• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cách học tốt môn lịch sử

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
[h=2]Giật điểm cao môn Lịch Sử như nào?[/h]Các sự kiện lịch sử cũng có quy luật đấy, teen ạ!

'Chiên giòn' môn Lịch Sử theo cách của bạn

Vì một số lý do khác nhau mà teen mình thường lắc đầu, nhăn trán khi nói đến môn Lịch sử. Sự thực thì, môn Sử đâu đến nỗi đáng sợ như vậy đâu? Teen cứ tự dọa mình rồi tự tránh xa môn Sử, đến khi điểm không cao, lại càng vững tin rằng mình… không đội trời chung với môn Sử! Sao teen không thử tìm cho mình những “bí kíp” để thử “yêu” môn Sử một lần nhỉ?

Teen luôn chụp mũ môn lịch sử là khô khan, gượng gạo. Kỳ thị các sự kiện lịch sử mà teen tự mặc định là chẳng thể nhét vào đầu. Thực ra thì không phải thế đâu. Học sử cần có tư duy logic để kết nối các sự kiện, tìm ra quy luật của các thời kỳ lịch sử, nên sẽ rất hợp với các bạn học khối A nhé. Mà với đầu óc tính toán của dân khối A, việc suy luận ra các số liệu ngày tháng của môn Sử cũng chẳng khó gì mấy nhỉ, chẳng hạn, nếu lỡ quên năm thành lập mặt trận Việt Minh, chỉ nhớ mỗi ngày 19/5 và khoảng năm 41, 42, 43 gì đó, dân khối A dễ dàng… làm phép tính 5 = 4 +1, vậy suy ra là năm 41 rồi! Tương tự, ngày thành lập tổ chức ASEAN là ngày 8/8/1967, qui lại vào mấy số 6, 7, 8, “số tiến” đó, dễ nhớ chưa!

Còn các bạn học ban Xã hội cũng có lợi thế là Văn rất gần với Sử, nhất là mảng văn học sử ấy! Nếu khéo liên kết thì các bạn sẽ đỡ được khối trong khoản nhớ các sự kiện của từng giai đoạn lịch sử. Một khi đã nằm lòng những đặc điểm của văn học trong một khoảng thời gian lịch sử nhất định, thì việc nhớ các sự kiện lịch sử, vai trò, của chúng trong dòng chảy lịch sử và ảnh hưởng tới thời đại,… chỉ là chuyện muỗi.

Để nhớ được các sự kiện lịch sử theo thứ tự của nó thì một đội ngũ “trợ lý” cũng sẽ rất hữu ích. Đó là những bảng sự kiện, sơ đồ tư duy các thể loại… Nếu muốn khái quát các sự kiện chính của một giai đoạn lịch sử dài, sơ đồ tia là thích hợp nhất. Sơ đồ trung tâm với các nhánh thì hợp hơn để ghi nhớ chi tiết từng sự kiện lịch sử riêng biệt. Còn các bảng sẽ giúp teen trong việc kiểm tra kiến thức về hoàn cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa… từng sự kiện trong một chuỗi các sự kiện lịch sử. Quan trọng là các bảng và sơ đồ ngắn gọn, trực quan, đảm bảo trông dễ thương hơn nhiều so với những trang giấy đầy chữ trong sách giáo khoa. Và tự tay mình vẽ ra, cũng thấy yêu yêu hơn tẹo, và thế nào chả thuộc nhanh hơn cơ chứ!

Nhớ nằm lòng những câu này nữa nhé: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” của Bác Hồ, chắc chẳng ai là không biết. Ngày nay, teen mình đã “cải chính” câu thơ thứ hai lại thành “Cài gì không biết thì tra google”. Đúng thế thật, “bác gúc” sẽ trả lời tất cả những thắc mắc của các bạn về các sự kiện lịch sử một cách thật chi tiết. Không chỉ thế, nhiều nguồn thông tin khác cũng hứa hẹn đem lại cho teen mình những điều thú vị về môn Sử. Chẳng hạn, các tiểu thuyết lịch sử với các nhân vật được xây dựng sống động, phim tài liệu, các diễn đàn sử học nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.

Một khi vượt ra khỏi những con số khô khan với những sự kiện tưởng chẳng liên quan gì đến mình để bị cuốn vào các câu chuyện lịch sử, hay một cuộc tranh luận nảy lửa trên các forum, không khéo cả ngày bạn chỉ nghĩ đến Sử thôi cũng nên! Thử nhé, các forum rất “xôm” là lichsuvietnam.info, diendankienthuc.net…forum trường của teen cũng có box sử đấy.

Nhưng, một note nhỏ cho teen là chỉ nên tham khảo thôi chứ đừng vội vàng đưa những gì “hay ho” vào bài kiểm tra khi chưa chắc chắn về độ chính xác của nó. Sai một nhát lợi thì có lợi nhưng… răng chẳng còn đâu! Hì, bây giờ thì môn Sử đã có đường vào trái tim của teen chưa nhỉ?

Giang Thủy


 
Cách làm bài

Trước hết, HS cần phân tích đề bài. Đề hỏi gì trả lời cái đó. Ví dụ: hỏi Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, hoặc Bác đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam... thì trả lời cụ thể vấn đề đó, không phải có bao nhiêu kiến thức về Bác Hồ là đưa tất. Sau đó nên làm đề cương sơ lược trước khi bắt tay vào viết để tạo ra trật tự, trình tự viết mạch lạc. Trong thời gian làm bài, người ra đề đã tính đến việc HS phân tích đề, lập đề cương. Sơ lược gạch đầu dòng, không phải bài nháp rồi chép lại. Cách này sẽ giúp cho HS không để mất ý lớn, điểm lớn hoặc nếu có chỉ mất những chi tiết nhỏ, mất tỷ lệ điểm ít. Không viết đề cương, khi viết qua, chợt nhớ ra chi tiết thì không thể bổ sung vào khi trang giấy kín đặc. Làm đề cương nhằm vào nội dung câu hỏi chứ không lập mở bài, thân bài, kết luận. Hiểu nội dung cơ bản, HS sẽ biết tự mở bài ngắn gọn nhất, sát nội dung. Nháp được nội dung đề cương, tự khắc viết được mở bài. Cứ làm bài đến hết nội dung, tự HS sẽ đi đến được kết luận. Nhiều HS lại nháp rất kỹ mở bài, môn Sử không cần như vậy, mà phải nhằm vào thân bài, điểm nằm ở phần này. Phải làm tất cả các câu hỏi, không làm một câu thật tốt mà câu khác không làm. Bố trí thời gian cho từng câu, 180 phút là 10 điểm, trừ thời gian nháp, có thể 1 điểm làm trong 15 phút. Chia theo tỷ lệ điểm và tránh việc dành thời gian cho 1, 2 câu. HS phải chủ động về thời gian làm bài. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Để đảm bảo được tính chủ động này, trong luyện tập HS đã phải chú ý. Các lỗi thường gặp - Không suy nghĩ kỹ câu hỏi đã làm bài.

Câu hỏi không đòi hỏi viết nhiều lại viết nhiều và ngược lại. Ví dụ: Kỳ thi năm trước hỏi thuận lợi của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa..., HS lại đưa rất nhiều khó khăn. Điều này là không cần thiết. Không phải cứ viết dài là được điểm mà cách này sẽ "ngốn" rất nhiều thời gian làm bài. Hoặc, hỏi nội dung cụ thể về quyền dân tộc cơ bản trong Hiệp định Genever, Hiệp định Paris, nhưng HS lại trình bày toàn bộ hiệp định. Đây là những lỗi phổ biến, HS chủ quan với các câu hỏi, đọc đại khái, viết theo ý mình dẫn đến việc thừa thiếu không cần thiết trong bài làm. Tuy không bị trừ điểm nhưng HS đã tự trừ điểm của mình vào chỗ khác. - Các lỗi do hiểu sai nội dung vấn đề nên viết tràn lan. Chưa hiểu được "từ" trong câu hỏi. Ví dụ: năm trước HS không hiểu quyền dân tộc cơ bản là gì. Lỗi này liên quan đến quá trình học. - Diễn đạt không mạch lạc, lộn xộn, kết cấu bài làm không chặt chẽ, nguyên nhân là do không hình thành đề cương khi làm bài. - HS tự hiện đại hóa kiến thức.
Ví dụ: hỏi Thành tựu của sự nghiệp đổi mới 1986-1991, nhiều HS lại đưa cả những năm sau này, như nói đến năm 2000. Thậm chí, có HS còn đưa cả con số bên Địa lý, nhưng sẽ không phù hợp. Con số bên Địa lý là con số cập nhật, còn bên Lịch sử là phải đúng thời điểm.
 
[h=2]Cách học môn sử dễ nhất[/h]Phải thổi hồn vào những con số

Với lịch sử không nên học thuộc từng câu, từng chữ, từng từ vì như thế là không cần thiết, tuy nhiên, phải nhớ mốc lịch sử đó là ngày, năm tháng. Người học sinh phải hiểu sự kiện ấy có ý nghĩa như thế nào và thổi hồn vào những con số, ngày tháng ấy chứ không phải trình bày khô khan, vô nghĩa. Và các em cũng sẽ khó đạt được điểm cao nếu chỉ đưa ra con số, số liệu mà không có phân tích, chứng minh.

Học Sử các em nên chia từng thời kỳ ra học và trong từng thời kỳ phải định ra những sự kiện chứ không nên học thuộc máy móc theo sách giáo khoa. Tuy các tri thức được cung cấp đầy đủ trong SGK nhưng người học phải sắp xếp các kiến thức ấy vào đúng nội dung, yêu cầu câu hỏi đưa ra.

Ví dụ: Giai đoạn lịch sử từ 1919 - 1945, có 2 thời kỳ trước khi có Đảng lãnh đạo và sau khi có Đảng lãnh đạo thì mỗi quá trình diễn ra như thế nào, và 1945 trở đi có sự kiện gì... Học sinh phải hiểu được nguyên nhân, tiến trình, đường lối, sự phát triển của sự kiện.

Đừng học vẹt

Đừng coi Sử là môn phụ. Sử phải học thường xuyên để ngấm sâu vào nhận thức của từng người. Phải chọn vấn đề để học, phải hiểu vấn đề để nắm vững then chốt của vấn đề và vận dụng linh hoạt trong bài làm vì đề thi trong những năm gần đây đều thiên về dạng bài có phân tích và tổng hợp. Trong qúa trình làm bài không nên sa đà vào sự kiện mà phải nêu bật được tính khái quát của vấn đề. Do vậy, yêu cầu học sinh phải nắm đại thể và biết khái quát vấn đề, quan trọng nhất là nắm chắc câu hỏi.

Hiện nay học sinh yếu nhất là nắm vấn đề và cách trình bày. Do vậy phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa nhưng đặc biệt không nên học thuộc. Học theo vấn đề hiểu vấn đề.

Vậy, làm thế nào để bài thi môn Sư đạt kết quả tốt?

Có 3 cách:

- Thứ nhất: Đi thẳng vào vấn đề mà câu hỏi đưa ra.

- Thứ hai: Với học sinh khá hơn thì làm bài có tuần tự, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề bởi đó là lôzíc vấn đề của lịch sử mà chúng ta không thể bỏ qua. Thí sinh làm bài với kiểu này thường có điểm cao hơn.

- Thứ ba: Đối với một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải có nhận thức một cách chính xác. Với loại câu hỏi này, không nên trả lời loanh quanh, nếu trả lời loanh quanh. Ví như, câu hỏi của đề thi học sinh giỏi vừa qua: Sự kiện nào đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam chuyển hoàn toàn từ tự phát sang tự giác? Câu hỏi này chỉ đòi hỏi học sinh trả lời sự kiện ra đời của đảng 1930, đánh dấu quá trình chuyển từ tự phát sang tự giác của công nhân Việt Nam. Học sinh không nhận thức được điều đó thì trả lời loanh quanh là suốt từ quá trình công nhân Việt Nam ra đời, thậm chí còn phát triển sai là phong trào công nhân Ba Son như vậy điểm rất thấp.



Về đề thi, cần lưu ý: Những người ra đề thường theo nguyên tắc chung của Bộ ra đề phải nằm trong chương trình THPT, không có đề nào nằm ngoài chương trình, thường chương trình lớp 12 chiếm 80 - 90% trong đề thi. Nhưng với lịch sử không nên học tủ vì câu hỏi thường hay lô -gíc với nhau.

Đối với lịch sử thế giới thường ra đề trong phạm vi từ năm 1945 trở lại đây. Học sinh cũng nên chú ý tới lịch sử thế giới vì dễ “ăn” điểm nhất vì không phải phân tích nhiều. Đặc biệt, sách giáo khoa lịch sử xuất bản năm 1991 học sinh nên chú ý học.
 
[h=2]Phương pháp học môn sử đạt hiệu quả cao[/h]Khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp năm nay, nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng vì có đến 4 môn xã hội, trong đó “khó nuốt” nhất là môn Lịch sử.

Bằng chứng là nhiều năm nay, môn Lịch sử luôn “đội sổ” là môn có thí sinh điểm thấp nhiều nhất. Thời điểm này, thí sinh mong muốn có một phương pháp học tập môn Lịch sử nhanh và hiệu quả…

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử có nhiều kinh nghiệm đứng lớp và chấm thi, tôi xin “bật mí” cho các em một vài kinh nghiệm ôn tập để đạt điểm cao môn học được cho là khô khan và “khó nuốt” này.


History%20summary.png


Học sử, các em nên học theo giai đoạn. Cụ thể lịch sử Việt Nam có các giai đoạn sau: 1919-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975; 1975-2000. Các em cần nắm vững những kiến thức cơ bản của từng giai đoạn. Muốn vậy, hãy soạn đề cương về những vấn đề cơ bản của từng giai đoạn.

Khi soạn đề cương cho từng giai đoạn, bạn nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Bạn nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, đừng học nhảy cóc lung tung…

Khi học, các em nên sơ đồ hoá kiến thức một cách ngắn gọn cho dễ nhớ. Ví dụ, về hoàn cảnh của việc ký kết Hiệp định Pari tháng 1-1973, nên sơ đồ hoá ngắn gọn: Thất bại 12-1972 → ký Hiệp định Pari 1973. Nhưng khi trình bày em phải viết đầy đủ như sau: Thất bại nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari… Học bằng cách sơ đồ hoá kiến thức như vậy vừa dễ nhớ vừa rèn luyện được kỹ năng làm bài, từ tổng hợp đến khái quát và triển khai các ý…

Trong quá trình học phải biết xác định những kiến thức cơ bản, trọng tâm, không nên trong sách giáo khoa có gì là học nấy. Nếu không có phương pháp, không biết đâu là kiến thức cơ bản mà cố nhồi nhét tất cả vào trong đầu thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”, khi thi sẽ lẫn lộn, viết lan man, không có trọng điểm.

Sau khi học xong một vấn đề, một giai đoạn, các em tự kiểm tra kiến thức mà mình đã học bằng cách trình bày ra giấy, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thi cần học lại và viết lại.Việc làm này cực kỳ quan trọng, nó vừa giúp các em rèn luyện kỹ năng làm bài, vừa giúp khắc sâu kiến thức. Nếu các em chỉ học thuộc bằng miệng thì sẽ không thể khắc sâu kiến thức được, nhìn vào tài liệu là em thuộc làu một cách trôi chảy nhưng khi đặt bút viết ra giấy là “bí” hoặc thiếu sót nhiều ý.

Do đó, các em phải chịu khó viết ra giấy để biết chắc là mình đã nắm vững kiến thức. Nhiều em bỏ qua khâu này, cứ tưởng là mình đã thuộc nên khi thi cầm bút viết mới bị… “bí”, thiếu ý và…mất điểm.

Tôi tin với phương pháp và cách học như trên các em sẽ “hạ gục” được môn học được cho là khô khan và “khó nuốt” này!

Phạm Được
Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng​
 
[h=2]Mẹo học Sử nhớ lâu cho học sinh lớp 12[/h]Lâu nay, các sĩ tử dự thi khối C thường ngại học môn sử vì cho rằng đó là môn học khó với những sự kiện tiếp nối sự kiện. Song nếu tìm được cho mình một phương pháp học Sử có hiệu quả nó thật sự không đáng sợ như các bạn nghĩ.

Tập nhớ ngày sinh của bạn bè

Mình có thằng bạn sinh ngày 9 tháng 2, hình như ngày này mình đã thấy đâu đó khi đọc sách sử. Đúng rồi, đó là ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 do Nguyễn Thái Học đứng đầu mà.

Còn nhỏ Lan lớp mình sinh ngày 7 tháng 5. Cố nhớ xem có trùng vào sự kiện nào không nhỉ? À, ngày đó chẳng phải là ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 sao!

Tháng 8 là tháng lớp mình có nhiều người sinh nhất. Nhỏ Út sinh 16 tháng 8, nhỏ Nga sinh 17 tháng 8, Nam Béo sinh 19 tháng 8, Hải Sêkô sinh 25 tháng 8. Trong những ngày đó, có ngày nào trùng với sự kiện lịch sử không nhỉ?

charts_birthday_calendar_classroom_sea_chart.gif
Xem nào, ngày 17 không trùng sự kiện nào. Ngày 16 thì sao? Đó là ngày khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi ở Thái Nguyên. Ngày 19 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội và ngày 25 khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn.

Với cách nhớ trên, các bạn vừa có thể nhớ lâu ngày sinh nhật của bạn bè mình, lại vừa có thể nhớ các mốc sự kiện một cách lâu nhất.

Mở rộng hơn, bạn có thể lựa chọn những ngày đáng nhớ khác như ngày mình và nhỏ H quen nhau; ngày mình vào học lớp 10; ngày mình đi thi học sinh giỏi; ngày lớp mình liên hoan…Để rồi, với mỗi mốc đáng nhớ ấy, bạn sẽ gắng tìm để gán cho nó một sự kiện lịch sử rồi ghi nhớ chúng.

Nhớ 1 được 2

Với nhiều sự kiện chỉ cần nhớ 1, ta sẽ nhớ sự kiện kia. Chỉ cần các bạn tìm ra cách thức liên kết 2 sự kiện ấy.

Ví như ngày 27 tháng 1 (1973) là ngày kí Hiệp định Pari, đảo lại, ngày 21 tháng 7 (1954) là ngày kí Hiệp định Giơnevơ; Ngày 2 tháng 9 (1945) Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đảo lại ngày 9 tháng 2 (1930) là ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái…

560-History_time_line.gif
Với cách này, bạn cần tìm chính xác từng cặp đôi sự kiện rồi xem xét để xâu chuỗi chúng lại với nhau theo một sợi dây chung dễ nhớ nhất.

Xem phim tài liệu

Hãy xem những cuốn phim tài liệu về Chiến tranh ở Việt Nam, về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…và nhiều cuốn phim tài liệu lịch sử khác. Đó cũng là một cách ghi nhớ lịch sử trực quan, sinh động.


Những thước phim sống động sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng hơn, với ấn tượng mạnh hơn mà không hề cảm thấy khô khan như tiếp thu trên trang sách.

Tương tự với “giáo trình” hấp dẫn ấy, bạn có thể học Sử qua tranh ảnh…, nếu có điều kiện bạn hãy tới thăm quan Bảo tàng quân sự Việt Nam để khắc sâu hơn các kiến thức mình đã học trên lớp.

Cuối cùng: Hệ thống kiến thức trước khi đi ngủ

Bạn hãy dành ít nhất 10 phút trước khi đi ngủ để hệ thống lại khối kiến thức đã thu lượm được trong ngày.

Cố gắng nhớ lại trong đầu những sự kiện, như hôm nay mình học về chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch ấy bắt đầu ngày 16 tháng 9; mở đầu ta tấn công cứ điểm Đông Khê…

ON.jpg
Kết thúc chiến dịch ta tiêu diệt và bắt sống trên 11.500 tên, thu trên 3000 tấn vũ khí, giải phóng thêm 4000km2 đất đai và 35 vạn dân…

Chỉ với ít phút đó bạn có thể khắc sâu kiến thức thêm một lần nữa. Hôm sau, nếu có thời gian, sau khi hệ thống kiến thức của ngày đó, bạn có thể hệ thống kiến thức đã học của ngày hôm kia, rồi ngày hôm kìa…

Học Sử có khó như bạn nghĩ? Hãy tìm tòi và trải nghiệm với những phương pháp mới, bạn sẽ thấy say mê hơn với môn Sử.

Theo Nguyễn Mạnh Quang
Mực Tím​


 
[h=2]Bí quyết học Sử cho lớp 12[/h]Phải đối mặt với hai kỳ thi quan trọng nên nhiều bạn học sinh chịu không ít áp lực với những bộ môn khó nuốt, trong đó có môn Sử. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn chinh phục môn học này.

Hoc_Lich_su_mot_cach_hieu_qua_nhat.jpg


Phân định thời gian

Nếu cảm thấy kiến thức trong đề cương quá tải và bạn không có khả năng để học hết thì hãy phân chia thời gian cho thật hợp lí. Nếu từ khi ôn tập cho đến khi thi còn một tháng thì tất nhiên bạn nên phân ra một ngày học bao nhiêu câu là hợp lý, tránh để gần đến ngày thi mới mang ra học thì chắc chắn không có hiệu quả. Với những teen biết cách lên thời gian cho việc học thì kiến thức sẽ ngấm sâu và nhớ rất kỹ từng mốc thời gian.

Rút gọn ý chính

Nếu câu nào quá dài thì hãy nhanh tay rút gọn lại những ý chính để học thật kỹ, nên nhớ chỉ được tóm tắt, rút gọn khi đã tham khảo qua ý kiến của giáo viên bộ môn. Tuyệt nhiên không được sửa đổi ngày tháng hay tên nhận vật. Khi tự tay tóm ý và rút gọn những kiến thức bạn sẽ nhớ rất lâu, bên cạnh đó khi sọan ra đề cương cho riêng mình bạn sẽ thấy tự tin hơn khi học bài và đặt bút làm bài.

sach_ls.jpg

SGK luôn chuẩn!

Bám sát SGK

Đừng bao giờ dại dột học theo những kiến thức lan man bạn tìm được trên mạng hay do bạn bè chuyền tay nhau mà không rõ nguồn gốc! Hãy bám sát SGK vì kiến thức trong sách lúc nào cũng rất chuẩn. Nếu cẩn thận bạn cứ việc học những kiến thức mà bạn cho là quan trọng, đừng bao giờ lược bỏ những ý được thầy cô cân nhắc là có thể cho ra trong đề thi. Nếu học kỹ những kiến thức trong SGK bạn sẽ yên tâm khi cầm đề trong tay mà không sợ bị điểm kém.

Học để hiểu

Nếu học một cách máy móc những con số khá chi li trong đề cương thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào kham nổi hết mớ kiến thức rối như bòng bong ấy. Hãy chú ý nghe giảng trên lớp kết hợp với việc nghiền ngẫm lại bài học tại nhà, chắc chắn dần dần bạn sẽ hiểu tác dụng của việc học để hiểu. Khi đã hiểu hết những ý mà thấy cô truyền đạt thì việc học bài dễ như trở bàn tay. Bạn sẽ không khó để thuộc hết những kiến thức khá dài trong đề cương vì lúc này nó đã nằm gần 70% trong đầu bạn qua bài giảng rồi.

Tập trung khi học bài

Môn Sử cần sự tập trung cao độ khi học bài. Bạn đừng bao giờ vừa học vừa xem phim hay nghe nhạc vì rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Hãy dành khỏang thời gian vào buổi sáng, lúc này đầu óc rất tỉnh táo, khi mang bài Sử ra học chắn chắn bạn sẽ thuộc ngay một cách dễ dàng. Nếu bạn có sự tập trung cao độ trong lúc học thì những con số ngày tháng năm sẽ không còn là nỗi ám ảnh nữa đâu!

Môn Sử không hẳn là khó để kiếm điểm 10, khó là bạn có nắm bắt được phương pháp học tập hợp lý hay không. Hãy bỏ túi những chia sẻ của MTO để tự tin chinh phục môn Sử nhé teen 12!

Bino
Theo MTO​
 
[h=2]Để học và thi tốt môn lịch sử[/h]Cần ôn tập như thế nào?

Hiểu biết, khám phá và sáng tạo là phong cách học lịch sử. Khi ôn tập môn lịch sử, các bạn phải luôn tự đặt và trả lời ba loại câu hỏi cơ bản:
  1. “… như thế nào?” (trình bày, nêu, khái quát, tóm tắt)
  2. “Tại sao?” (giải thích)
  3. “Phân tích” (vừa trình bày, vừa giải thích, chứng minh, so sánh, đánh giá, phê phán)
Học sinh cần nói lại, hoặc viết ra giấy nội dung trả lời, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thi cần học lại và viết lại.
hoc1.jpg


Điều đáng chú ý là học sinh không bắt buộc phải trình bày mọi vấn đề lịch sử một cách máy móc, giống từng câu, từng chữ như SGK, mà có thể thay đổi câu chữ và bố cục, miễn là đảm bảo đúng nội dung. Mặt khác, có thể trình bày cả những kiến thức không có trong SGK.
Mấy điểm cần lưu ý về kĩ năng làm bài

1- Phân tích câu hỏi trong đề thi
Phải đọc hết và hiểu chính xác từng chữ trong câu hỏi. Trong đề thi, một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là “thừa”. Đọc kĩ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá…)
2- Phân bố thời gian cho hợp lí.
Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp.
3- Lập dàn ý
Hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài”, đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về “mở bài”. Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, khắc sẽ biết kết luận. Đừng nghĩ trước kết luận, và cũng chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.
Về hình thức, không phải ai cũng viết được chữ đẹp, câu hay, nhưng hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt. Hãy luôn nhớ: Đúng, đủ, rõ ràng, thế là đã tốt; lời văn giản dị, thế đã là hay.
Những lỗi cần tránh

1- Lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản.
Đây là lỗi khá phổ biến. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi: Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 20 của thế kỷ XX, đã có những trường hợp sai như sau: (1)Trình bày lại hoạt động tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920 (lạc đề, sai kiến thức cơ bản, vì không xác định đúng thờì gian; (2) chỉ trình bày hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp và Liên Xô từ năm 1920 đến năm 1924 (sót kiến thức cơ bản, thiếu các sự kiện trong những năm 1924-1929); (3) Trình bày cả những sự không cần thiết từ năm 1917 đến năm 1919 (thừa).
Cũng có khi đề thi yêu cầu “giải thích” hoặc “phân tích”, nhưng bài làm chỉ “trình bày”.

Để khắc phục tình trạng trên, cần đọc kĩ đề thi, xác định rõ yêu cầu của đề và chuẩn bị dàn ý sơ lược trước khi viết bài.

2- Lẫn lộn sự kiện giữa các thời kì, giai đoạn lịch sử khác nhau.
Có thí sinh viết: “Một trong những điều kiện bùng nổ của phong trào cách mạng Việt Nam năm 1930 là có sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch” (Lúc đó chưa có Chính phủ, Hồ Chí Minh chưa làm chủ tịch). Hoặc là: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”. “Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam” (năm 1951 Đảng mới có tên này).

Nguyên nhân chính là thiếu sự tỉnh táo, hoặc mất bình tĩnh, không suy xét trước khi viết. Cũng có khi do thói quen chủ quan, dẫn tới sai một cách vô thức.

3- Mặc định cái sau phải hoàn thiện hơn cái trước.
Có thí sinh viết: Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã “phát triển và hoàn chỉnh” so với Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Hội nghị thành lập Đảng thông qua (đúng ra phải viết là “có hạn chế”). Nguyên nhân của lỗi này là chưa hiểu bài.

4- Ngoài ra, trong các bài làm, thí sinh thường hay mắc lỗi diễn đạt, viết sai chính tả, sai ngữ pháp.
Nguyên nhân chính là do thiếu sự rèn luyện trong quá trình học.


( Theo ussh.edu.vn)
 
[h=2]Để được điểm cao khi thi Lịch Sử[/h]Những lỗi cần tránh khi làm bài thi môn Lịch Sử


Là một trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT vừa qua, lịch sử vẫn là môn học “khó nuốt” trong suy nghĩ của nhiều học sinh. Có em chăm học và học bài khá tốt nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Để khắc phục vấn đề này, các em nên chú ý các vấn đề sau:

Một số lỗi cần tránh
Lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản. Đây là lỗi nghiêm trọng và khá phổ biến. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi:Trận “Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra như thế nào từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972? Nêu kết quả và ý nghĩa lịch sử của sự kiện trên. (Câu 2 đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD-ĐT TP.HCM vừa qua), đã có không ít trường hợp thí sinh sai như sau: (1) Trình bày chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (lạc đề, không có điểm); (2) Trình bày cả phần miền Bắc làm nghĩa vụ hậu phương (thừa); (3) Chỉ trình bày kết quả mà không nêu được ý nghĩa lịch sử của sự kiện mà đề yêu cầu (thiếu).

Nhầm lẫn mốc thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử. Một trong những cái khó khi học môn lịch sử là có nhiều sự kiện và mỗi sự kiện lại tương ứng với những mốc thời gian nhất định. Do học bài không kỹ, nhiều em thường lấy thời gian diễn ra sự kiện này gắn cho sự kiện khác. Ví dụ, trình bày về hiệp định Paris có em viết: “Sau thất bại trận Điện Biên Phủ trên không, ngày 21-7-1954 hiệp định Paris đã được ký kết” (nhầm với thời gian mà ta và Pháp ký hiệp định Giơnevơ, mốc thời gian của hiệp định Paris phải là ngày 27-1-1973). Thậm chí nhiều em khi trình bày về một sự kiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) lại cứ ghép vào mốc thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

a_diemthi.jpg

Diễn đạt lan man, dài dòng. Trong nhiều năm qua, các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp rất chặt chẽ, rõ ràng. Các em cần đọc kỹ câu hỏi và trả lời thẳng vào vấn đề, tránh dẫn nhập vấn đề lan man, quá xa xôi, như thế vừa mất nhiều thời gian lại không có điểm. Ví dụ, đề hỏi về Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, thì học sinh chỉ trả lời luôn chủ trương của ta trong chiến dịch này là gì? Để thực hiện chủ trương ấy, ta đã tấn công địch như thế nào, địch phản ứng ra sao? Diễn biến chiến dịch, kết quả, ý nghĩa của chiến dịch.

Ngoài ra, trong các bài làm, thí sinh thường hay mắc lỗi viết tắt, viết sai chính tả, gạch xóa nhiều. Những lỗi này dễ gây mất thiện cảm cho người chấm và có thể sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ. Những thí sinh chữ xấu, khó đọc cần cố gắng điều chỉnh. Có những bài thí sinh trình bày quá cẩu thả tới mức người chấm vừa đọc, vừa dịch rất vất vả. Dĩ nhiên những bài này khó đạt điểm cao.

Mấy điểm cần lưu ý về kỹ năng làm bài

Đọc kỹ đề, xác định chính xác yêu cầu của đề. Khi nhận được đề thi, thí sinh cần bình tĩnh, đọc cẩn thận từng câu hỏi có trong đề. Nên dùng viết gạch chân dưới mỗi ý chính của câu hỏi để xác định đầy đủ các ý mà đề yêu cầu. Cần phân biệt rõ đề yêu cầu “nêu”, “trình bày”, “phân tích” hay “so sánh” để thực hiện cho phù hợp.

Lập dàn ý. Sau khi nắm chắc được yêu cầu của từng câu hỏi trong đề, thí sinh nên dành từ 5 đến 10 phút để lập dàn ý, xác định những ý chính, trình tự các ý.

Phân chia thời gian hợp lý cho mỗi câu. Thí sinh nên dựa vào số điểm của mỗi câu mà phân chia thời gian cho phù hợp, trong đó nên dành 5 phút để đọc và tự kiểm tra lại cả bài. Thí sinh nên làm trước câu nào mà mình nắm vững nhất, trình bày thành từng ý rõ ràng. Sau mỗi ý, mỗi câu phải xuống dòng để giáo viên dễ chấm điểm.
Để kết quả bài thi tương xứng với công sức học tập, thí sinh cần giữ bình tĩnh, tự tin, tránh ức chế căng thẳng nhất là trong thời gian chờ đợi phát đề, nên thư giãn, hít thật sâu, tập trung suy nghĩ đến một hình ảnh vui ngộ nghĩnh.

Chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi
Mấy ngày trước khi đi thi thí sinh thường căng thẳng, khó học bài, do đó nên dành thời gian ngồi lại lấy giấy bút ra hệ thống lại toàn bộ phần giới hạn ôn tập gồm mấy giai đoạn? Trong mỗi giai đoạn có những sự kiện tiêu biểu nào? Nội dung chính của mỗi sự kiện ấy là gì? Qua đó, nếu nội dung nào thí sinh không thể nhớ nổi mới phải mở tài liệu coi lại. Trong những ngày này, việc phân chia hợp lý quỹ thời gian cho 6 môn thi tốt nghiệp cũng cần được quan tâm, không nên có tư tưởng chỉ tập trung học những môn mà thí sinh đã đăng ký dự thi đại học và dùng điểm những môn này để kéo cho các môn còn lại. Như thế là liều lĩnh và rất có thể phải trả giá đắt, nhất là với đa số học sinh học lực chỉ ở mức trung bình, yếu.
Tóm lại, để đạt được điểm cao trước hết thí sinh phải học bài, phải có kiến thức. Đề thi tốt nghiệp luôn ở mức độ vừa sức với đa số học sinh. Thi cử chỉ là dịp, là điều kiện kiểm tra, xác nhận kiến thức của mình. Chính sự siêng năng học bài và học tập có phương pháp mới quyết định thành công cho thí sinh.


Bùi Văn Tỉnh
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top