Các quá trình của trí nhớ và phương pháp để có trí nhớ tốt?

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Các quá trình của trí nhớ và phương pháp để có trí nhớ tốt?

1) Khái niệm:

Kết quả của quá trình nhận thức, những cảm xúc tình cảm của con người về một đối tượng nào đó, những hành động và kết quả của nó… đều được ghi lại trong bộ não với mức độ đậm nhạt khác nhau, khi cần thiết nó lại xuất hiện. Đó là trí nhớ.

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh vốn kinh nghiệm của con người dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, giữ gìn, nhận lại và nhớ lại những điều mà con người đã trải qua.

Trí nhớ là quá trình hết sức phức tạp, có rất nhiều lý thuyết về cơ sở sinh lý của trí nhớ. Học thuyết Paplov cho rằng phản xạ có điều kiện là cơ sở sinh lý học của sự ghi nhớ. Ngày nay, qua quá trình nghiên cứu người ta thấy rằng những kích thích xuất phát từ nơron hoặc được dẫn vào những nhánh của nơron hoặc quay trở lại bản thân nơron. Bằng cách đó, nơron được nạp thêm năng lượng. Một số nhà khoa học coi đây là cơ sở sinh lý của sự tích lũy dấu vết và là bước trung gian từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.

2) Vai trò của trí nhớ

Trí nhớ được phân thành nhiều loại, gồm có: trí nhớ vận động, trí nhớ cảm xúc, trí nhớ hình ảnh, trí nhớ từ ngữ - logic, trí nhớ không chủ định và trí nhớ có chủ định, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.

Trí nhớ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống và hoạt động của con người. Không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm không có thì không thể có bất cứ hoạt động nào, không thể phát triển tâm lý, nhân cách con người.

3) Các quá trình của trí nhớ

Trí nhớ của con người là hoạt động tích cực phức tạp, bao gồm nhiều quá trình khác nhau có mối quan hệ qua lại với nhau:

3.1.Thứ nhất là quá trình ghi nhớ. Ghi nhớ là khâu đầu tiên của hoạt động trí nhớ. Đó là quá trình gắn tài liệu mới vào chuỗi kinh nghiệm đã có của bản thân. Hiệu quả của việc ghi nhớ phụ thuộc không chỉ vào nội dung, tính chất của tài liệu mà còn phụ thuộc chủ yếu vào động cơ, mục đích, phương thức hành động của cá nhân.

Ví dụ: Ghi nhớ một bài thơ sẽ dễ dàng hơn so với ghi nhớ các khái niệm của triết học hay xuất phát từ động cơ tích cực sẽ ghi nhớ lâu hơn khi bị gò ép.

Có nhiều hình thức ghi nhớ. Căn cứ vào mục đích ghi nhớ ta có thể ghi nhớ có chủ định hoặc ghi nhớ không chủ định:

a) Ghi nhớ không chủ định là loại ghi nhớ không cần đặt ra mục đích ghi nhớ từ trước, tài liệu được ghi nhớ một cách tự nhiên.

Ví dụ: Truyện kể rằng, Lê Quý Đôn có lần ghé cáo quán nước ven đường. Trong lúc rảnh rỗi, ông cầm quyển sổ nợ của chủ quán lên xem. Hôm sau quán nuớc bị cháy, chủ quán hết sức lo lắng vì cháy cả cuốn sổ nợ. Lê Quý Đôn bèn lấy giấy bút ghi lại những gì ông đã nhớ trong cuốn sổ nợ ông đã xem hôm qua, không bỏ sót một chi tiết nào và đưa cho chủ quán.

b) Ghi nhớ có chủ định la loại ghi nhớ theo mục đích đã định từ trước, đòi hỏi nỗ lực ý chí, lựa chọn các biện pháp, thủ thuật để ghi nhớ. Có hai cách ghi nhớ có chủ định là ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa.

- Ghi nhớ máy móc là loại ghi nhớ dựa trên sự lặp đi lặp lại tài liệu nhiều lần một cách đơn giản, tạo ra mối liên hệ bề ngoài giữa các phần của tài liệu cần ghi nhớ không cần hiểu nội dung tài liệu đó.

Ví dụ: Học vẹt là cách học tiêu biểu cho việc ghi nhớ máy móc cảu học sinh, sinh viên.

Ghi nhớ máy móc thường dẫn đến sự ghi nhớ mộ cách hình thức, tốn nhiều thời gian, khó hồi tưởng. Tuy nhiên trong cuộc sống ghi nhớ máy móc lại cần thiết như ghi nhớ số điện thoại, ngày sinh, số nhà, tài khoản…

- Ghi nhớ ý nghĩa là loại ghi nhớ dựa trên sự thông hiểu nội dung tài liệu, trên sự nhận thức những mối liên hệ logic giữa các bộ phận của tài liệu đó.

Ví dụ: Ôn tập khoa học, ôn tập một cách tích cực là cách ôn tập ghi nhớ ý nghĩa.

Ghi nhớ ý nghĩa là ghi nhớ chủ yếu của nhận thức, đảm bảo lĩnh hội tri thức một cách sâu sắc, bền vững nhưng lại tiêu hao nhiều năng lượng thần kinh.
3.2.Thứ hai là quá trình gìn giữ. Gìn giữ là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết hình thnàh trên vỏ não trong quá trình ghi nhớ. Có hai hình thức gìn giữ là gìn giữ tích cực và gìn giữ tiêu cực.

a) Gìn giữ tiêu cực là sự gìn giữ dựa trên sự tri giác lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đơn giản, thụ động tài liệu cần ghi nhớ.

Ví dụ: Học vẹt sẽ dẫn đến gìn giữ tiêu cực

b) Gìn giữ tích cực là sự gìn giữ bằng cách nhớ lại trong các tài liệu đã ghi nhớ, không cần tri giác tải liệu đó.

Ví dụ: Ôn tập kĩ càng, khoa học, logic, hiểu nội dung bản chất và ghi nhớ cho kĩ là một cách gìn giữ tích cực.

3.3. Thứ ba là quá trình tái hiện. Tái hiện là quá trình ghi nhớ làm sống lại những nội dung để ghi nhớ và giữ gìn. Quá trình này có thể diễn ra dễ dàng (tự động) hoặc rất khó khăn (phải nỗ lực nhiều). tài liệu thường được tái hiện dưới 3 hình thức: nhận lại, nhớ lại và hồi tưởng.

a) Nhận lại là hình thức tái hiện khi có sự tri giác đối tượng được lặp lại. Sự nhận lại cũng có thể không đầy đủ, do vậy không nên lấy nhận lại làm tiêu chuẩn đánh giá trí nhớ con người.

Ví dụ: Khi ta gặp một người mà ta biết chắc đó là người quen, nhưng lúc đó ta không thể nhớ tên người đó, hoặc ta nhận ra người quen, biết tên anh ta nhưng lại không nhớ ra đã làm quen anh ta lúc nào, ở đâu.

b) Nhớ lại là khả năng làm sống lại những hình ảnh, sự vật, hiện tượng đã được ghi nhớ trước đây trong não, khi sự vật hiện tượng không còn ở trước mắt. Nhớ lại có hai dạnh: nhớ lại không chủ định và nhớ lại có chủ định.

- Nhớ lại không chủ định là nhớ lại một cách tự nhiên trong một hoàn cảnh nào đó, không cần phải xác định lại nhiệm vụ cần nhớ lại.
Ví dụ: Sực nhớ, chợt nhớ về một việc gì đó.

- Nhớ lại có chủ định là nhớ lại một cách tự giác, đòi hỏi sự cố gắng, chi phối bởi nhiệm vụ nhớ lại.

Ví dụ: Muốn cắt vải, cố gắng nhớ lại xem đã để cây kéo ở đâu.

- Hồi tưởng là hành động trí tuệ phức tạp, kết quả của nó phụ thuộc vào chỗ cá nhân ý thức rõ ràng, chính xác đến mức nào nội dung của nhiệm vụ tái hiện.

Ví dụ: Một cựu chiến binh hồi tưởng lại trận đánh oanh liệt năm xưa.

3.4. Thứ tư là sự quên. Quên là không tái hiện lại được nội dung đã ghi nhớ trước đây vào thời điểm nhất định.

Quên cũng có nhiều mức độ: quên hoàn toàn (không nhớ lại, nhận lại được), quên cục bộ (không nhớ lại nhưng nhận lại được), quên tạm thời (không nhớ được nhưng lúc nào đó lại đột nhiên nhớ lại).

Quên diễn ra theo trình tự: quên cái tiểu tiết, vụn vặt trước, quên cái đại thể, chính yếu sau.

Quên diễn ra không đều: ở giai đoạn đầu tốc độ lớn sau đó giảm dần.

Ví dụ: Kết quả thực nghiệm của khoa tâm lý trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 1 cho thấy học sinh sau giờ học chỉ còn nhờ 44% tài liệu, sau 2 đêm còn nhớ 28%.

Trong một số trường hợp, quên là cần thiết. Vì thế về một mặt nào đó quên là hiện tượng hợp lý, hữu ích.

Ví dụ: Quên đi những kí ức đau buồn.

4) Làm thế nào để có trí nhớ tốt

4.1.Muốn có trí nhớ tốt cần phải luyện tập thường xuyên để nâng cao khả năng ghi nhớ, giữ gìn, tái hiện tài liệu nhớ và có cách chống quên.

Thứ nhất
để ghi nhớ tốt phải tập trung chú ý cao khi ghi nhớ, có hứng thú, say mê tài liệu ghi nhớ, có ý thức rõ ràng và xác định tâm thế ghi nhớ lâu dài đối với tài liệu, phải lựa chọn và phối hợp các loại ghi nhớ một cách hợp lý, phù hợp với tính chất nội dung của tài liệu. Phải biết phối hợp nhiều giác quan để ghi nhớ, sử dụng các thao tác trí tuệ để ghi nhớ tài liệu, gắn tài liệu ghi nhớ với kinh nghiệm ucả bản thân.

Thứ hai
để giữ gìn (ôn tập) tốt ta phải ôn tập một cách tích cực, nghĩa là ôn tập bằng tái hiện là chủ yếu, theo trình tự:
-Cố gắng tái hiện toàn bộ tài liệu một lần

- Tiếp đó tái hiện từng phần, đặc biệt là những phần khác
- Sau đó tái hiện toàn bộ tài liệu
- Phân chia tài liệu thành từng nhóm cơ bản
- Xác định mối liên hệ trong mỗi nhóm
- Xây dựng cấu trúc logic tài liệu dựa trên mối liên hệ trong mỗi nhóm
Phải ôn tập ngay, không để lâu, ôn tậo xen kẽ và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Thứ ba
để hồi tưởng cái đã quên (tái hiện tài liệu nhớ) ta phải lạc quan tin tưởng rằng nếu cố gắng ta sẽ hồi tưởng lại được. Phải kiên trì hồi tưởng, khi hồi tưởng sai thì phải tìm ra biện pháp, cách thức mới, cần đối chiếu, so sánh với dụng sự liên tưởng, kiểm tra của tư duy, của trí tưởng tượng về quá trình hồi tưởng, về kết quả hồi tưởng.

Thứ tư để chống quên ta phải ôn tập ngay sau khi nhớ lại tài liệu. Từ quy luật Ebin Gao, chúng ta cần chú ý tổ chức cho học sinh tái hiện bài học lảm bài tập ứng dụng sau khi học (“xào bài”). Phải ôn tập xen kẽ, không nên chỉ ôn liên tục một tài liệu. Cần tiến hành ôn tập thường xuyên, ôn rải rác, phân tán ra nhiều đợt, không nên ôn tập trung liên tục trong một thời gian dài.

Phải ôn tập một cách tích cực, cụ thể là tích cực nhớ lại vả tư duy ôn tập; vận dụng nhiều giác quan vào việc ôn tập (mắt xem tài liệu, miệng đọc, tay viết…); tích cực vận dụng, luyện tập, thực hành khi ôn tập.

Ôn tập cần kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý, thay đổi các hình thức và phương pháp ôn tập để có thể đạt kết quả cao.

4.2. Một số phương pháp

1. Chơi ô chữ và giới hạn thời gian để hoàn thành.
2. Khởi động một ngày mới như sau: tắm mà nhắm mắt, chải răng bằng tay không thuận.
3. Trong lúc đọc sách, thỉnh thoảng hãy đọc lớn lên.
4. Thỉnh thoảng thay đổi lộ trình đến văn phòng làm việc, đừng đi hoài những con đường đã quá quen.
5. Tại văn phòng, sử dụng tay không thuận để làm một số việc linh tinh như bấm kim, bật máy, hoặc dùng điện thoại.
6. Vào bữa cơm tối, trước khi ăn, hãy nhắm mắt và xác định món ăn bằng cách ngửi, nếm, và… sờ.

Tóm lại, các quá trình cơ bản của trí nhớ là một quá trình hết sức phức tạp, có mối quan hệ qua lại với nhau. Các quá trình này có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển trí nhớ của con người, vì vậy đòi hỏi mỗi chúng ta phải có phương pháp nghiên cứu và học tập một cách khoa học, phù hợp để có một trí nhớ tốt nhất.

Sưu tầm*
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top