dulichfidi
New member
- Xu
- 0
CÁC KHU DU LỊCH BIỂN MIỀN TRUNG - VIỆT NAM P2
Miền trung nổi tiếng với các khu du lịch biển đẹp và thơ mộng. Là nơi thích hợp để du lịch và nghĩ dưỡng. Fiditour giới thiệu đến quý bạn đọc sơ lược về các khu du lịch ở Miền Trung.
9. Bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị)
Từ cầu Hiền Lương nối đôi bờ Vĩnh Linh và Gio Linh, đi khoảng 10 km về phía đông bắc, bạn có thể nhìn thấy bãi biển xinh đẹp này. Cửa Tùng như một điểm nhấn đẹp đẽ và nên thơ trong cả một vùng cửa biển.
Đứng trên mỏm đồi đất đỏ ăn ra phía biển nhìn xuống Cửa Tùng, người ta có thể thấy một quang cảnh tuyệt đẹp trải ra trước mắt. Ở đây bãi tắm là một bãi cát thon dài nằm phơi mình dưới làn nước xanh, êm đềm trong vòng tay bao bọc kỹ lưỡng của thiên nhiên. Hai bãi đá ngầm ăn sâu ra biển từ hai phía là Mũi Si và Mũi Lai tạo thành một vịnh nhỏ kín đáo và không có các dòng hải lưu cuốn xoáy. Độ thoai thoải của bãi tắm cũng chính là điểm đặc biệt hấp dẫn du khách của Cửa Tùng. Từ bờ ra phía ngoài khơi, lao mình vào làn nước biển, bạn có thể đi mãi như vậy đến nửa cây số mà nước mới chỉ đến ngang ngực.
Nơi đây có nhiều hải sản quý và ngon có tiếng như mực nang, tôm he, tôm hùm, cá chim, cá thu, cá nụ và cá đé với cách chế biến món ăn rất đặc biệt của dân địa phương.
Du khách có thể lang thang trong vùng biển này để tìm đến với làng biển Cát Sơn hằng trăm năm nay đã nổi tiếng với những nghề như đánh cá, bịt trống, mộc và khảm xà cừ.
Bạn cũng có thể tìm ra ở đây ngôi nhà nghỉ mát của vua Duy Tân được xây dựng năm 1896. Ngoài ra, còn có những ngôi nhà cổ vốn xưa là nơi nghỉ của các cố đạo và tu sĩ. Tuy nhiên, những dấu ấn lịch sử không chỉ có vậy. Cửa Tùng còn là tâm điểm của đường phân chia giới tuyến quân sự: Vĩ tuyến 17 nổi tiếng với nhiều đau thương và mất mát. Và đằng xa, cách bờ biển hơn 30 km chính là đảo Cồn Cỏ anh hùng.
10. Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)
Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhìn ra phía tây ta sẽ thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên giữa biển như một chiến hạm đang trấn giữ ngoài khơi; đó chính là đảo Cồn Cỏ, còn có tên gọi khác là đảo Con Hổ, đảo Hòn Mệ.
Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Vĩnh Linh khoảng 30km. Đảo như một tiền đồn giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía đông Tổ quốc. Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.
Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía tây ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn tím nhạt chạy dài. Chính nhờ vị trí đó mà Cồn Cỏ giữ một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc đụng đầu lịch sử khi đất nước ta còn chia cắt hai miền Nam- Bắc.
Thực vật trên đảo khá phong phú, đảo nhỏ nhưng vẫn có rừng, có đồi tranh rậm rạp chiếm 3/4 diện tích đảo. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có; có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt; có cây thân thẳng, da nhẵn như cây ổi nhưng rất to cao, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra có màu đỏ như máu nên gọi là cây “dầu máu”. Lại có loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, góp phần giúp người che nắng, che mưa. Trên đảo còn có cả những rừng bàng, vào mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng như điểm tô cho đảo. Các giống cây ăn trái được thì có đu đủ, chuối, dâu da... Giống nào cũng xanh tốt, vừa cung cấp thực phẩm cho lính đảo, vừa làm nơi trú ngụ cho chim trời về góp vui với họ. Để làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, năm 1989, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái. Với tinh thần tự lực tự cường, các chiến sĩ canh giữ đảo còn trồng thêm rất nhiều loại rau, hoa và cây cảnh, mùa nào thức nấy, làm cho bộ mặt của đảo ngày càng thêm tươi đẹp.
Thế giới động vật trên đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng cũng khá độc đáo. Trên trời thì có chim cu cườm, chim én thay nhau gửi đến con người những tín hiệu bình yên. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ nhưng rất độc, có thể dùng làm thuốc. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, dài khoảng một sải tay, độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn là loại thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi rất được nhiều người ưa chuộng. Dưới biển thì có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Ngoài ra, ở bờ biển Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ...
11. Bãi tắm Mỹ Thủy (Quảng Trị)
Bãi tắm Mỹ Thuỷ cách thị trấn Hải Lăng 18km về phía Đông, cách thị xã Quảng Trị 26km về phía Đông Nam, cách thành phố Huế 50km về phía đông bắc, thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bãi tắm Mỹ Thuỷ là một bãi tắm nguyên sơ, duyên dáng kỳ lạ. Nơi đây có bãi cát trắng dài, phẳng mịn và sạch. Môi trường khá lý tưởng. Hàng năm vào mùa hè có rất nhiều du khách đến tắm nơi đây. Bãi biển Mỹ Thuỷ còn là nơi hấp dẫn khách du lịch từ thành phố Huế ra nghỉ ngơi, tắm biển.
12. Bãi biển Lăng Cô (Huế)
Nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Huế 80km về phía Nam, và chỉ cách khu Bạch Mă 24km, bán đảo Lăng Cô nổi bật hẳn lên giữa biền trời xanh thẳm, với biển êm, nắng ấm và dải cát trắng thoai thoải như khoác cho bán đảo Lăng Cô vẻ đẹp huyền bí...
Bãi biển Lăng Cô dài 10km, cảnh quan có núi, rừng và biển, Lăng Cô cũng là địa điểm lý tưởng để phát triển nhiều loại hình giải trí khác như lặn biển, lướt sóng, leo núi... khá lý tưởng trong tương lai. Tại đây, quý khách có thể đi tham quan thắng cảnh Chân Mây, suối Mơ, suối Hói Cam, nơi có những rừng cây, bãi đá, khe suối, mộc mạc và hoang sơ, thấm đượm hương rừng thơ mộng.
Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng oi bức, nhiệt độ trung bình khoảng 25oC vào mùa hè, Lăng Cô là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển. Ban ngày, du khách có thể vui đùa thỏa thích bên những con sóng lăn tăn xanh trong. Không gian tĩnh lặng của núi rừng và biển hẳn sẽ là điều thú vị để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.
Hơn thế nữa, Lăng Cô êm đềm luôn nhận được những tặng vật của biển với nhiều loại như tôm, cua, mực. Đặc biệt Lăng Cô còn có một sản vật quý đã được xuất khẩu sang các nước Châu Á, đó là cá ngựa - một loài cá biển có thể dùng làm phương thuốc quý. Cạnh đó, đầm Lập An có cơ man nào là cá nước lợ. Và ở đây du khách sẽ được dịp thưởng thức chất nước ngọt lịm của trái dừa tươi vừa hái từ trên cây xuống.
Nếu thích câu cá, du khách có thể đến thăm làng chài Lăng Cô, người dân chài hiếu khách sẽ sẵn sàng cùng bạnlênh đênh trên mặt đầm Lập An câu cá đối khi bóng chiều dần buông.
Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân - Hải Vân Quan một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực đó còn có hòn Sơn Trà, tại đây còn bảo tồn nhiều loại động, thực vật hoang dã.
Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động - thực vật hoang. Khác với biển Thuận An "ồn ào, quyến rũ", Lăng Cô lại là một vùng biển hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn, mặt nước biển xanh trong. Nơi đây còn có rừng nhiệt đới rộng lớn, xa xa là những dãy núi nhấp nhô đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn.
Từ Lăng Cô, vào những ngày đẹp trời, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan khu vườn quốc gia Bạch Mã. Trên tuyến quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẵng, cách Huế khoảng 60km, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Đông còn có bãi tắm và nghỉ mát lý tưởng mang tên Cảnh Dương. Kế bên bãi biển Lăng Cô này là một Chân Mây với làn nước yên ả, bãi tắm rộng, bằng phẳng hòa hợp cùng làn nước biển trong xanh và âm thanh reo ca của rừng dương nằm sát bãi tắm.
Người ta nói rằng xưa kia ở Lăng Cô là một làng chài phủ có nhiều cò trắng bay về tụ hội sinh sống. Khi người Pháp tới xâm lược và chế ngự Thừa Thiên Huế, lúc ghi địa danh lên bản đồ, người Pháp ghi tiếng Việt là "Làng Cò" nhưng không bỏ dấu, thành ra là "Lang Co", lại đọc lên với giọng cứng ngắt, nghe như "Lang Cô", từ đó phát sinh tên Lăng Cô với giọng nặng người Thừa Thiên. Cũng chính vì thế mà Lăng Cô ngày nay được mệnh danh là "người đẹp làng chài".
Bởi Lăng Cô nằm giáp danh giữa Huế và Đà Nẵng nên nếu có thể du khách lên đỉnh đèo Hải Vân, ngắm nhìn xa xa là làng chài và bãi tắm Lăng Cô đẹp như một bức tranh hay toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Tại đỉnh đèo du khách không chỉ cảm nhận được không khí trong lành của vùng cao mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã mà chỉ nơi đây mới có.
13. Bãi biển Thuận An (Huế)
Bãi Biển Thuận An: Cửa biển Thuận An có khẩu độ rộng hơn 1 km, là điểm hội tụ của nhiều đầm, phá và là nơi hợp lưu nhiều con sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Trong lịch sử, cửa biển Thuận An đã từng giữ một vị trí quan trọng về quân sự, giao thông vận tải, kinh tế và thương mại.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12 km, bãi biển Thuận An có phong cảnh đẹp, vừa là bãi tắm lý tưởng. Có thể đi đến biển Thuận An bằng các phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, mô tô, xe đạp, ... hay bằng thuyền trên sông. Hiện nay, bãi biển thuận An đang bị nguy cơ sạt lỡ nghiêm trọng.
14. Bãi biển Bắc Mỹ An (Đà Nẵng)
Bãi biển Bắc Mỹ An nằm trong địa phận phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 7km về phía đông nam.
Với chiều dài bờ biển gần 4km, bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh và khu nghỉ mát Furama Resort đạt tiêu chuẩn 5 sao, Bắc Mỹ An được du khách biết đến như là một nơi nghỉ dưỡng biển ngang tầm quốc tế.
Trước năm 1975, Bắc Mỹ An chỉ là bãi tắm tự nhiên. Sau ngày thành phố giải phóng, nhà nước xây dựng ở đây một nhà nghỉ và một viện điều dưỡng để phục vụ nhu cầu an dưỡng của cán bộ công nhân viên chức của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).
Khu vực Bắc Mỹ An có năm điểm được xem là bãi tắm đẹp gồm: bãi tắm T18, Mỹ Đa Đông 2, Mỹ Đa Đông 3, Bắc Mỹ An và khu vực khách sạn Furama với sức chứa khoảng 8.000 khách/ngày. Ngoài khu du lịch Furama, tại bãi tắm Bắc Mỹ An còn có một số cơ sở dịch vụ của T18, Công ty Danatours và một số hàng quán của tư nhân dọc theo bãi biển với giá cả phải chăng. Vì vậy, du khách đến với bãi tắm Bắc Mỹ An, tùy theo hoàn cảnh và khả năng tài chính, có thể lựa chọn cho mình một địa điểm nghỉ ngơi thích hợp.
15. Bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)
Bãi biển Mỹ Khê thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 2km.
Bãi biển Mỹ Khê - một địa diểm du lịch nghỉ ngơi, tắm biển hấp dẫn - có chiều dài khoảng chừng 900m, thuộc vào loại nhộn nhịp nhất trong số các bãi tắm của Đà Nẵng.
Bãi tắm có thuận lợi là ở gần thành phố, không gian rộng, phong cảnh đẹp và có đầy đủ dịch vụ có chất lượng: khách sạn, nhà hàng, giữ xe, tắm nước ngọt, cho thuê dù, phao bơi, hệ thống cứu hộ gồm chòi canh, phao cứu sinh, cờ báo hiệu vùng nước xoáy và lực lượng cứu hộ túc trực ngày đêm, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có người bị nạn. Bãi tắm có khu biệt thự sang trọng hơn 100 phòng nằm sát biển, thích hợp cho những hộ gia đình, cơ quan đến nghỉ dưỡng, sinh hoạt cuối tuần. Khách sạn Mỹ Khê với hơn 50 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi; dịch vụ Massage, Karaoke; nhà hàng đặc sản, quầy Bar... cùng một lúc có thể phục vụ hàng trăm khách. Hàng chục hàng quán nằm ven bãi tắm, có đầy đủ các món ăn đặc sản miền biển như tôm, cua, cá, mực, hải sản, bào ngư... với giá cả phù hợp túi tiền của nhiều đối tượng khách.
Biển Mỹ Khê còn là nơi có các loại rong tảo quí như rong câu chỉ vàng, rong câu chân vịt có giá trị xuất khẩu cao. Môi trường du lịch trong khu vực tương đối tốt. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã xây dựng xong cầu Sông Hàn nối liền hai khu vực Đông và Tây, rất thuận lợi cho việc đi lại.
16. Bãi biển Non Nước (Đà Nẵng)
Bãi tắm Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Bãi tắm Non Nước trải dài 5km, như một vòng cung xanh nằm dọc chân núi Ngũ Hành Sơn, bên thềm cát trắng.
Bãi tắm Non Nước với các tố chất có được từ độ sóng, khí hậu, thời tiết, độ mặn...nên phù hợp với các loại hình thể thao trên biển, nhất là môn trượt sóng (surfing). Vào năm 1993, tại đây đã diễn ra cuộc thi trượt sóng quốc tế với sự tham dự của gần 40 vận động viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Đến với Non Nước, ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển, du khách còn có thể kết hợp viếng thăm thắng tích Ngũ Hành Sơn, nơi có những ngôi chùa cổ, các hang động, thâm nghiêm, hoành tráng; dạo quanh làng đá mỹ nghệ ngay dưới chân núi hoặc làm một cuộc du thuyền trên sông Cổ Cò để thả hồn cùng non nước Ngũ Hành Sơn.
Quản lý và khai thác bãi tắm Non Nước hiện nay là Công ty Du lịch Non Nưóc. Công ty có cụm 3 khách sạn gồm hơn 100 phòng nghỉ ngay trước biển và các dịch vụ tắm biển, giải trí như: chụp ảnh lưu niệm, quầy bán hàng mỹ nghệ, massage, nhà hàng, sân tennis và một số dụng cụ tập thể dục, vui chơi trên biển...Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động một khu du lịch liên hoàn bao gồm các loại hình khách sạn, nhà hàng ven biển, khu chiêu đãi ngoài trời, phòng họp, phòng hội thảo, hồ bơi, các sân tennis phục vụ du khách…