Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Các nước Đông Nam Á
1. Những biến đổi của Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai:
- Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước trong khu vực ( trừ Thái Lan) đều là nước thuộc địa của đế quốc Âu - Mĩ. Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Nhật Bản xâm chiếm cả vùng Đông Nam Á và thiết lập trật tự phát xít. Từ cuộc chiến tranh chống thực dân Âu - Mĩ, nhân dân Đông Nam á chuyển sang đấu tranh chống quân phiệt Nhật, giải phóng đất nước. Ngày sau khi Nhật đầu hàng lực lượng Đồng minh, một số quốc gia đã tuyên bố độc lập:
+ Ngày 17 - 8 - 1945, nhân dân In-đô-nê-xi-a tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a.
+ Ngày 19 - 8 - 1945, Cách mạng tháng Tám của Việt Nam thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ( 2 - 9 - 1945 ).
+ Tháng 8 - 1945, nhân dân các nước bộ tộc Lào nổi dậy và ngày 12 - 10 - 1945, nước Lào tuyên bố độc lập.
- Nhân dân các nước Miến Điện ( nay là Mi-an-ma ), Mã Lai ( nay là Ma-lai-xia-a ) và Phi-líp-pin đều nổi dậy đấu tranh chống quân phiệt Nhật giải phóng nhiều vùng rộng lớn của đất nước.
Nhưng ngay sau đó, các nước thực dân Âu - Mĩ ( Pháp, Hà Lan, Anh,... ) quay trở lại xâm lược Đông Nam Á. Nhân dân Đông Nam Á lại phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược. Trải qua cuộc kháng chiến kiên cường và gian khổ, vào giữa những năm 50, nhân dân In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đã lần lượt đánh đuổi bọn thực dân ra khỏi đất nước. Cũng vào thời gian đó, các nước đế quốc Âu - Mĩ công nhận độc lập của Phi-líp-pin, Miến Điện, Mã Lai, Xin-ga-po:
+ Tháng 10 - 1944, Mĩ trở lại Phi-líp-pin tuyên bố trao trả độc lập cho nước này ( 4 - 7 - 1946 ). Tuy vậy, Mĩ vẫn xây dựng nhiều căn cứ quân sự ở Phi-líp-pin. Đến năm 1992, Mĩ mới rút khỏi các căn cứ quân sự cuối cùng ở nước này là Clác và Su-bíc.
+ Phong trào chống thực dân Anh diễn ra mạnh mẽ ở Miến Điện. Tháng 10 - 1947, Anh buộc phải kí Hiệp ước Anh - Miến công nhận Miến Điện là nước độc lập và tự chủ. Tháng 1 - 1948, Liên bang Miến Điện tuyên bố độc lập. Từ tháng 6 - 1989 đổi lại là Liên bang Mi-an-ma.
+ Tháng 9 - 1945, thực dân Anh tái chiếm Mã Lai. Trước sức ép của phong trào đấu tranh quần chúng, chính phủ Anh phải đồng ý để cho Mã Lai độc lập. Ngày 31 - 8 - 1957, Mã Lai tuyên bố độc lập. Năm 1963, Liên bang Ma-lai-xi-a ra đời bao gồm miền Đông ( Xa-ba, Xa-ra-oắc ) và miền Tây ( Mã Lai, Xin-ga-po ).
+ Xin-ga-po được Anh trao trả quyền tự trị ( 1959 ), sau đó tham gia Liên bang Ma-lai-xi-a, nhưng đến năm 1965 lại tách ra thành nước cộng hòa độc lập.
- Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi ( 1954 ):
+ Nhân dân Việt Nam và Lào, tiếp đó là Cam-pu-chia phải trải qua một cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ, đến năm 1975 mới giành được thắng lợi hoàn toàn.
+ Bru-nây, tới tháng 1 - 1984 tuyên bố là quốc gia độc lập nằm trong khối Liên hiệp Anh.
+ Sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 8 - 1999 tác khỏi In-đô-nê-xi-a, ngày 20 - 5 - 2002, Đông Ti-mo trở thành một quốc gia độc lập.
- Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh, đồng thời để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội và hạn chế thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, tháng 9 - 1954, Mĩ cùng Anh, Pháp và một số nước đã thành lập khối quân sự mang tên Tổ chức hiệp ước Đông Nam á ( viết tắt theo tiếng Anh là SEATO ). Nhưng sau thắng lợi của cách mạng ba nước Đông Dương vào giữa năm 1975, khối SEATO phải giải thể ( 6 - 1976 ).
2. In-đô-nê-xi-a:
- Giai đoạn đấu tranh giành độc lập:
+ Ngày 17 - 8 - 1945, sau khi quân phiệt Nhật đầu hàng trước khí thế cách mạng của quần chúng, bác sĩ Xu-các-nô đã soạn thảo và kí vào bản Tuyên ngôn Độc lập, sau đó bác sĩ Xu-các-nô đọc bản Tuyên ngôn trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng ở thủ đô Gia-các-ta, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a.
Hưởng ứng Tuyên ngôn Độc lập, trong cả nước, trước hết là nhân dân ở các thành phố Gia-các-ta, Xu-ra-bay-a,... đã nổi dậy chiếm đóng các công sở, đài phát thanh và giành chính quyền từ tay Nhật. Ngày 18 - 8 - 1945, lãnh tụ các chính đảng và các đoàn thể mở hội nghị của ủy ban trù bị độc lập In-đô-nê-xi-a, thông qua bản Hiến pháp, bầu Xu-các-nô là Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a.
+ Tháng 11 - 1945, với sự giúp đỡ của quân Anh, Hà Lan quay trở lại xâm lược In-đô-nê-xi-a. Cuộc kháng chiến chống thực dân Hà Lan, bảo về độc lập của nhân dân In-đô-nê-xi-a bùng nổ.
+ Tháng 5 - 1949, Hà Lan và In-đô-nê-xi-a kí hiệp định đình chiến tại Gia-các-ta.
+ Tháng 11 - 1949, hai bên kí Hiệp ước La Hay, theo đó In-đô-nê-xi-a nằm trong khối Liên hiệp Hà Lan - In-đô-nê-xi-a và phụ thuộc nhiều mặt vào Hà Lan.
+ Ngày 15 - 8 - 1950, do cuộc đấu tranh của nhân dân đòi độc lập thật sự và thống nhất thì nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a thành lập.
- Giai đoạn 1953 đến 1965:
+ Từ năm 1953, chính phủ của Đảng Quốc dân do Xu-các-nô đứng đầu đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố nền độc lập của đất nước:
• Năm 1953, phế bỏ phái đoàn cố vấn quân sự của Hà Lan ở In-đô-nê-xi-a.
• Năm 1956, hủy bỏ Hiệp ước La Hay.
• Năm 1963, thu hồi miền Tây I-ri-an, thực hiện rộng rãi các quyền tự do, dân chủ,...
+ Ngày 30 - 9 - 1965, đơn vị quân đội bảo vệ Phủ Tổng thống tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ Xu-các-nô nhưng thất bại.
- Giai đoạn 1967 - 1997:
+ Chính phủ mới được thành lập, đến năm 1967 tướng Xu-hác-tô lên làm Tổng thống. Tình hình chính trị dần dần ổn định, In-đô-nê-xi-a bước vào giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục.
+ Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Đông Nam á làm cho In-đô-nê-xi-a rơi vào tình trạng rối loạn: Xu-hác-tô rời khỏi chức vụ Tổng thống, mâu thuẫn sắc tộc gay gắt, kinh tế suy sụp,...
- Giai đoạn 2001 - 2004:
Đây là thời cầm quyền của bà Mê-ga-wa-ti, đất nước dần dần được phục hồi nhưng những vụ khủng bố ở Ba-li, Gia-các-ta,... nạn động đất, sóng thần nên In-đô-nê-xi-a vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
3. Lào ( 1945 - 1975 ):
- Tuyên bố độc lập:
+ Giữa tháng 8 - 1945, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Nắm thời cơ thuận lợi, ngày 23 - 8 - 1945, nhân dân Lào nổi dậy và thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi.
+ Ngày 12 - 10 - 1945, nhân dân thủ đô Viêng Chăn khởi nghĩa giành chính quyền, chính phủ Lào ra mắt quốc dân và trịnh trọng tuyên bố trước thế giới nền độc lập của nước Lào.
- Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp ( 1946 - 1954 ):
+ Tháng 3 - 1946, thực dân Pháp trở lại tái chiếm Lào. Nhân dân Lào một lần nữa phải cầm súng kháng chiến bảo vệ nền độc lập của mình.
+ Từ năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào ngày càng phát triển, lực lượng cách mạng ngày càng trưởng thành:
• Các chiến khu lần lượt được thành lập ở Tây Lào, Thượng Lào và Đông Bắc Lào.
• Ngày 20 - 1 - 1949, quân giải phóng nhân dân Lào Lát-xa-vông được thành lập do Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn chỉ huy.
• Ngày 13 - 8 - 1950, Mặt trận Lào tự do và Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đứng đầu thành lập.
+ Trong những năm 1953 - 1954, quân dân Lào đã phối hợp cùng với quân tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào ( 1953 ), Thượng Lào ( 1954 ),... giành thắng lợi to lớn. Những cuộc tấn công này đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ ( 1954 ), góp phần vào chiến thắng chung của nhân dân ba nước Đông Dương.
+ Tháng 7 - 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hiệp định đã thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, công nhân địa vị hợp pháp của lực lượng kháng chiến Lào.
- Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ ( 1954 - 1975 ):
+ Ngay sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương vừa kí kết, Mĩ đã lập tức hất cẳng Pháp, âm mưu biến Lào thành nước thuộc địa kiểu mới. Từ đây, nhân dân Lào lại phải cầm súng chống kẻ thù mới là đế quốc Mĩ.
+ Thông qua viện trợ kinh tế và quân sự, đế quốc Mĩ đã dựng lên chính quyền, quân đội tay sai và nắm quyền chi phối mọi mặt ở Lào. Giữa năm 1955, Mĩ điều khiển quân đội tay sai Viêng Chăn tấn công vào hai tỉnh tập kết của lực lượng các mạng Lào ở Sầm Nưa và Phôngxali; tiến hành càn quét, đàn áp lực lượng kháng chiến cũ ở khắp các tỉnh trong nước, mở cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Lào.
+ Ngày 22 - 3 - 1955, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào thì cuộc đấu tranh của nhân dân Lào diễn ra trên cả ba mặt trận: quân sự - chính trị - ngoại giao, đã đánh bại các cuộc tấn công quân sự của Mĩ và tay sai, giải phóng thêm nhiều vùng rộng lớn ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào. Đến đầu những năm 60 đã giải phóng 2/3 lãnh thổ, hơn 1/3 dân số cả nước.
+ Từ giữa năm 1964, Mĩ bắt đầu sử dụng không quân ném bom tàn phá dã man các vùng giải phóng, phái hàng ngàn cố vấn quân sự Mĩ sang trực tiếp điều khiển cuộc chiến tranh và đưa nhiều đơn vị lính thuê Thái Lan sang tham chiến ở Lào. Cũng từ đó, cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Lào chính thức chuyển sang hình thái Chiến tranh đặc biệt và từ năm 1969 được nâng thành Chiến tranh đặc biệt tăng cường, sau khi Ních-xơn trúng cử lên làm Tổng thống Mĩ. Mĩ đã ném 3 triệu tấn bom xuống Lào ( tính trung bình mỗi người dân Lào phải chịu đựng 1 tấn bom ), và liên tiếp mở những cuộc hành quân lớn nhằm đánh chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, nhân dân Lào đã từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Mĩ và lực lượng phái hữu.
+ Tháng 2 - 1973, Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được kí kết giữa mặt trận Lào yêu nước và phái hữu Viêng Chăn. Chính phủ Liên hiệp dân tộc lâm thời và Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp được thành lập.
+ Mùa xuân năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân Việt Nam thắng lợi đã cổ vũ và tạo điều kiện cho cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Từ tháng 5 đến tháng 12 - 1975, quân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng đã nổi dậy giành chính quyền trong cả nước.
+ Ngày 2 - 12 - 1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chính thức thành lập. Từ đó, nước Lào bước sang thời kì mới - xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.
4. Cam-pu-chia ( 1945 - 1993):
- Giai đoạn kháng chiến chống Pháp ( 1945 - 1954 ):
+ Tháng 10 - 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược và thống trị Cam-pu-chia. Triều đình phong kiến nhanh chóng quy thuận Pháp, và ngày 7 - 4 - 1946, kí với Pháp hiệp ước chấp nhận sự thống trị trở lại của Pháp ở Cam-pu-chia.
+ Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ năm 1951 là Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, nhân dân Cam-pu-chia đã anh dũng đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm đầu, phong trào kháng chiến còn mang tính tự phát, cục bộ trong từng địa phương, chưa có một trung tâm lãnh đạo thống nhất. Cục diện kháng chiến ngày càng được mở rộng, đòi hỏi bức thiết phải thống nhất tất cả lực lượng cách mạng trong cả nước.
+ Từ ngày 17 đến ngày 19 - 4 - 1950, những người kháng chiến Cam-pu-chia đã tiến hành đại hội quốc dân, thành lập ủy ban Mặt trận dân tộc thống nhất ( Mặt trận Khơ - me ) và chính phủ kháng chiến do Sơn Ngọc Minh đứng đầu.
+ Ngày 19 - 6 - 1951, trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang trong cả nước, quân đội cách mạng chính thức thành lập lấy tên là Quân đội It-xa-rắc.
+ Tháng 7 - 1951, Hội nghị đại biểu các đảng viên cộng sản toàn Cam-pu-chia đã chính thức thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia theo quyết định của Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương ( tháng 2 - 1951 ).
+ Bước vào những năm 1953 - 1954, phong trào kháng chiến của nhân dân Cam-pu-chia phát triển mạnh mẽ ở khắp mọi nơi và thu được những thắng lợi to lớn: vùng giải phóng được mở rộng, chiếm khoảng 1/4 lãnh thổ Cam-pu-chia với số dân ước chừng 2 triệu người.
+ Cuối năm 1952, tình thế quân sự, chính trị và tài chính của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã trở nên hết sức nguy kịch. Trong bối cảnh đó, ngày 9 - 11 - 1953, Xi-ha-núc tiến hành cuộc vận động ngoại giao ( thường được gọi là cuộc thập tự chinh của Quốc vương vì nền độc lập của Cam-pu-chia ) gây sức ép buộc chính phủ Pháp phải kí hiệp ước trao trả độc lập cho Cam-pu-chia. Tuy vậy, quân đội Pháp vẫn chiếm đóng Cam-pu-chia và Pháp vẫn nắm mọi quyền hành ở Cam-pu-chia.
+ Sau thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp phải kí hiệp ước Giơ-ne-vơ về Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam. Hiệp định cũng quy định tất cả các đơn vị quân đội Pháp rút ra khỏi lãnh thổ Cam-pu-chia, vĩnh viễn chấm dứt chế độ thống trị thực dân của Pháp ở Cam-pu-chia.
- Giai đoạn hòa bình trung lập ( 1954 - 1970 ):
+ Từ năm 1954 đến đầu năm 1970, chính phủ Xi-ha-núc thực hiện đường lối hòa bình trung lập, không tham gia bất cứ khối liên minh quân sự hoặc chính trị nào, tiếp nhận viện trợ từ mọi phía miễn là không có điều kiện rằng buộc. Nhờ vào đường lối này, Cam-pu-chia đã trải qua một thời kì phát triển hòa bình và có điều kiện đẩy mạnh công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước.
+ Sau cuộc đảo chính lật đổ Xi-ha-núc ngày 18 - 3 - 1970 của thế lực tay sai Mĩ nhằm phá hoại nền hòa bình, trung lập và đưa Cam-pu-chia vào quỹ đạo của cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mĩ trên bán đảo Đông Dương.
- Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ ( 1970 - 1975 ):
Ngay sau cuộc đảo chính, với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược của nhân dân Cam-pu-chia vẫn có những bước phát triển nhanh chóng, lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh và vùng giải phóng được mở rộng ở khắp mọi miền đất nước.
+ Từ tháng 9 - 1973, lực lượng vũ trang Cam-pu-chia đã chuyển sang tấn công, bao vây thủ đô Phnôm Pênh và các thành phố khác.
+ Mùa xuân năm 1975, quân dân Cam-pu-chia mở cuộc tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch.
+ Ngày 17 - 4 - 1975, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Cam-pu-chia kết thúc thắng lợi.
- Giai đoạn thống trị của tập đoàn Khơ-me đỏ và cuộc đấu tranh của nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chúng ( 1- 1979 đến 7 - 1 - 1979 ):
+ Liền ngay sau khi Phnôm Pênh được giải phóng, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đứng đầu là Pôn Pốt đã quay lại phản bội cách mạng, chúng thi hành chính sách diệt chủng, tàn sát hàng triệu người dân vô tội:
• Chúng xua đuổi nhân dân ra khỏi các thành phố, buộc về lao động và sinh sống trong những trang trại tập trung ở nông thôn.
• Chúng tán phá chùa chiền, trường học, cấm chợ búa và tàn sát dã man hàng triệu người dân Cam-pu-chia vô tội.
• Về đối ngoại: chúng gây ra cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam, kích động sự thù hằn dân tộc chống Việt Nam.
+ Trước thảm họa diệt chủng, nhân dân Cam-pu-chia sôi sục căm thù, nổi dậy đấu tranh chống lại chế độ Khơ-me đỏ. Ngày 3 - 12 - 1978, Mặt trận dân tộc cứu nước Cam-pu-chia thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Cam-pu-chia nổi dậy ở nhiều nơi.
+ Ngày 7 - 1 - 1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng khỏi chế độ Khơ-me đỏ diệt chủng, Cam-pu-chia bước vào thời kì hồi sinh, xây dựng lại đất nước.
- Giai đoạn diễn ra cuộc nội chiến ở Cam-pu-chia ( 1979 - 1992 ):
Từ năm 1979 ở Cam-pu-chia đã diễn ra cuộc nội chiến giữa lực lượng của Đảng Nhân dân cách mạng với phe phải đối lập, chủ yếu là lực lượng Khơ-me đỏ. Cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỉ, gây nhiều tổn thất cho đất nước.
- Giai đoạn xây dựng đất nước ( 1993 - 2000 ):
+ Với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các bên Cam-pu-chia đi đến thỏa thuận hòa giải và hòa hợp dân tộc.
+ Ngày 23 - 10 - 1991, Hiệp định hòa bình về Cam-pu-chia được kí kết tại Pa-ri.
+ Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 9 - 1993, Quốc hội mới đã thông qua Hiến pháp, tuyên bố thành lập Vương quốc Cam-pu-chia do N.Xi-ha-núc làm Quốc Vương. Từ đó, Cam-pu-chia bước sang một thời kì mới.
+ Tháng 10 - 2004, vua Xi-ha-núc tuyên bố thoái vị. Hoàng tử Xi-ha-mô-ni lên kế ngôi, trở thành quốc vương của Cam-pu-chia.
5. ASEAN:
* Hoàn cảnh ra đời:
Nửa sau thập niên 60 của thế kỉ XX, tình hình Đông Nam Á và thế giới có nhiều biến chuyển tác động mạnh mẽ tới các nước trong khu vực. Sau hơn 20 năm đấu tranh và bảo về độc lập cũng như xây dựng kinh tế, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kì ổn định, dốc sức phát triển kinh tế. Vì vậy:
- Các nước trong khu vực thấy cần có sự hợp tác để xây dựng đất nước, cùng hợp tác phát triển kinh tế,...
- Đồng thời, các nước muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, nhất là khi thấy cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Đông Dương vấp phải những khó khăn và sự thất bại là khó tránh khỏi.
- Xu thế xuất hiện các tổ chức khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là thành tựu của Khối thị trường chung Châu Âu ( EEC ) đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á.
Ngày 8 - 8 - 1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á ( viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN ) được thành lập tại Băng Cốc ( Thái Lan ) với sự tham gia của 5 nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Phi-líp-pin.
* Mục tiêu:
Xây dựng những mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo nên một cộng đồng Đông Nam Á hùng mạnh trên cơ sở tự cường khu vực và thiết lập một khu vực hòa bình, tự do, trung lập ở Đông Nam Á. Như thế, ASEAN là một tổ chức liên minh chính trị - kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
* Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập ASEAN:
Với chính sách đối ngoại mong muốn là bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với tổ chức đó với nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đặt ra:
- Cơ hội:
Tham gia ASEAN, Việt Nam có điều kiện rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất kĩ thuật so với các nước trong khu vực và tên thế giới. Đặc biệt, đây là cơ hội của Việt Nam có thể hội nhập hơn nữa với khu vực và thông qua khu vực để tạo dựng những mối quan hệ với thế giới, từng bước thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.
- Thách thức:
Khi tham gia hội nhập, Việt Nam có một xuất phát điểm hết sức khó khăn và điều kiện cơ sở vật chất - kĩ thuật thấp hơn và một cơ chế chưa phù hợp. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng đưa ra một lộ trình thông thoáng cho sự thu hút đầu tư, chuẩn bị mọi điều kiện để có thể hội hập sâu hơn vào nền kinh tế của khu vực và thế giới. Tuy vậy, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới thì Việt Nam vẫn phải cảnh giác trước nguy cơ bị hòa tan, làm mất đi bản sắc của chính mình.
(Sưu tầm)