. Những lý do tương tự vẫn tồn tại thời nay.

- Sự khác biệt quan trọng khác giữa nạn nhân và thủ phạm là khoảng thời gian của những câu chuyện của họ. Nạn nhân sử dụng 1 khoảng thời gian rất dài. Khi mô tả về điều gì đã xảy ra với họ cách đây rất lâu, họ thường cung cấp bối cảnh dẫn đến vụ tai nạn, mô tả những hậu quả và thậm chí liên quan đến câu chuyện hiện tại của họ. Nạn nhân có thể tiếp tục lải nhải, nghiền ngẫm về những tổn thương tâm lý và đau khổ của họ hàng thập kỷ. Những xã hội và những nền văn hóa có thể nuôi dưỡng mối đau thương hàng thế kỷ. Phương châm của nạn nhân là “Không bao giờ quên.”

- Ngược lại, phương châm của thủ phạm là “Để quá khứ là quá khứ.” 1 lý do quan trọng cho sự khác nhau về khoảng thời gian giữa nạn nhân và thủ phạm là những lợi lạc mà thủ phạm có được nhìn chung nhỏ hơn so với những mất mát của nạn nhân, và do đó thủ phạm ít có lý do gì để tái tạo lại những kí ức. Sự kiện tác động đến nạn nhân lớn hơn so với thủ phạm và do đó nó không tránh khỏi kéo dài trong trí nhớ.

- Xem người khác tấn công mình. 1 phát hiện quan trọng đó là xu hướng của thủ phạm xem hành vi của người khác như là tấn công họ. Những kẻ bắt nạt, những kẻ đánh vợ và những người bạo lực khác có xu hướng nghĩ rằng người khác đang tấn công hoặc xúc phạm họ ngay cả khi người khác không diễn giải theo cách như vậy. Những nghiên cứu về bạo lực gia đình: những người đàn ông đánh vợ có xu hướng giải thích những hành động vô hại hoặc mơ hồ của vợ như sự tấn công cá nhân có chủ ý. Kiểu suy nghĩ như vậy phổ biến ở những anh chồng bạo hành. Họ có xu hướng nghĩ rằng lòng tự trọng của họ bị tấn công bất cứ khi nào có bất kỳ sự bất đồng hoặc xung đột nào. Người chồng bạo hành có xu hướng diễn giải nhiều hành động của vợ như sự tấn công lòng tự trọng của chồng.

Như vậy, chúng ta có thể dự đoán người nào có khả năng trở nên nguy hiểm hoặc bạo lực. Những người quá nhạy cảm thường nghĩ rằng lòng tự trọng của họ bị tấn công và họ có thể trở nên nguy hiểm. Sự quá nhạy cảm này trước những sự xúc phạm cũng làm ta có thể hiểu về những bạo lực dường như vô nghĩa. 1 người đàn ông có thể đánh bạn gái hoặc 1 người lạ ở quán bar dường như là 1 kẻ hung ác trong mắt những người quan sát. Nhưng trong mắt anh ta, anh ta chỉ đang bảo vệ bản thân trước 1 sự tấn công. Nhiều người bạo lực tin rằng những hành động của họ là chính đáng.

Ai đúng?

Tội ác nằm trong đôi mắt người nhìn. Rõ ràng là nạn nhân nhìn sự việc rất khác và tồi tệ hơn so với thủ phạm. Nhưng sẽ không an toàn khi ta xem câu chuyện của nạn nhân là sự thật khách quan. Bạn không thể dựa vào hoặc là câu chuyện của nạn nhân hoặc câu chuyện của thủ phạm; thực tế có thể nằm ở đâu đó ở giữa.

Thủ phạm không nhìn sự việc 1 cách đơn giản, hoàn toàn trắng hoặc đen theo cách mà những nạn nhân thích. Đối với thủ phạm, những sự kiện là phức tạp và mơ hồ về mặt đạo đức. Họ có thể xem 1 số việc họ làm là sai nhưng họ cũng xem họ bị ảnh hưởng như thế nào bởi những yếu tố ngoại cảnh, bao gồm cả những yếu tố vượt tầm kiểm soát của họ. Trong những trường hợp khác, các thủ phạm xem bản thân là hành động theo 1 cách hoàn toàn đúng và chính đáng. Có lẽ quan trọng nhất là những thủ phạm thường có những lý do và động cơ có lý đối với họ. Nạn nhân có thể xem những hành vi vô cớ đó là tội ác, nhưng thủ phạm hiếm khi nhìn hành động của họ theo cách đó. Chúng ta không thể dựa vào nạn nhân để nói cho chúng ta biết lý do tại sao thủ phạm đã làm những gì họ làm.


4 nguồn gốc của cái ác


1.Tham lam, thèm khát và tham vọng: Cái ác như 1 phương tiện để đạt được 1 mục đích

1 số tội ác nảy sinh trực tiếp từ khao khát đạt được vật chất. Khao khát tiền, quyền lực và niềm vui bắt nguồn sâu sắc trong tâm hồn con người. Vô số phương tiện được dùng để theo đuổi những khao khát đó và 1 số trong số chúng là tội ác.

Tiền, niềm vui và quyền lực không phải vốn sẵn là xấu hoặc theo đuổi chúng là có tính hủy hoại. Cái ác được dùng như là phương tiện để theo đuổi những điều trên. Do đó kết tội những mục đích nhìn chung là ngu ngốc. Câu hỏi quan trọng là: Điều gì làm con người chọn phương tiện cái ác hơn những phương tiện khác- được chấp nhận hơn? Câu hỏi này dẫn đến trung tâm của tội phạm: tại sao 1 ai đó đi cướp của người khác thay vì kiếm được nó thông qua những phương tiện chính đáng hơn?

Câu trả lời là phương tiện cái ác thường có vẻ như dễ dàng hơn những phương tiện hợp pháp khác. Trong cuốn sách “A general theory of crime”- Michael Gottfredson và Travis Hirschi chi ra, hầu hết các tội phạm đòi hỏi ít kỹ năng, sự kiên nhẫn, bằng cấp hoặc lên kế hoạch. Để kiếm tiền thông qua phương pháp hợp pháp, 1 người thường phải có bằng cấp và những khả năng, tất cả những điều đó tốn nhiều năm đi học hoặc huấn luyện.

Quan điểm về tính hiệu quả: những phương tiện cái ác được sử dụng vì mọi người tin là chúng hiệu quả hơn những phương tiện khác. Nó dường như là con đường tắt để lấy được cái 1 người muốn. Nó hứa hẹn đạt được 1 mục tiêu được khao khát và trong thời gian ngắn. Điều đó mang lại 1 câu hỏi trung tâm khác: Liệu những phương tiện cái ác có hiệu quả?

Câu trả lời không đơn giản. Câu trả lời dường như phụ thuộc vào thời gian. Tội phạm có thể đem lại những lợi ích trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài hầu hết tội phạm không giàu. 1 nghiên cứu gần đây kết luận rằng số tiền trung bình từ phạm tội của 1 đàn ông da đen trẻ ở Boston là từ 10-20$ mỗi giờ, trong khi tiền lương sau thuế hợp pháp chỉ khoảng 5.6$. Do đó, tội phạm (đặc biệt là bán ma túy) có vẻ được trả nhiều tiền hơn. Nhưng nếu kể cả nguy cơ bị ngồi tù được tính toán thì sự vượt trội về kinh tế của 1 công việc phạm tội có thể bị loại bỏ hoặc thậm chí ngược lại. Câu hỏi về tính hiệu quả của cái ác từng được xem xét bởi rất nhiều học giả, bằng cách xem xét những kết quả của những kiệu phạm tội cụ thể. Và họ dường như đều đi đến 1 kết luận giống nhau: cái ác không hiệu quả, đặc biệt khi nhìn từ quan điểm đem lại sự thỏa mãn lâu dài.

Những phần thưởng từ trộm cắp

Chúng ta bắt đầu với thu nhập tiền bạc từ ăn trộm. Nhiều tội phạm đã cố gắng nhưng không thành công. Ngay cả trong những vụ phạm tội thành công thì tiền lương từ việc phạm tội vẫn khá nhỏ. Theo báo cáo của các nạn nhân, thiệt hại trung bình từ trộm cắp là khoảng 80$. Thiệt hại trên 250$ tương đối hiếm. Nhiều vật bị trộm mất đi phần lớn giá trị của chúng khi bán lại. Chúng ta đã thấy 1 khuôn mẫu chung mà ở đó thiệt hại của nạn nhân lớn hơn lợi lạc của thủ phạm.

Ngay cả những tên trộm may mắn kiếm được nhiều tiền thì số tiền cũng nhanh chóng hết. Katz đã phỏng vấn nhiều tội phạm và họ thường tiêu tiền cho quần áo, phụ nữ, đánh bạc, thức ăn và những thú vui khác và tiền nhanh chóng hết. Họ không đầu tư vào vào bất động sản hoặc những quỹ đầu tư hoặc bất cứ thứ gì sẽ sinh lợi về lâu dài.

Tội phạm giết người

Thường có 2 kiểu giết người. (1) 2 người đã biết nhau đang tranh cãi, thường bắt đầu từ 1 số vấn đề dường như nhỏ nhặt, tầm thường. Tranh cãi leo thang thông qua những câu từ tục tĩu hoặc bạo lực nhỏ. Cuối cùng, 1 người rút súng hoặc dao và giết người kia. Kiểu bạo lực này có hiệu quả không? Thủ phạm có thể thắng cuộc tranh cãi, nhưng cái giá phải trả về lâu dài có xu hướng lớn hơn so với cái lợi của chiến thắng, đặc biệt nếu tranh cãi chỉ vì 1 vấn đề tầm thường. Người ta thường thấy hối hận sau khi đã giết hoặc làm tổn thương 1 ai đó.

(2) liên quan đến trộm cướp gặp kháng cự bất ngờ của nạn nhân thúc đẩy thủ phạm dùng bạo lực để đạt được điều ý muốn, dẫn đến cái chết của nạn nhân.



2.Con người có thể có được niềm vui từ việc gây tổn thương cho người khác?

Sadims: tính thích thú những trò tàn ác.

Thuật ngữ đó được dùng để mô tả việc có được niềm vui và sự thỏa mãn từ việc gây tổn thương cho người khác cũng như khao khát có được niềm vui đó. Điều không may là thuật ngữ sadism đôi lúc cũng được dùng để mô tả về 1 kiểu hành vi tình dục liên quan đến việc thống trị người khác.

Cảm thấy như thế nào khi gây tổn thương cho người khác?

Hầu hết mọi người đều có 1 số kinh nghiệm với việc gây tổn thương cho người khác. Nó thường không phải là 1 trải nghiệm thú vị, trái ngược với lý thuyết sadism. Hầu hết mọi người cảm thấy khó chịu 1 cách sâu sắc khi gây đau đớn hoặc gây ra cái chết cho người khác. Niềm vui của sự tàn ác thường thấy trong những bộ phim, ở đó những kẻ ác cười khi bắn giết, cưỡng hiếp hoặc tra tấn những nạn nhân bất lực, hầu hết biến mất khi bạn xem những câu chuyện và những kinh nghiệm của thủ phạm.Ví dụ về những người lính trong thế chiến 2 cảm thấy khó khăn khi bắn kẻ địch, những lo lắng, trầm cảm, những cơn ác mộng ám ảnh....

Tại sao họ cười?

Satan cười khi con người đau khổ. Những bộ phim giải trí đều mô tả về những kẻ hung ác cười thích thú trước nỗi đau của những nạn nhân của chúng. Chúng ta đã thấy những phản ứng khi gây tổn thương cho người khác thường bao gồm sự ghê tởm, trầm cảm và đồng cảm. Nó rất đối lập với sự vui thích.

Vấn đề ở đây là các nạn nhân đôi lúc thông báo rằng những kẻ tra tấn họ đang cười. 1 lý do chính cho việc nhấn mạnh tiếng cười đó là điều hoang đường của cái ác thuần túy (pure evil). Liệu tiếng cười chứng minh sự tồn tại của tính thích thú những trò tàn ác? Và nếu không, tại sao người ta cười trước nỗi đau khổ và cái chết của người khác?

Kết luận của riêng tôi đó là tiếng cười không phải là bằng chứng thuyết phục cho niềm vui trước những trò tàn ác, dù nó tiết lộ về cảm xúc của thủ phạm. Con người có thể cười vì nhiều lý do khác nhau. Quả thật, cười là 1 phòng vệ chống lại 1 cú sốc hoặc 1 nhiệm vụ ghê tởm. Ví dụ, 1 phần quan trọng của đào tạo y khoa là quen dần với việc nhìn thấy những cơ thể bị thương, và các sinh viên y nổi tiếng về những trò đùa và những câu chuyện cười về cơ thể của xác chết. Sự hài hước đó giúp vượt qua những phản ứng thông thường trước cú sốc và sự ghê tởm mà 1 bác sĩ không thể chịu đựng.

1 thực nghiệm của Bella dePaulo và Matthew Ainsville quay lại những phản ứng trên khuôn mặt của con người trước 1 loạt cảnh, và 1 trong những cảnh đó có 1 tấm ảnh 1 nạn nhân vụ tai nạn gớm guốc. Đàn ông thường đáp ứng lại cảnh tượng đó với 1 nụ cười (dù phụ nữ thì không). Đó không phải là 1 nụ cười của niềm vui mà nó cho thấy sự bối rối và 1 nỗ lực tạo khoảng cách giữa bản thân với cú sốc hoặc phản ứng khó chịu.

Tiếng cười có thể xuất hiện từ sự lo lắng hoặc sự không chắc chắn về việc phản ứng như thế nào. Trong những thực nghiệm của Milgram, 1 số người tham gia đã cười khi họ tuân theo yêu cầu để cho điện giật những người khác khi những người khác đập từơng và la hét yêu cầu họ dừng lại. Milgram nhất trí rằng tiếng cười này không phải là 1 dấu hiệu của niềm vui hoặc sự ngạc nhiên mà tiếng cười phản ánh 1 số nỗ lực để đương đầu với sự căng thẳng, khó chịu của 1 người trước 1 tình huống khó chịu mà ở đó họ gây tổn thương cho 1 ai đó. 1 phản ứng tương tự có thể là bằng chứng khi con người đôi khi cười để phá tan sự căng thẳng, trong thời điểm cảm thấy lo lắng hoặc không chắc chắn hoặc thậm chí trong suốt 1 bộ phim đáng sợ. Nhưng các nạn nhân thì không phân biệt được sự khác nhau giữa những tiếng cười, đặc biệt khi tiếng cười sẽ làm tăng cường sự giải thích của họ cho thấy những kẻ đang làm họ đau khổ là độc ác.

Con người muốn xem phim bạo lực. Sản xuất phim để kiếm tiền và do đó những nhà làm phim làm những phim mà con người muốn xem. Nếu con người không muốn xem cảnh bạo lực thì sẽ có rất ít phim như vậy, vì sẽ không có ai trả tiền để xem chúng. Nhưng con người muốn xem chúng. Rõ ràng là có rất rất nhiều người.

Gần như luôn luôn vẫn vậy, mọi người dừng lại để xem bất cứ khi nào có cơ hội nhìn thấy 1 người bị thương hoặc ai đó đang rất đau khổ. Nhiều vụ tắc đường có thể tránh được nếu mọi người không đi chậm lại để xem 1 vụ tai nạn. Tương tự, khi có cháy nhà, hàng xóm và người lạ tụ tập lại để...xem. Sự thu hút của bạo lực không chỉ giới hạn ở thời hiện đại. Thời Trung cổ, khán giả muốn nhìn thấy 1 ai đó (bất kỳ ai) bị ăn bởi những con sư tử. Như vậy, con người thích nhìn thấy ai đó đau khổ và chết. Nhưng điều này không chứng tỏ rằng mọi người có thể thích gây tai họa, đau khổ cho người khác. Nhưng cũng khó mà cãi lại thực tế là họ có thể có được niềm vui khi thấy người khác bị tổn thương.

*Con người có thực sự thích gây tổn thương?

Thích những trò tàn ác dường như giống với nghiện ngập. Rất ít người có nhiều sự vui thú ở ly bia đầu tiên, điếu thuốc lá đầu tiên, cốc cafe đầu tiên, trải nghiệm hút ma túy đầu tiên của họ. Hơn nữa, hầu hết những người uống bia không phải là người nghiện, và có bằng chứng cho thấy nhiều người hút thuốc lá không phải người nghiện thuốc. Do đó sự nghiện ngập chỉ làm khổ 1 số người dùng, và chỉ 1 số thủ phạm là những kẻ thích thú những trò tàn ác. Và sự nghiện ngập cũng giống như sadism thường là 1 quá trình phát triển dần dần và leo thang theo thời gian.

Có 1 số dấu hiệu cho thấy sự vui thích những trò tàn ác được trải nghiệm như 1 sự nghiện ngập, theo ý nghĩa 1 người đi đến chỗ khao khát niềm vui đó và muốn nó ngày càng mạnh mẽ hơn. 1 nhà nghiên cứu phát hiện thấy 1 số kẻ hiếp dâm mô tả về nó như sự hình thành thói quen, nói rằng “Hiếp dâm giống như hút thuốc. Bạn không thể dừng 1 khi bạn bắt đầu.”

Những quá trình nghiện ngập

1 trong những lý thuyết quan trọng nhất về nghiện, được gọi là lý thuyết quá trình đối lập (oponent process theory) của Richard L.Solomon và John D.Corbit (những năm 1970). Lý thuyết của họ bắt đầu với khuynh hướng tự nhiên của cơ thể là duy trì 1 trạng thái cân bằng ổn định, được gọi là nội cân bằng (homeostasis). Để duy trì trạng thái này, cơ thể phải có những quá trình để phục hồi nội cân bằng bất cứ khi nào nó bị làm xáo trộn. Ví dụ, chạy đua sẽ làm cơ thể phấn khích khi kết thúc cuộc chạy, nhịp tim của người đó sẽ đập nhanh hơn và thở mệt nhọc hơn. Khi kết thúc cuộc chạy, tim không thể tiếp tục đập nhanh mãi mãi, do đó phải có những quá trình bên trong để làm nó chậm lại. Do đó, cơ thể vận hành theo những quá trình đối lập cơ bản 1 quá trình di chuyển ra khỏi nội cân bằng (tăng tốc) và quá trình khác có ảnh hưởng ngược lại (làm chậm lại).

1 điểm rất quan trọng của lý thuyết quá trình đối lập là quá trình phục hồi thứ 2 có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian. Nó như thể cơ thể học được và trở nên hiệu quả hơn trước việc chống lại trạng thái khác thường. Chạy 1km sau khi không luyện tập 1 năm và bạn sẽ thở mệt nhọc lâu hơn, nhưng chạy 1km mỗi ngày trong 1 năm và sau đó bạn sẽ thở lại bình thường 1 cách nhanh chóng sau đó. Khi quá trình phục hồi thứ 2 mạnh mẽ hơn thì quá trình đầu tiên trở nên yếu hơn. Cùng với nhau, 2 xu hướng đó kéo chúng ta ra khỏi sự cân bằng.

Bây giờ hãy xem xét việc uống rượu. Rượu tạo ra những cảm xúc và niềm vui khác nhau, như thư giãn và sự khoan khoái. Nó đưa cơ thể ra khỏi trạng thái bình thường. Sau đó cơ thể có những cơ chế của nó để làm tỉnh rượu. Khi trạng thái say rượu là rất thoải mái và dễ chịu thì trạng thái tỉnh rượu là khó chịu và không thoải mái. Khi người đó tiếp tục uống rượu nhiều lần, người đó phát triển 1 sự chịu đựng đối với rượu, vì vậy liều lượng rượu giống nhau tạo ra ít cú hích hơn. Trong lúc ấy, tình trạng tỉnh rượu trở nên lâu hơn và trầm trọng hơn. Và người nghiện ngĩ rằng dùng thêm liều là cách duy nhất để cảm thấy tốt trở lại nhanh chóng, thay vì chờ đợi cho cơ thể trở lại trạng thái ban đầu.

Với rượu và ma túy, khoái cảm nằm ở giai đoạn đầu (giai đoạn A) và quá trình phục hồi (giai đoạn B) là không thoải mái. Đang uống rượu cảm thấy tốt; tỉnh rượu cảm thấy tệ. Nhưng không có lý do gì để giả định rằng giai đoạn đầu luôn luôn là thú vị. 1 số quá trình đối lập cho thấy khuôn mẫu ngược lại: Giai đoạn A có thể khó chịu và giai đoạn B là thoải mái. Ví dụ, những người nhảy dù và leo núi. Nỗi sợ bị ngã vốn là bản chất của con người, và hầu hết mọi người đều phản ứng lại với nỗi hoảng sợ. Do đó, giai đoạn A là sự cực kỳ khó chịu: hoảng sợ. Nhưng tất nhiên cơ thể sẽ không duy trì 1 trạng thái hoảng sợ mãi mãi. Để phục hồi nội cân bằng, cơ thể có 1 số quá trình để làm bản thân thấy tốt hơn, ví dụ như phóng thích 1 số hóa chất sẽ làm dịu nỗi sợ và bù đắp bằng sự vui thích. Chắc chắn là con người sẽ thấy nỗi sợ bị ngã ngay lập tức bị thay thế bằng sự thư giãn và khoan khoái. Bề ngoài, nó dường như là ngu ngốc khi tìm kiếm niềm vui bằng cách nhảy dù, vì đó có vẻ là 1 cách chắc chắn để tạo ra những cảm xúc tồi tệ; nhưng cảm xúc thoải mái mãnh liệt theo sau đó có thể là đáng khao khát. Hơn nữa, khuynh hướng đối với quá trình B sẽ trở nên mạnh hơn và quá trình A trở nên yếu hơn, có nghĩa là lặp đi lặp lại theo thời gian, con người sẽ có được sự thỏa mãn nhiều hơn và nhiều hơn. Lần nhảy dù đầu tiên có thể rất đáng sợ đến nỗi sự thỏa mãn sau đó dường như không đáng. Tuy nhiên, sau hàng tá trải nghiệm như vậy, nỗi sợ biến mất và sự thỏa mãn càng mạnh mẽ hơn. Bất kỳ ai khi đạt đến điểm đó có thể thấy trải nghiệm đó là hấp dẫn và anh í có thể bắt đầu khao khát lặp lại nó thường xuyên hơn. Ví dụ anh í có thể muốn nhảy từ độ cao hơn.

Chúng ta hãy áp dụng lý thuyết quá trình đối lập với sự yêu thích những trò tàn ác. Chúng ta thấy phản ứng ban đầu khi gây tổn thương cho người khác thường là rất khó chịu. Con người bị sốc, ghê tởm, tức giận, mất tinh thần, mất can đảm. Nhưng họ không ở trong trạng thái đó mãi mãi; cơ thể tìm thấy 1 cách để quay trở lại bình thường. Vì phản ứng lúc đầu là khó chịu nên phản ứng đối lập phải là thoải mái và tích cực. Do đó, lần đầu họ gây tổn thương hoặc giết ai đó, họ sẽ cảm thấy tồi tệ nhưng cơ thể sẽ tạo ra những cảm xúc tốt 1 cách tinh vi để phục hồi và quay lại trạng thái bình thường.

Nếu người đó gây tổn thương người khác những lần tiếp theo thì sự cân bằng giữa tốt và xấu sẽ thay đổi theo lý thuyết quá trình đối lập. Cú sốc và sự ghê tởm sẽ trở nên yếu hơn và niềm vui sẽ mạnh hơn và rõ ràng hơn. Theo cách này, sự thích thú với những trò tàn ác có thể bắt đầu mang lại niềm vui. Niềm vui 1 người có được từ việc gây tổn thương người khác hoặc giết họ, tất cả đều ở quá trình B, không phải quá trình A. Những người thích thú trước những trò tàn ác theo thời gian sẽ trở nên độc ác hơn, để tìm kiếm nhiều niềm vui hơn.



(còn nữa)

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top