Các Mác, triết học Mác, và thời đại ngày nay

emonhaquemoira

New member
Xu
0
Trong bài viết này, sau khi trình bày một cách ngắn gọn về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp sáng tạo lý luận của C.Mác, về học thuyết Mác và vận mệnh lịch sử của nó, bản chất cách mạng và tính khoa học của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng, tác giả đã tập trung luận giải: 1. Phép biện chứng duy vật với tư cách một khoa học, linh hồn sống của triết học Mác; 2. Quan niệm duy vật về lịch sử với tư cách phát kiến vĩ đại của tư tưởng khoa học mà nội dung cốt lõi của nó là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; 3. Học thuyết Mác về con người và giải phóng con người, giải phóng nhân loại với tư cách mục đích cuối cùng, tối cao của triết học Mác. Phần cuối cùng của bài viết, tác giả nói về ý nghĩa thời đại, sức sống trường tồn của triết học Mác và vai trò kim chỉ nam, giá trị định hướng của nó đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Ngày 5 tháng 5 năm 1818 đã, đang và mãi đi vào lịch sử nhân loại với tư cách ngày ra đời một vĩ nhân, nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, người sáng lập học thuyết khoa học và cách mạng nhất trong mọi thời đại - Các Henrích Mác.

Với những cống hiến lý luận mang ý nghĩa và giá trị vạch thời đại, với tư cách một nhà cách mạng kiên định, một lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản - giai cấp công nhân toàn thế giới, C.Mác đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những vĩ nhân nổi trội nhất trong hàng ngũ những vĩ nhân ở mọi thời đại. Gắn liền với tên tuổi của C.Mác và mang tên C.Mác là một thế giới quan tiên tiến nhất, thật sự cách mạng, thật sự khoa học - thế giới quan duy vật biện chứng, thế giới quan có khả năng đem lại cho nhân loại tiến bộ và giai cấp công nhân cách mạng toàn thế giới một “công cụ nhận thức vĩ đại” để “cải tạo thế giới” trong thời đại ngày nay.

Gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của C.Mác là chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành một khoa học, một học thuyết luận chứng một cách toàn diện và sâu sắc về phương diện lý luận cho công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới mà sứ mệnh lịch sử của nó thuộc về giai cấp công nhân cách mạng.

Không chỉ thế, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của C.Mác là sự ra đời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là phong trào tự phát của giai cấp công nhân trở thành một cuộc đấu tranh tự giác nhằm cải tạo xã hội bằng cách mạng, theo những nguyên lý nền tảng của một học thuyết thật sự khoa học, dưới sự lãnh đạo của các chính đảng cách mạng của nó.

Trong toàn bộ lịch sử tư tưởng cải biến xã hội suốt nhiều thế kỷ, không một tư tưởng nào, học thuyết nào có thể sánh kịp tư tưởng, học thuyết của C.Mác về phương diện khoa học và cách mạng. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức về mặt xã hội và tạo ra những điều kiện, tiền đề cho một cuộc sống thật sự mang tính người – cuộc sống với chữ Người viết hoa, cho hạnh phúc, cho sự phát triển tự do và toàn diện mọi năng khiếu thể chất và tinh thần của mỗi người.

Học thuyết khoa học và cách mạng của C.Mác đã được hình thành và phát triển trong bối cảnh hiện thực của châu Âu giữa thế kỷ XIX. Song, sự hình thành và phát triển của học thuyết đó không phải là tách rời những trào lưu trước đó của tư tưởng xã hội, không phải ở bên ngoài con đường phát triển của nền văn minh nhân loại. Nó là sự kế thừa hợp pháp của tất cả những gì ưu tú nhất mà nhân loại đã sáng tạo ra trong lĩnh vực nhận thức tự nhiên và đời sống xã hội. Nó đã dựa trên tất cả những thành tựu của tư tưởng xã hội, đặc biệt là trên những thành tựu của triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp

Tất cả những gì hợp lý trong các trào lưu tiên tiến của tư tưởng xã hội đều được C.Mác tiếp thu, kế thừa một cách có phê phán và kiểm nghiệm chúng qua phong trào vô sản, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của bản thân mình và xây dựng lại một cách sáng tạo theo lập trường của giai cấp vô sản cách mạng. Đánh giá một cách rõ ràng và sâu sắc ý nghĩa và giá trị trong những phát kiến khoa học của C.Mác đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ, V.I.Lênin đã quả quyết khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa” (1) .

Việc vạch trần những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản đã đưa C.Mác đến kết luận khoa học rằng, sự diệt vong của xã hội tư sản và sự ra đời của chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa đều là tất yếu như nhau. Và, trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc quá trình phát triển của các quan hệ xã hội, C.Mác đã đi đến nhận thức đúng đắn về vai trò lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới với tư cách lực lượng có khả năng cải tạo tận gốc các quan hệ xã hội, thủ tiêu tình trạng người bóc lột người và xây dựng chế độ xã hội mới, tự giải phóng mình và qua đó, giải phóng nhân loại.

Không chỉ khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, bằng sự phân tích khoa học sâu sắc, C.Mác đã chứng minh rằng, chủ nghĩa cộng sản không phải là điều mong ước của những người mơ mộng, mà là một sự vận động lịch sử hiện thực nhằm xóa bỏ thể chế xã hội hiện tồn. “Đối với chúng ta, - C.Mác nhấn mạnh, - chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay”(2).
 
Không ai khác ngoài C.Mác đã phát hiện ra quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại đương đại. Và, cũng chính C.Mác đã luận giải một cách sâu sắc và chứng minh một cách có luận cứ cho khả năng trở thành hiện thực của quy luật tiến hóa đó trong một học thuyết cách mạng triệt để và khoa học thật sự mang tên ông, trên cơ sở của thế giới quan duy vật biện chứng. Đúng như Ph.Ăngghen, khi khẳng định phát kiến lớn lao này của C.Mác, đã viết: “Trên hành tinh của chúng ta, Sáclơ Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ. Mác đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người” (3) .

C.Mác, như Ph.Ăngghen đã khẳng định, “là một trong những người lỗi lạc hiếm có trong suốt cả một thế kỷ”. Nhìn lại sự nghiệp sáng tạo lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của C.Mác, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, ông không chỉ là nhà bác học anh minh, nhà tư tưởng thiên tài, mà còn là một nhà cách mạng triệt để, đầy nhiệt huyết. Những phẩm chất cao quý đó thống nhất làm một trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo lý luận của C.Mác. Cống hiến lý luận và sức sống tư tưởng của C.Mác cũng chính là cống hiến và sức sống của sự nghiệp cách mạng - “sự nghiệp chân chính” mà ông suốt đời theo đuổi.

C.Mác, như Ph.Ăngghen nhận xét, còn là “con người của khoa học”. Với C.Mác, khoa học là “một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng” và do vậy, ông đã ra sức vận dụng những kiến thức mà nhân loại tích lũy được vào tất cả các lĩnh vực mà ông am hiểu, “đặc biệt là trong lịch sử”, với một khát vọng lớn lao là đem khoa học phục vụ những người bị áp bức và biến khoa học đó thành một vũ khí trong tay bản thân quần chúng nhân dân lao động.

Toàn bộ sự nghiệp sáng tạo lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng với tư cách nhà bác học anh minh, nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại đã đem lại cho C.Mác vinh quang tột đỉnh của một vĩ nhân nổi trội nhất trong mọi thời đại và trở thành một mẫu mực về tính khoa học và tình cảm cách mạng hết sức cao đẹp của một con người luôn lấy đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân loại tiến bộ làm lẽ sống, lý tưởng và sứ mệnh của cả cuộc đời.

Với tư cách nhà tư tưởng của giai cấp vô sản cách mạng toàn thế giới, trong suốt cuộc đời tìm tòi và sáng tạo lý luận cho giai cấp mà chính C.Mác đã trở thành lãnh tụ, C.Mác không chỉ kế thừa và tiếp thu, mà còn phát triển sáng tạo tất cả những gì tiến bộ, hợp lý trong các trào lưu tư tưởng xã hội tiên tiến của nhân loại, đồng thời luôn kiểm nghiệm chúng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới và của chính bản thân mình. Và, chính việc luôn tuân thủ một cách nghiêm ngặt sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn này đã đem lại cho C.Mác vinh quang của một người sáng lập học thuyết vừa mang tính khoa học, vừa mang bản chất cách mạng, có khả năng làm thay đổi đời sống hiện thực của cả nhân loại trong thời đại ngày nay. Cũng chính vì vậy mà học thuyết Mác không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn mang ý nghĩa vạch thời đại, trở thành kim chỉ nam, thành vũ khí lý luận sắc bén trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và giải phóng nhân loại của giai cấp vô sản toàn thế giới, thành cương lĩnh, nguyên tắc hành động của các Đảng Cộng sản và Công nhân trên toàn thế giới. Nói về cống hiến vĩ đại này của C.Mác, V.I.Lênin đã khẳng định: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra… Học thuyết C.Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”(4). Và, khi nói về giá trị, tính khoa học và bản chất cách mạng của học thuyết Mác, V.I.Lênin đã khẳng định rằng, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ, lý luận đó “về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng”. Sự phê phán đó là “sự phê phán duy vật chủ nghĩa”, sự phê phán duy nhất mà C.Mác coi là “có tính chất khoa học” và do vậy, nó mang lại cho học thuyết Mác, về bản chất, là cách mạng. Tính khoa học và tính cách mạng - đó là những cái “hoàn toàn và tuyệt đối vốn có của chủ nghĩa Mác”. Rằng, “sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít"(5).

Như vậy, theo V.I.Lênin, cái hạt nhân làm nên tính khoa học và bản chất cách mạng của học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác chính là thế giới quan duy vật biện chứng của C.Mác - cái thế giới quan mà với nó, ông đã cùng với Ph.Ăngghen xây dựng nên học thuyết triết học mới, trong đó chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng thống nhất với nhau một cách hữu cơ thành một hệ thống chỉnh thể - chủ nghĩa duy vật biện chứng, một hình thức mới, một giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa duy vật triết học.

Khi xây dựng hệ thống triết học của mình với tư cách "linh hồn sống" của một học thuyết cách mạng triệt để và khoa học thật sự, C.Mác không chỉ kế thừa một cách có chọn lọc và phê phán những thành tựu của tư duy nhân loại, những thành quả sáng tạo lý luận của các nhà triết học trong lịch sử triết học nhân loại, trực tiếp nhất là phép biện chứng của Hêghen và chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc, mà còn khái quát hóa những thành tựu mới nhất của khoa học đương thời, cũng như thực tiễn lịch sử nhân loại mà trước hết, là thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản toàn thế giới. Do vậy, có thể nói, sự ra đời của triết học Mác là một tất yếu lịch sử không những vì nó là sự phản ánh khách quan thực tiễn xã hội, mà còn là sự phát triển hợp lôgíc của lịch sử tư tưởng nhân loại, đúng như V.I.Lênin đã khẳng định, "lịch sử triết học và lịch sử khoa học xã hội" đã chứng tỏ một cách hết sức rõ ràng rằng, chủ nghĩa Mác nói chung, triết học của ông nói riêng "không có gì giống "chủ nghĩa bè phái" hiểu theo nghĩa một học thuyết đóng kín và cứng nhắc, nảy sinh ở ngoài con đường phát triển vĩ đại của văn minh thế giới"(6).

Triết học Mác ra đời đã khắc phục được sự tách rời thế giới quan duy vật và phép biện chứng. Song, nó không phải là sự "lắp ghép" đơn thuần phép biện chứng với đỉnh cao là phép biện chứng của Hêghen và chủ nghĩa duy vật với đỉnh cao là chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc. Để xây dựng triết học duy vật biện chứng, C.Mác đã phải tiến hành phê phán và cải tạo triệt để phép biện chứng duy tâm của Hêghen và chủ nghĩa duy vật siêu hình của Phoiơbắc, tạo ra một phương pháp tư duy biện chứng "không những khác phương pháp của Hêghen về cơ bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy"(7) và giải thoát chủ nghĩa duy vật khỏi tính hạn chế siêu hình vốn có, tính hạn chế "đặc thù" của nó, làm cho nó trở nên "hoàn bị" và được mở rộng "từ chỗ nhận thức giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xã hội loài người", sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử với tư cách "thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học"(8).

Trên cơ sở giải quyết một cách đúng đắn, thực sự khoa học "vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại" - vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa vật chất và ý thức, C.Mác đã không chỉ xây dựng nên một hệ thống triết học mới, trong đó chủ nghĩa duy vật biện chứng thống nhất với phép biện chứng duy vật thành một chỉnh thể, mà còn đưa ra tuyên ngôn của một nền triết học hành động, triết học thực tiễn, khi khẳng định hoạt động của con người là "hoạt động khách quan", hoạt động thực tiễn và "vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn" và "chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình"(9). Rằng, triết học phải lấy sinh khí của mình và tự tạo ra sinh khí đó từ thực tiễn và do vậy vai trò xã hội của nó, vị trí không thể thay thế của nó trong hệ thống tri thức khoa học, cũng như sứ mệnh lịch sử lớn lao của nó trong đời sống nhân loại không phải là ở chỗ "giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, mà là ở chỗ "cải tạo thế giới" bằng cách mạng"(10).
 
Ở Hêghen, “phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất", C.Mác đã "dựng nó lại" và bằng cách này, ông đã "phát hiện được cái hạt nhân hợp lý của nó ở đằng sau lớp vỏ thần bí". Và, "dưới dạng hợp lý của nó", phép biện chứng của C.Mác đã "đem lại sự giận dữ và kinh hoàng cho giai cấp tư sản và bọn tư tưởng gia giáo điều của chúng", bởi "trong quan niệm tích cực về cái hiện đang tồn tại", phép biện chứng ấy cũng đồng thời "bao hàm cả quan niệm về sự phủ định cái hiện đang tồn tại đó, về sự diệt vong tất yếu của nó"; bởi "mỗi hình thái đã hình thành" đều được nó xem xét "trong sự vận động, tức là xét cả mặt nhất thời của hình thái đó"; và bởi, với phép biện chứng ấy, không một cái gì khiến nó phải "khuất phục" và, "về thực chất", nó mang "tính chất phê phán và cách mạng"(11).

Trên cơ sở khái quát những thành quả mới nhất của khoa học đương thời và xác định đúng đắn những quy luật vận động và phát triển chung nhất của thế giới, đồng thời phân định rõ và tìm ra sự thống nhất về cơ bản giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan, C.Mác không chỉ cải tạo triệt để phép biện chứng duy tâm khách quan mà đỉnh cao là ở Hêghen, mà còn khắc phục được những hạn chế vốn có của phép biện chứng tự phát thời cổ đại mà Hêraclít là người sáng lập, làm cho phép biện chứng duy vật trở thành một khoa học. Khoa học đó, như Ph.Ăngghen đã khẳng định, là "khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy"(12).

Khoa học triết học này không chỉ là thế giới quan khoa học của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trong thời đại ngày nay, mà còn trở thành một sự cần thiết tuyệt đối, thành "hình thức tư duy quan trọng nhất", cao nhất, thích hợp nhất đối với sự phát triển của khoa học hiện đại. Nó đem lại cho các khoa học hiện đại những chức năng có ý nghĩa phương pháp luận trong việc xem xét, lý giải bản thân sự phát triển của mình. Không chỉ thế, với bản chất cách mạng và khoa học, nó còn đem lại một cơ sở đúng đắn cho việc luận chứng và giải thích những hiện tượng của đời sống xã hội, nhất là cho việc "cải tạo thế giới" hiện thực. Nó cũng đem lại cho chúng ta không chỉ quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển trong nhận thức, trong hoạt động thực tiễn, mà cả quan điểm lịch sử - cụ thể khi xem xét, giải quyết mọi vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Vận dụng triết học duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật vào việc xem xét xã hội, nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển xã hội loài người, C.Mác không chỉ làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên hoàn bị, triệt để, mà còn hơn thế nữa, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử với tư cách "một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới". Khi khẳng định "chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học", V.I.Lênin đã coi đó là "một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ". Lý luận này đã thay thế cho "sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước tới nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị", đồng thời chỉ cho chúng ta thấy rằng, "do chỗ lực lượng sản xuất lớn lên, thì từ một hình thức tổ chức đời sống xã hội này, nảy ra và phát triển lên như thế nào một hình thức tổ chức đời sống xã hội khác, cao hơn"(13).


Với việc phát hiện ra quan niệm duy vật về lịch sử, C.Mác không chỉ loại bỏ được khiếm khuyết căn bản của những lý luận lịch sử trước đó và "lần đầu tiên” giúp chúng ta “nghiên cứu một cách chính xác như khoa lịch sử tự nhiên, những điều kiện xã hội của đời sống quần chúng và những biến đổi của những điều kiện ấy", mà còn "mở đường cho việc nghiên cứu rộng rãi và toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế xã hội"(14). Và, khi nghiên cứu một xã hội cụ thể - xã hội tư bản với quan niệm này, C.Mác đã khám phá ra các quy luật của sự phát triển xã hội, xây dựng nên học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội và quan niệm về sự phát triển xã hội với tư cách một quá trình lịch sử - tự nhiên. Đúng như V.I.Lênin đã chỉ rõ, khi nghiên xã hội tư bản với tư cách một chỉnh thể xã hội, C.Mác đã "làm nổi bật riêng lĩnh vực kinh tế" và trong tất cả mọi quan hệ xã hội, "làm nổi bật riêng những quan hệ sản xuất, coi đó là những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định tất cả mọi quan hệ khác"; đồng thời, "đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất". Bằng cách đó, V.I.Lênin khẳng định, C.Mác đã "có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên"(15).

Trong toàn bộ lịch sử tư tưởng xã hội, V.I.Lênin nhấn mạnh, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác là một "quan niệm khoa học duy nhất về lịch sử", "một nguyên lý đã được chứng minh một cách khoa học" và do vậy, tư tưởng coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên của ông, "tự bản thân nó, cũng đã là một tư tưởng thiên tài rồi"(16).

"Triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật". Khi xây dựng hệ thống triết học của mình, C.Mác không chỉ làm cho phép biện chứng duy vật trở thành một khoa học và sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử mà còn tạo ra bước ngoặt cách mạng trong quan niệm về con người và giải phóng con người.

Coi tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người - đó là con người phải có khả năng sống rồi mới có thể "làm ra lịch sử", C.Mác cho rằng, hành vi lịch sử đầu tiên của con người là "sản xuất ra bản thân đời sống vật chất". Với quan niệm này, khi phê phán quan điểm duy tâm tư biện của Hêghen về con người, C.Mác đã đưa ra quan niệm coi con người là một thực thể sinh học - xã hội hiện thực và khẳng định "con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới", mà "con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội"(17).

Với việc đặt ra theo một cách mới nhiệm vụ nhận thức đời sống xã hội hiện thực của con người, C.Mác đã triệt để phê phán quan điểm của Phoiơbắc về con người. Và, khi phê phán Phoiơbắc đã "hòa tan thế giới tôn giáo vào cơ sở trần tục của nó", "hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người", C.Mác đã khẳng định: "Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội"(18).

Với luận điểm coi "giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người", C.Mác đã khẳng định rằng, "con người là một bộ phận của giới tự nhiên"(19). Song, hoạt động sinh sống của con người, theo C.Mác, là "hoạt động sinh sống có ý thức" và do vậy, bằng hoạt động lao động của mình, con người đã làm biến đổi bản chất tự nhiên và tạo ra bản chất xã hội của chính mình. Rằng, con người không chỉ sống trong môi trường tự nhiên, mà còn sống trong môi trường xã hội, nên tự nhiên và xã hội trong mỗi con người gắn bó khăng khít với nhau; yếu tố sinh học trong mỗi con người không phải tồn tại bên cạnh yếu tố xã hội, mà chúng hòa quyện vào nhau và tồn tại trong yếu tố xã hội; do vậy, bản tính tự nhiên được chuyển vào bản tính xã hội và được cải biến ở trong đó. Và, chỉ có trong xã hội, con người mới thể hiện bản chất tự nhiên và xã hội của mình; do vậy, tự nhiên và xã hội thống nhất với nhau trong bản chất con người, làm cho con người trở thành một chỉnh thể tồn tại với cả hai mặt tự nhiên và xã hội, hình thành nên mối quan hệ khăng khít: Con người - tự nhiên - xã hội.

Đặng Hữu Toàn, Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó tổng biên tập Tạp chí Triết học
Tạp chí Triết học
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top