Các yếu tố của tiểu thuyết

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Nhật Chiêu

https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...5LWx1bi12YS1waGUtYmluaC12bi1oYyZJdGVtaWQ9MTM1 https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...t=default&page=&option=com_content&Itemid=135


nhat%20chieu%202.jpg


Bài nói chuyện của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tại “Tọa đàm về nghệ thuật tiểu thuyết” do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 02/06/2009


Cách đây vài năm ở Ý có một truyện đăng trên báo và gây tiếng vang của một nhà văn Ý Giorgio Celli có tựa “Tôi đã giết Umberto Eco như thế nào?”. Đây là truyện viết về một án mạng hoàn hảo. là một nhà văn nổi tiếng ở Ý đồng thời là một nhà côn trùng học cho nên rất am hiểu về côn trùng. Ông đã dùng hóa chất có tác dụng mạnh với ong vò vẽ. Ông đưa hóa chất vào tuýp kem đánh răng trong nhà của Umberto Eco. Sáng hôm đó, Umberto Eco không biết rằng tuýp kem đã bị tẩm hóa chất. Khi ông vừa đánh răng xong liền bị một bầy ong vò vẽ tấn công khuôn mặt và ông chết một cách thê thảm. Không ai tìm ra kẻ giết người.


Nhưng xin lưu ý rằng Umberto Eco là nhà văn nổi tiếng toàn thế giới của Ý và ông vẫn còn sống. Ông là tác giả “Tên của đóa hồng” và hàng loạt những công trình tài hoa và uyên bác về ký hiệu học. Umberto Eco còn sống nhưng trên báo lại đăng truyện ngắn đó. Cho nên sáng hôm sau ngày báo đăng, ông đến quán café quen thuộc để lấy cảm hứng viết văn. Khi ông bước vào quán thì mọi người đều ồ lên kinh ngạc, ôm lấy ông mà rằng: “Tôi tưởng ông đã bị giết chết rồi”.


Sở dĩ tôi kể chuyện này vì nó nói lên bản chất của tiểu thuyết. Người ta đọc một truyện ngắn được đăng ở mục truyện ngắn hẳn hoi nhưng vẫn nghĩ rằng Umberto Eco thật sự bị giết chết. Ở đây đặt ra một vấn đề. Bản chất của tiểu thuyết là hư cấu, bịa đặt ra nhưng người ta vẫn tưởng lầm đó là truyện có thật. Người ta quên mất một điều mà Umberto Eco gọi là “nghi thức tiểu thuyết”. Giống như “nghi thức ngoại giao”, chúng ta làm ngoại giao thì phải có tuân theo các nghi thức nhất định. Vậy khi đọc tiểu thuyết chúng ta cũng phải tôn trọng “nghi thức tiểu thuyết”. Dù nhân vật có tên tuổi hẳn hoi nhưng đó cũng chỉ là hư cấu. Tại sao nhà văn không đặt cho nhân vật tên khác? Bởi đó là thủ pháp hiện đại và hậu hiện đại. Thủ pháp làm nhòe đi cái thật và cái giả, giữa hư cấu và sự thật không có biên độ. Hiện nay có rất nhiều truyện trên thế giới viết theo kiểu này. Như nhà văn Mỹ Donald Barthelme “Cứu Kennedy khỏi chết đuối” ("Robert Kennedy Saved from Drowning") . Khi truyện này ra đời tổng thống Mỹ Kennedy vẫn còn sống. Một hôm, tác giả đi dọc con sông thì thấy Kennedy đang có nguy cơ chết đuối. Ông đã kéo Kennedy ướt sũng lên bờ. Truyện kết thúc bằng câu: “Cám ơn nhé!”. Kennedy tống thống Mỹ nhưng bây giờ trở thành nhân vật của tiểu thuyết, được “cứu vớt” khỏi chết đuối giữa huyền thoại


Như vậy, bản chất của tiểu thuyết là hư cấu. Tiểu thuyết có thể vận dụng nhiều chi tiết có thật để đưa vào tiểu thuyết và “nghi thức tiểu thuyết” buộc ta phải tin vào nó như là tin vào một thế giới mới, chứ không phải mỗi câu chữ của tiểu thuyết đều giống với sự thật ngoài đời. Để tạo nên sự hư cấu cần những yếu tố sau đây. Tôi dựa vào ý kiến của Umberto Eco – nhà văn, nhà kí hiệu học nổi tiếng.


Cách nói của Umberto Eco vừa thông suốt vừa giản dị về các yếu tố của tiểu thuyết.

Mỗi một cuốn sách có cách trình bày các yếu tố tiểu thuyết khác nhau. Trong thời gian có hạn, tôi chỉ chọn các quan điểm của Umberto Eco.


Theo ông, có ba yếu tố để cấu thành một tiểu thuyết (kể cả truyện ngắn)


Truyện (story)

Kết cấu (plot)

Diễn ngôn (discourse)



Truyện cực ngắn viết theo thể thơ hài hước limerick “Ông già ở Peru” của Edward Lear gồm năm câu:


Có một ông già ở Peru

Thường nhìn vợ mình nấu nướng

Thế rồi một hôm do lầm lẫn

Bà đã nướng trong lò thay vì bánh

Là ông già bất hạnh ở Peru

(There was an old man of PeruWho watched his wife making a stewBut once by mistake In a stove she did bake himThis unfortunate man of Peru)


Câu chuyện kể về hai vợ chồng ở Peru. Ông chồng thường đứng xem vợ mình nấu nướng. Nhưng một ngày kia bà đã sơ ý ném ông vào lò. Đây là một câu chuyện đơn giản, cực kỳ phi lí nhưng nó vẫn là truyện. Bởi tất cả mọi truyện đều có chuyện nhưng không phải truyện nào cũng có kết cấu. Muốn có kết cấu phải có sự sắp đặt, phải có yếu tố nhân quả. Truyện cực ngắn trên không có kết cấu mà chỉ có truyện thôi.


Odyssey của Homer nếu chúng ta chỉ kể lại câu chuyện thì sẽ như sau. Người anh hùng Odysseus của đảo Ithaca đã lập mưu đánh chiếm được thành Troy. Sau đó Odysseus trở về quê hương mình. Quãng đường gian khổ kéo dài mười năm. Trong thời gian đó anh gặp rất nhiều tai họa. Chúng ta sẽ kể lần lượt từng tai họa. Tức là thời điểm một, thời điểm hai…cho đến thời điểm x. Tức là tuần tự nhi tiến mà kể. Nhưng thực chất Homer không hề viết như vậy. Ông có kết cấu “đi vào truyện ở điểm giữa” (in medias res). Mở đầu truyện Odyssey thì nhân vật Odysseus đang ngồi khóc trên bờ biển hòn đảo của nàng tiên Calypso. Nàng tiên rất đẹp đòi Odysseus ở lại và hứa ban cho chàng sự bất tử. Nhờ nữ thần Athena cầu xin thần vương Zeus, Odysseus mới được tự do. Mở đầu truyện chúng ta không biết tại sao anh chàng này bị cầm giữ. Sau khi thoát khỏi Calypso, chiếc bè của anh dạt đến hòn đảo của công chúa xinh đẹp Nausicaa. Trong lúc đang chơi bóng trên bờ biển với các nữ tì, Nausicaa nhìn thấy Odysseus bất tỉnh giữa đám lau sậy. Công chúa đưa anh về triều. Hoàng cung mở yến tiệc mừng khách phương xa. Người ta thi nhau kể câu chuyện về chiến thắng thành Troy mà không biết rằng Odysseus đang có mặt ở đấy. Được yêu cầu, anh bèn kể lại câu chuyện đời mình. Có nghĩa là bây giờ, theo Eco, thời điểm là 0. Khi Odysseus lên tiếng kể lại chuyện đời mình mới là thời điểm một, hai,…Nhưng ba chương đầu là một thời gian khác. Vậy thì kết cấu này khá phức tạp. Và cách đây gần 3000 năm người Hy Lạp đã biết làm chuyện đó. Có nghĩa là với một câu chuyện nếu ta nhào nặn các yếu tố thời gian, không gian. Sự sắp đặt đó Umberto Eco gọi là plot. Và đã là nhà văn thì phải biết tổ chức kết cấu như vậy. Còn lược truyện là story, không phải là plot.


Yếu tố diễn ngôn là tác giả đã sử dụng ngôn từ như thế nào để biểu đạt, thể hiện truyện đó, kết cấu đó. Ví dụ câu chuyện ông lão Peru không có truyện và kết cấu nhưng có diễn ngôn. Truyện này nếu đăng báo sẽ là một ông già đãng trí rơi vào một cái lò nướng. Nếu dùng giọng tường thuật chi tiết có thể làm người ta khóc hoặc kinh sợ bởi đó là một tai nạn đầy yếu tố bi đát. Thế nhưng do diễn ngôn của tác giả, nhà thơ hài hước Edward Lear dùng thể thơ trào tiếu (limerick) khiến câu chuyện kinh hoàng thành không thể tin được. Điều không thể tin được khiến chúng ta cười chứ không phải lấy giọt nước mắt của chúng ta. Như vậy diễn ngôn rất quan trọng, có thể biến hài hước thành thảm họa hoặc ngược lại. Và bất kì nhà văn có tài nào cũng có diễn ngôn của riêng mình. Câu chuyện có thể biến thành hài hước như “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, hay vở bi kịch, hay chuyện “thường ngày ở huyện”.


Tôi chưa thấy một cuốn sách nào viết về tiểu thuyết một cách sáng rõ, minh bạch, tỏ tường như Umberto Eco. Ba yếu tố được ông trình bày rất rõ ràng, cơ bản. Ông cho rằng yếu tố diễn ngôn có tính chất quyết định để tác phẩm có định hướng, màu sắc, gây cảm xúc gì cho người đọc. Đặc biệt là thời kì hiện đại, giai đoạn người ta tự ý thức rất rõ về văn chương. Thậm chí người ta nói văn chương hiện đại là tự quy chiếu. Thời xưa, người ta kể chuyện một cách hồn nhiên, không có ý thức rõ rệt về cách kể, giọng điệu, diễn ngôn. Nhưng đã là nhà văn hiện đại thì không thể không ý thức về những gì mình viết, không thể giống thời thơ ấu của nhân loại.


Các vấn đề Eco đặt ra có truyện mà không có kết cấu, có truyện có kết cấu nhưng diễn ngôn lẫn với nhiều truyện khác, chung chung. Đó là những vấn đề chúng ta có thể bàn luận.



Một vấn đề quan trọng khác của tiểu thuyết là mở đầu và kết thúc.


Bậc thầy về tiểu thuyết, nghiên cứu văn học Italo Cavino nói cuộc sống, thế giới, vũ trụ là đời sống chung chung. Nhưng khi một nhà tiểu thuyết cầm bút, khởi đầu một truyện thì lúc đó ông bắt đầu một thế giới mới. Và thế giới đó là sự kết tinh một mẫu hình của thế giới của vũ trụ, biệt lập một mẫu hình của đời sống.


Vì thế phần mở đầu của tiểu thuyết cực kì quan trọng. I. Cavino cho rằng ở thời phong kiến hệ ý thức cực kì ổn định (phương Tây là Kito giáo, phương Đông là Nho giáo…) thì tiểu thuyết thường mở đầu bằng một nền rộng, ổn định, chắc chắn. Nếu lấy ví dụ trong văn học Việt Nam thì như mở đầu Truyện Kiều:


Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng


Tức là trước khi biệt lập thế giới của mình là thế giới của cô Kiều thì Nguyễn Du trình bày một thế giới rộng hơn. Sau đó mới đi vào cuộc đời của nhân vật. Ngày xưa người ta thường mở đầu bằng một hệ triết lý, mở đầu bằng một xã hội, mở đầu bằng một thời đại, bằng hệ hình luân lý. Thời mà người ta không có nhiều trăn trở, không có nhiều ý thức về cá nhân thì người ta thiết lập một hệ triết lý:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau


Ngày xưa việc viết văn giống như một nghi lễ. Khi Homer viết truyện, ông đã cầu xin thần linh. Ông không cho rằng tự mình làm ra thế giới này mà là nữ thần nghệ thuật sáng tạo Odyssey qua ông, mượn lời ông thôi. Cho nên ông mở đầu bằng:


Hát lên đi hỡi nữ thi thần

Và thác lời tôi, kể lại câu chuyện của chàng Odysseus…


Ông mở đầu bằng một nghi thức của quyền lực huyền bí. Đến thế kỷ 19, 20 và bây giờ thì cách nhập đề thay đổi, đi thẳng vào số phận của cá nhân. Nổi tiếng nhất là truyện “Hóa thân” của Kafka: “Một sáng kia, từ một giấc mơ nhùng nhằng, Gregor Samsa tỉnh dậy và thấy mình đã biến thành một con sâu khổng lồ”. Việc con người bị tha hóa, hóa thành một con sâu được nói thẳng, không cần đề cập đến tinh thần Praha của Tiệp Khắc hay viện dẫn thời gian, không gian rộng lớn. Truyện xảy ra ngay trên giường ngủ của Samsa.


Từ nhập đề của Homer, Nguyễn Du đến Kafka ta thấy phần mở của tiểu thuyết đã thay đổi như thế nào.


Về phần kết, cũng do hệ ý thức ổn định nên người ta thích một kết thúc đóng, thường là kết thúc có hậu (happy ending). Càng về sau người ta cảm thấy kết thúc đó có tính chất khép kín, không gợi sự tưởng tượng. Tác phẩm “Ngọn núi huyền ảo” (The magic moutain) của Thomas Mann có kết thúc với cảnh sau thế chiến thứ II, nhân vật Han Castorp nằm trên bùn, trời mưa to, giữa bom đạn cháy bầu trời. Tác giả viết: “Thôi chào anh. Anh sống hay anh chết chúng tôi không biết. Và nói thật với anh, chúng tôi không quan tâm đến chuyện đó”. Nghĩa là tác giả không quan tâm nhân vật sống hay chết, cứ để nhân vật nằm như vậy với câu kết: “Trong một bầu trời đầy đạn pháo như vậy, liệu tình yêu còn có hay không?”.


Tiễu thuyết hiện đại bây giờ lại ưa kết cấu nhiều tầng. Tác giả đưa ra nhiều cái kết khác nhau, độc giả muốn chọn cái nào thì tùy. Nhà văn Canada Margaret Atwood có một câu chuyện là “Kết thúc có hậu” (Happy Endings). Đoạn đầu chỉ có ba câu:


John và Mary gặp nhau

Chuyện gì sẽ xảy ra đây

Nếu bạn muốn kết thúc có hậu thì xem A.

A. Hai người lấy nhau, mua nhà mới, con cái ăn học thành tài…

B. Mary yêu John nhưng John không hề yêu lại nên cô đe dọa tự tử…

C. Hai người yêu nhau nhưng cuối cùng hai người đều chết.



F.


Người đọc có thể chọn đoạn kết phù hợp với mình. Tác giả không buồn quan tâm đến chuyện đó. Như thế qua đoạn kết, ta thấy được sự chuyển biến rất lớn của tiểu thuyết.


Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã đưa ra hình ảnh nhân vật


Có người ở huyện Đông Thành

Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền

Đặt tên là Lục Vân Tiên

Tuổi vừa đôi tám nghề chuyên học hành


Cuộc đời của nhân vật tuần nhi tiến. Khởi đầu chọn ngay từ sự khởi đầu, cứ như thế tiếp tục kể. Lối viết như vậy không còn phổ biến. Người ta thích lấy một mẫu hình từ cuộc đời nhân vật chứ không thích nghe kể từ thời nhỏ.


Có những tiểu thuyết lại không có mở đầu và kết thúc, đó là tiểu thuyết từ điển. Hiện nay ở Việt Nam có hai tiểu thuyết tự điển được dịch ra tiếng Việt là “Tự điển Khazar”, “Tự điển Mã Kiều”. Người ta có thể đọc bất kì mục từ nào của tiểu thuyết giống như xem một cuốn từ điển. Mở đầu hay kết thúc là do người đọc.



Một truyện có thể có nhiều diễn ngôn. Raymond Queneau đã diễn ngôn 99 lần khác nhau về một mẩu chuyện trong tác phẩm “Bài tập phong cách” (“Exercises in Style”). Có một anh chàng đội mũ, cổ cao đi trên xe buýt. Trên xe, có một người bất lịch sự cứ liên tục đạp lên ngón chân khiến anh rất khó chịu. Lát sau anh ta kiếm được một ghế trống để ngồi. Khi xe buýt dừng lại, anh xuống xe, gặp người bạn. Người bạn đó nhận xét cái áo choàng của anh ta cầm đơm thêm cúc áo.


Một chuyện nghe ra rất vớ vẩn, tầm phào, tào lao mà nhà văn kể lại 99 lần theo nghĩa đen. Như vậy 99 diễn ngôn cho cùng một câu chuyện. Có diễn ngôn hài hước, cô đọng, u sầu. Có diễn ngôn chỉ gồm ba câu thơ mười bảy âm của Nhật (haiku). Có thể thấy ông nắm vững kỹ thuật viết đến mức đáng sợ.



Bên ngoài trò chơi ngôn ngữ lộ ra nhiều triết lí sâu sắc.


Như chuyện cứu Kennedy khỏi chết đuối là cách lôi tổng thống Mỹ ra khỏi đống lằng nhằng của huyền thoại đẹp trai. Donald Barthelme muốn đưa Kennedy trở về con người thật.Ông quen thuộc với độc giả Việt Nam qua truyện “Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee để mất một chiếc phi cơ giữa Milbertshofen và Cambrai, tháng Ba 1916” (“"Engineer-Private Paul Klee misplaces an Aircraft between Milbertshofen and Cambral, March 1916"). Họa sĩ Paul Klee từng làm trong quân đội nhưng chưa từng để mất máy bay!


Những diễn ngôn đùa cợt nhưng lại có những ý nghĩa bất ngờ, sâu xa đến vậy là dấu hiệu của tài năng lớn.


Theo: Khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top