Có hai loại vùng kinh tế
Vùng kinh tế ngành
Vùng kinh tế ngành là một vùng ở đó phân bố tập trung một ngành sản xuất nhất định, ví dụ vùng nông nghiệp, vùng công nghiệp... Vùng kinh tế ngành cũng có tính chất tổng hợp của nó. Trong vùng kinh tế ngành không chỉ có các ngành sản xuất chuyên môn hoá mà có cả một cơ cấu phát triển tổng hợp của vùng ngành, trong đó các ngành sản xuất chuyên môn hoá là cốt lõi của vùng.
Sự hình thành và phát triển của vùng kinh tế ngành cũng là một quá trình phát triển khách quan dựa trên sự phân công lao động xã hội theo lãnh thổ. Lực lượng sản xuất càng phát triển, cơ cấu kinh tế càng phức tạp thì vùng kinh tế ngành sẽ chồng chéo lên nhau, đen xen lẫn nhau và đến một lúc nào đó, hầu như không tồn tại các vùng kinh tế của một ngành mà chỉ có các vùng kinh tế đa ngành phức tạp với các sản phẩm phức tạp.
Các vùng kinh tế ngành có ý nghĩa quốc gia là cơ sở hoạch định các chính sách phát triển và phân bố của các ngành, là cơ sở để kết hợp kế hoạch hoá và quản lý theo ngành và theo lãnh thổ.
Vùng kinh tế tổng hợp
Vùng kinh tế tổng hợp là một vùng kinh tế đa ngành phát triển một cách nhịp nhàng cân đối. Nó là một phần tử cơ cấu của nền kinh tế quốc gia.
Sự chuyên môn hoá của vùng kinh tế tổng hợp được quy định bởi các vùng kinh tế ngành tồn tại trong vùng kinh tế ngành tổng hợp mà sự chuyên môn hoá của chúng có ý nghĩa đối với các ngành kinh tế tổng hợp khác. Lực lượng sản xuất càng phát triển, phân công lao động xã hội càng tỉ mỉ và phân công lao động theo lãnh thổ trong ngành ngày càng sâu sắc sẽ làm cho cơ cấu kinh tế của các vùng kinh tế tổng hợp càng thêm phức tạp. Khi đó, sự chuyên môn hoá của các vùng kinh tế tổng hợp trở thành sự chuyên môn hoá của nhiều ngành kinh tế trong vùng. Số ngành chuyên môn hoá của các vùng kinh tế tổng hợp tăng lên không có nghĩa là trình độ chuyên môn hoá của chúng giảm xuống, bởi vì sự chuyên môn hoá của vùng phản ánh mối quan hệ của vùng với nền kinh tế của cả nước hoặc với nhiều vùng kinh tế tổng hợp khác.
Vùng kinh tế tổng hợp gồm có hai loại: Vùng kinh tế cơ bản và vùng kinh tế hành chính
a- Vùng kinh tế cơ bản: là vùng có diện tích rộng hơn ngành sản xuất chuyên môn hoá nhiều hơn và sự phát triển tổng hợp của vùng cũng phức tạp hơn so với vùng kinh tế hành chính. Vùng kinh tế cơ bản chỉ có ý nghĩa và chức năng kinh tế. Do đó tác dụng chủ yếu của vùng kinh tế cơ bản là giúp cho việc nghiên cứu lập các chương trình kế hoạch dài hạn về phát triển kinh tế xã hội tầm quốc gia được xác đáng, giúp cho việc phân bố hợp lý sản xuất trong cả nước và giữa các vùng giúp cho việc xây dựng tốt hơn mối liên hệ kinh tế giữa các vùng cũng như trong cả nước và giúp cho việc phối hợp tốt nhất giữa các vùng trong vấn đề khai thác một cách có hiệu quả nhất mọi nguồn tài nguyên, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật... của đất nước, hình thành và điều tiết các cân đối lãnh thổ lớn, định hướng các chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ tầm vĩ mô.
b- Vùng kinh tế hành chính là vùng không những có chức năng kinh tế mà còn có chức năng hành chính. Vùng kinh tế hành chính là kết quả của sự thống nhất giữa quản lý kinh tế với quản lý hành chính, là những vùng hành chính được xây dựng theo nguyên tắc kinh tế, ranh giới hành chính và kinh tế thống nhất.
Do ý nghĩa và chức năng kinh tế của nó, cho nên vùng kinh tế hành chính cũng có đầy đủ hai nội dung cơ bản của một vùng kinh tế tổng hợp là chuyên môn hoá sản xuất và phát triển kinh tế tổng hợp. Bản thân vùng kinh tế hành chính cũng là một tổng hợp thể kinh tế xã hội. Do ý nghĩa và chức năng hành chính của nó cho nên mỗi vùng kinh tế hành chính cũng là một đơn vị kinh tế trong phân cấp quản lý có bộ máy, có ngân sách riêng và có thị trường địa phương. Những cơ quan chính quyền của vùng kinh tế hành chính thi hành chức năng quản lý hành chính đồng thời cùng thực hiện chức năng quản lý kinh tế. Dân số cũng như diện tích của vùng kinh tế - hành chính phải tuỳ thuộc vào khả năng và trình độ quản lý kinh tế và hành chính, chứ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố kinh tế.
ST