thanhchung.hti
New member
- Xu
- 0
CÁCH "NẠP" TỪ VỰNG TIẾNG ANH CÓ HIỆU QUẢ
Để nhớ được vốn từ vựng Tiếng Anh không phải bạn cứ viết đi viết lại từ ấy là thuộc mà bạn phải biết kết hợp nhiều yếu tố và phương pháp học khác nữa.
1. Tự xây dựng cho mình những cuốn từ điển mini:
Học trò chúng ta ngày nay đã quá quen thuộc với những cuốn từ điển to đùng nhưng dám chắc rằng những cuốn từ điển hàng chục nghìn từ đó không thể hiệu quả bằng những “mini-dictionary” do chính chúng ta tạo ra. Bạn có thể tận dụng những tờ giấy còn thừa để đóng thành sổ, tốt nhất nên đóng gáy xoắn hoặc dùng clip kẹp cho linh hoạt. Một mặt bạn ghi các từ Tiếng Anh có đánh số thứ tự. Mặt bên kia là nghĩa của từ hoặc cụm từ cũng đánh số thứ tự tương ứng. Hàng ngày bạn có thể kiểm tra vốn từ của mình bằng cách chỉ nhìn vào mặt giấy ghi nghĩa Tiếng Việt để tìm từ Tiếng Anh hoặc ngược lại. Cách học này giúp bạn có khả năng vận dụng từ vựng nhanh bởi cuốn từ điển của bạn là một cuốn từ điển hai chiều Anh - Việt, Việt - Anh cơ mà.
2. Học từ theo chủ điểm:
Cách phân loại từ chúng ta vẫn thường dùng từ trước đến nay là phân loại theo Alphabet. Cách này thuận lợi cho việc tra từ nhưng thường gây khó khăn cho việc nhớ. Vậy làm sao bạn lại không thay đổi nhỉ ? Các chuyên gia ngôn ngữ khuyên bạn hãy sắp xếp từ vựng theo từng nhóm với chủ đề riêng như: Môi trường, giải trí, nghề nghiệp, nhóm từ chỉ trạng thái vận động tăng giảm. Tin chắc bạn sẽ trở thành một chuyên gia từ vựng nhờ “cái nhìn sâu hơn về nhiều vấn đề” đấy!
Làm cho mình muốn cuốn từ điển mini sẽ giúp bạn nhớ từ lâu hơn. Ảnh minh họa
3. Học theo những cảnh huống cụ thể:Tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới đều ít nhiều hàm chứa tính đa nghĩa. Tính đa nghĩa trong Tiếng Anh có thể tuy không thường xuyên làm người học “méo mày méo mặt” khi lâm vào những tình huống trớ trêu như một số ngôn ngữ khác nhưng cũng không dễ dàng gì để chúng ta sử dụng chính xác và đúng thần thái của từ vựng. Đối với những từ đơn nghĩa có thể không cần thiết nhưng đối với những từ đa nghĩa, bạn đừng ngần ngại chép lại cả một đoạn văn dài nào đó bởi công sức bạn bỏ ra bao giờ cũng được đền bù xứng đáng: Hiểu được cái tinh tế của từ vựng , bạn có thể sử dụng Tiếng Anh như một người Anh chính hiệu chứ không phải như một người chỉ biết ghép nối các con chữ một cách rập khuôn, máy móc, khô khan.
4. Luôn khám phá thêm từ những gì đã biết:
Yêu cầu này đòi hỏi bạn có lòng say mê, một đức cầu tiến thật sự. Hãy đừng tự bằng lòng với những gì đã học. Nếu ví một từ gốc (an initial word) như một hành tính thì luôn có rất nhiều vệ tinh chuyển động xung quanh nó. Nhiệm vụ của chúng ta là khám phá những vệ tinh này trong mối quan hệ với hành tinh gốc. Trong Tiếng Anh các vệ tinh thường thấy nhất là các cụm từ (phrase) và các thành ngữ, đặc ngữ (idiom). Tuy chúng hơi khó học nhưng nếu bạn muốn nâng cao tính hiệu quả trong việc vận dụng từ vựng vào thực tiễn ngôn ngữ, bạn sẽ không thể “bỏ qua”.
Ví dụ: chúng ta ai cũng biết từ “cake” có nghĩa là “cái bánh”. Thế cả câu: “That work is just a piece of cake for him” có nghĩa là gì: Tất nhiên không phải “Công việc đó chỉ là một miếng bánh cho anh ấy”. Ở đây chúng ta phải dịch là : “Công việc đó với anh ấy thật dễ dàng!”.
5. Vận dụng vào thực tiễn:
Bốn lời khuyên trên có thể giúp bạn có được sự tự tin về vốn từ vựng Tiếng Anh của mình nhưng tất cả sẽ cũng chỉ là một con số không nếu bạn không biến chúng thành của chính mình. “Nạp từ” mới chỉ là bước sơ khởi. Để biến vốn từ trở thành một nguồn chất xám tồn tại hữu cơ trong bộ não, bạn không được phép để chúng lâm vào tình trạng nhàn rỗi. Đây chính là lúc bạn vận dụng tối đa những gì đã học được vào việc thực hành các kỹ năng.
Hy vọng rằng sau một thời gian áp dụng những kinh nghiệm trên, các bạn cũng sẽ thốt lên được rằng : “Ồ! Tiếng Anh quả thực rất thú vị !”.
Chúc các bạn thành công!