Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
CÁC QUY LUẬT CỦA SẢN XUẤT HÀNG HOÁ
1. Quy luật giá trị:
a. Nội dung và yêu cầu của quy luật giá trị.
- Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và trao đổi hàng hoá. Vì nó quy định bản chất của sản xuất hàng hoá, là cơ sở của tất cả các quy luật khác của sản xuất hàng hoá
- Nội dung của quy luật giá trị:
Sản xuất và trao đổi hàng hoá phải dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
- Trong sản xuất, quy luật giá trị buộc người sản xuất phải làm sao cho mức hao phí sức lao động cá biệt của mình phải phù hợp với mức hao phí sức lao động xã hội cần thiết, có như vậy họ mới có thể tồn tại được.
- Trong trao đổi, hay lưu thông phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá: Hai hàng hoá trao đổi được với nhau khi cùng kết tinh một lượng lao động như nhau, hoặc trao đổi, mua bán hàng hoá phải thực hiện với giá cả bằng giá trị.
- Cơ chế tác động của quy luật giá trị được thể hiện cả trong trường hợp giá cả bằng giá trị, cả trong trường hợp giá cả lên xuống xung quanh giá trị.
b. Tác động của quy luật giá trị.
Trong nền sản xuất hàng hoá, quy luật giá trị có ba tác động sau:
- Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá được thể hiện trong hai trường hợp sau:
+ Thứ nhất: Nếu như một mặt hàng nào đó có giả cả cao hơn giá trị, hàng hoá bán chạy và lãi cao, những người sản xuất sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm tư liệu sản xuất và sức lao động. Mặt khác, những người sản xuất hàng hoá khác cũng có thể chuyển sang sản xuất mặt hàng này, do đó, tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này tăng lên, quy mô sản xuất càng được mở rộng.
+ Thứ hai, nếu như một mặt hàng nào đó có giá cả thấp hơn giá trị, sẽ bị lỗ vốn. Tình hình đó buộc người sản xuất phải thu hẹp việc sản xuất mặt hàng này hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác, làm cho tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này giảm đi ở ngành khác lại có thể tăng lên.
Còn nếu như mặt hàng nào đó giá cả bằng giá trị thì người sản xuất có thể tiếp tục sản xuất mặt hàng này.
Như vậy, quy luật giá trị đã tự động điều tiết tỷ lệ phân chia tư liệu sản xuất và sức lao động vào các ngành sản xuất khác nhau, đáp ưng nhu cầu của xã hội.
Tác động điều tiết lưu thông hàng hoá của quy luật giá trị thể hiện ở chỗ nó thu hút hàng hoá từ nơi có giá cả thấp đến nơi có giá cả cao, và do đó, góp phần làm cho hàng hoá giữa các vùng có sự cân bằng nhất định.
- Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng xuất lao động, hạ giá thành sản phẩm:
+ Các hàng hoá được sản xuất ra trong những điều kiện khác nhau, do đó, có mức hao phí lao động cá biệt khác nhau, nhưng trên thị trường thì các hàng hoá đều phải được trao đổi theo mức hao phí lao động xã hội cần thiết. Vì vậy người sản xuất hàng hoá nào mà có mức hao phí lao động thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, thì sẽ thu được nhiều lãi và càng thấp hơn càng lãi. Điều đó kích thích những người sản xuất hàng hoá cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến tổ chức quản lý, thực hiện tiết kiệm... nhằm tăng năng suất lao động, hạ chi phí sản xuất.
+ Sự cạnh tranh quyết liệt càng làm cho các quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn. Nếu người sản xuất nào cũng làm như vậy thì cuối cùng sẽ dẫn đến toàn bộ năng suất lao động xã hội không ngừng tăng lên, chi phí sản xuất xã hội không ngừng giảm xuống.
- Phân hoá những người sản xuất hàng hoá thành giàu, nghèo:
+ Những người sản xuất hàng hoá nào có mức hao phí lao động cá biệt thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết sẽ thu được nhiều lãi, giàu lên, có thể mua sắm thêm tư liệu sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí thuê lao động trở thành ông chủ.
+ Ngược lại, những người sản xuất hàng hoá nào đó có mức hao phí lao động cá biệt lớn hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng hoá sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, nghèo đi thậm chí có thể phá sản, trở thành lao động làm thuê.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ sở ra đời của chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, quy luật giá trị vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực. Do đó, đồng thời với việc thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, nhà nước cần có những biện pháp để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó, đặc biệt trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
2 .Quy luật cạnh tranh
- Cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu dùng hàng hóa để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.
- Cạnh tranh có thể diễn ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng , hoặc giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng; giữa người sản xuất với người sản xuất..
Nội dung của quy luật:
Trong nền sản xuất hàng hoá, sự cạnh tranh giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa người sản xuất và người tiêu dùng là một tất yếu khách quan, là yêu cầu thường xuyên đối với những người sản xuất hàng hoá .
- Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy sản xuất phát triển. Nó buộc người sản xuất phải thừơng xuyên năng động, nhạy bén, cải tiến kỹ thuật. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Đó là cạnh tranh lành mạnh.
- Bên cạnh mặt tích cực, cạnh tranh còn có mặt tiêu cực, biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh như dùng những thủ đoạn vi phạm dậo đức hoặc vi phạm pháp luật nhằm thu được nhiều lợi ích cho mình nhất, gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, xã hội cộng đồng, như làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế...
3. Quy luật cung cầu và giá cả hàng hóa.
- Cầu được hiểu là nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội về một loại hàng hoá hay dịch vụ nào đó trên thị trường ở các mức giá trong một khoảng thời gian nhất định .
Cầu có liên quan đến nhu cầu nhưng không đồng nhất với nhu cầu. Quy mô của cầu phụ thuộc vào các yếu tố: thu nhập, sức mua của đồng tiền, giá cả hàng hóa, lãi suất, thị hiếu của người tiêu dùng...trong đó, giá cả là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
- Cung về một loại hàng hoá hay dịch vụ là tổng số hàng hóa hay dịch vụ đó mà các chủ thể kinh tế đưa ra bán trên thị trường ở các mức giá trong một khoảng thời gian nhất đinh, bao gồm cả hàng hoá hoá bán được và hàng hoá chưa bán được
* Cung và cầu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
- Cầu xác định cung và ngược lại, cung xác định cầu.
+ Cầu xác định khối lượng, cơ cấu của cung về hàng hóa.
+ Cung tác động đến cầu, kích cầu.
Vì vậy người sản xuất hàng hóa phải thường xuyên nghiên cứu nhu cầu thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng, dự đoán sự thay đổi của cầu, phát hiện nhu cầu mới... để cải tiến chất lượng, hình thức, mẫu mã cho phù hợp, đồng thời phải quảng cáo để kích thích cầu.
- Cung - cầu không chỉ có mối quan hệ với nhau mà còn ảnh hưởng tới giá cả:
Khi cung = cầu, thì giá cả = giá trị
Khi cung > cầu, thì giá cả < giá trị
Khi cung < cầu, thì giá cả > giá trị
Như vậy, chúng ta thấy rằng: cạnh tranh, cung cầu, giá cả, giá trị luôn đi liền với nhau và cùng tác động đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.
4. Quy luật lưu thông tiền tệ và lạm phát
a. Quy luật lưu thông tiền tệ.
- Quy luật lưu thông tiền tệ là quy luật quy định số lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa ở mỗi thời ký nhất định.
- Khi tiền mới chỉ thực hiện chức năng là phương tiện lưu thông, thì số lượng tiền cần thiết cho lưu thông được tính theo công thức :
M=(P . Q)/V
`
Trong đó:
M: lượng tiền cần thiết trong lưu thông.
P : Mức giả cả
Q: Khối lượng hàng hóa đem ra lưu thông
V: số vòng luan chuyển trung bình của một đơn vị tiền tệ
b. Lạm phát:
Là một hiện tượng khủng hoảng tiền tệ, đồng tiền bị mất giá vì tiền giấy không thực hiện được chức năng là phương tiện cất trữ. Do đó biểu hiện của lam phát là mức giá chung của toàn bộ nền kinh tế tăng lên.
Nói chung làm phát là hiện tượng chung của nền kinh tế hàng hóa và có tác động đến đời sống kinh tế xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do sự mất cân đối giữa hàng và tiến, do số lượng tiền giấy vượt quá mức trong lưu thông
(Nguồn: Bài giảng Kinh tế chính trị)