Các thể thơ truyền thống

ĐanThanh

New member
Xu
0
Các thể thơ truyền thống


Thể lục bát

Lục bát còn gọi là thể thơ sáu-tám hay thượng lục hạ bát. Điểm đặt biệt quan trọng nhất của thể thơ này chính là tính đại chúng và tính đa năng của nó với tính chất là một thể thơ phổ biến và tiêu biểu của người Việt Nam. Với khả năng phản ánh được những đặc trưng cơ bản của ngữ âm tiếng Việt, thể thơ này đã một có sức mạnh nghệ thuật vững bền và đầy sức thuyết phục, đã từng hiện diện cả trong hai dòng văn học cổ điển và bình dân trong suốt các chặng đường hình thành và phát triển của văn học dân tộc. Trong mảng thơ ca yêu nước Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX, một lần nữa, thể thơ lục bát với tính chất là một thể thơ đa năng lại hiện diện trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ trong gần nửa đầu của thế kỷ XX. Và đây là một lựa chọn của thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng với có đầy đủ cơ sở lý giải động cơ của sự lựa chọn đó.

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, thơ lục bát đã đạt được khả năng thể hiện những tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc. “Lục bát thể hiện cảm thức cộng đồng ở mọi thời đại…Mỗi con chữ hằn rõ những dấu ấn của những trạng thái tâm lý tinh tế phức tạp của cá nhân trong cộng đồng xã hội”. [4; tr.26]. Người Việt Nam đã sử dụng lục bát trước hết vào mục đích thể hiện tình cảm, thể hiện tấm lòng trong các mối quan hệ, từ quan hệ cộng đồng như:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
(Ca dao)

Hay trong quan hệ tình cảm gắn bó:

“Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ”
(Ca dao)

Lục bát gắn bó sâu xa với tâm thức cộng đồng bằng cả hai yếu tố ngôn từ và nhạc tính đặc biệt của thể thơ này. Ưu điểm của thể thơ lục bát nằm ở mô hình âm luật hoàn chỉnh của nó khiến thể thơ này đã dễ dàng biến lời nói tự nhiên chuyển thành thơ, nên bất kỳ một cặp câu lục bát hoàn chỉnh nào cũng chứa đựng những nét đặc trưng về ngữ âm, từ vựng và cú pháp của tiếng Việt, và từ đó nó dễ dàng giúp cho “tao nhân mặc khách mở miệng thành câu, khuê phụ, điền phu buông lời đúng điệu, cho đến ngạn ngữ ca dao các câu trẻ con đùa hát mà cũng đều tự nhiên đúng thể” [4; tr.26].

Những đặc điểm trên đã lý giải được vị trí vững vàng của thể thơ lục bát trong ca quá trình phát triển của văn học dân tộc. Từ văn học dân gian đến văn học bác học, với nhiều mục đích trữ tình hay chính trị xã hội, người ta đều có thể tiếp cận thể thơ này.

Sự xuất hiện của thể thơ lục bát trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ từ 1900 – 1945 cũng không ra ngoài những ảnh hưởng từ tâm lý, tình cảm và lợi thế âm luật của thể thơ lục bát như đã nêu trên.

Điều ghi nhận đầu tiên từ ý nghĩa của số lượng khá nhiều các bài thơ lục bát từ Tổng thư mục thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ đã cho thấy sự quán xuyến của cảm hứng vĩ mô trong hầu hết các bài lục bát trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ thời kỳ này, thể hiện qua những phạm vi rộng lớn nhưng thống nhất của các trạng thái tinh thần, tình cảm của toàn xã hội khi đứng trước những đòi hỏi bức xúc của lịch sử, mà quan trọng nhất là yêu cầu độc lập tự do và canh tân đất nước. Nhiều tác giả của các bài lục bát đã thể hiện những trạng thái tâm hồn, tình cảm cũng như thái độ của mình trước thiên nhiên, đất nước, con người, xã hội.

Tuy nhiên, với sự thắng thế của cảm hứng vĩ mô, nên tính trữ tình trong thơ lục bát trong mảng thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ cũng được định hướng rõ rệt.

Cách mạng ở Nam Bộ đã có một số bài thơ lục bát đã được dùng để biểu hiện những tình cảm với đất nước, làng quê, với dân tộc, với cộng đồng. Chẳng hạn như các bài Làng tôi tôi nhớ của Yến Lan, Sông Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ…Trong các bài thơ này, có bài đã tận dụng được khá thành công tính chất uyển chuyển trong cơ chế nhịp điệu của thơ Lục bát để thể hiện nỗi niềm thương nhớ quê hương xa xôi hiện đã rời khỏi tầm tay mình bằng sự đan xen giữa cơ chế nhịp truyền thống 2/2 với những ngắt nhịp sáng tạo thể hiện rất rõ những cung bậc của tình cảm thương nhớ về cảnh vật và con người của làng xóm quê hương:

Mưa / đưa /thương nhớ về làng
Mưa /làm xa/ những dặm đàng bến sông
Chiều nay/ mở cửa ra trông
Thấy làng, đâu? /Chỉ thấy lòng/ mà thôi
Mưa ơi/ thương nhớ /bời bời
Bời bời/ thương nhớ/ mưa ơi, /khuất làng…
Ở đây /nắng mới/ ố vàng
Dừa cao lểnh khểnh, /cành xoan ngòng ngoèo…”
(Làng tôi tôi nhớ, Yến Lan, Gió mùa, 1941)

Hay trong bài Sông Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ, ta cũng gặp hiện tượng ngắt nhịp rất sáng tạo làm cho sự thể hiện tình cảm trong bài thơ có một sắc thái rõ rệt hơn ở ý chí cương quyết tìm đến với những khoảng trời tự do rộng lớn bao la. Ý chí tự do ấy không chỉ là của hình tượng dòng sông hùng vĩ luôn hướng về đại dương mênh mông như một tất yếu, mà với cách ngắt nhịp sáng tạo và táo bạo, đã cho thấy đó còn là ý chí tự do của một dân tộc quyết không chịu khuất phục trước mọi ràng buộc tù hãm, mà luôn nuôi giữ, thực hiện khát vọng hoà nhập vào cộng đồng rộng lớn của thế giới:

“Dặm xa…/vượt núi băng ngàn
Gặp Là Ngà,/ nghĩa bạn vàng/ kết đôi
Thề:/ “Dù trắc trở núi đồi
Cũng liều /sống thác /tìm trời /tự do
Lệ trời/ tràn ngập /hồn thơ
Bao phen lỡ hận /chở bờ đau thương…
Gió ngang,/ thuyền ngược xuôi dòng
Đồng Nai/ hoà Thái Bình Dương/ dâng trào…”
(Sông Đồng Nai, Huỳnh Văn Nghệ) [6; tr.23]

Tuy nhiên, con số những bài thơ lục bát đạt được những thành tựu về nhịp điệu như trên trong thơ ca yêu nước nói chung là ít. Trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ, câu thơ lục bát chủ yếu được sử dụng vào mục đích biểu hiện những trạng thái tình cảm mang tính chất hướng ngoại của con người. Và câu thơ lục bát với tính chất dân gian và tính chất mở rộng vô hạn của vần điệu đã tỏ ra có khả năng hài hòa tình cảm riêng tư với những tình cảm rộng lớn và mới mẻ như tình giai cấp, tình nhân loại, với lý tưởng cách mạng…Chẳng hạn như:

“Thân này giữa đảo chơi vơi
Âm thầm mơ đón cơ trời chuyển xoay
Thân kia dong ruổi đường mây
Việc đời một gánh đôi vai chưa sờn…”
(Đó đây, Đào Duy Kỳ) [2; tr. 447]

Đây là một hiện tượng có thể giải thích được từ sự ưu tiên mà xã hội lúc bấy giờ dành cho nhưng vấn đề cấp bách hơn, nóng bỏng hơn và thời sự hơn của dân tộc và đất nước.


Ghi nhận tiếp theo chính là khả năng chuyển tải rất đáng kể của thơ lục bát trên các bình diện khác nhau, với những sắc thái, cung bậc khác nhau của tâm tư con người trong sự chuyển biến từ tình cảm sang nhận thức trong mảng thơ mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ.

Vì thế, ta thấy trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ, thể lục bát được sử dụng hữu hiệu trong những bài thơ có nội dung thể hiện những tình cảm mang đậm cảm hứng vĩ mô, hướng về lịch sử, hướng về dân tộc. Các bài lục bát trên thường hướng về chủ đề canh tân văn hóa xã hội như các bài: Danh dự và quê hương, Sự đoàn kết của Cao Hải Để, đăng trên báo Nông cổ mín đàm (NCMĐ) năm 1920; Huỳnh kim vấn đáp của Nguyễn Tư Thức, đăng trên báo Lục tỉnh tân văn (LTTV) năm 1907; Khuyến phu tấn bộ của Phạm Quang Nghiệp, đăng trên báo NCMĐ năm 1917; Vạn gia sanh phật của Phạm Ngọc Thùy, đăng trên báo LTTV năm 1908; Kêu nhau dậy cùng của Thái Minh Đạo, đăng trên báo Tân thế kỷ (TTK) năm 1927; Tế Nam không rõ tác giả, đăng trên báo LTTV năm 1908; Khóc tố đồng bào của Trần Ái Nam, đăng trên báo LTTV năm 1908. Hay các bài lục bát có chủ đề kêu gọi kêu gọi canh tân kinh tế như: Nam mô kinh tế của Nguyễn Giai và bài Chiêu hồn kinh tế Nam kỳ của Bùi Đình Khiêm, đều đăng trên báo Nữ giới chung (NGC) năm 1918; Cung tặng chư vị Nam trung của Nguyễn Khánh Tấn, Khuyến thương mãi ca của Huỳnh Công Thiệu, đăng trên báo LTTV năm 1908….

Thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản chủ nghĩa cũng không bỏ qua những thuận lợi lớn của thể thơ lục bát trong mục đích giác ngộ quần chúng công nông và tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê nin. Từ đó, mảng thơ này cũng đã có không ít các bài thơ lục bát như Trên bến Côn Lôn , Ra đi, Xuân tù của Đào Duy Kỳ, Giấc mơ của Nguyễn Văn Hoan [2; tr.281]….

Có thể xác định ngay rằng mục tiêu hướng về kêu gọi, thức tỉnh, tuyên truyền, cổ động đã chi phối rất mạnh diện mạo nghệ thuật chung của các tác phẩm lục bát trên.


Trước hết, đó là sự tận dụng lợi thế của tính chất “êm tai, thuận miệng” nhờ hệ thống âm luật đặc biệt của thể thơ lục bát dễ giúp người làm thơ có nhiều cơ hội bộc lộ những cảm xúc, nhận thức, dễ đạt được mục tiêu tuyên truyền, cổ động bằng khả năng kéo dài vô hạn nhưng không gây nhàm chán nhờ ở nhạc tính cao của thơ lục bát. Trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ thời kỳ này, đa số các bài lục bát thường có dung lượng dài và lớn. Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu giáo dục, tuyên truyền, diễn giải. Và cũng với mục tiêu tuyên truyền, diễn giải, cổ động, nên âm điệu của nhiều bài thơ thường thuận theo tính chất tự nhiên của lời ăn tiếng nói hằng ngày, dễ tiếp nhận và dễ nhớ. Từ đó, hệ thống nhịp, vần của các bài lục bát kiểu này thường là hệ thống nhịp, vần căn bản. Chẳng hạn như:

“Cả kêu /phu tướng/ hỡi chàng
Ráng mà/ thức dậy /lo toan /việc nhà
Kìa chàng/ liếc mắt /xem qua
Trong trần/ thầy thợ/ người ta /dập dìu
Này buôn/ nọ bán /mọi điều
Tranh giành /mối lợi/ xem nhiều lắm tay
Nghĩ chàng/ là phận râu mày
Nỡ nào/ mà lại/ đem mài /thân danh….”
(Khuyến phu tấn bộ của Phạm Quang Nghiệp, NCMĐ, 1917)

Hay :

“Này đây /Hắc Hải/ năm xưa,
Gió reo /còn tưởng/ quân thù/ thở than!
Này đây /các nước/ liên bang,
Các dân tộc /sống ngang hàng/ anh em...”
(Giấc mơ, Nguyễn Văn Hoan) [2; tr.282]

Thơ lục bát còn có những hình thức phá cách hoặc phối hợp với các thể khác
để có thể đáp ứng yêu cầu cao về tính mục đích của thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ thời kỳ này. Chẳng hạn như phá cách về số chữ, về vị trí của vần…để tăng thêm tính ấn tượng của vấn đề được nêu trong bài thơ. Chẳng hạn như:

“Rảnh việc nhà một lúc
Xem Nông cổ mấy phen
Khen ông Dũ Thúc tài hiền
Khuyên dân lạc nghiệp cần quyền nghề thương
Muốn cho quốc phú dân cường
Ra công dạy dỗ nghiệp trường nước ta…”
(Thể Nông cổ mín đàm ca, Nguyễn Chánh Sắt, NCMĐ, 1902)

Hoặc :
“Anh em ơi! Sở củi, nhà bò
Nó là cái ngục tam đồ ở xứ Côn Lôn
Nhác tai nghe tiếng đã kinh hồn
Làm thân trâu ngựa, biết còn chạy đâu?
Ôi, đành lòng ở đó ít lâu
Ngẫm xem cảnh vật cơ mầu ra sao ?”
(Thể Nông cổ mín đàm ca, Nguyễn Chánh Sắt, NCMĐ, 1902)

Tác phẩm được ghi chú là “viết theo điệu xẩm xoan”, nhưng thực chất đó cũng là những câu lục bát phá cách, có thể được viết lại thành lục bát đơn thuần rất dễ dàng bằng cách bỏ những chữ in nghiêng
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thể song thất lục bát

Thể song thất lục bát là hình thức phối hợp giữa lục bát với câu thơ bảy chữ. Đây cũng là một thể thơ truyền thống Việt Nam mà chức năng nguyên thủy của nó là dùng để viết các khúc ngâm, một thể thơ có chức năng trữ tình, chủ yếu để bộc bạch, giải bày nỗi niềm tâm sự nhờ sự tương tác của lợi thế nhịp điệu và vần điệu. Trong lịch sử văn học Việt Nam đã xuất hiện nhiều ngâm khúc rất nổi tiếng được viết bằng song thất lục bát như bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân, Trần tình khúc của Cao Bá Nhạ…



Tuy nhiên, trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ, đã có nhiều bài thơ với rất nhiều đề tài được viết bằng song thất lục bát cho ta ấn tượng rất lớn về sự phát triển theo xu hướng đa năng của thể thơ này. Tiêu biểu như các bài Chữ Đồng của Việt Minh Tử đăng trên báo Thanh niên tân tiến (TNTT) năm 1929, Ai tri âm đấy của Quảng La Mai Trường, đăng trên báo TTK năm 1926, Khóc người bạn đồng tâm của Đồng Sĩ Bình, đăng trên báo TTK năm 1927, Bài ca khuyên đồng bào chăm thiệt nghiệp của Thanh Tùng, đăng trên báo TTK năm 1927, Thơ vịnh của Sương Nguyệt Anh, đăng trên báo NGC năm 1918... Nhà yêu nước Nguyễn Quang Diêu cũng có nhiều bài thơ dài làm bằng thể song thất lục bát,đó đều là những bài thơ nổi tiếng như Hà Thành lâm nạn, Chiêu hồn dân ruộng, Chồng nhà nông khuyên vợ, Vợ nhà nông khuyên chồng, Buộc dây liên ái, Ngõ cùng chư sanh, Ngõ cùng nữ giới, Ngõ cùng báo Sài Thành, Ngõ cùng báo Thần Chung [3; tr.160…]….,và đặc biệt là tác phẩm song thất lục bát Giọt lệ tri âm dài 525 câu của Hà Trì (Bửu Đình), Tỉnh quốc hồn ca của Phan Chu Trinh được đăng lại trên báo TTK năm 1927 là bài song thất lục bát rất dài.


Thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ cũng không bỏ qua những ưu điểm của thể thơ song thất lục bát. Có thể kể các bài như Côn Lôn ký sự của Nguyễn Ngọc Tỉnh [2; tr.302], Bị bắt của Nguyễn Thành Lập [2; tr.245], Gây nền tự do (tác phẩm khuyết danh) [2; tr.352].



Nhìn trên đại thể, các tác phẩm thơ viết bằng song thất lục bát kể trên đều thể thơ này đã được sử dụng rất phổ biến trong sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai mục đích tự sự và trữ tình, khác với những tác phẩm song thất lục bát truyền thống thường chỉ thiên về trữ tình. Nói cách khác, chính sự xâm nhập của tư duy lý tính và xu hướng hướng ngoại trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ đã làm thay đổi diện mạo của thể thơ này. Chẳng hạn như đoạn dưới đây của nhà thơ yêu nước Nguyễn Quang Diêu, người làm thơ song thất lục bát nhiều nhất trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ:


“Mừng gặp hội đồng bào phấn khỉ (khởi)
Giục tấm lòng hồ thỉ tứ phương
Nghĩ mình tài trí tầm thường
Toan ra ngoại quốc tìm đường văn minh…
Hay đâu nỗi tai bay họa gửi
Hội đồng bèn nghị gửi cho Tây
Cơ trời vận nước chẳng may
Nắng mưa bao quản đắng cay đâu màng…”
(Hà Thành lâm nạn, Nguyễn Quang Diêu) [3; tr.160]


Bài thơ kể lại việc tác giả cùng các đồng chí trong phong trào Đông Du Duy Tân bị thực dân Pháp bắt giam và các sự việc đã xảy ra ở nhà tù Hỏa lò Hà Nội. Điều đáng lưu ý là mỗi sự kiện đều kèm theo cảm xúc, tình cảm, từ vui mừng phấn khích, náo nức say mê cho đến ngậm ngùi rồi quả quyết. Sự việc được tường thuật song song với việc thể hiện cảm xúc, ý chí, quyết tâm của tác giả.
Thể song thất lục bát cũng tỏ ra có những khả năng tương tự trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ. Một mặt, nó là phương tiện miêu tả, phản ánh thực tại tàn bạo của chế độ thực dân, mặt khác nó thể hiện những tình cảm cách mạng của người chiến sĩ cộng sản:


“Thấy thế thái lòng càng man mác
Gẫm nhơn tình gan sắt nấu nung
Giận thay xã hội bất công
Ra oai phất ngọn cờ hồng đấu tranh!
Cho nhân loại vui vầy sung sướng
Khắp năm châu an hưởng đại đồng
Nhưng mà công chửa thành công
Sa cơ lại mắc giữa vòng lao lung…”
(Gây nền tự do, khuyết danh) [2; tr.352]


Dù không thể phủ nhận sự hiện diện của của chức năng tuyên truyền cổ động, thuật kể…đã để lại một dấu ấn của nó trong thể thơ này, ngay bên cạnh những đoạn tỏ bày cảm xúc. Và điều này là rất phổ biến trong những tác phẩm song thất lục bát thời kỳ này. Chẳng hạn như:




“Hòn Cau chở vích mang về
Khoai lang, sở rẫy chuyên nghề trồng rau
Ấy mọi sự, mọi màu như thế
Cốt nhằm vào kinh tế mà thôi
Mình tù, nào phải nó nuôi
Toàn là nước mắt, mồ hôi của mình!”
(Côn Lôn ký sự, Phạm Ngọc Tỉnh) [2; tr.302]


Hay :
“Vạch trời nguyện trăng thâu bóng đỏ
Chỉ non thề ngọn cỏ ngàn cây
Hãy mau đoàn kết từ đây
Tuốt gươm đứng dậy ngày rày cho cam
Nghề Mác – Lý ngày đêm luyện tập
Bạn công nông khắn khít kết đoàn
Phá tan chính sách bạo tàn
Diệt trừ tiêu giống sài lang hại đời!”
(Gây nền tự do, khuyết danh) [2; tr.352]


Với hai thể lục bát và song thất lục bát, trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ đều có những hình thức biến thể bằng việc thu bớt hay dãn ra số chữ được quy định do nhu cầu tăng thêm nhạc tính, biểu cảm và nhấn mạnh. Thí dụ như hiện tượng tăng chữ ở câu bảy:



“Ngồi suy nghĩ người sanh trong thế giới
Có gian truân mới phải mặt anh hùng
Non sông một trận vẫy vùng
Làm cho dị chủng hãi hùng xiết bao!”
(Hà Thành lâm nạn, Nguyễn Quang Diêu) [3; tr.160]


Hoặc câu và tăng chữ ở hai câu sáu tám:
“Thôi còn sống làm chi cõi thế
Quyết theo chàng để đỡ nhớ mong
Cùng nhau cho vẹn chữ đồng
Đồng là: đồng tâm, đồng chí, đồng thời
Giang san đồng gánh, việc đời đồng lo”


(Chữ Đồng, Việt Minh Tử, TNTT, 1929)
 
Thể hát nói



Thể hát nói là một thể thông dụng trong ca trù, thường được văn nhân dùng làm thơ (chứ không nhất thiết để hát) cũng là một thể thơ truyền thống được sử dụng trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng xuất hiện ở Nam Bộ thời kỳ này, tuy số lượng không nhiều, và thường là của các tác giả “vãng lai” ở miền Trung và Bắc đã làm trong thời gian họ ở Nam Bộ (làm việc, hoặc hoạt động yêu nước bị Pháp bắt cầm tù ở Sài Gòn hay Côn Đảo). Đây là một thể nửa hát nửa nói, vì trừ những câu “mưỡu” đầu bài, câu “hãm” cuối bài và những đoạn ngâm thơ, có tính chất kể truyện, bắt nguồn từ thể thơ nói sử cổ truyền Việt Nam, với hình thái cơ bản của thể bảy từ và bảy từ biến cách, có khi còn kết hợp văn biền ngẫu.


Các bài hát nói trong thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ chiếm một số không nhiều. Đó là các bài như: Nói chuyện cùng chim, Từ Côn Lôn gửi cho bạn ở Hà Nội, Cùng chị em đất Bắc, Cô gái kén chồng, Mơ Liên Xô



Cũng như các thể thơ trên, hát nói được sử dụng vào cả hai mục đích trữ tình và tuyên truyền, thông tin. Thí dụ như:


“Tang bồng hồ thỉ
Bốn phương là chí khí
Bước tấn tu trông những kịp thì
Song còn ngán đường đi cùng lối lại
Nào đã biết là khôn hay dại
Vào cuộc đời nên phải rán công
Há râu mày mà riêng thẹn với non sông...”
(Một điều nghĩ của người thanh niên, Huyền Mặc đạo nhân, TNTT, 1928)


Cũng như các thể thơ truyền thống, thể hát nói được khai thác nhiều ở nhạc tính cao của nó, dễ nhớ, dễ thuộc. Mặt khác, do cũng là một thể thơ có khả năng biểu cảm cao nhờ sự hiện diện của nhiều kiểu câu thơ trong một bài thơ (câu lục bát, câu nhiều chữ, sự biến hóa khá rộng rãi của các vần điệu) nên thể hát nói cũng được sử dụng với các lợi thế của nó để thơ ca mang khuynh hướng yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ thực hiện mục tiêu tuyên truyền, cổ động, giác ngộ quần chúng.
 
Thể thơ có nhiều câu dài ngắn khác nhau



Thể thơ có nhiều câu dài ngắn khác nhau được tiếp nhận từ văn học dân gian “có khi được gọi là Trúc chi tứ, câu thơ như các cành tre dài ngắn khác nhau, hay còn gọi là trường đoản cú”, nhưng yếu tố vần điệu cũng rất được tôn trọng và khai thác khá phóng khoáng có khi còn đẩy được nhạc tính của bài thơ lên cao. Các bài thơ này phảng phất điệu Nói lối nhiều nhạc tính và thiên về diễn xướng, có các hình thức từ 4 chữ, 5 ,6, 7 đơn thuần hoặc có khi còn có dạng hỗn hợp giữa câu từ 5 chữ trở lên. Chẳng hạn như Thương cổ luận của Lương Khắc Ninh, đăng trên báo NCMĐ, 1903, Khuyến vụ tàm chức của Sương Nguyệt Anh, đăng trên báo NGC năm 1918, Khuyến nữ nhi học tập thi của Lê Chơn Tâm, Phụng đáp văn ảnh nhựt tiên sanh chi từ của Phạm Công Thanh, Lục châu quân tử ôi của Hà Vô Tâm, đăng trên báo LTTV năm 1908…
Bài Khuyến vụ tàm chức (Khuyên trồng dâu nuôi tằm) là một ví dụ tiêu biểu. Trong lời tựa cho bài thơ, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh có viết “Nhơn ngày rỗi rảnh bày ra “ca” này cho trẻ nhà coi mà nhớ sự người xưa khai sáng”. Đây là một bài thơ có sự hiện diện giữa các câu 5, 6 ,7, 8 và 9 chữ:



“Cái trình độ cũng phải theo nền nếp
Thời muôn việc đều tinh
Có chữ rằng: khích trược dương thanh chi tính
Mưa Á còn gió Âu tùy cuộc thế
Ấy còn việc làm ăn quan hệ
Giữ lợi quyền trong cõi Á Đông…”
(Khuyến vụ tàm chức, Sương Nguyệt Anh, NGC, 1918)


Tuy tác giả đã xác định tác phẩm là ca, nhưng xác định này chỉ mang tính nhấn mạnh ý định của tác giả muốn dùng lợi thế của vần điệu để cho bài thơ dễ đến với mọi người. Các bài thơ có các câu dài ngắn xen nhau kiểu như thế này không hề bị giảm sút giá trị nhạc tính của nó. Có quan niệm cho rằng nó gần gũi với kiểu “nói lối” thuộc nghệ thuật diễn xướng. Ngoài ra, nó còn gần gũi với âm điệu của lối nói thơ ở Nam Bộ, cũng là một hình thức diễn xướng các tác phẩm văn học cho công chúng thưởng thức khi họ không biết chữ. Kiểu thơ này xuất hiện nhiều trong hai thập niên đầu thế kỷ XX trở về trước trên các báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nữ giới chung…và không còn xuất hiện nữa trong các thập niên sau.
 
Thể thơ song thất lục bát nếu làm đúng yêu cầu thẩm mĩ còn có phần khó hơn thơ Đường luật
Thật vậy hai câu thất có thể thuộc dạng miêu tả, tự sự khi đó ko cần đối xứng nghiêm ngặt, chỉ cần áp vận
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên


Nhưng nếu 2 câu thất thuộc loại đối như:
Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khoí Cam tuyền mờ mịt thức mây

thì ngoài việc phải tìm các từ ngữ đối xứng và cùng loại như thơ Đường luật, chữ 7 của câu trên phải áp vận với chữ 5 của câu dưới, đó là một yêu cầu khó
Với thơ Đường luật thất ngôn bát cú, hai câu phá đề thừa đề chỉ cần áp vận chữ thứ 7 ko cần đối. Hai câu thực, 2 câu luận chỉ cần đối, ko cần vần. Như vậy 2 câu thất của thơ STLB phải vừa đối vừa vần nên có phần khó hơn
Nhưng trong vài tác phẩm cổ ta thấy phân nửa các câu thất là thuộc loại đối rất chỉnh và chính nó góp phần nhạc điệu cho thể thơ này, đó cũng là một sáng tạo của cha ông ta

Xin góp 1 câu thơ tập cổ để nhớ về 1 cố nhân đã xa
Ánh trăng vàng xôn xao sóng mắt
Búp sen xanh ngan ngát hoa tay
Trăng tà, hoa rụng, hương bay
Kiếp sau họa gặp, kiếp này hẳn thôi
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thể thơ song thất lục bát đã đi vào trong dân gian hay ngược lại từ dân gian đi vào thơ ca bác học. Thật khó biết chính xác nhưng nhiều bài ca dao nhất là hò ở miền Nam có dạng rất giống thơ STLB

Ngó lên Nam vang thấy cây nằm nước
Ngó xuông Thường phước sóng bủa lao xao
Anh thương em ruột thắt gan bào
Biết em có thương lại chút nào hay ko?

Con cá xếp vi chờ khi nước chảy
Cần câu gãy ơi hỡi cần câu
Anh thương em ko ngớt đoạn sầu
Biết em có nhớ thuở ban đầu gặp nhau?

Thể thơ có nhiều câu dài ngắn khác nhau thực ra bắt nguồn từ Từ khúc, một thể kết hợp thơ ca rất phổ biến thời Tống
Có nhiều điệu từ như Tây giang nguyệt, Liễu nhứ... âm điêu rất reó rắt
Tiểu tùng cương
Nguyệt như sương
Nhân như phiêu nhứ hoa diệc thương
Thập sổ tái
Tam thiên niên
Đãn nguyện tương biệt bất tương vong

Còn có loại Nhạc phủ, do tên của cơ quan "nhạc phủ" chuyên phụ trách về âm nhạc đời Hán mà có tên này. Người đời Hán gọi những bài thơ do cơ quan nhạc phủ đương thời sưu tập là "ca thi". Người thời Ngụy, Tấn Nam Bắc triều gọi loại thơ này là "nhạc phủ". Vì thế "thơ nhạc phủ" chủ yếu chỉ loại thơ ca do cơ quan nhạc phủ sưu tập, biên soạn từ Lưỡng Hán đến Nam Bắc triều. Về sau người ta cũng dùng từ này (nhạc phủ) để chỉ thơ ca ca từ Ngụy, Tấn đến Ðường được sáng tác phù hợp với nhạc phổ và thơ ca mô phỏng nhạc phủ cổ đề. Những tác phẩm mô phỏng này chẳng những không hợp nhạc mà có khi còn thay đổi cả đề mục và ý nghĩa như các bài "Nhạc phủ" của Ðỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn...
Ngoài ra, những bài thơ tuyệt cú đời Ðường được phổ nhạc cũng gọi là "nhạc phủ". "Từ", "Khúc" thời Tống, Nguyên về sau vì có thể phối hợp với âm nhạc nên cũng có khi được gọi là "nhạc phủ".
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top