Các Đơn Vị Ngữ Pháp Của Ngôn Ngữ

Trang Dimple

New member
Xu
38
Các Đơn Vị Ngữ Pháp Của Ngôn Ngữ
Ðơn vị ngữ pháp được thừa nhận là một chỉnh thể, có nghữa, và thường được thừa nhận là một cấp độ của một bình diện nghiên cứu nào đó. Thường trong ngôn ngữ, có các đơn vị ngữ pháp phổ biến sau đây được thừa nhận trong các ngôn ngữ:

1. Hình Vị Và Đặc Điểm Của Nó


Hình vị được các nhà ngôn ngữ thừa nhận là đơn vị nhỏ nhất, có ý nghĩa. Ðơn vị này xét từ bình diện ngữ âm có thể nhỏ hơn âm tiết, hoăc bằng âm tiết. Nhưng trong mỗi ngôn ngữ, đơn vị này có những đặc thù khác nhau

1. Trong tiếng Việt, đơn vị này còn được gọi là tiếng. Về các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, nó đều có giá trị quan trọng

* Về giá trị ngữ âm

Ðứng về mặt ngữ âm thì hình vị thường trùng với âm tiết. Xét về ngữ âm, âm tiết là đơn vị ngữ âm rất dễ nhận diện, vì nó là một đơn vị phát âm tự nhiên ứng với sự căng lên và chùng xuống của dây thanh, và được phân cách bởi một khoảng ngắt hơi. Chẳng hạn, một người phát âm hai câu thơ dưới đây là người nghe có thể nhận diện và đến được cả thảy: 14 âm tiết. Ví dụ :

Sao anh không về chơi thôn Vĩ,

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. ( Hàn Mặc Tử )

* Xét từ bình diện về chữ viết

Trong chữ Quốc ngữ tức chữ Việt hiện nay, mỗi âm tiết được ghi thành một chữ, nên ở mặt chữ viết, âm tiết cũng dễ được nhận ra. Mỗi âm tiết trong tiếng Việt đều có một thanh.

* Vềì giá trị ngữ nghĩa

Ðứng về mặt ngữ nghĩa thì hình vị cũng là đơn vị nhỏ nhất có thể có nghĩa. Ðơn vị ngữ âm ở bậc thấp hơn, là âm vị, thì không thể có nghĩa, mà chỉ có giá trị khu biệt nghĩa. Chẳng hạn, âm vị / -a- / và âm vị / t- / riêng lẻ tự nó không có nghĩa gì, nó chỉ có giá trị khu biệt nghĩa: ta - ma - xa - na...; ta - tu - ti - to... Thanh điệu cũng có giá trị như một âm vị tự nó không có nghĩa. Nhưng nếu được kết hợp lại thành tiếng hoàn chỉnh, thành âm tiết, như ta hay tạ, má hay ma...thì có thể thành những đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Trong tiếng Việt, có những loại hình vị khác nhau, như sau:

1. Loại hình vị độc lập, như: đất, nước, nhà, xe, máy; làm, ăn, ngủ, nhìn, học; xấu, tốt, mới, cũ.... Ðó là loại hình vị tự nó có nghĩa, có thể dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, tính chất và có thể được dùng để tạo từ, từ một tiếng, đơn vị ở bậc trực tiếp cao hơn.

2. Loại hình vị không độc lập, như thủy, thổ, hoả, sơn; thực, khán, thính, toạ; mỹ; lạc, hỉ, nộ.... Ðây là loại hình vị, tuy tự nó có nghĩa nhưng không dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, không có khả năng vận dụng tự do để tạo thành câu được. Chúng ta không chỉ vào nước mà nói rằng: đó là thủy , mà nói: đó là nước ; chúng ta cũng không nói: uống thủy mà nói: uống nước . Nhưng loại tiếng này có thể được dùng để cấu tạo những đơn vị ở bậûc trực tiếp cao hơn, tức là từ, như thực phẩm, mỹ nghệ; tàu thủy, lính thủy. Và đó là từ hai tiếng.

3. Loại hinh vị không có nghĩa tự thân, như long, lanh (long lanh), bâng, khuâng (bâng khuâng), lẽ (lặng lẽ), dàng (dễ dàng)... ... Tuy không tự nó có nghĩa, nhưng có tác dụng tạo nghĩa khu biệt hoặc tạo nghĩa cho đơn vị ở bậc trực tiếp cao hơn, tức là từ, như long lanh, bâng khuâng, lặng lẽ, dễ dàng. Ðây cũng là từ hai tiếng.

* Vềì giá trị ngữ pháp

Ngữ pháp bao gồm những qui tắc cấu tạo từ, cấu tạo câu. Hình vị là đơn vị ngữ pháp được dùng để cấu tạo từ. Có một số trường hợp cấu tạo từ sau đây:

Cấu tạo từ một tiếng. Ðây là trường hợp một hình vị độc lập được dùng làm một từ. Chẳng hạn: nước là một hình vị được dùng làm từ. Có thể dùng từ một tiếng này để cấu tạo câu. Ví dụ: có thể nói tôi uống nước hay nói nước rất trong

Cấu tạo từì hai tiếng, hay nhiều tiếng. Ðó là trường hợp có sự kết hợp giữa hai thành tố, mà hai thành tố này có thể là hai hình vị độc lập, hoặc không độc lập, hay không có nghĩa tự thân kết hợp với nhau, và có sự gắn bó tương đối chặt chẽ về mặt nội dung và hình thức. Chẳng hạn: nhà nước, xóm làng, quần áo; thợ sơn, hoa hồng, cá thu; quốc gia, giang sơn, huynh đệ; tàu thuỷ, bình thuỷ, lính thuỷ; dề dàng, gọn gàng, lẹ làng; long lanh, lai rai, lơ thơ; bồ hóng, bù nhìn, cà phê; chợ búa, tre pheo, khách khứa....

Cũng có những trường hợp hơn hai tiếng kết với nhau thành từ. Ví dụ: hợp tác xã, câu lạc bộ, cộng sản chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội....

2. Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, hình vị là đơn vị vừa có thể là một âm tiết, vừa có thể nhỏ hơn âm tiết; vừa có thể là một đơn vị có nghĩa từ vựng, vừa có thể là một đơn vị có nghĩa ngữ pháp. Chẳng hạn:

Trong tiếng Anh: từ books ( những sách) có hai hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là book (sách) và một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -s (số nhiều); từ worked ( đã làm việc) có hai hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là work (làm việc) và một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -ed (quá khứ); tư international ( có tính chất quốc tế ), có ba hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là inter (liên kết), một hình vị cũng có nghĩa từ vựng là nation (quốc gia), và một hình vị có nghĩa ngữ pháp là al (có tính chất).

Trong tiếng Pháp: từ chantez (các anh hát) có hai hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là chante (hát) và một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -z (các anh); từ chiennes (những con chó cái) có ba hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là chien (con chó), một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -ne (cái) và một hình vị cũng có nghĩa ngữ pháp là -s(số nhiều).

Trong tiếng Nga cũng vậy. Từ xtugentki (những nữ sinh viên) có ba hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là xtugent (sinh viên), một hình vị có nghĩa từ vựng-ngữ pháp là -ki, và một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -i (giống cái, số nhiều); từ chitali có ba hình vị: một hình vị có nghĩa từ vựng là chitat (đọc), một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -l (quá khứ), và một hình vị có nghĩa ngữ pháp là -i (số nhiều

2. Từ Và Đặc Điểm Của Nó

Từ được nhìn nhận trong giới nghiên cứu là một đơn vị nhỏ nhất, có nghĩa, và dùng để tạo câu. Tuy nhiên, khái niệm này trong mỗi ngôn ngữ lại được nhìn nhận có những đặc trưng khác nhau.

1. Trong tiếng Việt, đơn vị này thường có sự đồng nhất với âm tiết. Bởi đó, mà ngày càng có nhiều nhà ngữ học đi theo khuynh hướng thừa nhận mỗi tiếng trong tiếng Việt là một từ. Tiếng là từ, từ là tiếng. Nghĩa là, ranh giới của âm tiết và ranh giới của từ là trùng nhau. Chẳng hạn: nhà, bàn, ghế, xe,; đi, nhớ, trông, ngồi, quỳ; trắng, vàng, già, trẻ.... Như vừa thấy, từ có thể chỉ bao gồm một tiếng; nó cũng có thể bao gồm hai tiếng hay nhiều tiếng hơn. Nhưng ở trường hợp có hai tiếng trở lên, thì hai tiếng ấy cũng được phát âm và viết rời nhau.

2. Trong những ngôn ngữ biến hình, như tiếng anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, từ có thể bằng một âm tiết, nhưng đa phần là mỗi từ thường bao gồm nhiều âm tiết, và ranh giới giữa âm tiết và ranh giới giữa hình vị là không trùng khớp nhau. Chẳng hạn:

Trong tiếng Anh, những từ book, dog, cat, hat, bag, chair, black, shop, foot... có thể xem như một âm tiết; những từ có từ hai âm tiết trở lên chiếm một số lượng rất lớn. Chẳng hạn: blackboard, rugler, coffee, campus, calendar, televísíon, university, interaction, international, refrigerator...

Trong tiếng Pháp cũng có tình hình tương tự. Những từ blanc, noire, chien, chat, coq, poule, table, père, mère, frère, soeur... có thể xem như một âm tiết. Nhưng những từ có từ hia âm tiết trở lên vẫn chiếm số lượng lớn: union, maison, cheval, cheveux, café, cuisine, lumière, international, université...

Trong tiếng Nga, những từ đơn tiết có ít hơn, vì đây là ngôn ngữ có hình thức ngữ pháp có tiếp vĩ tố: dom (nhà), brat (anh, em trai), lampa (cái đèn) , klaxx (lớp), brach (bác sĩ). Những từ đa tiết chiếm số lượng lớn hơn: knhiga ( quyển sách), xtugent (nam sinh viên) , xtugentka (nữ sinh viên), unhivirxitet (đại học tổng hợp), inxitut (viện), fabrika (nhà máy)...

Một điều đáng lưu ý là ở các ngôn ngữ biến hình, các từ có sự thay đổi hình thái ngữ pháp phù hợp với vai trò và chức năng ngữ pháp của nó trong phát ngôn.

3. Ngữ Và Đặc Điểm Của Nó

Ở các ngôn ngữ luôn tồn tại một đơn vị có cấp độ lớn hơn từ, nhưng nhỏ hơn câu, đó là ngữ. Trong đoản ngữ, tùy thuộc vào yếu tố chính mà có các loại đoản ngữ khác nhau: Danh ngữ, Ðộng ngữ, Tính ngữ. Trong mỗi đoản ngữ có thể có thành phần phụ đứng trước hoặc đứng sau. Có điều sự tổ chức đoản ngữ của mỗi loại hình ngôn ngữ có những khác biệt nhất định. Chẳng hạn, trong tiếng Việt các thành phần chỉ tính chất hạn định nghĩa cho danh từ thườìng đứng sau; trái lại, trong các ngôn ngữ biến hình, thành phần phụ ấy lại đứng trước. Ví dụ: Một chiếc xe hơi mới, màu đỏ thì ở các ngôn ngữ biến hình lại là Mới, màu đỏ một chiếc xe hơi: A new red car; Chuyện cổ tích dân gian thì ở các ngôn ngữ biến hình lại là dân gian chuyện cổ tích: Narodnaia xkazka . Một điểm khác biệt nữa đáng lưu ý trong cấu trúc đoản ngữ của các ngôn ngữ: ở trong tiếng Việt, đoản ngữ được tổ chức trên cơ sở của trật tự từ và từ công cụ; còn trong các ngôn ngữ biến hình, đoản ngữ được tổ chức dựa vào trật tự và sự kết hợp hài hoà về hình thái. Chẳng hạn: trong tiếng Việt: Những đứa trẻ nhỏ ; còn trong tiếng Pháp lại là: Les petits enfants ; trong tiếng Việt: Những ngôi nhà mới , Những quyển sách mới ; còn trong tiếng Nga lại là: Novưe domư , Novưi knhigi ; trong tiếng Việt: Ngôi nhà mới , Quyển sách mới ; còn trong tiếng Nga lại là: Novưi dom , Novưia knhiga


4. Câu Và Đặc Điểm Của Nó

Từ và câu là hai loại đơn vị khác nhau. Không thể coi nhẹ từ, cũng không thể coi nhẹ câu. Nói chung, đối với mỗi người, từ là đơn vị có sẵn trong kho từ vựng; câu là đơn vị do mỗi người dùng từ mà cấu tạo nên. Trong ngôn ngữ, câu là đơn vị ở bậc cao hơn cả. Ðó là đơn vị quan trọng nhất, xét về vai trò của ngôn ngữ trong sự giao tiếp xã hội. Nói gì, viết gì đều phải nói, phải viết thành câu. Câu trước hết phải có nghĩa hoàn chỉnh.

Nghĩa hoàn chỉnh của câu khác với nghĩa của từ. Chúng ta có những từ như mặt trăng, mặt trời, trái đất, sông, biển, núi, đồi, xe, quạt, gió, mưa ... và những từ như: mọc, lặn, quay, lặng, phủ, nằm, thổi, rơi.... Những từ này biểu thị những khái niệm hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất. Ðó là tính hoàn chỉnh về nghĩa của từ. Còn tính hoàn chỉnh về nghĩa của câu là tính hoàn chỉnh của cả một quá trình tư duy, quá trình thông báo diễn ra trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Quá trình đó thường được biểu thị bằng một cấu tạo ngữ pháp bao gồm hai thành phần là phần đề và phần thuyết . Chẳng hạn:

Trăng lặn cuối thôn., Biển chiều nay lặng gió. , Mưa rơi ngòai hiên.

Phần đề lâu nay quen gọi là chủ ngữ , phần thuyết là vị ngữ . Hai phần ấy xác định lẫn nhau, tạo thành nòng cốt của câu. Câu còn có cấu tạo đa dạng.

Tính đa dạng của câu thể hiện ở các kiểu cấu trúc câu. Câu, như vừa trình bày ở mục trên, với cấu tạo ngữ pháp như vừa phân tích, là loại câu bình thường nhất, gọi là câu đơn . Nhưng cấu tạo ngữ pháp ngay cả câu đơn cũng có thể thay đổi, đa dạng. Chẳng hạn: Hai người khách đã đến rồi. ( 1 ); Ðã đến rồi hai người khách. ( 2 ); Khách đã đến hai người rồi ( 3 ).

Câu ( 1 ) là câu đơn có nòng cốt N = C - V. Câu ( 2 ) cũng là câu đơn nhưng có nòng cốt N = C - V. Còn câu (3) tuy là câu đơn, nhưng có kiểu cấu trúc có một đề ngữ. Cho nên, nghĩa của những câu này có sự phân biệt về mặc sắc thái ý nghĩa. Sự khác biệt ấy biểu thị những điều khác nhau tế nhị trong quá trình tư duy của người nói, và trong ý định của người nói là muốn thông báo, gây tác động một cách nào đó đối với người nghe. Ngoài ra, câu cũng có yêu cầu về tính chặt chẽ.

Tính chất đa dạng không trái ngược với tính chất chặt chẽ của câu về mặt cấu tạo ngữ pháp. Nói chung, cấu tạo ngữ pháp có thay đổi, thì nghĩa cũng có thay đổi, và ngược lại. Có thể dùng nòng cốt N = C + V làm chỗ dựa để tìm hiểu về tính chặt chẽ của câu. Ngoài những câu đơn có một nòng cốt N = C + V, còn có những câu phức, câu ghép với nhiều nòng cốt N = C + V. Trong các ngôn ngữ đều có có những kiểu cấu trúc câu như đã nêu. Nhưng giữa các ngôn ngữ luôn có sự khác biệt về mặt ngữ pháp hình thức làm thành những câu mang những đặc trưng riêng của mỗi ngôn ngữ.

5. Ðoạn Và Đặc Điểm Của Nó


Kết quả của những giao tiếp thường để lại một đơn vị có kiểu cấu trúc trên câu, mà các nhà ngữ học gọi là đoạn. Như vậy, đoạn thường là một tập hợp gồm nhiều câu, hay có ít nhất hai câu. Giữa các câu có sự liên kết về mặt nội dung và hình thức. Liên kết về mặt nội dung được thể hiện thông qua liên kết chủ đề và liên kết lô-gích; còn liên kết hình thức được thể hiện thông qua các phương thức liên kết nhất định. Trong tổ chức đoạn, thường có các kiểu tổ chức thông dụng như:

1. Quy nạp.

Quy nạp là quá trình lập luận đi từ cái riêng đến cái chung, từ sự quan sát, nghiên cứu các hiện tượng, đối tượng cụ thể, riêng biệt, đơn nhất, tiến đến những kết luận tổng quát, từ luận chứng riêng suy ra nguyên tắc, nguyên lý phổ biến. Nói cách khác, đó là quá trình suy nghĩ vận động từ việc xem xét những hiện tượng, đối tượng riêng lẻ, tìm ra mối liên hệ bản chất giữa chúng với nhau, từ đó nâng lên thành nhận định khái quát, trừu tượng về những dấu hiệu chung của chúng.

Vd: Ai trồng cây đào, cây mận thì mùa hè được nóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai trồng cây lật lê thì mùa hè bóng mát không có, mùa thu chỉ được những chông gai. Cứ như vậy thì có phải là tại do cây mình trồng lúc trước không? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế là vì ông gây dựng cho những kẻ không ra gì. Cho nên người quân tử phải chọn người rồi mới gây dựng.

2. Diễn dịch.

Diễn dịch là phương pháp ngược với quy nạp. Phương pháp này hướng dẫn lập luận của chúng ta đi từ những vấn đề chung, khái quát đến những cái riêng, cụ thể. Ðây là phương pháp vận dụng những nguyên lý chung để xem xét những sự vật riêng biệt.

Vd: Với tốc độ phát triển hiện nay, nền kinh tế thế giới năm 1997 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 1996, có thể xấp xỉ 4 %. Ðây có thể là mức tăng trưởng cao nhất kể từ thập kỷ 90 đến nay. Kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng như vậy chủ yếu là do tỷ lệ tăng trưởng tiếp tục ở mức cao của các nước đang phát triển ( dự kiến đạt 5, 5% ); đặc biệt là các nước đang phát triển ở Ðông Á và Ðông Nam Á. Khu vực này tuy có biến động do khủng hoảng tài chính hiện nay ở Ðông Nam Á, nhưng vẫn sẽ tiếp tục là trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới với gần 7 %. Bên cạnh đó, các nước Mỹ-Latinh và châu Phi cũng có mức tăng trưởng khá, sẽ đạt xấp xỉ 4 % - 5 %. Còn các nước đang phát triển, chiếm trên 2/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới, thì vẫn ở mức tăng trưởng thấp chưa đầy 3 %. ( Nguyễn Hoàng Giáp- Kiến thức gia đình, số 60, 3 )

3. Phối hợp diễn dịch với quy nạp.

Quy nạp và diễn dịch luôn đi đôi với nhau và trong thực tế lập luận ít khi thấy quy nạp hay diễn dịch tồn tại như một phương pháp duy nhất. Người ta thường kết hợp vận dụng chúng với nhau để gây nhận thức thêm cao, thêm sâu. Kiểu lập luận này tương ứng với kiểu bố cục ba phần ( mở bài, thân bài, kết luận ) của một bài văn chính luận hoặc đoạn văn có kết cấu tổng - phân - hợp.

Vd: Huế ngày nay còn bảo lưu được một khối lượng lớn những di sản vật chất và tinh thần mang tính văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Trong gần 400 năm ( 1588 - 1945 ), Huế là trung tâm cính trị và văn hóa của Ðàng Trong, rồi trở thành kinh đô của cả đất nước thống nhất. Bao nhiêu tinh hoa của mấy thế kỷ đã hội tụ về miền núi Ngự sông Hương thơ mộng hữu tình để tạo nên ở đây một vùng văn hóa, rồi đặc tính văn hóa ấy đã tỏa ra lại ở nhiều đia phương trong nước. Rất nhiều đóa hoa nghệ thuật đã nảy nở trên vùng đất cố đô này để làm đẹp và phong phú thêm cho vườn hoa văn hóa của dân tộc.

4. Nêu phản đề.

Bản chất của lập luận là có tính chất tranh luận và thuyết phục, tranh luận với những ý kiến quan điểm trái quan điểm, ý kiến của mình. Nêu phản đề tức là nêu ý kiến phản bác lại kết luận, ý kiến của mình. Nếu người lập luận cao tay bác bỏ được các ý kiến đó thì sự khẳng định càng có giá trị thuyết phục hơn. Có thể bác bỏ bằng việc phủ định căn cứ của các ý kiến đó là sai lầm, phi lí hoặc ý kiến đó sẽ đưa đến hậu quả xấu, hậu quả tai hại.

Vd: Hăng hái xông pha giữa cuộc đời. Chút lòng tranh đấu phút nào nguôi. Bao giờ Tổ quốc ca toàn thắng. Là lúc tìm anh giữa cõi Trời. Không phải là giữa cõi Trời. Giữa cõi Ðời chứ chị Mai. Giữa cuộc đời ấy chị là chiến sĩ thi đua, được nhận huân chương kháng chiến. Giữa cuộc đời ấy Tổ quốc ca toàn thắng, và thơ Hàn Mặc Tử đã được cách mạng in ra. Ôi nói gì thì nói cuộc đời vẫn có hậu, vẫn đại đoàn viên. Thế mới là đời. ( Chế Lan Viên, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, 40 ).

5. So sánh.

Có hai loại so sánh: tương đồng và tương phản. So sánh tương đồng là từ một điều đã biết, đã được công nhận, suy ra một điều tương tự, có chung lôgích bên trong. Còn so sánh tương phản là đối chiếu các mặt trái ngược với nhau ( trắng - đen, phải - trái, cũ - mới, tốt - xấu... ) để là nổi bật điều mình muốn nói tới.

Vd: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tao hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ, suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. ( so sánh tương đồng ).

Vd: Văn hóa là một tổng thể phức tạp về giá trị vật chất và tinh thần do con người kiến tạo trong mối quan hệ tự nhiên, xã hội và đời sống tinh thần, có tính đặc thù của mỗi dân tộc. Văn minh là vẻ đẹp, sự sáng tạo của cộng đồng dân tộc đã tiến bộ về mọi mặt chủa yếu là chính trị, pháp luật, phong tục, tập quán, đạo đức... Cả văn hóa và văn minh đều do con người kiến tạo, là những gì khác tự nhiên và hướng về cái đẹp. Vì vậy, chúng tuy là những khái niệm gần gũi nhưng một bên thì có ý nghĩa vĩnh hằng, còn một bên thì thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử. Chúng là những nền tảng tạo nên cái chất của một con người.

Vd: Văn hoá bao gồm những giá trị tinh thần và vật chất của một dân tộc. Mỗi dân tộc đều có bản sắc khác nhau và nền văn hóa đó cũng là nềìn tảng của sự khởi đầu của một dân tộc. Trong khi đó văn minh tuy cũng là khía cạnh của văn hóa nhưng nặng về kỹ thuật, văn minh bao gồm những thành quả mà con người nói chung và một dân tộc nói riêng tạo nên trong một giai đoạn nhất định trong lịch sử.

 
6. Nhân quả.

Dựa trên mối quan hệ nhân quả, phương pháp luận nhân - quả nhằn vạch rõ nguồn gốc của các hiện tượng cụ thể và cũng là nhằm dự kiến các hiện tượng xảy ra. Phương pháp luận nhân - quả có các dạng lập luận sau:

* Trình bày nguyên nhân trước, chỉ ra kết quả sau:

Vd: Do tất cả trẻ em bệnh không đến viện, nên Bác sĩ ở bệnh viện, chỉ nắm được tình hình bệnh tật của 1 % số trẻ, còn 99 % kia thì điều trị ở nhà, hoặc ở y tế cơ sở. Nếu không tham gia vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cả Sinh viên và Bác sĩ mới chỉ biết 1 % tình hình bệnh tật của trẻ em. ( Bài giảng Nhi khoa, 531 ).

* Trình bày kết quả trước, chỉ ra nguyên nhân sau:

Vd: Huế đẹp nhờ có sông Hương duyên dáng mà dịu dàng đã đành. Huế còn đẹp bởi những công trình kiến trúc cổ để sông Hương sinh động hơn lên.

Vd: Diện tích rừng nước ta rất lớn ( khoảng 15 triệu hécta ) nhưng cho đến nay diện tích đó đã bị thu hẹp nhiều, chỉ còn gần 8 triệu ha. Trữ lượng gỗ rừng còn lại cũng rất thấp. Diện tích rừng bị giảm đi có nhiều nguyên nhân như do chiến tranh tàn phá, do khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch, nạn phá rừng làm nương rẫy còn phổ biến, tệ đốt rừng chưa được ngăn chặn. ( Kĩ thuật 7, 128 )

* Trình bày hàng loạt sự việc theo quan hệ nhân - quả liên hoàn.

Khi lập luận ta đưa ra hàng chuỗi sự kiện. Các sự kiện vừa là kết quả của sự kiện trước, đồng thời lại là nguyên nhân của sự kiện sau. Có thể hình dung điều đó theo mô hình sau:

ch4.htg12.gif


Vd: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hóa. Vì vậy, công việc bổ túc văn hóa là cực kỳ quan trọng.

Trong các ngôn ngữ, sự khác biệt trong đoạn văn là ở cơ cấu ngữ pháp hình thức giữa các ngôn ngữ được thể hiện từ bình diện câu và những phương thức liên kết trên câu.

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top