Các trung tâm của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Văn hóa Đông Sơn được xem là đỉnh cao tột cùng của thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Xin cho biết các trung tâm văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam?



Phạm vi phân bố của nền văn hóa Đông Sơn tập trung đậm đặc ở lưu vực ba con sông lớn: sông Hồng (các tỉnh thuộc châu thổ Bắc Bộ), sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An). Chính từ các con sông này, văn hóa Đông Sơn đã hình thành nên ba trung tâm chính: trung tâm Làng Cả (loại hình sông Hồng), trung tâm Đông Sơn (loại hình sông Mã) và trung tâm làng Vạc (loại hình sông Cả).

- Trung tâm làng Cả (loại hình sông Hồng): loại hình này được phát hiện đầu tiên vào năm 1945, với di tích Hoàng Ngô (Quốc Oai, Hà Tây) và di tích làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ). Địa bàn chủ yếu của loại hình này là vùng miền núi phía Bắc, vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc trưng của loại hình là sự phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái địa phương rõ rệt. Vũ khí có số lượng lớn và gồm nhiều loại như rìu, giáo, lao, dao găm, búa, mũi tên, hộ tâm, qua, đinh ba...Điểm khác biệt của loại hình văn hóa này là các bộ dao găm có tay chắn thẳng, rìu lưỡi lượn gấp khúc và lưỡi xéo gót vuông có hoa văn trang trí. Nông cụ có rìu, lưỡi cày, cuốc, nhíp...đặc sắc nhất là bộ lưỡi cày đồng (tìm thấy trong trống Mả Tre của bảo tàng Hà Nội).

Đồ dùng sinh hoạt có thạp, thố, muôi, thìa, đinh hình chữ U. Đặc sắc nhất của loại hình sông Hồng là thạp Đồng Thịnh (Yên Bái) có niên đại 2.000 - 2.500 năm. Thạp được đúc với kỹ thuật cao, được trang trí các hình chèo thuyền, chim bay...trên nắp thạp được tạc 4 cặp tượng nhỏ nam nữ trong tư thế giao hợp, thể hiện sinh động tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Nhạc cụ có trống đồng, chuông đồng mà trong đó có trống đồng Đông Sơn (trống đồng Ngọc Lũ) là trống đồng loại 1 cổ nhất, đẹp nhất. Đồ gốm chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, gồm có màu trắng mốc, trắng hồng, xương gốm mịn màu đen có độ nung cao. Đồ trang sức gồm vòng tay bằng đá, đồng, hạc chuỗi...


View attachment 10422

Dao găm làng Vạc. Ảnh: Internet


View attachment 10423
Kiếm ngắn núi Nưa. Ảnh: Internet
View attachment 10424
Tượng hổ làng Ngâm. Ảnh Internet.

- Trung tâm Đông Sơn (loại hình sông Mã): được phát hiện đầu tiên vào năm 1924 ở làng Đông Sơn, bên bờ sông Mã, tỉnh Thanh Hóa. Địa bàn phân bố của loại hình này chủ yếu thuộc lưu vực sông Mã, sông Chu, ranh giới phía bắc của nó tiếp giáp với địa bàn Văn hóa Đông Sơn loại hình sông Hồng. Đặc trưng nổi bật của loại hình này là mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn điển hình. Đặc biệt những đồ đồng thuộc trung tâm Đông Sơn là tiêu chí để nhận biết cho đồ đồng thuộc các loại hình địa phương khác hay để phân biệt với những nền văn hóa kim khí khác.

Hiện vật ở đây gồm có: vũ khí có giáo đồng, mũi tên bằng xương, qua đồng, kiếm, rìu đồng. Nông cụ có dụng cụ đan chài bằng đồng, dọi xe chỉ, rìu đồng. Đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, tượng nghệ thuật, thạp đồng Xuân Lập, đèn đồng, trâm cài đầu, khuyên tai bằng đá, gốm, vòng tay trang trí hình cá sấu, tượng cóc, tượng người cõng nhau thổi kèn...Nhạc cụ có trống đồng Cẩm Giàng, Mã Nguôi, Thành Vinh. Đồ gốm có màu trắng phớt hồng, màu xám đen, màu đỏ thổ hoàng được phủ cả trong lẫn ngoài hiện vật.

- Trung tâm làng Vạc (loại hình sông Cả): được phát hiện vào năm 1972, với di tích làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) và di tích Đồng Mỏm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) vào năm 1976. Đặc trưng cơ bản của loại hình này là có sự giao lưu mạnh mẽ với văn hóa Sa Huỳnh ở Miền Trung và văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc), đồng thời cũng mang những nét đặc trưng riêng biệt.

Về thể loại có: vũ khí gồm dao găm hình chữ T, dao găm đốc củ hành, dao găm hình búp đa, dao găm có cán tượng người, cán tượng động vật. Đặc biệt nhất là dao găm chuôi hình người phụ nữ (thể hiện vị trí quan trọng của người phụ nữ trong xã hội). Nông cụ có rìu với họng tra cán hình đuôi cá (đặc trưng làng Vạc), lẫy nỏ...Đồ sinh hoạt có thạp đồng, muôi đồng. Đồ trang sức phong phú về loại hình, vừa có ý nghĩa trang sức, vừa có ý nghĩa về nghi lễ, gồm vòng tay, khuyên tai bằng đá, thủy tinh, khóa thắt lưng hình hộp...mang đậm dấu ấn của sự giao lưu văn hóa Sa Huỳnh. Gốm có màu nâu cháy, có pha nhiều cát thô, vỏ nhuyễn thể với các loại hình nổi, thạp, chõ. Tượng nghệ thuật có tượng voi cõng chim, tượng rùa.

Theo Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam*

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top