• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa

Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa

Từ ngữ cùng nghĩa là những từ ngữ gần nhau về ý nghĩa, nhưng khác nhau về âm thanh. Có ba kiểu cùng nghĩa trong tiếng Việt, là cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt (TV) với từ ngữ thuần Việt, cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt với từ ngữ Hán Việt (HV), và cùng nghĩa giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Hán Việt. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, có hai hình thức: tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn; và cách cùng nghĩa có kết hợp với các hình thức chơi chữ khác.

1. Câu đối chơi chữ theo cách tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn
Cách chơi chữ này thường dựa trên cơ sở cùng âm. Góp nhần nhận ra hiện tượng cùng nghĩa, có thể nhờ vào yếu tố cùng trường ở vị trí đối ứng. Ví dụ:
* Trồng môn trước cửa;
Bắt ốc sau nhà .
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “môn” – “cửa”; “ốc” – ”nhà”. Trong ngữ cảnh thuận, “môn”, “ốc” là tên cây, tên con vật (TV); chúng chuyển thành từ HV để tương ứng với “cửa”, “nhà”, theo cách cùng nghĩa (để chơi chữ). Sự chuyển nghĩa này được nhận ra do hiện tượng cùng trường: “cửa” – ”nhà” .

* Thủ thỉ chén đầu lợn;
Hung hổ vỗ bụng hùm.
“Thủ thỉ”, “hung hổ” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt), cùng nghĩa với “đầu lợn”, “bụng hùm” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, chúng là những từ thuần Việt (“thủ thỉ”: (ăn nói) nhỏ nhẹ, từ tốn; “hùng hổ”: (thái độ) nóng nảy, dữ tợn).

* Da trắng vỗ bì bạch;
Rừng sâu mưa lâm thâm.
“Da trắng” (TV) cùng nghĩa với “bì bạch” (HV). Trong ngữ cảnh thuận, “bì bạch” là từ tượng thanh; nó chuyển thành ngữ “bì bạch” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt –lẽ ra phải “bạch bì”), do sự xuất hiện của “da trắng”, nhằm đạt cùng nghĩa, trên cơ sở cùng âm (nếu đổi lại, “da đen vỗ bì bạch” chẳng hạn, thì nghĩa theo ngữ cảnh thuận không thay đổi, nhưng chuyện chơi chữ biến mất). Tương tự, “rừng sâu” (TV) cùng nghĩa với “lâm thâm” (HV). Ở ngữ cảnh thuận, “lâm thâm” là từ tượng hình; nó chuyển thành ngữ “lâm thâm” (HV), do sự có mặt của “rừng sâu”, trên cơ sở cùng âm, để tạo ra hiện tượng chơi chữ cùng nghĩa.
Có một số vế đối lại (thay vế dưới) khác: Mũi thấp hun tị ti, Trời xanh màu thiên thanh, Giếng nhỏ bé tỉnh tinh,... Chúng không chỉnh bằng (do nhiều yếu tố, nhưng yế tố cơ bản, là ở vị trí đối ứng với “bì bạch”, không sử dụng được từ tượng thanh).

* Cuốc xuống ao uống nước;
Gà vào vườn ăn kê.
“Cuốc” (quốc), “kê” (HV), cùng nghĩa với “nước” (nước nhà), “gà” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “cuốc” là con chim cuốc, “kê” là loài cây (hạt kê thường dùng để nấu chè), “nước” là thức uống.

* Sửa nhà, gia đình ra sân;
Cứu nước, quốc hội phải họp.
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “gia” – “nhà”, ”đình” – “sân”; ”quốc” – “nước”, ”hội” – “họp”.
* Dưới sông, hà bá là chúa;
Trên đất, thổ công làm trùm.
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “hà” 2 “sông”, “bá” 2 “chúa”, “thổ” 2 ”đất”, “công” 2 “trùm”.

* Nấu đậu phụ cho cha ăn;
Sắc ích mẫu cho mẹ uống.
“Phụ”, “mẫu” (HV), cùng nghĩa với “cha”, “mẹ” (TV). “Phụ”, “mẫu” là các từ tố của “đậu phụ” (một nguyên liệu để chế biến thức ăn), “ích mẫu” (một cây thuốc thường dùng để chữa bệnh cho phụ nữ), được tách ra để hình thành lối chơi chữ cùng nghĩa, trên cơ sở cùng âm.

Một vế đối lại khác: Lấy mắm tôm cho mẹ chấm. Đem “mắm tôm” đối với “đậu phụ” có vẻ sát hợp hơn, chúng đều là những món ăn thường dùng; duy cách cùng nghĩa “tôm” với “mẹ” thì không tương ứng theo lối HV–TV của vế ra, lại không ổn về nghĩa –”tôm” thường được dân gian sử dụng như một biểu tượng chỉ phụ nữ nói chung, có ý tục, dùng với mẹ thì xấc.

* Chuồng gà kê áp chuồng vịt;
Cá diếc tức phường cá mè.
“Kê”, “áp”, “tức”, “phường” (HV), cùng nghĩa với “gà”, “vịt”, “diếc”, “mè” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “kê” là đặt, xếp đặt (vật dụng); “áp” là (đặt) sát vào; “tức” là giận, bực; “phường” chỉ tầng lớp người cùng làm một việc, một nghề (hoặc: lũ, bọn), là những từ TV. Do xuất hiện cùng nghĩa, chúng chuyển thành từ HV, theo cách cùng âm TV–HV.

* Đứng giữa làng Trung Lập;
Dấy trước phủ Tiên Hưng.
“Đứng giữa”, “dấy trước” (TV), cùng nghĩa với “trung lập”, “tiên hưng” (HV –vốn tách theo cách cùng âm với hai địa danh Trung Lập, Tiên Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình). Vế ra của quan huấn đạo, vế đối lại là của Kì Đồng (Nguyễn Văn Cẩm).

* Ô! Quạ tha gà;
Xà! Rắn bắt ngoé.
“Ô”, “xà” (HV), cùng nghĩa với “quạ”, “rắn” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “ô”, “xà” là những từ cảm thán.

* Hương ngũ vị năm mùi thơm chửa?
Đèn tam tinh ba ngọn sáng sao!
“Ngũ vị”, “tam tinh”, cùng nghĩa với “năm mùi”, “ba ngọn (sao)”; “vị”, “tinh” cũng có nghĩa là “chửa” (chưa), “sao”.
Có vế đối lại khác: Hồ bán nguyệt nửa tháng trông trăng. “Bán nguyệt” cùng nghĩa với “nửa tháng”; “nguyệt” cũng có nghĩa là “trăng”.

* Con rể nết na xem tử tế;
Ông chồng cay đắng kể công phu.
“Tử tế”, “công phu” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt), cùng nghĩa với “con rể”, “ông chồng” (TV). “Tử tế” (có đủ theo yêu cầu, không lôi thôi; có lòng tốt), “công phu” (sự hao tổn sức lực, thời gian), dùng theo ngữ cảnh thuận, là những từ có gốc HV, chuyển thành từ ngữ HV cùng âm, do xuất hiện các yếu tố TV cùng nghĩa với chúng.

* Học trò Phú Khê ăn cơm cháy;
Quan huyện Thanh Trì uống nước ao.
“Cháy”, “ao” (TV) cùng nghĩa với cùng âm “khê” (TV) của “Khê” (trong Phú Khê), với “Trì” (trong Thanh Trì), là những yếu tố HV (được tách ra theo cách cùng âm).

* Nước giếng Rồng pha chè Long Tỉnh;
Lửa cầu Rắn thắp hương Xà Kiều.
Giếng Rồng, cầu Rắn (địa danh TV), cùng nghĩa với Long Tỉnh, Xà Kiều (địa danh theo HV). Long Tỉnh, Xà Kiều đồng thời là tên chè, tên hương; nên với hai địa danh trên là cùng âm.

* Bươm bướm đậu cành sen, liên chi hồ điệp;
Gà trống mổ hạt thóc, cốc đế hùng kê.
“Bươm bướm”, “cành sen” (TV), cùng nghĩa với “hồ điệp”, “liên chi” (HV); “gà trống”, “thóc” (TV), cùng nghĩa với “hùng kê”, “cốc” (HV).

* Ao Thanh Trì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư;
Sông Ngân Hà sao bạc chan chan, vịt nằm ấm áp.
Có sáu cặp từ cùng nghĩa TV–HV: “ao”–”trì”; “trong”–”thanh”; “cá”–”ngư”; “sông”–”hà”; “bạc”–”ngân”; ”vịt”–”áp”. “Thanh”, “trì”, “ngân”, “hà” cùng âm với Thanh Trì, Ngân Hà (tên riêng); “ngư”, “áp” là từ tố của “ngắc ngư”, “ấm áp”, được tách ra trên cơ sở cùng âm để đạt yêu cầu chơi chữ. Ở đây, cũng dùng cách chơi chữ cùng trường nghĩa sở thuộc: “cá” ? “ao Thanh Trì”, “vịt” ? “sông Ngân Hà”.

* Huyện Tam Dương có ba con dê, đứng núi đá trông về Lập Thạch;
Quan Tứ Kì đi xe bốn ngựa, vâng mệnh trời ra trị Thừa Thiên.
Các cặp từ ngữ cùng nghĩa HV–TV: “tam dương”–”ba con dê”; “lập thạch” –”đứng núi đá”; “tứ kì”–”bốn (con) ngựa”; “thừa thiên” –“vâng mệnh trời” (đồng thời, “tam dương”, “lập thạch”, “tứ kì”, “thừa thiên” là bốn từ ngữ cùng âm với bốn địa danh trong câu đối).

Có một câu đối được tạo nên bằng những cặp từ đơn tiết cùng nghĩa đi liền nhau:
* Đi chi đường đạo sợ cụ;
Không vô trong nội nhớ hoài.
(tương truyền, vế ra của vua Duy Tân, vế đối lại của thượng thư Nguyễn Hữu Bài)
Các cặp cùng nghĩa TV–HV: “Đi”–”chi”; “đường”–”đạo”; “sợ”–”cụ” (vế trên); “không” –”vô”; “trong”–”nội”; “nhớ”–”hoài” (vế dưới). Các từ HV được chuyển từ cùng âm TV sang một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn đến mức khó nhận ra có sự dụng công, mà chỉ như những câu nói đầu cửa miệng.

Sau cùng, có hai vế câu đối, chưa thấy có các vế đối lại tương ứng, cùng ra đời vào dịp tết và cùng đề cập đến loài hổ báo, xin được chép ra đây:
* Đêm ba mươi tết cọp nằm nhà, xoa đầu con, beo má vợ, sẵn tương ớt, rót hổ cốt nhắm với tôm hùm, no kễnh bụng.
* Làm đại khái qua loa, nói như hùm như cọp, ông ba mươi đã lên giọng lão, chẳng sửa dần càng thêm hổ miệng. (Văn Lợi, 1986)
Loạt từ cùng nghĩa, chỉ loài hổ báo: (ông) ba mươi, cọp, beo1, hổ, hùm, kễnh (câu đầu); khái, hùm, cọp, ông ba mươi, dần, hổ (câu sau).

2. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa kết hợp với các hình thức chơi chữ khác
a. Cùng nghĩa kết hợp với cùng âm
Đây là cách chơi chữ phức hợp, cả hai hình thức cùng nghĩa và cùng âm đều được thể hiện trên văn bản. Ví dụ:

* Kê là gà, gà ăn kê;
Âu là trẻ, trẻ ăn ấu.
“Kê1”, “ấu1” (HV), cùng nghĩa với ”gà”, ”trẻ” (TV). Có thể viết câu đối dưới dạng công thức suy luận : “kê”=”gà”, “ấu”=”trẻ”; và “kꔹ”gà”, “ấu”¹“trẻ”. Ta thấy, chúng phạm quy luật đồng nhất (đã là một thì không thể tự mình “ăn” (huỷ hoại) mình được). Để khỏi phạm luật, “kê2”, “ấu2” phải là những từ khác nghĩa với “kê1”, “ấu1” – đây là hai từ TV (gọi tên hạt kê và quả ấu).

* Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc;
Ngư là cá, cá lội ngắc ngư.
“Lộc”, “ngư” (HV), cùng nghĩa với “hươu”, “cá” (TV). Các từ HV này, đồng thời, cùng âm với các từ tố “lộc”, “ngư” trong “lộc cộc”, “ngắc ngư” (TV).
Vế đối lại khác: Long là rồng, rồng chạy long đong. “Long” (HV) cùng nghĩa với “rồng” (TV), cùng âm với từ tố “long” của “long đong”.

* Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái;
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu.
(vế trên là của một nhà sư, vế dưới là của Hoàng Phan Thái)
Các cặp cùng nghĩa được nêu trực tiếp (cái là tượng, tượng là voi,...). Các cặp cùng âm như sau: HV-HV: “tượng” (tượng mảng) 2 ”tượng” (voi), “tu” tức “hổ” (xấu hổ) 2 ”tu” (thầy tu); HV-TV: “cái” tức “tượng” (HV, tượng mảng) 2 ”cái” (“cửa cái” –TV, cửa chính), ”hổ” (cọp) 2 “hổ” (xấu hổ).
Ở đây, có hiện tượng chuyển nghĩa bằng cùng âm, tạo sự vi phạm quy luật đồng nhất về hình thức (giả vi phạm luật đồng nhất), trong lúc thực chất là hợp logic. Có thể mô hình hoá để lí giải hiện tượng này như sau:
“Tu (T) là hổ (H), hổ là cọp (C), cọp bắt thầy tu” : T = H , H = C
® C ¹ T
Công thức trên biểu thị việc vi phạm luật đồng nhất (lẽ ra, phải suy thành C = T). Nhưng chỉ giả vi phạm, bởi vì “cọp” là “hổ” (con hổ), không phải là “hổ” (xấu hổ); và “hổ” (xấu hổ) này là “tu” (HV), cùng âm với “tu” (HV -trong “thầy tu”). Vì thực chất C
¹ T, “nên cọp bắt thầy tu” là hợp lẽ.

* Phụ là vợ, phu là chồng, vì chồng vợ phải đi phu;
Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã.
Giai thoại về câu đối này: “Anh học trò trốn đi phu, quan bắt vợ anh ta đi thay, rồi đọc vế trên, bảo nếu đối lại hay, sẽ miễn phu cho cả hai người, và anh nọ đã đối như vậy; dù vế đối lại rất xấc, nhưng quan cũng giữ lời mà tha cho”.

Các cặp cùng nghĩa đã được nêu trực tiếp. Các cặp cùng âm như sau: “phu” (chồng) 2”phu” (phu phen, lao dịch); “ngã” (ta)2”ngã” (té ngã).
* Phụ là cha, tử là con, công cha con không dám phụ;
Mẫu là mẹ, tử là con, biết mẹ con còn nói mẫu.
Các cặp cùng nghĩa đã được nêu trực tiếp. Các cặp cùng âm: “phụ” (cha) 2 ”phụ” (phụ bạc); “mẫu” (mẹ) 2 ”mẫu” (nói mẫu: nói bông lơn, nói mỉa mai).

b. Cùng nghĩa kết hợp với cùng trường nghĩa
* Tí tận, thử tống mão;
Sửu đầu, ngưu thốn thìn.
“Tí”, “sửu”, về mặt biểu tượng, cùng nghĩa với “thử”, “ngưu”. Bên cạnh đó, “tí”, “sửu”, “mão”, “thìn” cùng trường nghĩa, thuộc thập nhị địa chi.

* Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long;
Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.
Tương truyền, vế ra là của Thị Điểm, vế đối lại là của Trạng Quỳnh. “Rồng”, “chuột” (TV), cùng nghĩa với “long”, “thử” (HV). Vế ra có “rồng”, “rắn”, hai từ cùng trường nghĩa; vế đối lại có “(dưa) chuột”, “(dưa) gang”, cũng là hai từ cùng trường dưa quả.

* Cha con thầy thuốc về làng, gánh một gánh hồi hương, phụ tử;
Vàng bạc nhà nông chuộc đất, trồng đôi hàng thục địa, kim ngân.
(Vế trên là một vế đối cổ, vế dưới của Phan Châu Trinh)
Các cặp từ cùng nghĩa TV–HV: “cha con” – ”phụ tử”; “về làng”–”hồi hương”; “vàng bạc” – ”kim ngân”; “chuộc đất” – ”thục địa”. Chúng cùng âm với các tên gọi vị thuốc “hồi hương”, “phụ tử”,... Bên cạnh đó, “hồi hương”, “phụ tử”, “thục địa”, “kim ngân” lập thành một trường về các vị thuốc, phù hợp với nghề thuốc và nhà nông trồng cây thuốc.

* Giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt;
Rổ nức lòng tâm, tép nhảy qua.
(vế trên chưa rõ tác giả; vế dưới, tương truyền của Nguyễn Huy Lượng)
Câu đối có các cặp cùng nghĩa: “giậu”–”rào”; “lòng”–”tâm”. Đồng thời, có “cáo”,”mèo” là hai từ cùng trường nghĩa; “tôm”,”tép” cũng vậy.

c. Cùng nghĩa kết hợp với nhiều nghĩa, cùng âm, trùng điệp
* Tương truyền, Đoàn Thị Điểm có ra một vế đối, mà đến nay vẫn chưa có vế đối lại tương xứng:
Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.
Cùng nghĩa HV-TV: “song song” 12 ”hai cửa sổ”. Nhiều nghĩa: “song song” 2 vừa có nghĩa sóng đôi, ngang bằng nhau, vừa có nghĩa được thông suốt (nghĩa “sóng đôi, ngang bằng nhau” đã được Việt hoá). Cùng âm: “song song” 1 – “song song” 2. Cũng lưu ý rằng, nếu ngắt nhịp giữa “ngồi” và “trong”, thì “cửa sổ song song” lại có thể hiểu theo một cách khác, là hai lần cửa, hoặc hai cửa sổ cùng nằm trên hướng nhìn (hai người không ngồi gần nhau). Bên cạnh đó, hiện tượng trùng điệp (âm hay từ) cũng được sử dụng, chỉ có 8 âm tiết được dùng để lắp đầy cho 14 âm tiết của vế đối. ”Cái hay” ấy cũng là cái khó để có thể lựa lời đối lại.

Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, qua các trình bày trên, là một mảng câu đối thú vị. Chúng góp phần làm phong phú diện mạo câu đối có sử dụng chơi chữ nói riêng, sự sắc sảo, hóm hỉnh của tính cách Việt nói chung.

T.N.
(179-180/01&02-04)


Tạp Chí Sông Hương

 
Câu đối chơi chữ theo cách cùng âm

Câu đối chơi chữ theo cách cùng âm

Hiện tượng cùng âm xảy ra khi cùng một tổ hợp âm thanh nhưng có nhiều ý nghĩa khác nhau tương ứng, trong cùng một ngữ cảnh. Câu đối chơi chữ theo cách cùng âm có thể chia làm hai loại: lặp nhiều từ ngữ cùng âm trên cùng một văn bản ngắn; dùng một tổ hợp để biểu thị hai từ ngữ cùng âm; đồng thời, dạng cùng âm có yếu tố tên riêng cũng được xét như một loại đặc biệt.


I. Câu đối lặp nhiều từ ngữ cùng âm trên cùng một văn bản ngắn
1. Cùng âm thuần Việt - thuần Việt (TV - TV)
Trên cùng một văn bản ngắn, loạt cùng âm thường là từ đơn tiết. Hiệu quả chơi chữ được thể hiện khi giữa các từ cùng âm tạo nên một sự rối rắm nhất định giữa âm và nghĩa, đòi hỏi chuyện phân định rạch ròi giữa chúng (mà việc phân định này, mỗi khi lí trí không níu giữ, chúng lại tuột khỏi, tiếp tục gây “mù”, tạo lẫn lộn như cũ).

* Vôi tôi, tôi tôi;
Trứng bác, bác bác.
Hai “tôi” đầu là đại từ, “tôi3” là động từ (có nghĩa “làm cho tan vôi sống bằng cách đổ nước vào”), hai “bác” đầu là danh từ, “bác3” là động từ (có nghĩa “vừa đun nhỏ lửa vừa quấy cho đến khi sền sệt”).

* Ruồi đậu mâm xôi đậu;
Kiến bò đĩa thịt bò.
“Đậu1” và “bò1” là động từ, “đậu2” và “bò2” là danh từ.

* Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa;
Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù.
“Đá1” và “đá4” là động từ, “đá2” và “đá3” là danh từ; “nhìn1” và “nhìn4” là động từ, “nhìn2” và “nhìn3” là từ tố của từ mù nhìn (bù nhìn).

* Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
“Ai3” là từ tố của trần ai (bụi), khác với các “ai” còn lại là đại từ. Hai “thế” đầu là danh từ, gần nghĩa với cục diện, thế lực; “thế3” là từ tố của thời thế (tình thế, hoàn cảnh chung của xã hội trong một thời kì); “thế4” và “thế5” là đại từ, nghĩa là vậy, ấy.

Theo nhiều tài liệu có dẫn câu đối, thì vế ra là của Đặng Trần Thường, vế đối lại là cuả Ngô Thì Nhậm. Hai người vốn là bạn học, rồi Thường theo Nguyễn Anh, Nhậm phò Nguyễn Huệ. Nhà Tây Sơn sụp đổ, Nhậm bị chính Thường bắt. Thường đã ra vế đối trên để làm nhục Nhậm. Nhậm không chịu nhún, đối lại một cách khẳng khái, nên Thường đã hạ lệnh đánh Nhậm ba mươi hèo mới tha.

2. Cùng âm Hán Việt - Hán Việt (HV-HV)
Loạt cùng âm là những từ đơn tiết:
* Thị vào hầu, thị đứng thị trông, thị cũng muốn, thị không có ấy;
cậy mạnh, ra múa, bị mưa, ướt cả lông.
Bốn từ “thị” cùng âm: thị1-2: hầu, thị3: trông, thị4: muốn, thị5: ấy; bốn từ “vũ” cùng âm: vũ1-2: mạnh, vũ3: múa, vũ4: mưa, vũ5: lông.

Có câu đối tương tự, dùng nguyên vế sau, còn vế đầu thay bằng: “Đình không dừng, đình thế thì thôi, đình gặp sét, đình tung cả nóc”; với năm từ “đình” cùng âm: “Đình1”: tên người, “đình2”: (nước) không chảy, “đình3”: dừng lại, “đình4”: cái đình, “đình5”: cái sân.

3. Cùng âm TV-HV hoặc HV-TV
* Cha áo thâm, con áo thâm, phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa;
Chị trằm bạc, em trằm bạc, tị muội vô phận bạc chi duyên.
Tương truyền, vế ra là của người chị họ Phan Văn San (Phan Bội Châu), vế đối lại là của Phan (lúc mười một tuổi). “Thâm1-2” (màu tối, gần với đen), “bạc1-2”(màu sáng; kim loại có màu trắng), là hai từ TV, cùng âm với “thâm3” (sâu, nồng thắm; trái với “thiển”), “bạc3” (mỏng, nhạt nhẽo; trái với “hậu”), là hai từ HV.

II. Câu đối dùng một tổ hợp để biểu thị hai từ ngữ cùng âm
1. Cùng âm TV-TV
a. Từ ngữ cùng âm với từ ngữ vốn có theo ngữ cảnh thuận, được nhận ra nhờ một yếu tố cùng trường nghĩa
* Đọc vế đối:
Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.
Thì “nghè” là miếu, điện lợp ngói. Đọc tiếp vế đối lại:
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên.
Do có “cống” (hương cống, tức cử nhân) xuất hiện, “nghè” trở thành “(ông) nghè” (tiến sĩ). Và có thể suy ra hiện tượng cùng âm tương ứng ở “cống” (cái cống ®ông cống) 2vế ra là của một ông nghè, vế đối lại là của Nguyễn Gia Cát.

Cũng có một số câu đối mà quan hệ cùng âm được thiết lập ở hai, ba cặp đối ứng:
* Rượu xơi cốc lớn vì say gái;
Bạc đánh con cũng thức dai.
Hai cặp: “cốc” (“(cái) cốc” « “(con) cốc”) 2 “cò” (“(đánh) cò (con)” « “(con) cò”); “gái”2“dai (trai)” (“(thức) dai” « “(gái) giai”). Câu đối của Nguyễn Can Mộng.

* Giàu có thiếu chi tiền, đi một vài quan đâu phải lẽ;
Sang không thì cũng bạc, đem dăm ba chữ để làm duyên.
Ba cặp: “giàu” - “sang” (“sang” tính từ, và “sang” động từ); “tiền” - “bạc” (“bạc” danh từ, và “bạc” tính từ); “quan” - “chữ” (“chữ” là đồng tiền, và “chữ” là văn tự, chữ nghĩa). Câu đối của Nguyễn Khuyến, làm lúc dự đám cưới của một người giàu trong thôn.

Các câu đối cùng kiểu dạng khác:

* Khoai Đơ xanh tốt nhờ về Phủ;
Lĩnh Mỗ vàng trơn bởi có nghè.
“Nghè (vải)” cùng âm với “(ông) nghè”. Câu đối của Nguyễn Quý Đức.

* Gái vờ vịt lấy trai không ra mặt;
Bạc đá chơi đĩ lại sát xương.
“Vịt”, thành tố của từ láy “vờ vịt” (giả vờ để che giấu), cùng âm với “(con) vịt”. Câu đối của Lê Trọng Du.

* Đau tiếc thân, lành tiếc của, thói ở bạc đã quen;
Mất lòng trước, được lòng sau, ai có tiền thì hốt.
“Bạc (nghĩa)” cùng âm với “(tiền) bạc”. Câu đối dán trước cửa hiệu thuốc bắc (“hốt”: bốc -PN Nam Bộ), của Nguyễn An Cư.

* Nghển cổ , trông bảng không tên: Giời đất hỡi, văn chương xuống bể!
Lủi đầu cuốc, về nhà gọi vợ: Mẹ đĩ ơi, tiền gạo lên giời!
Câu đối tả cảnh xem bảng kết quả thi, thấy không đỗ, cắm cổ về nhà của thí sinh ngày trước. “Cuốc” (đi một cách cắm cúi) cùng âm với “cuốc” (chim cuốc). “Lủi đầu cuốc” có thể hiểu “cắm đầu cắm cổ cuốc bộ về nhà”, đồng thời, cũng có thể hiểu tương đương với thành ngữ “lủi như cuốc” (tả hành động đi nhanh về nhà, không nhìn một ai).

b. Từ ngữ cùng âm với cụm từ tự do vốn có theo ngữ cảnh thuận, được nhận ra bởi hình thức cố định của chúng

* Bán rượu, bán trầu, không bán nước;
Buôn trăm, buôn chục, chẳng buôn quan.
Câu đối được dán ở quán giải khát. “Bán nước” tức bán nước uống, cùng âm với ngữ cố định “bán nước” (phản bội tổ quốc); “buôn quan” tức buôn một lượng hàng hoá có giá trị một quan tiền (hoặc buôn bán trong phạm vi một quan tiền), cùng âm với “buôn quan” (mua bán chức tước).

c. Từ ngữ cùng âm với từ ngữ vốn có theo ngữ cảnh thuận, được nhận ra bằng kiến thức, kinh nghiệm hay thực tiễn ngoài văn bản

*
Câu đối của Nguyễn Khuyến:
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại;
Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi.
Ông tam nguyên viết câu đối này để tặng một viên quan võ tên Quản Long. “Một ngươi” tức một mình ngươi, cùng âm với “một (con) ngươi”. Suy được cùng âm này, vì Quản Long chỉ có một mắt.

2. Cùng âm HV-HV
a. Câu đối tiếng Việt (chữ Nôm, chữ quốc ngữ)

* Cũng câu đối của Nguyễn Khuyến (viết tặng tổng đốc Hà Nam):
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp;
Nẹt thằng mặt trắng lấy tam nguyên.
“Tam nguyên” theo ngữ cảnh thuận là ba đồng (giá trị bằng một tạ gạo lúc bấy giờ), cùng âm (và cùng chữ viết) với “tam nguyên” (đỗ đầu ba kì thi: thi hương, thi hội và thi đình; tức giải nguyên, hội nguyên và đình nguyên). Cùng âm này được xác định bởi sự đối ứng với “nhị giáp” ở vế trên.

b. Câu đối chữ Hán

* Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu mất, Khiếu Năng Tĩnh ở Trực Mĩ có câu đối viếng:
Hiển tàng độc dị phùng tam mão;
Tâm sự toàn nghi đối lưỡng thân.
(Lúc hiển đạt và lúc mất, một điều lạ là cùng gặp vào ba năm mão;
Tâm sự như thế là trọn đạo làm con đối với hai đấng thân)
Thân” trong “lưỡng thân” (cũng gọi song thân, là cha mẹ), cùng âm với “thân” (thuộc thập nhị địa chi), do yếu tố “mão” cùng trường nghĩa này, ở vị trí đối ứng chỉ ra
2Đỗ Huy Liêu đỗ thủ khoa năm đinh mão (1867), đỗ hoàng giáp năm kỉ mão (1879), mất năm tân mão (1891).

3. Cùng âm TV-HV hoặc HV-TV
a. Cùng âm TV-HV
Dạng chơi chữ này dựa vào từ TV theo ngữ cảnh thuận, để suy ra từ ngữ HV cùng âm. Cách suy cùng âm dựa vào từ cùng trường nghĩa, hay tính chất cố định của từ.

* Dầu vương cả đế;
Ỉa vãi vào sư.
(Vế ra của một nhà sư, vế đối lại của Hoàng Phan Thái)

* Một chiếc cùm lim chân có đế;
Ba vòng xích sắt bước thì vương.
(Cao Bá Quát)
“Vương” là mắc, dính vào (TV), cùng âm với “vương” là vua (HV). “Đế” là bộ phận gắn ở phần dưới của một số vật (TV), cùng âm với “đế” là hoàng đế (HV). “Vương” và “đế” HV được nhận ra do cùng trường nghĩa, cái này là điều kiện của cái kia và ngược lại (ở cả hai câu đối; riêng “vãi” thuộc cách cùng âm TV-TV -- “(vung) vãi” - “(bà) vãi” ).

* Ông thông đến gốc cây đề, ông thông không đi, là ông thông lại;
Ông tú đi qua cửa cống, ông tú nhảy được, là ông tú tài.
Theo ngữ cảnh thuận, thì “thông lại” là (ông) thông quay trở lại (kết cấu TV), cùng âm với “thông lại” (viên chức làm việc ở bàn giấy các công đường phủ, huyện thời thực dân Pháp) (HV); “tú tài” là (ông) tú có tài năng (kết cấu TV), cùng âm với “tú tài” (một học vị dưới cử nhân) (HV). Ngoài ra, “đề”, “cống” (trong “cây đề”, “cửa cống”) (TV), cùng âm với “đề” (thuộc đề, lại -viên chức), “cống” (thuộc cống (cử nhân), tú -học vị) (HV).

b. Cùng âm HV-TV
Cùng âm HV-TV vừa có ở câu đối tiếng Việt, vừa có ở câu đối chữ Hán.
+ Với câu đối tiếng Việt:
* Có vế đối:
Trong quần anh có em học khá.
“Quần anh” (HV: họp mặt các anh tài) cùng âm với “quần anh” (TV: cái quần của anh). Hiểu theo nghĩa TV, vế ra đối có ý nghĩa tục.
+ Với câu đối chữ Hán, các yếu tố cùng âm HV với TV tạo nên cách hiểu như từ ngữ TV, thường là hiểu theo nghĩa thực, nghĩa đen.

* Chị nọ chồng mất sớm, làm nghề hàng thịt, một niềm thờ chồng nuôi con. Vào dịp giáp tết, chị mang biếu Nguyên Khuyến đôi bồ dục, bát tiết canh và ngỏ ý xin nhà thơ mấy chữ về treo nhà. Nguyễn Khuyến viết:
Tứ thời bát tiết canh chung thủy;
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.
(Bốn mùa tám tiết bền chung thủy;
Dặm liễu gò bồ muốn điểm trang.)
Câu đối nói lên ý chí, quyết tâm chung thủy của người vợ góa trước nỗi xao xuyến, đòi hỏi được “điểm trang” của “dặm liễu”, “gò bồ”. Đồng thời, chúng ta cũng lẩy ra được “bát tiết canh”, “đôi bồ dục” (hai món ăn được nhiều người thích) (TV), nhờ chúng cùng âm với các từ ngữ HV ở vị trí tương ứng (nếu đọc liền, không ngắt nhịp ở sau “tiết” và “bồ”).

III. Câu đối dùng cùng âm có yếu tố tên riêng
1. Lặp nhiều từ ngữ cùng âm trên cùng một văn bản ngắn
a. Câu đối tiếng Việt
+ Tên riêng là địa danh
* Nam Định có vùng đất Lạc Quần, nơi có chợ, có sông tấp nập; đồng thời, lại có xứ Quần Lạc cách Lạc Quần không xa, cũng trù phú không kém. Một vế ra đối được lưu truyền từ lâu, có nêu các địa danh này, nhưng chưa có một vế đáp thật chỉnh. Vế ra là:
Cô gái Quần Lạc, đi chợ Lạc Quần, bán lạc mua quần, trở về Quần Lạc.
“Lạc Quần”, “Quần Lạc”, hai địa danh có tên gọi theo lối đảo trật tự từ của nhau, cùng âm với “lạc quần” (lạc mất cái quần), hàm ý trêu đùa, lại cùng âm với lạc (đậu phộng), ‘‘quần” (quần áo) ở dạng tách rời (về âm thanh, khômg phải về chữ viết)... Chừng ấy cũng thấy vế đối quả không dễ đối lại.

* Hà Nam có đất Như Trác. Tương truyền, nơi đây cũng có vế đối khó đối lại như vế đối ở xứ Lạc Quần (Nam Định):
Gái Như Trác xấu như ma, người ta thiết tha như ma như trác.
“Như Trác” cùng âm với “như trác” (HV: như giũa); “như ma” (TV: giống như con ma) cùng âm với “như ma” (HV: như mài). “Như giũa như mài” (như ma như trác) nói về cách tu luyện của mỗi người.
Hồ Xuân Hương, có tài liệu nói, cũng có vế đối dùng địa danh Khán Xuân ở Hà Nội, như sau:
Gái Khán Xuân, xuân xanh tuổi mười ba, khép cửa phòng xuân còn đợi nguyệt.
Và có người đã đối lại:
Trai Đình Bảng, bảng vàng treo đệ nhất, chờ khi chiếm bảng trúng khôi khoa.
Đình Bảng thuộc Hà Bắc. “Bảng” (trong “bảng vàng”) cùng âm với “bảng” (trong “Đình Bảng”); tương ứng với “xuân” (trong “xuân xanh”) cùng âm với “xuân” (trong “Khán Xuân”) của vế ra.

+ Tên người
* Có ông tên Phạm Đình Chi, một hôm, đến thăm bà Nguyệt Anh (Sương Nguyệt Anh). Ông Chi có vẻ tự phụ, đề nghị gia chủ ra vế đối để kết duyên văn tự. Bà Nguyệt Anh đọc:
Đình làng tôi chẳng phạm, thưa ông, tôi phạm đình chi?
Ông Chi nghĩ nát óc vẫn không sao đối lại được, đành cáo từ.
“Phạm” là xúc phạm, đụng chạm đến cái cần tôn trọng, “đình” là đình làng, chúng cùng âm với “Phạm Đình” (họ Phạm Đình); “phạm đình chi” (phạm vào đình gì) cùng âm với Phạm Đình Chi (tên riêng). Cách cùng âm này vốn đã rất khó, với người trong cuộc càng khó hơn (muốn đối lại, trước hết, phải tìm được một cái tên gồm ba âm tiết, có từ loại theo thứ tự động từ, danh từ và đại từ (tương ứng với tên Phạm Đình Chi), kết thành một tổ hợp có nghĩa,và nếu được, là tên của người ra vế đối càng tốt).

* Một thời, ở tạp chí Văn nghệ, có Nguyễn Đình làm thơ trào phúng, Nguyễn Đình Thi viết truyện ngắn, thơ trữ tình rất hăng say. Xuân Thiều ra vế đối:
Nguyễn Đình thi với Nguyễn Đình Thi.
Thanh Tịnh đối lại:
Trần Thanh địch cùng Trần Thanh Địch.
Tên của hai người ở đầu vế đối cùng âm với hai âm tiết đầu trong tên ba âm tiết của hai người ở cuối vế đối. “Thi”, “địch”, hai động từ, cùng âm với “Thi”, “Địch” trong Nguyễn Đình Thi, Trần Thanh Địch, tên riêng.

b. Câu đối bằng chữ Hán
+ Tên riêng là địa danh
* Đặng Toán làm quan có tiếng thanh liêm, đang giữ chức tuần phú Ninh Bình thì có chỉ cử làm tổng đốc Nghệ Tĩnh, nhưng sắp sửa lên đường nhận chức mới thì mất. Đỗ Huy Liêu có câu đối viếng Đặng Toán:
Phương đáo Hoan chi thăng, hồ kị hạc quy, quy Thúy Hạc;
Khởi dữ Ninh hữu ước, hưu tương hồng ấn, ấn Lam Hồng.
(Mới nghe tin ông thăng quan lên châu Hoan (Nghệ Tĩnh), sao ông vội cỡi hạc về, về núi Thúy Sơn, núi Hồi Hạc; Hay là với tỉnh Ninh có hẹn, nên không đem dấu chim hồng in ở sông Lam Giang, núi Hồng Lĩnh.)
“Hạc”, “hồng” là tên hai loài chim lớn (HV), cùng âm với một thành tố của tên gọi địa danh Thúy Hạc, Lam Hồng.

+ Tên người
* Đoàn Trác Luân là anh ruột Đoàn Thị Điểm. Hôm ấy, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy bà Điểm đang soi gương bên cửa sổ, bèn nói:
Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
(Soi gương kẻ lông mày, một nét hoá ra hai nét)
Bà Điểm đối ngay:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.
(Tới ao xem trăng, một vầng thành ra hai vầng).
“Điểm” (chấm, nét), “luân” (vòng, vầng), chúng cùng âm với tên hai anh em bà Điểm, ông Luân.
Ngụy Vô Kị, Trưởng tôn Vô Kị, bỉ vô kị, ngã diệc vô kị.

2. Dùng một tổ hợp để biểu thị hai từ ngữ cùng âm
a. Câu đối tiếng Việt
* Lúc Trần Tế Xương mất, Nguyễn Khuyến có câu đối viếng:
Kìa ai chín suối xương không nát;
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
“Xương” là xương cốt (tng: “Sống gửi nạc, thác gửi xương”), cùng âm với tên người được viếng.

* Lê Trung Đình lúc mới mười lăm tuổi đã tỏ ra xuất chúng. Một lần, Tuần phủ Điện đùa Đình một vế đối:
Đình xiêu giữa chợ, ăn mày ngủ.
Đình đối ngay:
Điện tế bên đường, chó đói ăn.
“Đình”, “điện”, những nơi thờ cúng, là hai danh từ chung, cùng âm với Đình, Điện, tên của người thách, kẻ đối.

b. Câu đối chữ Hán
* Trong một chuyến đi sứ sang Tàu, Mạc Đĩnh Chi có lần chẳng may sa chân xuống một cái hố bên mép cầu. Đoàn sứ giả chạy lại đỡ ông dậy. Để đùa vui, họ ra cho ông một vế đối:
Can mộc hoành cừ, lục giả tương như tự đạo.
(Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng)
Vế đối này hóc hiểm ở chỗ, có năm tên người cùng âm (mỗi tên hai âm tiết): Can Mộc (Đoàn Can Mộc, một nhân vật thời Chiến Quốc); Hoành Cừ (tên hiệu của Trương Tái, một triết gia đời Bắc Tống); Lục Giả (người giỏi biện luận, từng giúp Hán Cao Tổ); Tương Như (Lạn Tương Như, một nhân vật thời Chiến Quốc); Tự Đạo (Giả Tự Đạo, người nước Tống, một quyền thần chuyên chế).

Mạc Đĩnh Chi nhìn quanh, thấy bên kia sông có cái đình dưới chân núi, bèn chỉ đình mà đối:
Đại đình an thạch, vọng chi nghiễm nhược Thái Sơn.
(Đình to, đá vững, thoạt trông như thể Thiên Thai)
Vế đối lại cũng ghép các tên người: Đại Đình (một tên hiệu của Thần Nông); An Thạch (Vương An Thạch, một nhân vật đời Tống); Vọng Chi (người đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên Đế) (hai tên sau chưa tra cứu được).

Câu đối chơi chữ theo cách cùng âm là một bộ phận câu đối có giá trị trong kho tàng câu đối nói riêng, trong nền văn học dân tộc nói chung. Những trình bày và phân tích, lí giải ở đây tuy chưa thật đầy đủ, sâu sắc, nhưng về cơ bản cũng cho thấy được diện mạo vấn đề, sự thú vị của nó, hòng giúp bạn đọc thưởng lãm.

T.N.
(169/03-03)


Theo Tạp Chí Sông Hương

 
Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố

I. Khái quát

Xem xét cách sử dụng hình ảnh của một thể loại văn học là yêu cầu cần có khi tiếp cận thể loại ấy. Tình hình nghiên cứu thể loại câu đố có nhiều hạn chế so với các thể loại khác của văn học dân gian, trong đó, có vấn đề hình ảnh.

Bài viết này tìm hiểu hình ảnh trong hai mối quan hệ:
- Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo lối lạ hoá (gọi là tính lạ hoá của hình ảnh).
- Xét trong quan hệ với người sử dụng, một số hình ảnh được lặp đi lặp lại ở nhiều lời đố khác nhau, đã phần nào cho thấy sự nhìn nhận của dân gian về vấn đề. Hình ảnh, như vậy, đã thể hiện hay phản ánh quan niệm (gọi là tính quan niệm của hình ảnh).
Vấn đề được trình bày qua việc khảo sát 2000 câu đố người Việt mà người viết sưu tập được.

II. Miêu tả cách sử dụng hình ảnh trong câu đố
1. Tính lạ hoá của hình ảnh
a. Ở mức độ chung, trên tổng thể văn bản lời đố, tính lạ hoá được thể hiện theo hai hướng: miêu tả một vật đố bằng nhiều dạng vẻ không giống nhau; và sự miêu tả khác thường một vật đố, tạo nên một thứ kì dị.
Đọc các lời đố sau:
-“Tám sào chống cạn,
Hai nạng chống xiên,
Con mắt láo liên;
Cái đầu không có!”;
-“Tám thằng dân vần cục đá tảng,
Hai ông xã xách nạng chạy theo”;
-“Trên chữ nhất, bình phong che kín,
Dưới chữ thập, che kín bình phong;
Trên chữ phi, pháo nổ đùng đùng,
Dưới chữ tẩu, mưa bay lác đác”;
-“Thiếp đà lỗi đạo chàng ơi,
Sinh ra phận gái nằm côi bụng chồng.
Mùa hè cho chí mùa đông,
May được cái áo thì chồng mang đi.
Nợ nần kẻ kéo người trì,
Thân thiếp thiếp chịu, chẳng can chi đến chàng”.
Hai lời đầu gồm các hình ảnh liên quan đến việc chèo chống, và sự nhộn nhịp của đám người khiêng vật nặng, đều cùng đố về con cua, con ghẹ. Hai lời tiếp theo có bóng dáng của chữ nghĩa, và chuyện lỗi đạo, việc hi sinh cho chồng của người vợ, đều cùng đố về cái cối xay. Những thứ khác biệt nhau được dùng để đố về cùng một vật, khi tập hợp lại, cho thấy chúng luôn mới lạ.
Tất nhiên, không phải bất kì một sự vật, hiện tượng nào khi trở thành vật đố đều có nhiều lời đố, do vậy mà sự lạ hoá cần được xét từ cấu tạo của lời đố. Ở đó, không khó tìm thấy những miêu tả khác thường, chúng tạo nên những hình ảnh kì dị so với thế giới hiện thực. Thí dụ:
- “Mình dà mặc áo cũng dà,
Tay xách con gà, đầu đội thúng bông” (chim ó).
-“Cái đầu một tấc,
Cái đuôi một thước;
Đi một bước, nhảy một cái” (cái cuốc).
-“Cây khô mà nở được hoa,
Đậu được một quả, khi già khi non” (cái cân xách).
-“Hang sâu, đá chắn xung quanh,
Có con cá quẫy loanh quanh giữa dòng” (răng và lưỡi - miệng).
-“Mắt gì cách gối hai gang,
Đem ra trình làng, chẳng biết chuyện chi;
Sinh ra cái giống dị kì,
Lưng nằm đằng trước, bụng thì phía sau?” (cẳng và mắt cá chân);
-“Con chi:
Đánh thắng ông vua,
Đánh thua thầy chùa?” (con chấy)
(Đầu vua có tóc như người bình thường, nên chấy bám được; đầu thầy chùa nhẵn bóng, chấy phải “thua”);

Các thí dụ trên cho thấy, hình ảnh lạ được tạo nên bằng sự miêu tả, là sự miêu tả theo các góc nhìn bất thường, hoặc góc nhìn không cố định. Lời đố của bốn câu đố đầu được sáng tạo theo lối nhân hoá (con chim ó khoác vóc dáng, hoạt động của con người: “mặc áo”, “tay xách con gà”, “đầu đội thúng bông”), động vật hoá (cái cuốc khoác hình thể, hành động của một con vật: “đầu”, “đuôi”, “đi”, “nhảy”,... ), thực vật hoá (cái cân xách khoác dáng dấp của cây cối: “cây”, “nở... hoa”, “đậu... quả”, “già... non”), tự nhiên hoá (răng và lưỡi khoác hình dáng của tự nhiên: “hang sâu”, “đá”, “cá quẫy... giữa dòng”). Lời đố của hai câu đố sau được sáng tạo theo cách tả thực.
Bên cạnh đó, trong câu đố, hình ảnh lạ còn được tìm thấy bởi những kết hợp không bình thường về mặt ngữ pháp, thường gặp là sự đánh lẫn đối tượng ở vai chủ thể của một hành động. Thí dụ:
-“Đi thì nằm, nằm thì đứng” (bàn chân)
(Đã đi thì không thể nằm, cũng như đã nằm thì không thể đứng. Nhưng ở đây, chủ thể của “đi” và “nằm-2” là người, chủ thể của “nằm1” và “đứng” là bàn chân (và “nằm1” là có bề mặt tiếp xúc lớn nhất theo phương song song với mặt đất (“đứng” thì ngược lại, có bề mặt tiếp xúc bé theo phương thẳng góc với mặt đất), khác với “nằm2” là ngả thân mình trên một vật nào đó, thường để nghỉ), nên lại có thể. Điều tạo nên sự không thể lẫn có thể bất thường này, chính là kiểu câu: X thì Y, X' thì Y' - với chủ thể của X, X' khác với chủ thể của Y, Y', và X trái nghĩa (1) với X', Y trái nghĩa với Y').
-“Mặc áo xanh, đội nón xanh;
Đi quanh một vòng,
Mặc áo trắng, đội nón trắng!”
(quả cau khi róc vỏ)(Chủ thể của “đi quanh một vòng” là kẻ “mặc áo xanh, đội nón xanh”, nhưng chủ yếu là người dùng dao để róc vỏ cau; vì bấy giờ, hành động của người là chủ động tạo kết quả còn sự vận động của kẻ “mặc áo xanh, đội nón xanh” chỉ là hình thức bị động nhận chịu. Chủ thể người (róc cau) bị ẩn đi, khiến lời đố trở nên kì lạ);...
b. Ở mức cụ thể, chi tiết, tính lạ hoá của hình ảnh có thể tìm thấy qua các kiểu dạng dưới đây.
1) Kiểu úm ba la:
Kiểu úm ba la gồm những âm thanh, hình ảnh gây nhiễu. Là hình thức tung hoả mù. Những âm thanh, hình ảnh này có thể được bố trí ở đầu hay ở cuối lời đố, và có thể độc chiếm một, hai dòng. Thí dụ:
- “Thiên bao lao, địa lao lao,
Giếng không đào làm sao có nước,
Cá không ở được, là tại làm sao?” (quả dừa);
-“Chẩm chầm châm bốn dầm bơi cạn,
Bản bàn ba hai bức màn treo;
Trước cửa tiền, quân reo ra rả,
Sau cửa hậu có ngọn cờ treo!” (con ngựa);
- “Miệng ngang miệng dọc,
Lo việc quốc gia;
Hắn náu ta la,
Ta la hắn náu! ” (người rao mõ) (2);...
2) Kiểu phóng đại, lớn lối:
Là cách làm cho sự vật được miêu tả không chỉ được phóng lớn mà còn bị làm cho biến dạng, méo mó đi. Thí dụ:
-“Giữa cầu, hai đầu giếng” (gánh nước)
(người gánh nước: cầu, thùng nước: giếng);
-“Trên trời mang tơi mà xuống,
Âm phủ đội mũ mà lên” (cây đậu nảy mầm)
(cây đậu khi nảy mầm chỉ dài vài phân, lớn bằng mút đũa, vậy mà được miêu tả như một người khổng lồ);
- “Lên trời xuống đất,
Chớp giật, sấm ran,
Sét đánh có ngần,
So chi chẳng kém” (pháo thăng thiên)
(miêu tả lớn lối sức của cây pháo);...
3) Kiểu tráo hình ảnh muốn nói bằng hình ảnh cùng trường nghĩa, cùng hình dạng:
+ Hình ảnh muốn nói được thay bằng hình ảnh cùng trường nghĩa (thường là trường nghĩa rộng); thí dụ:
- “Nhà đen đóng đố đen sì,
Trên thì sấm động, dưới thì đèn chong” (nồi cơm đang sôi)
(“đèn”: lửa);
- “Con con hai mái chèo con,
Chèo ra giữa biển, nước non dầm dề;
Oai nghiêm điều khiển một khi,
Cầm sào chỉ trỏ, bốn bề quân reo” (chăn vịt)
(“biển”: sông, lạch, ruộng trũng);
+ Hình ảnh muốn nói được thay bằng hình ảnh cùng dạng (cùng có dáng vẻ, hình vóc giống nhau, hoặc là một hình ảnh có được bằng so sánh); thí dụ:
-“Mình tròn đựng cháo bột huỳnh tinh,
Gái xoan làm bạn với mình đẹp ra;
Bao giờ tuổi tác về già,
Cây đa bóng mát ngồi mà nghỉ ngơi” (bình vôi)
(“bột huỳnh tinh” thay vôi ăn trầu do giống vôi - mịn hay sệt khi hoà với một ít nước và có màu trắng tinh);
- “Có cây mà chẳng có cành,
Có hai ông cụ dập dềnh hai bên” (cây ngô).
(dòng bát, có người đọc: “Vài cô tóc xoã dập dềnh đôi bên”)
(“ông cụ”, “cô tóc xoã”: hai hình ảnh so sánh với quả ngô, nhấn mạnh mặt râu ngô).
4) Kiểu dùng hình ảnh khác thường, có tác dụng như sự đánh dấu cho hình ảnh thật muốn nói đến:
Hình ảnh được dùng tuy khác thường nhưng chúng vẫn tồn tại, để có thể thay thế cho hình ảnh thật muốn nói đến. Thí dụ:
-“Cây minh kinh, lá minh kinh,
Có bầy chim sẻ tụng kinh trên chùa” (cây cau);
-“Trên đầu đội mũ lưu quy,
Áo mặc trăm lớp như sư vào chùa;
Có đôi gậy trúc lơ phơ,
Dao găm cầm lấy dắt vô trong mình.
Ngày thì lơ lửng giang đình,
Có đôi o con gái hữu tình nguyệt hoa” (con gà trống);
-“Trên đầu đội mũ giang sơn,
Hình thì bận áo bách diệp.
Ngày dạo chơi miền sơn lí,
Đêm mến cảnh chùa vô tu” (sinh hoạt của kẻ ăn mày) (3);
-“Cò quăm lấy ở dưới đầm,
Đem về nấu nướng kì cầm cả đêm;
Nước hết thì lại đổ thêm,
Nấu đi nấu lại mới mềm cò quăm” (củ ấu);...
Không có cây, lá mang tên “minh kinh” hay có dáng “minh kinh”, không có loại mũ mang tên hay có dáng “lưu quy”, “giang sơn”,...; nhưng lời đố muốn nói đến một loại cây, loại lá, cái mũ (hay thứ được gọi là mũ) thật. Không có vật mang tên “cò quăm”, nhưng đó là vật “lấy ở dưới đầm”, có thể “kì cầm” (kì cọ), “nấu nướng”, nên là vật thật - đó là củ ấu. Các hình ảnh được sử dụng có tác dụng như sự đánh dấu cho hình ảnh thật muốn nói đến.
5) Kiểu tên riêng được dùng theo lối cùng âm:
Nhiều tên riêng (tên người, tên đất) được dùng theo cách cùng âm, cùng nghĩa cũng có thể xem chúng thuộc lối lạ hoá hình ảnh.
Thí dụ:
-“Gia Cát đánh nhau với Đông Ngô,
Đông Ngô thua, Đông Ngô bỏ chạy,
Gia Cát dồn quân đánh lại trận sau” (rang ngô);
-“Khi xưa ở huyện Hoang Toàng,
Ở xã Bạch Bố, ở làng Cẩm Y;
Ngày thì thủ thỉ nằm ỳ,
Tối thì rủ rỉ rù rì ra ăn” (con rận);...
Các tên người, tên đất ở câu đố “rang ngô”, nhằm mượn các hình ảnh “cát”, “ngô” (theo cách cùng âm). Các tên đất ở câu đố “con rận”, nhằm mượn một vài yếu tố chỉ ra nơi ở của chúng: “bố”: vải; “y”: áo (theo cách cùng nghĩa).
6) Kiểu dùng lời Hán Việt:
Dùng lời Hán Việt thay vì dùng lời thuần Việt để miêu tả vật đố, trong bối cảnh hầu hết người chơi câu đố chỉ biết bập bõm đôi tiếng Hán Việt, cũng nhằm thể hiện lối lạ hoá hình ảnh.
Thí dụ:
-“Thân trường xích thốn,
Y phục thậm đa;
Sinh vô ngôn ngữ,
Tử động sơn hà”.
(Mình dài một tấc,
Quần áo quá nhiều;
Sống chẳng biết nói,
Chết la vang trời) (cái pháo);
-“Thiên vô sinh,
Địa vô sinh,
Vô dạng vô hình;
Đại nhân khai khẩu,
Tiểu nhân kinh”.
(Trời không sinh,
Đất không sinh,
Không dạng, không hình;
Người lớn nhắc đến,
Trẻ con kinh sợ) (ông Kẹ, ông Ọ) ( );

2. Tính quan niệm của hình ảnh
Có một số hình ảnh lặp đi lặp lại trong một số câu đố khác nhau. Chúng cho thấy việc dùng những hình ảnh này đã phản ánh một sự nhìn nhận, một quan niệm của cộng đồng về đối tượng được đề cập. Dưới đây là một số các hình ảnh này:
a. Hình ảnh “mẹ - con” của vật không phải người hay động vật
Hình ảnh “mẹ - con” khi đố về thực vật có thể được mở rộng thành “mẹ, cha - con”; ở đó, cây là “mẹ, cha”, quả (có khi là hoa) là “con”. Thí dụ:
-“Cha thấp, mẹ thấp,
Đẻ con trập tai” (cây và quả cà);
-“Mẹ thì đứng ở ngoài sân,
Sai con tiếp khách, đãi dân trong nhà” (cây và quả cau);
-“Cha mẹ thì ở diêm vương,
Sinh con lại ở tây phương Phật đài” (cây và hoa sen);
-“Con nuôi giống mẹ,
Con đẻ giống ai” (cây chuối)
(“con nuôi”: chỉ cây chuối con; “con đẻ”: chỉ búp hoặc buồng chuối);
-“Trên dương gian trăm ngàn đoạn khúc,
Xuống dưới đất, mẹ đẻ con ra;
Con thì quấn quýt mẹ cha,
Mẹ tôi ốm yếu, đẻ tôi ra ù ì” (khoai lang);...
Khi đố về dụng cụ gồm hai loại bộ phận rời, thì bộ phận lớn là “mẹ”, bộ phận bé là “con”. Thí dụ:
-“Con đánh mẹ, mẹ la làng,
Làng ra, con lại nằm ngang trên đầu”(cái dùi và cái mõ);
-“Một mẹ sinh được sáu con,
Yêu thương mẹ sẻ nước non vơi đầy” (bộ ấm chén, loại sáu chén);
-“Một mẹ sinh được trăm con,
Con nào con nấy vuông tròn như nhau.
Bởi con ăn ở qua cầu,
Mẹ tức mẹ đánh cái đầu con văng” (hộp diêm);...
b. Hình ảnh “mình - đuôi” của vật không phải người hay động vật
Một số vật có gắn dây, thì vật trở thành “thân mình”, dây trở thành “đuôi”.
Thí dụ:
-“Mình thì một tấc,
Đuôi dài thước năm,
Khi đi thì nằm,
Khi ngồi thì đứng” (kim chỉ).
-“Da đen, mặt rỗ, chân chì,
Đuôi dài thườn thượt, mình thì đầy gai” (cái chài, lưới đánh cá);
-“Mình dài một thước đâu sai,
Thơ thẩn tháng ngày, thân lại xoè ba.
Đêm khuya lặng lẽ sương sa,
Mình nằm âm phủ, đuôi mà thượng thiên” (cái mỏ neo);...
c. Dùng thiên can để miêu tả vật có sử dụng lửa
Một số vật có sử dụng lửa, thì hay dùng thiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý), có thể một số hay tất cả, để miêu tả. Thí dụ:
-“Đầu đội giáp ất,
Miệng ngậm bính đinh,
Cổ đeo canh tân,
Bụng mang nhâm quý,
Thân là mậu kỉ” (cái ống điếu);
-“Da trắng như màu thiếc,
Ruột rối như rau câu;
Bính đinh hoả đánh trên đầu,
Nhâm quý thuỷ thân đằng đít” (điếu thuốc);
-“Vai mang giáp ất,
Đầu đội bính đinh,
Ẩn quân tử chi hình,
Tiễn thanh nhân chi khí” (cây hương);...

III. Nhận xét, kết luận
Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố cho thấy yêu cầu hàng đầu của thể loại này là sự mới mẻ, lạ thường. Những hình ảnh này chủ yếu được tạo nên bởi lối nhân hoá (hay động vật hoá, thực vật hoá,... ), và cách tả thực. Do góc nhìn không bình thường, có khi dùng hình thức đánh tráo các quan hệ ngữ pháp, nên tạo ra những vật dị kì. Những cách miêu tả như vậy chỉ có và được chấp nhận trong câu đố, tạo cho thể loại này một phong cách rất riêng.
Tính quan niệm của hình ảnh được nhận ra nhờ sự lặp đi lặp lại khi cùng miêu tả một đối tượng của chúng. Tính chất này có phần mâu thuẫn với yêu cầu lạ hoá đã nói (chẳng hạn, khi lời đố dùng “mình - đuôi”, thì vật đố là loại có kèm sợi dây, dùng thiên can, thì vật đố có sử dụng lửa,... ). Nhưng trong số 2000 câu đố mà chỉ nhận ra được có bấy nhiêu, thì chúng chỉ đủ để nói lên phần nào quan niệm của dân gian ở phạm vi thể loại mà không đến độ phương hại một thuộc tính của nó. Vả lại, các hình ảnh vừa nêu ở mức rất chung, vẫn còn một khoảng cách khá xa để có thể tìm thấy vật đố (nên nắm được các hình ảnh này cũng chỉ ngang mức “gợi ý”, “hạ bậc” mà câu đố thường dùng).
T.N

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)



------------------
(1) Trong trường hợp này, là trái nghĩa ngữ cảnh.
(2) Dòng 1 lời đố có khả năng chỉ miệng người rao và miệng mõ, cũng có thể nhằm cười cợt người rao.
(3) Người ăn mày thường đội mũ, nón rách, mặc áo chằm vá, ngày đi khắp nơi kiếm ăn, tối vào đình, chùa để ngủ.
(4) Ông Kẹ, ông Ọ: Nhân vật tưởng tượng, có hình dạng gớm ghiếc, tính khí hung dữ, dùng để doạ trẻ con (có nơi gọi là ông Ba Bị).






 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top