Các dấu hiệu của thơ tượng trưng trong bài "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ

Bút Nghiên

ButNghien.com
Các dấu hiệu của thơ tượng trưng trong bài "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ
ThS. Nguyễn Thị Gấm​


Bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, xuất hiện lần đầu trên báo Ngày nay (số Tết 1940), in lại trong Xuân Thu nhã tập (1942) là một trong những bài thơ tiêu biểu mở đầu cho thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam. Bài thơ đã được tác giả của Thi nhân Việt Nam vinh danh: "Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế"(1). Sự tinh tế và kín đáo ấy của Màu thời gian phải chăng được tạo nên bởi các đặc trưng của thơ tượng trưng, bởi sự thức tỉnh của giác quan và tâm hồn tác giả?

Giáo sư Trần Đình Sử khi bàn về thơ tượng trưng trong cuốn Những thế giới nghệ thuật thơ đã khẳng định: Chủ đề của thơ tượng trưng là "tiếng nói của thế giới, là khát vọng tìm kiếm cái bí ẩn ở đằng sau, bao gồm bản chất thế giới, các hiện tượng của tâm linh con người, của thế giới cảm giác và vô thức"(2). Khác với các bài thơ tượng trưng nói "tiếng nói của thế giới", Màu thời gian bày tỏ và khơi gợi trong chúng ta cái khát vọng kiếm tìm sự bí ẩn của thế giới tâm linh, thế giới cảm giác của con người đằng sau lời thơ, sau mỗi hình ảnh thơ và từ, ngữ. Bắt đầu từ nhan đề!

Nhan đề Màu thời gian bản thân nó là một câu đố có tính triết học, mới nghe qua tưởng chừng như đã có sẵn lời giải trong đó nhưng hoá ra không phải! Muốn hiểu được bề sâu tầng ý nghĩa của Màu thời gian, phải đọc toàn bộ bài thơ, và phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới phần nào hiểu được cái dụng ý của thi nhân. Thời gian là phi vật thể, cho nên nó không màu, không mùi, không vị. Đặt vấn đề xác định "màu" của thời gian, Đoàn Phú Tứ dường như muốn kể câu chuyện về đời người, cũng là câu chuyện về đời mình - "một câu chuyện tâm tình"(3).

Trước khi nguồn gốc của bài thơ được chính những người bạn thân của Đoàn Phú Tứ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập làm sáng tỏ, bất cứ người nào đọc bài thơ có lẽ cũng đều có chung một cảm giác như nhà nghiên cứu Nguyễn Sơn khi cho rằng đó là một bài thơ "không hiểu nổi", "nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng nước chảy… nó lung linh như một khúc nhạc thiều..., nó chập chờn như một bóng Liêu Trai!"(4). Nghĩa là người ta chỉ biết nó "hay" nhưng hay như thế nào thì không dễ gì mà nói cho rõ ràng mạch lạc được. Bởi lẽ, từ khi ra đời, thơ tượng trưng đã luôn mới mẻ và khó hiểu; người đọc thơ có cảm giác, có linh cảm về những điều thầm kín nhà thơ đang diễn tả, nhưng không có mấy người đọc gọi được tên những điều thầm kín, những điều bí mật ấy cho nên đành "kính nhi viễn chi", thích thì thích vậy chứ thực sự cũng chẳng hiểu bài thơ nói gì.

Bài thơ gồm 18 dòng, chia thành 5 khổ. Hai khổ đầu mỗi khổ 3 dòng, viết theo thể tự do, các dòng thơ dài ngắn đan xen. Ba khổ cuối mỗi khổ 4 dòng, viết theo thể thơ cổ: ngũ ngôn và thất ngôn. Toàn bài thơ có đến hơn 2/3 số từ mang thanh bằng (71/101). Điệp ngữ: Màu thời gian, Hương thời gian; Điệp âm: anh; Hệ thống hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: tiếng chim thanh, gió xanh… Tất cả tạo cho lời thơ một âm điệu khoan thai, nhịp nhàng, đọc lên thấy ngân nga, vang xa, tác động trực tiếp vào giác quan và tâm hồn độc giả.

Trong ý niệm của riêng tôi, bài thơ bao giờ cũng đẹp như một bức tranh lập thể. Các họa sĩ tranh lập thể thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật cắt dán: đem các mảnh vụn khác nhau của đời sống mà ghép lại thành một chỉnh thể, để người xem có thể thưởng thức nó từ nhiều góc độ. Cùng với trí tưởng tượng bay bổng, người xem thấy được các lát cắt khác nhau của đời sống con người và xã hội loài người. Bài thơ Màu thời gian có sự đan xen giữa các mảnh vụn của hiện tại và quá khứ với những hình ảnh vừa thuần tuý vừa tượng trưng, gợi ấn tượng về thời gian. Thời gian được nhìn nhận như một vật thể có màu, có mùi, một sinh thể được cấu tạo bởi hai phần: vật chất và tinh thần. Đó là một thời gian biến ảo linh hoạt, sống động. Dấu ấn của sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ thể hiện ngay trong sự kết hợp đầy dụng ý của tác giả giữa thể thơ tự do (hiện tại) và thể thơ cổ (quá khứ).
Ba dòng đầu của bài thơ là câu chuyện của hiện tại:

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình


Lắng nghe lời tâm sự của nhà thơ, ta cảm nhận ý thơ toát lên niềm hân hoan dịu nhẹ về một tình yêu trong hiện tại, một tình yêu mới, nên thơ, đầy ý vị mà tác giả rất nâng niu, trân trọng. Lẽ tất nhiên là cảm nhận này được gợi từ mỗi hình ảnh thơ: Sớm nay, tiếng chim thanh, gió xanh, hương ấm, xuân tình; nhưng nếu tách rời hình ảnh thơ ở khổ đầu với các khổ sau thì lời thơ tự nó cũng không còn mang ý nghĩa ấy nữa.

Nếu ba dòng thơ đầu là câu chuyện của hiện tại thì những câu thơ tiếp (khổ II, III, IV) lại là hồi ức về quá khứ hay câu chuyện về một thời đã xa.

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Thi nhân Việt Nam (Sđd, trang 102) đã có những chú giải thú vị về ba câu thơ này. Trong đó, Tần Phi là tên thi nhân tự đặt, dựa trên một tích cổ: xưa có người cung phi của Hán Võ Đế là nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua xem mặt vì sợ vua trông thấy nét mặt tiều tụy của mình sẽ hết yêu. Ngàn xưa không lạnh nữa nghĩa là chuyện xưa đã hầu quên, nay nhớ lại lòng thấy nôn nao. Hình ảnh ở câu thứ ba chỉ hồn của nhà thơ. Nhà thơ muốn nói dâng hồn mình cho người yêu nhưng không nói được vì nói như thế sẽ sỗ sàng, bởi tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ.

Cái thú vị, tinh tế của thơ tượng trưng là ở chỗ các thi sĩ tượng trưng thường hay dùng những hình ảnh tượng trưng để mã hóa những điều thầm kín trong lòng mình. Thơ tượng trưng, vì thế, chỉ miêu tả cái biểu đạt mà che giấu cái được biểu đạt. Cũng như các nhà tượng trưng khác, Đoàn Phú Tứ khắc phục tính hơi lộ và ít hàm súc của thơ lãng mạn bằng cách hạn chế những lời giải thích, trình bày trực tiếp tình cảm và ý nghĩ để người đọc tự tìm hiểu, khai mở và chiếm lĩnh vẻ đẹp riêng của mỗi hình ảnh thơ.

Cái được biểu đạt của những hình ảnh thơ trên về sau này cũng được Vũ Đình Hòe, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Xuân Khoát - những người bạn của nhà thơ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập - tiết lộ phần nào. Thực ra, bài thơ và tứ thơ được gợi hứng từ câu chuyện “bí mật" về một người đẹp bên Hồ Tây - người con gái quê ở Huế, thường mặc áo lụa tím và chơi đàn dương cầm tuyệt hay. Theo Nguyễn Lương Ngọc, đó là "một thiếu nữ con nhà sang, người mềm mại, mặt đẹp", đặc biệt là đôi mắt "bồ câu" "mở tròn", đen láy. Vũ Đình Hòe thì cho rằng Đoàn Phú Tứ của ngày ấy đã "si giai điệu và si giai nhân", mỗi lần được ngắm nhìn nàng và nghe tiếng đàn thánh thót của nàng, hồn chàng "như bị hút vào không trung"(5). Được một thời gian, nghe tin nàng ốm nặng, Đoàn Phú Tứ bạo dạn xin vào thăm nhưng nàng đã từ chối. Có lẽ, trong cảm nhận của thi nhân - người bị từ chối, tâm trạng của nàng lúc ấy cũng giống với Tần Phi. Chuyện đã qua lâu nhưng khi nhớ lại, cõi lòng nhà thơ lại như đang cồn cào, nôn nao, khó tả. Phải chăng từ những xúc cảm đó, những hình ảnh của Màu thời gian đã viên thành!

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Nếu nói "tượng trưng là sự thăng hoa của tri giác và cảm giác, nó không chứng minh gì, mà làm nảy sinh một trạng thái ý thức, nó phá vỡ mọi ngẫu nhiên, nó là biểu hiện cao nhất, tinh thần nhất mà nghệ thuật có thể có được"(6) thì cả bài thơ nói chung và khổ thơ này nói riêng đã thể hiện được điều đó. Thời gian trong bài thơ là tượng trưng. Nó không phải thời qian vật lí mà là thời gian tâm trạng, thời gian của sự trầm tư. Do đó, nó "không làm cho mọi sự vật biến mất, mà là hình thức tồn tại và lưu giữ của tình cảm con người", trong đó “tình người làm cho thời gian trở thành có hương sắc"(7).

Trong quan niệm của người Pháp, thời gian có màu xanh - màu của niềm tin và hy vọng. Trong quan niệm của Đoàn Phú Tứ, màu thời gian không xanh mà tím ngát. Đoàn Phú Tứ yêu màu tím - màu tím Huế thương, yêu hoa tím, yêu màu áo tím của giai nhân, "mầu hoa lẫn với mầu yêu"(8). Trong tâm thức người phương Đông, màu tím tượng trưng cho tình yêu, cho sự thủy chung, màu tím là màu của tình yêu. Thời gian được cảm nhận bằng tâm hồn yêu nên thời gian mang màu tím. Cũng như "màu thời gian", "hương thời gian" cũng là "hương yêu", một tình yêu đã qua lâu rồi nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng. Màu được cảm nhận bằng thị giác. Mùi hương được cảm nhận bằng khứu giác. Màu thời gian và hương thời gian được cảm nhận không chỉ bằng thị giác, khứu giác mà bằng sự phối kết hợp một cách hài hòa, tinh tế của các giác quan nên đã gợi liên tưởng đến màu tình yêu và hương tình yêu: vừa cụ thể, vừa nhiều mộng mơ; vừa trần tục, vừa thanh cao thoát tục.

Vẫn là câu chuyện của quá khứ, từ quá khứ gần, ý thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi về quá khứ xa, và "càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ" (Hoài Thanh):

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng


Ý tứ của những câu thơ trên cũng bắt nguồn từ tích cũ. Đó là chuyện nàng Dương Quý Phi hồi mới vào cung, vì hay ghen nên bị vua Đường Minh Hoàng giam ở một nơi. Sau đó, nhân một lần vua cử người đến thăm, Dương Quý Phi đã cắt tóc dâng vua để đáp lại mối tình trìu mến của vua và giãi bày nỗi nhớ của mình. Đoàn Phú Tứ đã kết hợp chuyện này với chuyện Tần Phi ở trên thành câu chuyện tưởng tượng về người giai nhân trong lòng nhà thơ. Phải chăng nhà thơ đang tưởng tượng người đẹp cũng có tình cảm với mình, hay nhà thơ đang hy vọng tình cảm chân thành của mình sẽ được đền đáp? Thật khó có thể đưa ra kết luận sau cùng. Vì thơ ca là tiếng nói của linh cảm, của bản năng, của vô thức ; cho nên lời lẽ thơ ca là không chính xác, là lấp lửng, mơ hồ. Có lẽ vì thế mà dù đã biết được nguồn gốc cảm hứng của bài thơ, ta vẫn không cảm thấy lời thơ thô tục, ý thơ nhàm chán. Ngược lại, lời thơ càng trở nên đẹp đẽ, ý thơ tiếp tục chuyển từ quá khứ về hiện tại và câu thơ vẫn giữ được "cái vẻ huy hoàng và trang trọng"(9) của nó.

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thủa còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát


Nói duyên trăm năm đứt đoạn chủ yếu nói về sự đổi thay của hoàn cảnh, sự biến hoá của đời người. Nói "tình một thủa còn hương" là nói tới sự bền vững, thuỷ chung của tình cảm con người. Và tình cảm của con người chính là sắc màu đẹp nhất, hương thơm thanh khiết nhất của thời gian.

Ngoài những đặc trưng về chủ đề, về cách sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng…, và đặc điểm của lời thơ, tư duy thơ…; thơ tượng trưng còn có một đặc trưng quan trọng nữa mà ta không thể không nhắc tới. Đó là tính nhạc, là âm nhạc trong thơ. Nếu thơ trữ tình chính là bản tự thuật về đời sống nội tâm của con người thì, âm thanh, âm nhạc chính là phương tiện biểu hiện của nội cảm. "Âm nhạc mà thơ tượng trưng tìm kiếm không phải là thứ âm nhạc hùng hồn, sôi nổi, mà êm dịu, nhưng có sức rung động sâu xa. Nhạc điệu có đôi khi ta không cảm thấy rõ rệt, tuy nó vẫn có: nó thấm dần vào lòng ta, len lấn, lê thê khiến ta bâng khuâng ngây ngất. Đó là thứ nhạc điệu làm cho độc giả đi vào cõi mộng"(10).

Tìm hiểu Màu thời gian, ta nhận thấy dấu ấn đậm nét của âm nhạc trong tác phẩm này. Trong cả bài thơ, dường như mỗi từ là một nốt nhạc. Và cả bài thơ là một bản nhạc du dương, êm đềm, gợi cảm. Nhạc tính của bài thơ bộc lộ trong cách gieo vần, sử dụng hình ảnh, từ láy, điệp từ, điệp ngữ. Đặc biệt, với điệp ngữ màu thời gian, hương thời gian và sự trở lại của hai cụm từ này ở khổ cuối bài thơ đã cho thấy sự vận động của dòng ý thức: lộn xộn, phức tạp và bí ẩn của một hồn thơ lãng mạn nhưng không xa rời thực tế, không mang tinh thần bế tắc, yếm thế, mà "muốn tìm một khía cạnh mới ở chiều sâu thời gian vĩnh viễn, huyền thoại, đem lại những cảm xúc siêu thoát, nhẹ nhàng"(11). Bạn bè của Đoàn Phú Tứ cho biết ông không phải là típ người sống phi thực tế, cho nên những cảm nghiệm về thời gian ở đây chỉ có thể là sự cảm nhận trong bề sâu tâm hồn ông. Bài thơ không chỉ nói màu thời gian mà còn nói nhịp thời gian, điệu thời gian nữa. Đó là màu yêu, là nhịp tim, điệu hồn.

Các thi sĩ tượng trưng - "thi sĩ của linh hồn", "thi sĩ của những cái tôi thầm kín" yêu cầu: "Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng những cái gì có thể có và cả những cái gì không có nữa"(12). Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ đã thể hiện thành công yêu cầu đó. Với những cảm nhận mới mẻ về thời gian, bài thơ xứng đáng là một trong những đóng góp tiêu biểu của thơ tượng trưng trong công cuộc hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX
_________________________
(1), (3), (8), (9) Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941, Nxb. Văn Học, H, 1998, tr.102-104.
(2), (6), (7), (11) Trần Đình Sử: Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.68, 64, 83.
(4), (5) Văn Tâm: Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm, Nxb. Văn Học, H, 1995, tr.176, 184 -186.
(10) Đỗ Lai Thúy: Mắt thơ - Phê bình phong cách Thơ Mới, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, 2000, tr.200.
(12) Nhóm Dạ Đài: Bản tuyên ngôn tượng trưng.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 7.2008​
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top