Trang Dimple

New member
Xu
38
CÁC LỚP TỪ VỰNG
1. Từ vựng toàn dân và từ vựng hạn chế về mặt xã hội và lãnh thổ

Căn cứ vào phạm vi sử dụng, có thể chia từ vựng của một dân tộc ra làm hai loại: từ toàn dân, từ hạn chế về mặt xã hội - lãnh thổ: từ địa phương, tiếng lóng, từ nghề nghiệp, thuật ngữ khoa học kĩ thuật.

1.1 Từ toàn dân là những từ được toàn dân hiểu và sử dụng, không phân biệt địa phương hay tầng lớp xã hội. Ðó là những từ quan trọng nhất của mỗi ngôn ngữ.

- Về nội dung: đó là những từ biểu thị những khái niệm cần thiết nhất trong đời sống dân tộc như: mây, mưa, sấm, chớp... đầu, mình, tay, chân... đi, đứng, chạy, nhảy... vui, buồn, sướng, khổ...

- Về mặt nguồn gốc: đại đa số là những từ vốn có của dân tộc hoặc vay mượn từ các ngôn ngữ khác từ rất lâu đời.

- Về chức năng đối với hệ thống ngôn ngữ: Từ toàn dân là cơ sở để cấu tạo từ mới, làm giàu cho vốn từ dân tộc đồng thời cũng là từ ngữ của văn học, khoa học, hành chính công vụ.

1.2 Từ địa phương là những từ được dân cư của một hay vài vùng nào đó sử dụng. Ðó là một nhánh phụ của ngôn ngữ toàn dân.

- Về nội dung: chúng là tên gọi những đặc sản, đặc điểm sinh hoạt văn hoá, xã hội của một địa phương, đôi khi chúng phản ánh cách nhận thức riêng biệt về sự vật, hiện tượng của địa phương.

- Về mặt hình thức ngữ âm: chúng phản ánh lối phát âm đặc thù của từng địa phương. Nhìn chung, toàn dân vẫn hiểu được những biến thể phát âm này. Tuy nhiên, đôi khi cũng xảy ra trường hợp người địa phương này nói, người địa phương khác không hiểu được (người Hán ở vùng Sơn Ðông và Quảng Tây).

- Về mặt chức năng: Ít khi được sử dụng vào sách báo, các sinh hoạt văn hoá, hành chính, khoa học. Trong văn học, có thể được sử dụng khi muốn nêu bật sắc thái địa phương về mặt ngôn ngữ của nhân vật. Qua quá trình thử thách, từ địa phương có thể được bổ sung vào vốn từ toàn dân. Có thể nói nó là một bộ phận của ngôn ngữ dân tộc thống nhất có tác dụng làm giàu cho ngôn ngữ toàn dân. Thí dụ: mình ên, bao cà ròn, đường thốt nốt là từ ngữ Nam Bộ, ló (lúa), choa (tôi), tra (già) là từ địa phương bắc Trung Bộ

1.3 Tiếng lóng là những từ được một tập thể xã hội nhất định sử dụng nhằm mục đích không cho người ngoài tập thể biết nội dung các câu nói hoặc chỉ cốt để biểu hiện một phong cách nói năng riêng của tập thể.

- Về nội dung: thường là những tên gọi tồn tại song song bên cạnh những tên gọi đã có trong ngôn ngữ toàn dân. Chúng có nội dung phong phú, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau liên quan đến cuộc sống của tập thể.

- Về vai trò đối với ngôn ngữ dân tộc: Tiếng lóng chiếm số lượng không nhiều. Nó không được xếp vào ngôn ngữ văn hoá, phạm vi sử dụng của chúng thường hạn chế trong những tập thể nhỏ hẹp và chỉ được sử dụng chủ yếu trong khẩu ngữ. Các phong cách khoa học, hành chính, công vụ không sử dụng chúng. Trong văn học, đôi khi tiếng lóng được sử dụng nhằm mục đích khắc họa đặc trưng tập thể trong tính cách của nhân vật. Thí dụ: cớm (cảnh sát), mòng (kẻ giàu dễ cướp), bỉ (con gái), vỏ (ăn cắp)... trong tiếng Việt; needle (châm chọc, kích động), hip (hợp thời trang, biết rõ)... trong tiếng Anh. Tiếng lóng là một dòng nhỏ của vốn từ toàn dân, sau thời gian được thử thách, sàng lọc, những yếu tố được đánh giá là tích cực có thể được bổ sung vào ngôn ngữ toàn dân.

1.4 Từ nghề nghiệp là những từ được sử dụng trong phạm vi một nghề nghiệp nhất định.

- Về nội dung: Chúng thường biểu thị các công cụ, sản phẩm hay quy trình sản xuất của một nghề. Vì vậy mỗi nghề khác nhau có lớp từ nghề nghiệp khác nhau.

- Về vai trò: Khác với tiếng lóng, từ nghề nghiệp không phải là tên gọi thêm chồng lên tên gọi đã có, nó phản ánh những khái niệm không có từ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân, vì vậy nó dễ dàng được hoà nhập vào ngôn ngữ toàn dân khi những khái niệm của các nghề ấy được phổ biến rộng rãi trong xã hội.

- Về mặt sử dụng: thường được dùng trong khẩu ngữ của những người cùng nghề nghiệp. Tuy nhiên cũng có thể sử dụng nó trong các phong cách báo chí, chính luận hay văn học nghệ thuật khi muốn miêu tả đặc trưng nghề nghiệp trong tính cách nhân vật.

1.5 Thuật ngữ khoa học - kĩ thuật là tên gọi của những khái niệm về những đối tượng thuộc các lĩnh vực khoa học chuyên môn nhất định, là những từ ngữ được sử dụng trong phạm vi một chuyên ngành khoa học kĩ thuật nhất định.

- Về nội dung: nó phải hàm chứa một khái niệm chính xác, đầy đủ, tương ứng với hiểu biết của nhân loại về đối tượng nhận thức.

- Về tính chất: vì là tên gọi của các khái niệm khoa học nên nó mang tính chính xác, hệ thống và có tính quốc tế. Tính chính xác đòi hỏi thuật ngữ phải có một nghĩa xác định, không thể là từ nhiều nghĩa, không thể mang tính biểu cảm. Tính chính xác có quan hệ với tính hệ thống. Mỗi ngành khoa học có một hệ thống thuật ngữ khác nhau. Trong mỗi hệ thống ấy các thuật ngữ có liên quan chặt chẽ với nhau và giá trị của chúng được xác định bởi mối quan hệ giữa chúng với các thuật ngữ còn lại trong hệ thống. Thoát khỏi hệ thống, nội dung và giá trị của thuật ngữ không còn (Từ Operation trong y học có nghĩa là ca mổ, trong quân sự là chiến dịch). Tính quốc tế thể hiện ở chỗ thuật ngữ thường có hình thức chung được dùng trên phạm vi toàn thế giới hoặc trong phạm vi những khu vực văn hóa rộng lớn của thế giới. Thí dụ: nhiều từ ngữ gốc La Tinh đã được dùng trên phạm vi toàn thế giới (oxy, hydro, acid, gien...) . Số khác được dùng phổ biến ở từng khu vưc rộng lớn: tiếng Ả Rập giữ vai trò quan trọng trong việc tạo thuật ngữ ở những ngôn ngữ của các dân tộc thuộc khối văn hoá Ả Rập; tiếng Hán có vai trò lớn trong việc tạo các thuật ngữ khoa học cho các ngôn ngữ Ðông Á và Ðông nam Á. Tuy vậy tính quốc tế không tách rời tính dân tộc. Bên cạnh tính quốc tế, thuật ngữ còn mang tính dân tộc. Tính quốc tế và tính dân tộc kết hợp một cách hài hòa, hợp lí. Tính dân tộc chủ yếu thể hiện ở mặt hình thức ngữ âm. Khảo sát thí dụ trên ta có thể thấy rõ điều đó.

- Về vai trò: Ranh giới giữa thuật ngữ và từ toàn dân không luôn rạch ròi và bất biến. Nhiều từ toàn dân đã được các ngành khoa học kĩ thuật gán cho một giá trị riêng và sử dụng như một thuật ngữ và nhiều thuật ngữ có thể trở thành từ toàn dân, bổ sung vào vốn từ toàn dân khi khoa học phát triển và thuật ngữ ấy trở nên quen thuộc trong toàn dân. Thuật ngữ cũng là một lớp từ quan trọng của ngôn ngữ toàn dân.

2. Từ vựng tích cực và từ vựng tiêu cực.



Tất cả các từ đều cần thiết và có khả năng tham gia vào hoạt động giao tiếp, tuy nhiên phải thừa nhận rằng tần số sử dụng của các từ không ngang nhau trong hoạt động giao tiếp. Căn cứ vào tần số sử dụng có thể chia vốn từ của một ngôn ngữ ra làm hai loại: từ vựng tích cực, từ vựng tiêu cực.

2.1 Từ vựng tích cực. Từ vựng tích cực gồm những từ được sử dụng với tần số cao, rất quen thuộc với toàn dân. Cần phân biệt từ vựng tích cực của toàn dân và từ vựng tích cực của cá nhân. Từ vựng tích cực của toàn dân là những từ thông dụng cho mọi người bản ngữ như: đi, đứng, chạy, nhảy, đầu, mình, mắt, mũi, to, nhỏ, xanh, vàng... Từ vựng tích cực của cá nhân gồm những từ chỉ thông dụng ở một nhóm người nhất định. Những từ như: bài giảng, lên lớp, hội trường, thi, kiểm tra... thuộc từ vựng tích cực của những người trong ngành giáo dục. Vốn từ của một người bình thường khoảng 4.000 đến 6.000 từ. Trong số đó chỉ khoảng 2.000 từ được sử dụng thường xuyên. Từ vựng tích cực của một ngôn ngữ thường được tập hợp trong các từ điển tần số và từ điển thông dụng.

Vốn từ tích cực gồm hai nhóm khác nhau về mức độ bền vững.

- Nhóm 1: Gồm những từ rất bền vững, hầu như không thay đổi trong trường kì lịch sử. Ðó là những từ cơ bản chỉ bộ phận thân thể, chỉ số đếm, chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình, xã hội, chỉ các hiện tượng thiên nhiên, chỉ trạng thái, tính chất, hành động gắn liền với sinh hoạt hàng ngày.

- Nhóm 2: Gồm những từ chỉ có tần số sử dụng cao trong một thời đoạn lịch sử nhất định. Chúng không có tính bền vững cao, thường không còn được sử dụng nhiều khi lịch sử bước sang một thời kì khác. Những từ như tố khổ, ba cùng, ba mũi giáp công, vùng da báo, cán gáo... là những từ như thế.

2.2 Từ vựng tiêu cực là những từ ít hay rất ít được sử dụng trong cuộc sống đương đại. Thuộc nhóm từ tiêu cực có hai loại khác nhau: những từ cũ, ít hoặc rất ít được dùng trong cuộc sống đương đại và những từ mới, chưa được sử dụng rộng rãi. Trong những từ cũ lại có thể phân biệt hai loại nhỏ:

- Từ cổ là những từ chỉ còn được dùng một cách rất hạn chế do sự xuất hiện của một từ mới đồng nghĩa với nó và được dùng phổ biến hơn. Thí dụ:

chuong10.gif


- Từ lịch sử là những từ ít được dùng do sự biến mất của đối tượng được gọi tên hay của các quy định xã hội. Thí dụ: trạng nguyên, bảng nhãn, thượng thư, bộ lại, trát, sức, bẩm...

Ðiều đáng chú ý là ranh giới giữa từ tích cực và từ tiêu cực luôn biến động. Từ tích cực có thể trở thành từ tiêu cực khi lịch sử, xã hội thay đổi và ngược lại từ tiêu cực (đặc biệt những từ mới, chưa được sử dụng rộng rãi) có thể trở thành từ tích cực khi đối tượng được gọi tên trở nên phổ biến trong xã hội.

3. Từ bản ngữ và từ ngoại lai

3.1 Quan niệm: Căn cứ vào nguồn gốc, vốn từ của một ngôn ngữ được chia thành hai loại: từ bản ngữ và từ ngoại lai. Thông thường, từ bản ngữ được hiểu là những từ đã có từ lâu đời và được cấu tạo trên cơ sở các yếu tố ngữ âm, ý nghĩa vốn có của của ngôn ngữ dân tộc. Còn từ ngoại lai là những từ có nguồn gốc từ nước ngoài, được một dân tộc nào đó vay mượn theo một cách thức nhất định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, việc phân biệt bản ngữ hay ngoại lai đối với một từ không phải là việc dễ dàng, bởi vì ngôn ngữ phát triển liên tục và các từ được vay mượn thường được cải biến lại cho phù hợp với ngôn ngữ dân tộc. Qua thời gian sử dụng lâu dài, nhiều khi những dấu hiệu vay mượn mờ dần hoặc biến mất khiến ta khó có thể xác định được nguồn gốc của nó. Trong tiếng Việt, bên cạnh những từ thuần Việt, rất nhiều từ đã được vay mượn lâu đời từ tiếng Mường, Thái, Tày, Nùng, Khmer hoặc Hán cổ... Thật khó có thể xác định chính xác nguồn gốc của những tiếng đã vay mượn ấy. Kết quả là chúng được coi là những từ thuần Việt dù thực chất là các từ vay mượn trong lịch sử xa xăm.

Quanh hiện tượng này có hai hướng giải quyết: một, dựa vào lịch sử hình thành và phát triển của ngôn ngữ; hai, dựa vào sự quan sát đồng đại. Việc xác định thời gian hình thành và các giai đoạn phát triển của một ngôn ngữ không dễ dàng. Do đó, từ ngoại lai và từ bản ngữ được xác định chủ yếu về mặt đồng đại.

3.2 Phân loại:

a. Từ ngoại lai đồng đại là những từ có hình thức không nhập vào cấu trúc đương thời của ngôn ngữ, những đặc trưng ngôn ngữ nguồn vẫn còn được giữ lại khiến chúng có những dấu hiệu khác với các yếu tố của hệ thống đang xét.

Thí dụ:, noãn sào, chiến địa, thao trường... các bon, cát xét, xi nê... (trong tiếng Việt), Résume, briquette, curriculum vitae...(trong tiếng Anh), le tuong, le nuocmam... (trong tiếng Pháp) là những từ có dấu hiệu khác biệt.

b. Từ bản ngữ đồng đại là những từ có cấu trúc ngữ âm hay mặt hình thái giống hoàn toàn với cấu trúc của đa số các từ trong hệ thống ngôn ngữ dân tộc mặc dù về phương diện lịch đại có thể là những từ ngoại lai. Thí dụ: Ông, bà, tài, trí, đầu, tim, gan, xăng, lốp, bắc (phà), xà phòng, bánh quy...

3.3 Các con đường và cách thức vay mượn:

- Vay mượn bằng con đường trực tiếp: Phần lớn các từ ngoại lai đều được vay mượn bằng con đường trực tiếp do sự tiếp xúc lâu dài và thường xuyên giữa các ngôn ngữ qua khẩu ngữ hoặc sách báo. Thí dụ: Tiếng Việt vay mượn nhiều từ của tiếng Hán qua tiếp xúc trực tiếp suốt quá trình lịch sử lâu dài, các từ căng tin, cát xét, ăng ten, tivi, tủ lạnh... của tiếng Anh, tiếng Pháp, các từ kiốt, xôviết... của tiếng Nga. Tiếng Anh vay mượn các từ sou, soirée, resumé, franc, servant của tiếng Pháp, các từ kios, samovar... của tiếng Nga, các từ sky, root, fellow, happy, weak... của tiếng Skanđinavơ, các từ wine, peer, butter, spade... của tiếng La Tinh.

- Vay mượn bằng con đường gián tiếp: Vay mượn một từ nào đó thông qua một ngôn ngữ khác. Trong tiếng Việt, rất nhiều từ có nguồn gốc phương Tây được vay mượn qua tiếng Trung Quốc: Nã Phá Luân, Gia Nã Ðại, Pháp, Ý, Câu lạc bộ... Từ co(gam trong tiếng Nga là mượn của tiếng Ðức, mà tiếng Ðức lại mượn của tiếng Pháp, tiếng Pháp lại mượn từ tiếng Ý: soldato.

- Vay mượn cả âm lẫn nghĩa: Ðể có thể hoạt động được, những từ ngoại lai thường phải đồng hóa vào môi trường ngôn ngữ mới về mặt ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Cho nên các từ vay mượn cả âm lẫn nghĩa vẫn không có nghĩa là vay mượn hoàn toàn giống hệt như trong ngôn ngữ gốc. Nó có thể bị đồng hóa về ngữ âm, về hình thái hoặc/và về ý nghĩa.

- Bị đồng hóa về ngữ âm. Tiếng Việt mượn từ savon [sav ] của tiếng Pháp dưới hai dạng xà bông và xà phòng.

- Bị đồng hoá về mặt hình thái học. Tiếng Nga vay mượn của tiếng Tácta từ aH (bún), KapmaH (túi) phải biến chúng thành giống cái (từ trước) và giống đực (từ sau) mặc dù danh từ trong tiếng Tácta không có giống.

- Bị đồng hoá về mặt ý nghĩa. Từ cake trong tiếng Anh có nhiều nghĩa, tiếng Nga chỉ vay mượn và sử dụng một nghĩa (bánh ngọt có nho khô). Từ nhất trong tiếng Hán có 12 nghĩa, tiếng Việt chỉ mượn dùng ba nghĩa (cùng, thứ nhất, thống nhất).

- Vay mượn theo cách mô phỏng: Là cách vay mượn chỉ xảy ra hoàn toàn ở mặt nghĩa. Người ta vay mượn bằng cách dịch nghĩa của các yếu tố được vay mượn.

chuong12.gif


Cũng được coi là thuộc cách này các trường hợp vay mượn cách chuyển nghĩa. Thí dụ: Tiếng Việt dùng từ ngôi sao, vua, để chỉ người xuất sắc trong thể thao, nghệ thuật (vay mượn từ cách chuyển nghĩa của tiếng Anh: star, king).

Tóm lại, vay mượn là một cách thức làm giàu ngôn ngữ dân tộc phổ biến và tất yếu trên thế giới. Không có ngôn ngữ nào thuần khiết hoàn toàn, kể cả những ngôn ngữ được coi là cổ xưa nhất (như tiếng Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc...). Trong quá trình phát triển của văn hóa, văn minh, có giao thoa ắt có vay mượn.

4. Vấn đề hệ thống hoá từ vựng trong các từ điển.



4.1 Từ điển học: Vốn từ của một dân tộc rất lớn, bao gồm những từ thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương khác nhau. Nhu cầu tìm hiểu từ của người nghe, của người nói, nhu cầu của người bản ngữ và của người nước ngoài đều có những nét khác nhau. Mỗi loại người ấy lại có những nhu cầu tìm hiểu từ rất phong phú đa dạng. Người nghiên cứu lại đứng trước những tư liệu khảo sát hiện đại có nhiều điểm khác với những tư liệu khảo sát lịch sử... Vì vậy, việc tìm hiểu vốn từ của một ngôn ngữ là một việc làm không đơn giản và dễ dàng. Từ điển học ra đời xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu từ phong phú, đa dạng đó.

Từ điển học là một bộ phận của ngôn ngữ học ứng dụng, chuyên nghiên cứu lí luận về từ điển và kĩ thuật biên soạn các loại từ điển khác nhau. Nó có quan hệ với từ vựng học, ngữ nghĩa học, ngữ âm học, ngữ pháp học, tu từ học...

4.2 Các loại từ điển. Tùy thuộc vào nhu cầu nghiên cứu, người ta đặt ra nhiệm vụ và phương pháp tập hợp từ khác nhau và sáng tạo những loại từ điển khác nhau.

- Từ điển khái niệm có nhiệm vụ tập hợp và giải thích các khái niệm. Giải thích các khái niệm thuộc tất cả các ngành, các lĩnh vực là việc làm của từ điển bách khoa (hay bách khoa toàn thư). Còn giải thích khái niệm thuộc một ngành khoa học kĩ thuật nào đó là việc làm của từ điển chuyên ngành. Thí dụ: Từ điển y khoa, từ điển văn học, từ điển kinh tế...

- Từ điển ngôn ngữ có nhiệm vụ tập hợp và giải thích nội dung ý nghĩa của từ và đơn vị tương đương với từ (cụm từ cố định) của một ngôn ngữ. Từ điển ngôn ngữ gồm hai loại: từ điển một thứ tiếng và từ điển đối chiếu hai, ba thứ tiếng.

Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển ngôn ngữ - Hà Nội - 1992, Từ điển tiếng Anh của A.S. Hornby, E.V. Gatenby, H.Wakejield, NXB London 1958... là những từ điển một thứ tiếng. Từ điển Anh - Việt, Từ điển Việt - Anh, Từ điển Pháp - Anh... Từ điển Anh - Pháp - Nga, Việt - Anh - Pháp... là những từ điển hai ba thứ tiếng. Do các nghĩa, các nét nghĩa giữa các từ của các ngôn ngữ không có sự trùng khít hoàn toàn, do có hiện tượng đồng nghĩa, nhiều nghĩa, nên người làm từ điển nhiều thứ tiếng khó có thể vừa liệt kê đầy đủ các nghĩa, vừa phân biệt sự khác nhau về nghĩa giữa các từ và sự khác nhau về cách sử dụng chúng. Ðiều này khiến cho các từ điển loại này không thể đáp ứng hoàn toàn đầy đủ yêu cầu hiểu biết ngôn ngữ và nhu cầu sử dụng ngôn ngữ của người nghiên cứu.

- Một số loại từ điển khác

· Từ điển từ nguyên có nhiệm vụ chỉ ra xuất xứ hay nguồn gốc, căn nguyên xuất hiện một từ hay cụm từ nào đó. Làm loại từ điển này là một công việc lí thú nhưng đầy khó khăn, đòi hỏi người nghiên cứu vừa phải có kiến thức về các ngôn ngữ họ hàng, vừa phải nắm được quy luật biến đổi ngữ âm, ngữ nghĩa của các ngôn ngữ họ hàng ấy, đồng thời phải có những kiến thức nhất định về lịch sử, văn hoá của các dân tộc sử dụng các ngôn ngữ ấy.

· Từ điển đồng nghĩa và từ điển trái nghĩa có nhiệm vụ tập hợp các từ có quan hệ đồng nghĩa và trái nghĩa, đồng thời chỉ ra sự khác nhau về cách sử dụng chúng...

4.3 Trình tự tập hợp từ trong các từ điển.

Việc tập hợp các từ trong các từ điển tùy thuộc rất lớn vào chữ viết ghi lại ngôn ngữ. Với các ngôn ngữ dùng chữ viết ghi âm, người ta thường sắp xếp các từ theo trật tự chữ cái đầu của từ, đôi khi vì những nhu cầu riêng, các từ có thể được sắp xếp theo vần hoặc theo các yếu tố cấu tạo từ. Với các chữ viết ghi ý như chữ Trung Hoa, người ta sắp xếp theo số lượng nét hay theo bộ thủ hoặc theo hình dáng của bốn góc chữ (các từ điển tứ giác).

Ngoài ra, dựa vào trường nghĩa, người ta sắp xếp các từ theo phạm vị sự vật mà từ phản ánh. Từ điển kiểu này do P.M. Roget biên soạn đã được xuất bản lần đầu ở Luân Ðôn năm 1852. Ðây là loại từ điển rất cần thiết cho người học nói viết, đặc biệt là với những người có ý nhưng gặp khó khăn trong việc tìm từ để diễn đạt, nên về sau được biên soạn nhiều ở các nước có nền ngữ học phát triển.

Từ điển học và cả từ vựng học đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Gần đây, một số từ điển điện tử và máy phiên dịch điện tử đã được sản xuất. Yêu cầu cung cấp chương trình ngữ pháp, từ vựng cần thiết để các máy ấy dịch đúng đang đặt các nhà nghiên cứu trước những thử thách mới.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top