Các nguyên nhân sập ô-văng

penguins knok

New member
Xu
0
Các nguyên nhân sập ô-văng

Nguyên nhân
Việc sập ô-văng là dễ hiểu do tải trọng của tấm ô-văng rất lớn (khoảng 12m2 bê tông cốt thép dày chừng 5cm) mà với lực chịu câu vào đà và tường dằn như nêu trên vẫn không đủ. Trong khi đó, đúng ra phải làm hai đà giằng móc vào trong cột đúc của nhà đang xây lầu bên trong, khi đó mới đủ sức níu tấm ô-văng.

Cùng những trường hợp tương tự, trong việc đúc ban công, tấm sê-nô, mái bằng, mái xiên, trần nhà vệ sinh… khi xảy ra sự cố thường do những nguyên nhân bất cẩn, vì thiếu kiến thức về xây dựng hay muốn hạ giá thành công trình. Lắm khi gấp gáp, thầu đốc thúc thợ thi công nhanh; mà muốn nhanh tháo dỡ bê tông thì phải cho phụ gia để bê tông mau đông cứng, nhưng phụ gia phải cho đúng và đủ, nếu không thì rất nguy hiểm. Nguyên nhân gây sập nhiều nhất là do kết cấu sắt không đủ, không đúng chất lượng hoặc không đúng kỹ thuật và sự cố nêu trên là điển hình. Vì nếu trường hợp bê tông chưa đủ tuổi, mác sai, thiếu xi măng, cát bẩn… thì thường chỉ dẫn đến bị nứt. Việc đúc thêm tấm, không gia cố móng, chủ quan cũng có thể dẫn đến tình trạng sụt lún.



Những lưu ý

Yêu cầu quan trọng là phải có giám sát thi công, nhất là các hạng mục bố trí thép, kết cấu. Ðúc bê tông cốt thép không đơn giản như đúc tấm đan nên cần có bản thiết kế về kết cấu. Kỹ thuật bê tông có hai yếu tố: thép và bê tông. Ví dụ đúc tấm sàn phải liên kết sắt sàn với sắt đà đúng kỹ thuật kết cấu; hoặc ban công, ô-văng… cũng phải có sự liên kết sắt chặt chẽ để chịu lực. Do vậy, cần có bản vẽ kết cấu và giám sát gia công sắt, ngay cả đặt thép trên sàn cốp-pha cũng phải đúng thiết kế. Không nên tiếc tiền cho khoản này vì phí cho nhà tư vấn rất ít so giá trị căn nhà.


Về bê tông, có những quy định cấp phối bê tông, chẳng hạn cột, dầm, sàn thường mác 200 trở lên. Mác 200 với xi măng PC30 quy định 350kg xi măng, tương đương 7 bao; 0,4m³ cát; 0,8m³ đá 1x2. Cát phải sàng sạch, đá rửa sạch để bê tông kết đông chặt, tránh những lỗ rò gây thấm hay lún, nứt. Khi đổ bê tông, phải đổ liên tục, nhất là những tấm sàn, hạn chế tạo những mảng dừng. Nếu phải dừng thì chọn điểm có đà để dừng vì cần sự đông kết bê tông đồng bộ, không rời rạc.


Ðổ xong phải đầm nén kỹ để các phối liệu hòa đều và khít chặt. Thông thường khẩu độ nhà phố 4m thì sàn dày 10cm, khẩu độ càng lớn thì sàn càng dày; ban-công, sê-nô… có thể chỉ 6 - 8 cm.


Nhất thiết phải để đủ thời gian quy định mới tháo dỡ cốp-pha: bê tông có phụ gia thì từ 10 - 12 ngày; không có phụ gia, thường khoảng 3 tuần (20 - 24 ngày). Trong thời gian chờ này, mỗi ngày tưới nước lên mặt sàn để độ đông kết bê tông đều, do bề mặt bốc hơi nhanh hơn. Khoảng 5 ngày sau khi đổ sàn mới có thể chất chịu tải lên sàn vì có thể “động" gây nứt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top