Cách mạng tháng 8 và người trí thức

_vTiens_

New member
Xu
0
CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ NGƯỜI TRI THỨC.

Kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” tuổi 63, người trí thức bừng tỉnh trước nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu diễn ra trên đất nước ta như một cơn lốc xoáy. Rất lâu rồi, bây giờ mới có những hội thảo, những chuyên đề về vai trò của trí thức. Mọi người đồng thanh xác định vị trí của trí thức trong các ngành văn hóa, công nghệ, kinh doanh
“Đóng vai trò quyết định, từ năng suất lao động, phát minh sáng kiến, đến chiếm lĩnh thị phần. Và trí thức cũng được chia làm nhiều mức độ: dẫn đường, tiên đoán, nghiên cứu cơ bản, phát minh trên cơ sở công nghệ của tổ hợp sản xuất và điều hành kỹ thuật” (Phan Cẩm Thượng)*. Đã đến lúc xã hội nào cũng phải cần đến lao động của người trí thức. Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, gần đây ở nước Nga, tác giả Sergey Kirilov viết: “Chúng ta đang nói đến sự quay trở lại nền văn hóa của nó, không thể tưởng tượng nổi những việc như thế, nếu không hình thành được một tầng lớp trí thức tương ứng”.

Ở Việt Nam vấn đề trên đang là đòi hỏi cấp bách.


Những tiếng nói đi tìm thực trạng người trí thức hiện tại vang lên. Nhà văn Nguyên Ngọc nghiên cứu vấn đề trí thức quốc tế, đã đồng tình với J. P. Sartre định nghĩa thế nào là người trí thức: “Một người được xác định là trí thức không phải căn cứ trên lượng kiến thức anh ta có, mà trên thái độ và hành vi xã hội của anh ta… Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề”. Marx nói về người trí thức “phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi trước kết luận của chính mình hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào". Ở phương Đông, ngày xưa người ta gọi trí thức là “kẻ sĩ” – người dấn thân vì lợi ích của toàn thiên hạ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì đại nghĩa của toàn thiên hạ.

Do vậy, thường xảy ra tình trạng người cầm quyền khó ưa trí thức.Theo Nguyên Ngọc “ Bàn về vấn đề trí thức cũng là bàn về khả năng của người cầm quyền chấp nhận được sự quấy rầy thường trực của tiếng nói phản biện thường trực ấy. Nâng cao năng lực của người cầm quyền chịu đựng sự quất rầy phản biện ấy, vì quyền lợi của nhân dân, đất nước”.


Lịch sử Việt Nam ghi nhận cống hiến của người trí thức cho dân, cho nước. Không xa, đầu thế kỷ XX, trước cách mạng tháng Tám, nước ta có hai phong trào hoạt động của trí thức, tác động xã hội rất lớn, đến tận bây giờ.


Phong trào
Đông Kinh Nghĩa Thục xuất hiện ở Hà Nộ từ tháng 3 đến tháng 12-1907 do những nhân sĩ, trí thức yêu nước có uy tín đương thời tổ chức: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hữu Cầu, Võ Hoành, Dương Bá Trạc… Đông Kinh Nghĩa Thục dưới hình thức một trường học hợp pháp và mở rộng ra các tỉnh, liên hệ với phong trào Duy Tân ở miền Trung và Đông du ở nước ngoài, nhằm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” với chủ trương “Mở tân giới, xoay nghề tân học/ Đón Tân trào, dựng cuộc tân dân/ Tân thư, tân báo, tân văn”. Nhân dân khắp thành thị, nông thôn nô nức đi học, mở cửa hàng, sản xuất hàng hóa… Các nhà tư sản góp tiền, trí thức góp công, mở trường dạy nghề, dạy học miễn phí cho dân. Chín tháng sau, chính quyền thực dân Pháp giải tán trường, đàn áp trí thức, đày họ ra Côn Đảo.

Những năm 1930, nhiều trí thức đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức văn hóa hoạt động công khai. Đó là các hội:
Trí tri, Khai Trí, Tiến Đức, Truyền bá Quốc ngữ và Tự lực văn đoàn… Là các báo và tạp chí: Đông Dương, Nam Phong, Tiếng Dân, Tri Tân, Thanh Nghị, Khoa Học… và các nhà xuất bản: Nam Kỳ, Tân Dân, Đời Nay… Các hoạt động này manh nha xuất hiện một dáng dấp xã hội dân sự lành mạnh, chấp nhận ở một chừng mực nhất định dân chủ ngôn luận và tự do báo chí… sôi nổi cho đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Hội thảo khoa học về Tự lực văn đoàn tháng 5/2008, xác định Phẩm
tính trí thức của Tự lực văn đoàn: “Không những đã truyền bá tri thức và văn hóa mà còn đem lại nhiều điều mới lạ có giá trị. Không những gây ra và định hướng dư luận xã hội mà còn dám có những ý kiến độc lập với chính quyền, thậm chí đả kích cả sự bất cập của chính quyền đương thời… Tự lực văn đoàn không chỉ chủ trương tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình bắt nguồn từ cội rễ văn hóa dân tộc – bình dân để khơi ra một dòng văn hóa mới ở cuối buổi giao thời… Tự lực văn đoàn còn phản ánh đầy đủ phẩm tính và cốt cách của những người trí thức mới, tôn thờ lý tưởng Chân, Thiện, Mỹ quan tâm và có chính kiến của riêng mình đối với những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc”. (Chu Hảo)

Cách mạng tháng Tám 1945, tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam đều đi theo kháng chiến góp phần làm nên chiến thắng. Hồ Chủ tịch tập hợp được bên mình những trí thức lớn: Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Huỳnh, Trần Duy Hưng… Từ đó, thêm các nhà tư sản lừng danh của Hà Thành như: Trịnh Văn Bô… và “tuần lễ vàng” ủng hộ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945.

Cách mạng tháng Tám đã giải phóng người trí thức Việt Nam khỏi ách cai trị của thực dân. Họ được hưởng thành quả của Cách mạng tháng Tám, tự do sống và hiến danag tài đức cho dân tộc. Song, có “những khoảng thời gian không ngắn, chúng ta có những ứng xử không đúng, coi thường, hạ thấp, kỳ thị với trí thức. Vậy mà, vẫn có nhiều trí thức dũng cảm vượt qua những bất công, vì lợi ích cao nhất của dân tộc mà quên mình lao động, dũng cảm cống hiến…”. Nguyên Ngọc nói thẳng như vậy. Và với tình yêu nước, thương nòi, ông đề xuất những ý kiến trung thực, chính xác để xây dựng và phát huy lực lượng trí thức trong thời hội nhập và phát triển. Ông viết “Chính lúc này cần phát huy vai trò của trí thức. Cần có một lực lượng trí thức có tính độc lập cao, để có nhiều suy nghĩ mới, táo bạo, mở đường, sáng tạo… Yêu cầu cao nhất của người trí thức chân chính là được làm việc, được cống hiến tất cả tài năng, trí lực củamình cho đất nước…” Bên cạnh những điều kiện vật chất rất ít ỏi, thì điều thiết yếu nhất đối với họ là tự do tư tưởng. Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Đối với trí thức không được dùng quyền lực. Những người trí thức chân chính không sợ quyền lực. Cùng lắm họ sẽ đối phó lại bằng im lặng. Và chúng ta sẽ chẳng được gì cả, sẽ là mất mát lớn… Điều quan trọng nhất là phải có một nền đại học thực sự ra đại học. Đào tạo nên những con người có dũng khí, tư cách và khả năng tư duy độc lập...


Cuối cùng, Nguyên Ngọc khẳng định: “Ở đâu và bao giờ cũng vậy, là bộ máy cầm quyền cần thiết; nhưng dẫn dắt dân tộc lâu dài là tầng lớp trí thức của dân tộc ấy. Không nhận ra điều đó thì chỉ có thể đi được những bước đường rất ngắn, rất cụt”.


Đặc điểm quan trọng nhất của người trí thức Việt Nam là rất yêu nước. Không phản bội nhân dân. Không bỏ Tổ quốc. Họ theo Cách mạng tháng Tám, dù bị thiệt thòi, vẫn vượt lên, âm thầm hiến dâng đời mình cho dân tộc như: Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Lê Đạt, Phùng Quán… Vậy nên, những nhà cầm quyền Việt nam rất cần trí thức chân chính. Trong nền kinh tế thị trường mang tính toàn cầu, doanh nhân Việt Nam lại càng cần trí thức và sẽ có nhiều trí thức là doanh nhân.

*) Bài viết của chúng tôi có dùng một vài tư liệu in trong tạp chí Khoa học & Tổ quốc tháng 6/2008

----------

Nguồn: Internet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top