HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM VĂN BẢN NGHỊ LUẬN
Văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản quan trọng trong đời sống xã hội, có vai trò rèn luyện tư duy và năng lực biểu đạt những vấn đề có ý nghĩa trong thực tế đời sống. So với các kiểu văn bản như kể chuyện, miêu tả, biểu cảm… văn nghị luận có những điểm khác biệt. Nếu như văn miêu tả, kể chuyện có tác dụng kích thích trí tưởng tượng, xây dựng óc quan sát tinh tế những tình cảm chân thực, những khám phá hồn nhiên về thiên nhiên, về đời sống gia đình, xã hội… thì văn nghị luận nhằm hình thành và phát triển khă năng lập luận chặt chẽ, trình bày những dẫn chứng một cách sáng sủa, giàu sức thuyết phục, diễn tả những suy nghĩ và nêu ý kiến riêng của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống hoặc trong văn học nghệ thuật.
Cách làm văn bản nghị luận:
1. Nhận thức đúng vấn đề trọng tâm mà đề yêu cầu làm sáng tỏ.
Để nhận thức chính xác đề văn cần đọc kĩ và trả lời mấy câu hỏi sau đây:
- Thực chất ở đây nêu lên và buộc người viết bàn về vấn đề gì? Đề văn này thuộc loại đề nào? Nghị luận văn học hay nghị luận xã hội? Nếu là nghị luận văn học thì đề thuộc nhóm nào (nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích thơ, văn xuôi? Hay nghị luận về một ý kiến, một nhận định về văn học?). Nếu là nghị luận xã hội thì đề thuộc nhóm nào (nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hay nghị luận về một sự việc, hiện tượng có thật trong cuộc sống?). Bài yêu cầu vận dụng những thao tác nghị luận nào? Bất cứ đề nào cũng phải vận dụng tất cả các thao tác nghị luận như giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, so sánh… tất nhiên trong đó sẽ có một vài thao tác chính mà đề thường đã nêu lên.
- Phạm vi kiến thức cần huy động và làm sáng tỏ ở đây là gì? Về lý luận văn học? Về kiến thức văn học sử, về kiến thức tác phẩm, tác giả? Kiến thức đời sống và kinh nghiệm bản thân? … Kiến thức huy động trong bài cũng cần thật đa dạng và phong phú, tiêu biểu và đích đáng. Nếu đã nêu lên kiến thức bắt buộc thì những kiến thức mở rộng chỉ nên làm nổi bật những kiến thức mà đề yêu cầu. Trong trường đề không giới hạn cụ thể thì người viết cần có một tầm bao quát kiến thức văn học sử thật tốt để huy động được các dẫn liệu thật tiêu biểu, toàn diện và có giá trị thuyết phục cao. Thường là phải quét từ văn học dân gian – văn học trung đại – văn học đầu thế kỷ - văn học hiện đại và văn học đương đại – văn học thế giới.
2. Hình thành được hệ thống ý làm sáng tỏ cho vấn đề trọng tâm
Có nhiều cách tìm ý khác nhau, ở đây chỉ nêu lên cách tìm ý thông dụng và phù hợp với việc làm bài văn nghị luận của học sinh trong nhà trường. Để tìm ý cho một bài văn, người viết thường phải tiến hành hai bước:
Bước 1: Dựa vào yêu cầu và chỉ dẫn của đề để tìm ra vấn đề trọng tâm và các ý lớn mà bài viết cần làm sáng tỏ.
Bước 2: Tìm các ý nhỏ bằng cách đặt ra các câu hỏi, vận dụng những hiểu biết về văn học và cuộc sống, xã hội để trả lời các câu hỏi đó.
- Nó là gì? (giải thích những thuật ngữ, khái niệm khó trong đề)
- Nói như thế nghĩa là thế nào?
- Nói như thế có đúng không? Tại sao lại có thể nói như thế? Căn cứ vào đâu?
- Điều ấy thể hiện trong văn học và trong cuộc sống như thế nào?
- Câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào? (đối với nhà văn, đối với người đọc, đối với lịch sử văn học…)
3. Ví dụ phân tích đề văn sau:
Trong tác phẩm Tôi đã học tập như thế nào? Nhà văn M. Gorki viết: “Mỗi cuốn sách đều là bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người…”
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng kinh nghiệm của bản thân mình, hãy phân tích một số tác phẩm văn học đã học và đã đọc để làm sáng tỏ ý kiến ấy.
Gợi ý
:
Với đề văn trên, HS cần hiểu được bản chất của vấn đề mà bài viết cần tập trung làm sáng tỏ là: Vai trò và tác dụng to lớn của sách đối với cuộc sống tinh thần của con người. (Sách mà M.Gorki nói ở đây là các tác phẩm văn học). Cụ thể là: Tác phẩm văn học góp phần làm cho con người một mặt tránh được những nhược điểm, những thói hư tật xấu trong mỗi con người, mặt khác giúp con người nhận thức thêm được nhiều cái hay, cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống xã hội, giúp ta hiểu được cái đúng, cái sai, cái cao cả, cái thấp hèn trong cuộc đời để từ đó sống tốt hơn, sống đẹp hơn và sống nhân ái hơn…
Từ nhận thức ấy bằng cách đặt ra một số câu hỏi để nêu được một số ý sau:
- Giải thích qua một vài từ khó trong nhận định của M. Gorki như: Sách ở đây chủ yếu là tác phẩm văn học và là tác phẩm chân chính; Con thú: chỉ những thói hư, tật xấu, những hạn chế, phần bóng đêm trong mỗi con người; con người chỉ phần trong sang, tốt đẹp, cao cả… ngược lại với phần con thú. M. Gorki nói như thế nghĩa là như thế nào? Bản thân mỗi con người bao giờ cũng luôn tiềm ẩn trong mình những phẩm chất tốt đẹp, nhân ái, cao cả và thánh thiện (phần Người) và những mặt hạn chế, những thói hư tật xấu (con Thú). Cuộc sống của mỗi con người luôn là cuộc đấu tranh giữa phần thú và phần người, để vươn tới một con người chân chính là cả một quá trình phấn đấu, gian khổ, nghiệt ngã. Trong cuộc đấu tranh khó khăn ấy, các tác phẩm văn học là một thứ vũ khí sắc bén, có vai trò và tác dụng to lớn. Mỗi tác phẩm như một bậc thang nhỏ giúp người đọc thoát ra khỏi “địa ngục” của những thói hư, tật xấu, cái ác và sự tội lỗi, để vượt lên mặt đất chói sang ánh mặt trời, của cái đẹp, lòng nhân ái, đức vị tha…
- Tại sao tác phẩm văn học có được vai trò và tác dụng to lớn ấy? Phần này HS cần vận dụng những kiến thức lý luận văn học như đặc trưng, bản chất, nhiệm vụ… của văn học để lý giải.
- Sách đã giúp con người sống tốt hơn như thế nào? (chính là phần chứng minh). Phân tích một số tác phẩm văn học để làm sáng tỏ. Đề ra không nêu cụ thể nhưng HS cần chú ý lựa chọn được tác phẩm tiêu biểu, toàn diện. Chú ý liên hệ từ chính kinh nghiệm của bản thân mình: Tập trung trả lời câu hỏi: các tác phẩm văn học đã giúp mình sống tốt, sống đẹp hơn như thế nào? Trình bày và phân tích cần chân thực, có sức thuyết phục và truyền cảm, tránh gượng ép…