Cách mạng Tháng 8 dưới góc nhìn của hai sử gia phương Tây

Thandieu2

Thần Điêu
CÁCH MẠNG THÁNG 8 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA HAI SỬ GIA PHƯƠNG TÂY.

Lên án cuộc chiến tại Việt Nam ngay thời điểm cao điểm của chiến tranh Pháp - Việt, sử gia người Pháp Phillip Devillers biểu hiện một hành động dũng cảm và sáng suốt.

Còn với sử gia David Marr, người Mỹ, tác phẩm Việt Nam 1945 của ông xuất bản lần đầu năm 1995 có thể coi là công trình nghiên cứu sử học chi tiết nhất về Cách mạng 1945 của nước ngoài.

1. Phillip Devillers, người Pháp

Ông là một trong những sử gia phương Tây có cái nhìn sớm nhất và đúng đắn nhất về Cách mạng tháng Tám Việt Nam. Tôi quen ông từ những năm 80, qua một bà bạn chung là nhà thơ nữ Francoise Corrèze. Lần cuối cùng, tôi gặp ông ở Paris vào năm 1997, nhân ngày Quốc tế Pháp ngữ. Chúng tôi cùng được mời nói chuyện một buổi. Ông nói về lịch sử hiện đại Việt Nam và tôi nói về văn hóa Việt Nam. Ông người cao, xương xương, điềm tĩnh, nói nhỏ nhẹ, phát biểu gì cũng viết ra giấy cẩn thận.

Cuốn Lịch sử Việt Nam (từ 1940-1952) của ông ra năm 1952, biểu lộ một hành động dũng cảm và sáng suốt, vì lúc đó là cao điểm cuộc chiến tranh Pháp - Việt, ông đã lên án một cuộc chiến sai lầm, điều mà mấy chục năm sau ông chứng minh bằng tư liệu chặt chẽ trong cuốn Paris - Sài Gòn - Hà Nội.

Ông có mặt ở Việt Nam ngay từ khi tướng Leclerc đổ bộ, nên có thể coi ông là một nhân chứng lịch sử. Về Cách mạng Tháng Tám và Việt Minh, ông nhận định:

"Cuộc Cách mạng không phải là sự bùng nổ. Nó là kết quả cuối cùng của sự thấm lọc, điểm nút logic của sự thâm nhập Việt Minh vào tất cả các lĩnh vực quốc gia. Chỉ có một sự tụ hội kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được.

Việt Nhật lật đổ Pháp đã thay đổi các dữ kiện của vấn đề một cách cơ bản. Cho đến lúc đó, Việt Minh không có cơ may gì hơn Việt Nam Quốc dân đảng (1930) và Đảng Cộng sản Đông Dương (1931) để thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp... Bạo lực của Nhật mở ra cho Việt Minh triển vọng mới, do sự phá hủy mọi quyền lực trong nước nhờ vào tình trạng vô chính phủ chung...

Ngày 6/8, trái bom Hirosima nổ tung. Ngày 10/8, Hồ Chủ tịch ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng, nhờ sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện, Việt Minh đã chiếm được một số ví trí chính trị và tâm lý tuyệt vời".

2. David Marr, người Mỹ

Tác phẩm Việt Nam 1945 của ông xuất bản lần đầu năm 1995 có thể coi là công trình nghiên cứu sử học chi tiết nhất về Cách mạng 1945 của nước ngoài. "Hết sức chi tiết và khách quan, đây là một sự kiện thiết yếu để hiểu nguồn gốc sự dính líu của Mỹ và Việt Nam".

David Marr là giáo sư Trường đại học Quốc gia Australia. Tuy lâu lâu mới gặp, tôi có dịp cộng tác với ông trong nhiều năm để thực hiện một dự án của Quỹ Ford: Chọn 10 cuốn sách về khoa học xã hội và nhân văn điển hình nhất của phương Tây để dịch và xuất bản cho giới nghiên cứu ở Việt Nam. (Hội đồng tư vấn gồm có David Marr, Phan Huy Lê, Lương Văn Hy, Việt Phương, Hữu Ngọc). Ông Marr dáng người nho nhã, nói năng từ tốn. Ông có bà vợ người Việt, ông nói tiếng Việt giỏi.

Trước khi viết cuốn Việt Nam 1945, ông đã viết Sự chống chủ nghĩa thực dân của Việt Nam (1971) và Truyền thống Việt Nam bị xét xử (1981).

Cuốn Việt Nam 1945 là 13 năm lao động trí óc bền bỉ. Ông Marr đã đi tìm tư liệu ở Mỹ, Pháp, Australia, Việt Nam và ông dệt một bức thảm lịch sử, kết hợp tất cả các nguồn thuộc các đối tác lịch sử khác nhau để đi đến một sự khách quan có thể có được.

Shawn McHale đánh giá cuốn sách là cái nhìn đầy đủ nhất về một trong những năm quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, một cột mốc của sự nghiên cứu Việt Nam, ông cho đây là một cuốn sách tham khảo mẫu mực cho một thời gian dài.




  • Theo bee.net.vn


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top